Tôi cảm nhận cuốn sách “Hoa trên mộ Algernon” của tác giả Daniel Keyes mang theo nỗi buồn về kiếp người đau đáu nỗi niềm bản thân bị giới hạn, khao khát vượt qua giới hạn của tạo hóa để rồi nhận ra đôi khi sự hiểu biết đúng đắn có giá trị lớn lao hơn hành động sai lầm. Liệu có phải vì vậy mà càng lớn tuổi, càng khôn ngoan thì con người ta lại càng bao dung và dễ chấp nhận hơn là cố gắng sửa đổi mọi thứ?
Bìa trước sách "Hoa trên mộ Algernon"
Bìa trước sách "Hoa trên mộ Algernon"
Cuốn sách mở đầu với khoảng 60 trang đầu tiên tràn ngập lỗi chính tả và những câu cú ngây ngô từ chàng trai thiểu năng trí tuệ Charlie Gordon. Nếu đã quen đọc những cuốn sách được biên tập cẩn thận, rà soát lỗi chính tả kỹ lưỡng thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu với điều này. Tôi cũng thấy vậy. Nhưng sau khi đọc hết cuốn sách, tôi mới nhận ra dụng ý của tác giả.
Từ trang 60 trở về sau, Charlie đồng ý tiến hành cuộc phẫu thuật não bộ để khiến bản thân thông minh hơn như lời giáo sư Nemur, bác sĩ Strauss cùng các đồng nghiệp hứa hẹn. Cuộc phẫu thuật đã biến anh trở thành thiên tài khi thành thạo các ngôn ngữ khác nhau, hiểu biết toán học cùng các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác. Anh trở nên xuất sắc đến mức nhóm thí nghiệm không thể lường trước được. Người bạn đồng hành của anh trong thí nghiệm này là vật thử nghiệm: chú chuột Algernon.
Nhưng niềm vui làm thiên tài chưa được bao lâu thì Charlie đã nhận ra vai trò chính của thiên tài thường nằm trong những tấn bi kịch.
Bi kịch của thiên tài
Là một thanh niên thiểu năng trí tuệ, Charlie không bận tâm đến quá khứ hay tương lai. Anh luôn vui vẻ ở hiện tại. Là một thanh niên thiểu năng trí tuệ, Charlie không buồn bực, tự ái khi những người xung quanh đùa cợt, chế giễu anh. Anh luôn vui vẻ tin họ là bạn nên mới cười với mình. Là một thanh niên thiểu năng trí tuệ, Charlie không bận tâm đến sự nghiệp và gia đình. Anh bằng lòng với tiệm bánh nơi mình làm việc và có tiền lương để mua những thứ nhỏ bé mình thích.
Đó là cuộc đời của Charlie trước cuộc phẫu thuật. Anh không phải là người thành công, đáng ngưỡng mộ nhưng cũng không hề biết đến đau khổ hay hoài nghi cuộc đời. Thậm chí anh còn tin bản thân mình hạnh phúc, may mắn.
Thế rồi Charlie muốn được thông minh hơn. Anh nghĩ điều này sẽ giúp anh có thêm bạn bè và mọi người sẽ vui lòng về anh hơn (đặc biệt là mẹ anh). Cuộc phẫu thuật não bộ và quá trình phân tâm đã biến anh thành một phiên bản khác: Charlie Gordon thiên tài.
“Và họ nói chuyện về chính trị, về nghệ thuật và về Chúa. Trước đây chưa bao giờ tôi nghe ai bảo rằng có thể Chúa không hề tồn tại. Điều này làm tôi sợ, bởi vì lần đầu tiên tôi bắt đầu suy nghĩ xem Chúa có nghĩa là gì.
Giờ tôi hiểu một trọng những lý do quan trọng khi đi học đại học và được hưởng giáo dục là để biết rằng những thứ mà ta hằng tin suốt đời mình đều là không thật, và rằng không thứ gì giống với vẻ bề ngoài của nó.” (trang 94).
Charlie Gordon thiên tài này luôn bị ám ảnh bởi quá khứ và tương lai. Anh cũng cảm thấy phẫn nộ, buồn bực khi người khác chế giễu, mang mình ra làm công cụ thử nghiệm. Charlie Gordon thiên tài bị cuốn vào sự nghiệp khoa học để lưu danh muôn thuở cũng như không biết điều bản thân muốn rốt cuộc là gia đình êm ấm hay danh tiếng lẫy lừng.
Charlie đần thì không cần đến rượu, nhưng Charlie khôn thì lại cần đến rượu để sống. Khi quan sát, nghiên cứu hành vi và phản ứng của chú chuột Algernon, Charlie Gordon đã khám phá ra điểm kết thúc của nghiên cứu này. Kiến thức của anh đã mang đến cho anh câu trả lời.
Anh tiếc thương chú chuột, làm mộ và đặt hoa lên mộ nó trong những ngày cuối khi lý trí vẫn còn ở lại với anh.
Một con người mới tối ưu hơn nên được sinh ra, con người cũ nhiều hạn chế phải chết đi có lẽ là lý tưởng của chọn lọc nhân tạo. Đầu óc nhỏ bé của con người không thể thấy được cái toàn thể nhưng lại thích chỉnh sửa từng bộ phận trong cái toàn thể ấy. Tự nhiên không diễn ra theo cách này và công trình thay đổi số phận con người, thách thức tạo hóa của các nhà khoa học hóa ra lại chỉ càng củng cố thêm uy quyền của tạo hóa.
Bi kịch của thiên tài có lẽ là luôn cố gắng làm mọi điều đó họ muốn làm, thay vì làm điều họ cần phải làm. Hay nói cách khác, khi có quá nhiều năng lực, quá nhiều lựa chọn thì họ không còn biết điều gì là quan trọng nhất với cuộc đời mình nữa. Đóng giả là một đấng toàn tri trong khi bản thân còn nhiều vùng bất khả tri có lẽ là ý tưởng kỳ lạ nhất của con người từ xưa đến nay.
Bìa sau sách "Hoa trên mộ Algernon"
Bìa sau sách "Hoa trên mộ Algernon"
Điều con người cần ở nhau
Charlie thiên tài đã thích nghi với các mối quan hệ ra sao? Liệu mọi thứ có đúng như anh từng tin là: khi mình thông minh hơn thì sẽ có nhiều bạn bè hơn, cha mẹ sẽ tự hào về mình hơn?
Sự thật đôi khi lại không phải là như vậy. Hóa ra mọi người xung quanh chưa từng thực sự mong Charlie thông minh hơn vì chính bản thân anh: mẹ mong anh thông minh hơn để chứng minh với hàng xóm rằng mình đã sinh ra đứa con bình thường, còn nhóm nghiên cứu muốn anh để chứng minh nghiên cứu của họ là hiệu quả.
Những người đồng nghiệp ở tiệm bánh và cô giáo Kinnian thì bối rối, rồi trở nên tức giận với Charlie khi anh không còn ngốc nghếch, dễ đoán nữa. Anh chia sẻ những chủ đề trừu tượng, sâu sắc vượt quá tầm hiểu biết của họ và đối với họ thì đây là một sự xúc phạm.
Charlie đã được trải nghiệm hết những điều này để rồi anh nhận ra dù có não bộ thông minh hơn thì anh vẫn chỉ là một tên khờ khi tin rằng nếu thông minh thì mình sẽ được nhiều người chấp nhận, yêu mến. Não bộ anh thật mạnh mẽ trong khi trái tim thì không được như vậy. Kiến thức của anh đã không thể trả lời cho anh câu hỏi này.
“Trong mấy tháng qua tôi đã học được rất nhiều ,” tôi nói. “Không chỉ về Charlie Gordon mà còn về cuộc sống và con người, và tôi phát hiện ra rằng không một ai thực sự quan tâm đến Charlie Gordon, dù anh ta đần độn hay thiên tài. Vậy thì có gì khác đâu?”
Nemur cười lớn: “Ồ anh đang thương hại chính mình. Anh mong chờ điều gì nào? Chúng tôi tính toán sao cho cuộc thử nghiệm sẽ giúp anh tăng trí tuệ lên, chứ không làm cho anh trở nên nổi tiếng. Chúng tôi không kiểm soát những gì xảy ra với tính cách của anh, và từ một thanh niên thiểu năng, đáng yêu anh trở thành một tên khốn nạn kiêu ngạo, tự tôn và khó gần.”
“Giáo sư kính mến, vấn đề là ông muốn có một ai đó trở nên thông minh nhưng vẫn chịu bị nhốt trong lồng và đem ra trưng bày mỗi khi cần để mang lại cho ông thứ danh vọng mà ông vẫn tìm kiếm. Khổ nỗi tôi lại là một con người.” (trang 309).
Liệu chúng ta có thể thừa nhận và chung sống được một cách tốt đẹp với những người thông minh hơn chúng ta? Ngược lại những người thông minh hơn liệu có thể tôn trọng và chung sống một cách thân ái với những người bình thường?
Thông minh hơn có khiến bạn hạnh phúc hơn?
Kết cục của Charlie Gordon tôi xin dành lại cho bạn đọc tự khám phá. Bởi theo cảm nhận của tôi, đây là một cuốn sách xứng đáng để bạn dành thời gian đọc. Sẽ có những tiếng cười và có cả những phút thở dài. Nhưng tiểu thuyết như vậy vì cuộc đời vốn là vậy.
Là một gia sư, tôi liên tưởng đến những học sinh trẻ tuổi, tài năng tôi từng có cơ hội tiếp xúc. Nhiều em trong số đó có năng khiếu đặc biệt (thực ra tôi nghĩ em nào cũng có những tiềm năng đặc biệt, chỉ cần được hướng dẫn, ươm trồng đúng cách là sẽ đơm hoa kết trái thành tài năng). Tôi ngưỡng mộ nhưng cũng lo lắng cho các em.
Liệu các em có nhận thức được tài năng đó sẽ là món quà hay lời nguyền, khi xung quanh các em là con người chứ không phải những thiên thần? Đứng trước một đóa hoa đẹp, người ta sẽ nâng niu, bảo vệ để nó sinh trưởng tự nhiên hay sẽ thô bạo nhổ, ép khô để thêm vào bộ sưu tập rồi mang đi khoe khoang? Người ta yêu bông hoa vì nó là chính nó, hay sẽ yêu bông hoa vì công dụng của nó?
Những lo lắng xa xôi ấy đến khi tôi đọc những dòng miêu tả cảnh Charlie đặt hoa lên mộ Algernon. Bó hoa trên bục vinh quang và bó hoa đặt trên ngôi mộ đều là hoa- nhưng cảm nhận chúng mang lại sẽ không giống nhau.
Thiên tài thì cũng vẫn cần có trái tim. Nếu thiên tài không có trái tim và không cảm nhận được tình yêu thương, họ sẽ dùng tài năng của mình để chế tạo ra dây chuyền đau khổ và lắp ráp con người xung quanh theo cách họ tin là tối ưu nhất.
“Đừng hiểu lầm tôi,” tôi nói. “Trí tuệ là một trong những món quà tuyệt vời nhất của con người. Nhưng thường thì người ta vẫn để tâm tìm kiếm kiến thức chứ chẳng mấy khi tìm kiếm tình yêu. Đây là một điều nữa mà tôi vừa mới tự khám phá ra gần đây. Tôi sẽ trình bày với mọi người theo giả thiết sau đây: trí tuệ mà không có khả năng cho và nhận tình cảm sẽ dẫn đến hiện tượng suy sụp tinh thần và đạo đức, rối loạn thần kinh chức năng, và thậm chí rối loạn tâm thần. Và tôi nói rằng bộ não nào tự thẩm thấu, tự thu hút chính nó theo mục đích tự tôn, loại trừ mọi mối quan hệ con người với nhau, chỉ có thể dẫn tới bạo lực và đau khổ.”
“Khi còn thiểu năng, tôi có rất nhiều bạn bè. Bây giờ tôi chẳng có ai. Ồ, tôi quen rất nhiều người. Rất, rất nhiều người. Nhưng tôi chẳng có người bạn thực sự nào cả. Không giống như lúc tôi còn ở tiệm bánh. Không một người bạn nào trong cuộc đời này có ý nghĩa gì với tôi, và tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì với ai cả.” (trang 312).
Thay cho lời kết
“Hoa trên mộ Algernon” mang đến dư âm về đời người bé nhỏ nhưng hướng tới những điều lớn lao. Tôi cảm nhận ở họ có điều gì đó đang yêu nhưng cũng đáng thương.
Với tôi, có lẽ đặc trưng chẳng thể bàn đến tận cùng việc tốt xấu, đúng sai mà phải nghiền ngẫm là giá trị lớn nhất của những cuốn tiểu thuyết chân thực. Ai sinh ra là người thì cũng cố sống cuộc đời mình theo cách tốt nhất. Nhưng thế nào là tốt nhất thì đôi khi họ cần dành cả cuộc đời để tìm hiểu hoặc để chấp nhận chẳng có gì là tốt nhất.