[Review Phim] Through the Darkness – Tội ác không hoàn hảo
"Ánh sáng – Bóng tối, Chính trực – Tội ác, ranh giới tưởng chừng mờ nhạt, nhưng thực sự vững chãi hơn bất cứ thứ gì."
Những người đọc vị tội phạm
“Through the Darkness” lấy bối cảnh Seoul (Hàn Quốc) vào những năm 1990, cũng là thời điểm Hàn Quốc xuất hiện nhiều vụ án giết người tàn bạo với những thủ pháp chưa từng gặp. Dường như, không hề tồn tại thứ gọi là “động cơ” với những kẻ tội ác này; chúng liên tục giết người và trở thành những sát nhân hàng loạt đầu tiên được công bố rộng rãi ở Hàn Quốc. Bộ phim bắt đầu bằng vụ án “Mũ đỏ”, khi những tội ác và tội phạm chồng chéo lên nhau, khi cảnh sát không thể tìm được hung thủ, đành đánh đập, cưỡng ép nhận cung, đẩy người vô tội vào cảnh tù đày. Trong lúc cấp trên và đồng nghiệp cố gắng nhanh chóng đóng án, cảnh vĩ Song Ha Young lại quyết định tìm đến trại giam – thăm hỏi và nhờ một tên tội phạm cố vấn. Cuối cùng, bằng ý chí bền bỉ và sự để tâm đến những chi tiết nhỏ nhất, Song Ha Young đã tìm ra “Mũ đỏ” thật sự, kẻ tìm kiếm cảm giác an ủi từ cái xác lõa lồ của những người phụ nữ xa lạ. Ngày nhỏ, hắn phải chứng kiến cảnh cha ruột bạo hành mẹ mình: Người cha nhẫn tâm lột sạch quần áo vợ mình, kéo ra sân và không ngừng đánh đập. Mẹ hắn, chỉ biết khóc lóc cam chịu, từng trận đòn roi như giáng vào tâm trí đứa trẻ tư tưởng lệch lạc. Thế rồi, hắn đem những uất hận cùng sự phản kháng chưa từng được “thả” ra ngoài của mình, vào cái siết cổ thật chặt, hay mảnh quần áo bị xé toạc.
“Mũ đỏ” và những nạn nhân của hắn không có mối quan hệ gì với nhau, hắn lựa chọn mục tiêu một cách ngẫu nhiên và nhắm đến những ngôi nhà chỉ có phụ nữ (không có đàn ông). Thông tin cảnh sát phải nhờ đến sự giúp đỡ của tội phạm để phá vụ án “Mũ đỏ” khiến dư luận chỉ trích, chê trách, lên án sự “vô dụng” của cảnh sát. Nhằm xoa dịu điều tiếng này, Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul chính thức thành lập Nhóm Phân tích hành vi tội phạm. Thực ra, trước đó, trưởng phòng pháp y Yoon Tae Goo đã khẩn khoản yêu cầu thành lập đội này, vì anh tin rằng sát nhân hàng loạt sẽ sớm xuất hiện tại Hàn Quốc. Profiler, chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm, là một vị trí chưa từng xuất hiện trong lực lượng cảnh sát. Không ai hiểu những chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm này có tác dụng gì trong công cuộc điều tra, càng không ai đồng tình với việc cảnh sát “bắt tay” với tội phạm. Cảnh sát Hàn Quốc lúc bấy giờ chỉ có một mục tiêu duy nhất là “bắt được” tội phạm và chưa hề có hệ thống dữ liệu về tội phạm, cũng như “sát nhân hàng loạt” là một khái niệm quá đỗi xa vời với họ.
Đội Phân tích tội phạm bắt đầu công việc của mình bằng các buổi trò chuyện với đủ loại tội phạm, không ngừng xây dựng, lý giải và phân tích hành vi phạm tội của kẻ ác. Trái với dự đoán sẽ có 10 năm để chuẩn bị, tên sát nhân hàng loạt đầu tiên của Hàn Quốc đã lộ diện trong đầu những năm 2000. Đối tượng của hắn là những gia đình có điều kiện và học thức, hắn ra tay tàn bạo khiến cho nạn nhân không thể phản ứng lại. Hung khí của hắn là dấu hỏi lớn với cảnh sát, khi không thể tìm được đồ vật phù hợp với miêu tả vết thương chí mạng mà hung khí ấy để lại. Đội Phân tích, dù đã chính xác trong cuộc truy bắt gã tội phạm ấu dâm và phanh thây bé gái 5 tuổi, cũng vẫn phải nhận sự phản kháng từ các bộ phận cảnh sát khác. Đội Phân tích không được tiếp cận hiện trường, không được nhận báo cáo pháp y cùng các báo cáo khác về vụ án. Nhưng, Song Ha Young cùng các đồng nghiệp trong đội đã chứng minh được sự chính xác trong bản báo cáo phân tích chân dung tội phạm của mình. Dần dần, Đội Phân tích đã được tham gia phá án như các đội truyền thống khác.
Ranh giới mơ hồ giữa bóng tối và ánh sáng
Profiler là cảnh sát đóng vai chuyên gia tâm lý, là người hiểu tội phạm như chính chúng – thậm chí, còn rõ ràng hơn. Profiler phải tiếp xúc, nghiên cứu về tội phạm thông qua các buổi phỏng vấn và tái hiện hiện trường vụ án. Họ phải đi sâu vào tâm lý, sang chấn trong quá khứ của các nghi phạm, tội phạm tàn nhẫn; điều này đã phần nào ảnh hưởng, tác động đến tinh thần của họ. Profiler trong “Through the Darkness”, Song Ha Young, một người nhạy cảm và rất giàu cảm xúc, anh thấy được nỗi đau trong cục máu đã khô vón trên gương mặt đã trắng bệch của nạn nhân, còn cảm nhận được nỗi sợ cùng sự hoảng loạn phủ vây nạn nhân trong giây phút đối mặt với sát nhân bạo tàn. Dĩ nhiên, Ha Young cũng bị xoáy vào bóng tối đen kịt bao trùm kẻ ác: Càng hiểu chúng, càng thử “đóng vai” chúng, anh càng bị bóp nghẹt bởi cùng một sự nóng giận, nhẫn tâm đến cùng cực của chúng. Ha Young phải liên tục tự dấn thân vào bóng tối, đến mức anh đứng trên lằn ranh mỏng manh giữa bóng tối và ánh sáng. Cái lằn ranh vốn đậm nét đến không thể rõ ràng hơn đó, bỗng chốc trở nên mơ hồ, khiến anh không biết mình đang ở trong phạm vi của bóng tối hay ánh sáng nữa.
Chỉ một giây thôi, có thể anh sẽ trở thành một phần trong số chúng, bị đồng hóa, bị “nhập vai” thành tên tội đồ thực thụ. Cũng chỉ một giây ngắn ngủi thôi, thế giới xám nghét bỗng chốc điểm vàng – đó là, màu của bông hoa cài trên mái tóc bé gái, màu của tán ô mà bé Ha Young để lại trên xác chú mèo không may mất đi, màu của từng trang hồ sơ Đội Phân tích miệt mài nghiên cứu, màu của hy vọng rằng một ngày không xa những nạn nhân xấu số sẽ được yên nghỉ. Trong khoảnh khắc, vòng tay ấm áp của mẹ ùa về, tiếng cười giòn giã của đồng nghiệp vang vọng; hóa ra, anh vẫn ở ngay đấy, ở chính giữa bóng tối và ánh sáng, ở lằn ranh phân định “con” và “người”. Anh chìm vào bóng tối, là để xé toạc thứ bóng tối ấy, đem ánh sáng rọi vào thế giới mục ruỗng.
Trong trái tim mỗi profiler như Ha Young luôn tồn tại sự thấu cảm và xót thương với nạn nhân; cảm xúc ấy vừa là động lực vừa là rào cản ngăn họ tìm ra kẻ sát nhân. Bởi, những tên tội phạm ấy, đâu có trái tim biết đập vì người khác, đâu phân định được mù quáng hay điểm dừng? Chúng khoác lên tội ác của mình lớp vỏ bọc hào nhoáng, chúng đem sự sa đọa của mình thành hi sinh vì xã hội, vì cõi người. Nhưng bản chất, hành vi của chúng là đốn mạt, còn lý do của chúng chỉ là biện hộ đầy tanh tưởi. Có lẽ bởi vậy, ngay cả khi ngày càng có nhiều chuyên gia phân tích tội phạm hơn, thế giới này vẫn đầy rẫy những ác nhân lọt ngoài vòng công lý và chưa bị lôi khỏi bóng tối. “Đức hi sinh” của chúng liên tục thay đổi, méo mó hơn, vượt ngoài suy nghĩ hơn. “Vượt qua bóng tối”, phải chăng là hành trình đưa kẻ tội ác ra ánh sáng, là hành trình tìm kiếm lời đưa tiễn với nạn nhân xấu số, là hành trình giữ vững bản ngã của cảnh sát?
Ánh sáng - Bóng tối, Chính trực - Tội ác, ranh giới tưởng chừng mờ nhạt, nhưng thực sự vững chãi hơn bất cứ thứ gì. Tội ác, truy tìm sát nhân, mất kiểm soát, tìm lại chính mình,… bất cứ thứ gì – hay, mọi thứ trên cõi đời – đều có bản chất nằm ở việc quyết định. Sát nhân quyết định giết người, hay một profiler quyết định đứng vững trên chiến tuyến của mình, lằn ranh đó phụ thuộc vào quyết định đưa ra của mỗi người. Trên chặng đường đương đầu với ác quỷ, Song Ha Young đắm mình vào bóng tối, chới với giữa biển đen, nhưng sau cùng, anh sẽ trở về bến bờ khi nắm tay đã giữ chặt kẻ tội ác cùng hung khí của chúng.
Phía sau những thước phim ngả màu
Bộ phim miêu tả chân thực các kỹ thuật điều tra, phân tích tội phạm ở giai đoạn đầu tiên chúng được áp dụng. Câu chuyện về những người đọc vị tội phạm được khắc họa rõ nét và đa chiều, từ “ánh sáng” của công việc này – tràn đầy công lý, giàu tính trách nhiệm, sự nhạy cảm và chú trọng chi tiết dù là nhỏ nhất, cho đến “bóng tối” luôn bủa vây những profiler – nỗi khiếp đảm và hoảng hốt khi thấy mình dưới tấm mặt nạ của những tên tội phạm tàn bạo. Màu phim đổ về xám, đa phần các màu sắc nổi bật như vàng, xanh,… đều có xu hướng ngả màu, chính tông màu này đã tạo cho phim một không khí trầm lắng mà thiêng liêng, sắc đỏ của máu ẩn khuất đâu đó rồi bất thình lình chiếm giữ toàn khung hình. Mạch phim chậm đối ngược hẳn với thời gian trôi rất nhanh trong phim, như cảnh báo người xem về sự bất lực của cảnh sát, sự hung bạo của kẻ ác, sự tàn nhẫn của lằn ranh sáng - tối.
Thứ diễn xuất mà Kim Nam Gil đã “trình diễn” trong “Through the Darkness” ấn tượng đến vụn vỡ, phờ phạc: Ta theo chân profiler Song Ha Young chứng kiến rất nhiều cái xác không hồn, “tội ác không hoàn hảo”, rồi cũng theo anh quay cuồng giữa muôn vàn ngẫm suy, cuối cùng lại theo anh che giấu mọi cảm xúc vào vết cào nơi ngón tay út. Ánh mắt của Kim Nam Gil là tất cả manh mối người xem “thấy được” trong phim, vì bộ phim này không “che giấu” những tên sát nhân, chúng luôn xuất hiện từ sớm, hành vi tội ác được “phô bày” toàn bộ. Cái người xem cần khám phá, cũng giống như Song Ha Young cùng Đội Phân tích, đó là tâm trí của chúng. Cuộc rượt đuổi này không chỉ diễn ra sau khi tội ác đã được thực hiện, mà còn diễn ra cả trước khi tội ác thành hình. Có lẽ, đây mới chính là điều Đội Phân tích muốn làm: Ngăn chặn tội ác.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất