Cảm nhận chung của tôi khi viết review về những cuốn sách từng đạt giải Nobel Văn chương thường giống nhau. Tôi không nghĩ mình hiểu hết ẩn ý, thông điệp tác giả muốn truyền đạt thông qua tác phẩm. Kể từ sau khi rời khỏi tác giả, tác phẩm tự nó có cuộc sống riêng. Vì vậy nó cũng sẽ có những suy nghĩ riêng, tâm tư riêng. “Đẹp và Buồn” của Kawabata Yasunari đạt giải Nobel năm 1968. Tôi không hiểu vì sao cuốn sách này (và một vài cuốn nữa tôi từng đọc) đạt giải Nobel với những áng văn buồn thê thảm, đào sâu vào nỗi tuyệt vọng của nhân sinh.
Liệu có quá chủ quan khi tôi cho rằng sớm, hay muộn ai rồi cũng có thể tự nhận ra điều ấy không nhỉ? Nhưng có lẽ, nhấm nháp sự buồn bã của một nhân vật hư cấu trong các tác phẩm văn chương khiến con người ta cảm thấy an lòng hơn là tìm thấy cùng cảm xúc ấy và tình huống ấy nơi chính mình. Các nhà văn hiểu thấu lẽ này nên đã chăm chỉ khai thác mảng đề tài quy về sự bất lực của con người hơn. Đa số họ là những con người có tầm nhìn trước thời đại hoặc rất thực tế. Nhưng không thể phủ nhận họ có tài.
Vì tài năng, họ nhận được giải thay vì sự thực là những tác phẩm của họ sáng tạo ra có giá trị đối với kiếp người (chỉ nhắc người ta về sự vô nghĩa của quá khứ, vô ích trong hiện tại và vô định nơi tương lai). Nếu các tác phẩm của nhà văn trở thành những con người thực, chúng có muốn người ta trao giải để được cấp quyền nhân bản ra thật nhiều thứ giống như chúng mà lại không phải là chúng ban đầu không nhỉ? Nhà văn tài năng là người bán được nhiều sách hay là người dùng sách cứu chuộc nhiều cuộc đời? Hay nhà văn tài năng là người không bao giờ quan tâm đến những việc đó mà chỉ quan tâm đến việc họ sinh ra là để viết?
Các câu hỏi này có liên quan đến nội dung của “Đẹp Và Buồn”. Nhà văn Oki vì yêu nên đã hủy hoại cuộc sống của cô gái trẻ Otoko. Vì tình yêu với Oki, Otoko đã mang thai từ khi còn rất trẻ. Nhưng cô mất con, mất thiên chức làm mẹ và sống lẻ bóng suốt quãng đời còn lại, để rồi có mối quan hệ phức tạp với nữ học trò Keiko. Tình yêu là thứ nghịch lý rõ ràng nhưng thường ma mị đến mức khiến con người ta dễ dàng bất chấp.
Mọi việc không dừng lại ở đó, dựa trên mối tình đau thương này, Oki đã viết ra một cuốn tiểu thuyết bán rất chạy mang tên “Cô gái mười sáu”. Cuốn sách mang đến cho Oki tên tuổi trên văn đàn và tiền bạc trong tài khoản. Còn nó khắc sâu nỗi đau của Otoko và sự tủi nhục của mẹ cô. Cũng giống như lúc Oki hủy hoại đời cô, ông làm hoàn toàn theo bản năng, không luân lý nhưng kèm chút lương tri yếu ớt vang vọng lại. Oki làm việc khiến ông cảm thấy cần phải làm và tôi tin đó là hình mẫu của con người trong đời thực: dù sở hữu học vấn, địa vị, tài sản, ngoại hình ra sao, họ vẫn thường làm theo bản năng. Thứ bản năng trần trụi, ích kỷ xây đắp đỉnh cao của kiêu hãnh kề cận vực thẳm của ngu muội. Tôi cảm nhận Oki không phải là người xấu. Chỉ là ông không có đủ cam đảm để làm người tử tế. Nếu ông coi kỷ niệm với Otoko là quá đủ, thì sẽ không có đêm ông ở khách sạn cùng Keiko, học trò của Otoko. Nhà văn là những người đi tìm cái đẹp? có lẽ bộ phim Nàng thơ (A Muse) sẽ nhắc cho chúng ta điều này. Mải mê tìm cái đẹp bên ngoài quá, một vài người trong số họ đã quên trau dồi cái đẹp bên trong.
Keiko xinh đẹp giống Otoko nhưng tính cách thì khác với cô giáo của mình. Cô muốn quyến rũ cùng lúc cả Oki lẫn con trai để trả thù cho Otoko. Cô không giấu giếm ý định này. Bởi cô yêu cô giáo của mình, bởi yêu nên hận. Đó là một nghịch lý rất cơ bản của tình yêu. Keiko muốn Oki cùng vợ phải nếm chịu nỗi đau mất con giống như Otoko từng chịu đựng, chịu sự đọa đày của nỗi thất vọng, mặc cảm tội lỗi vì đã có trách nhiệm trong cái chết của con. Mặc dù đoạn kết của tác phẩm không nói rõ là con trai của Oki đã nằm lại dưới hồ, nhưng giọt nước mắt của Keiko nói lên rằng cô đã đạt được điều mình muốn, đã chôn vùi thành công thêm một sinh mệnh, một niềm tin.
Tác phẩm kết thúc ở đó, có những người đẹp xuất hiện với mở đầu và kết thúc buồn. Nhưng thú thực, tôi không tìm thấy được vẻ đẹp nào ngoài những áng văn miêu tả thiên nhiên. Có vẻ đẹp nào trong nhân cách những nhân vật này không? Khi họ thuần túy sống với dục vọng cá nhân và mềm yếu đến nỗi tự hủy hoại đời mình vì sai lầm của người khác?
Mặc dù vậy tôi vẫn thấy được một điểm sáng trong cuốn sách này, đó là bài học về tính tiêu cực của sự hận thù. Người đi trả thù, dù thất bại hay thành công, cũng không thể trốn tránh nỗi đau họ phải gánh chịu. Keiko đã trả thù cho Otoko, nhưng đó không phải là điều mà Otoko muốn. Và liệu Otoko có đủ can đảm sống tiếp với cô gái dám ra tay với con trai của người đàn ông duy nhất mà cô từng yêu hay không? Keiko sẽ thanh thản sau khi ra tay với người đàn ông yêu cô, và có lẽ cô cũng yêu anh chứ? Nếu Keiko làm mẹ, liệu cô có thể an giấc khi biết rằng con của cô có lẽ sẽ phải hứng chịu trách nhiệm cho việc cô từng làm vào một ngày nào đó?
Người trả thù thường mù quáng, do đó thay vì trả thù, họ tạo ra thêm những hận thù mới, những dằn vặt mới chỉ bởi những vết thương cũ. Thay vì cầu siêu cho những bóng ma quá khứ, họ tiếp tục tạo ra thêm những bóng ma ám ảnh cả hiện tại, tương lai.
Trả thù không phải là món lễ vật tình yêu chờ đợi. Trong tình yêu, người ta thường tìm thấy sự tha thứ.
Thay cho lời kết
Với Haruki Murakami, tôi đọc “Rừng Na Uy” rồi dừng lại.
Với Higashino Keigo, tôi đọc “Bạch Dạ Hành” và cảm thấy chỉ cần như vậy.
Với Kawabata Yasunari, “Đẹp Và Buồn” là đủ.
Những tác phẩm của họ đẹp, nhưng buồn. Điều này không phù hợp với giá trị quan của tôi trong vai trò một nhà giáo dục. Nỗi buồn tự nhiên, lành mạnh, mộc mạc và tích cực. Nhưng với ngôn từ, tôi cảm thấy nỗi buồn trở thành lạnh lùng, xảo quyệt và màu mè.
Với những con người trẻ tuổi đang chật vật trên đường sống, liệu họ có cần thêm nỗi buồn để triệt tiêu nốt chút ý chí sinh tồn còn sót lại? Tôi nghĩ là không thực sự cần thiết. Với những tâm hồn mong manh, đang loay hoay vì mất phương hướng, thêm vào chút tối tăm có khiến họ nhìn thấy ánh sáng? Có lẽ không phải như vậy.
Mỗi chúng ta đều có một cuộc đời nên sống và đáng sống theo cách của riêng mình. Nỗi buồn là thứ nước tinh khiết có ích trong việc gột rửa tâm hồn nhưng có hại nếu người ta dùng chính thứ nước đó, chưng cất lên thành rượu để say sưa, chìm đắm.