Đây là bộ phim mà mọi người thường khóc trong khi xem và thích giới thiệu cho người khác sau khi xem. Phim có một thông điệp thật ý nghĩa, một nỗi buồn thật đẹp, một tình thương thuần khiết và một niềm tin thật mãnh liệt. Liệu có phải đó là công thức của “điều kì diệu” trong cuộc sống?
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 kể về người cha mắc chứng chậm phát triển trí tuệ Lee Yong-go sống cùng cô con gái Ye-seung. Vì mong muốn tìm mua tặng con chiếc cặp sách in hình thủy thủ mặt trăng mà anh bị ghép vào tội danh giết hại một cô bé-  vốn là con của Cục trưởng Cục cảnh sát. Sau khi bị kết án oan, Lee Yong-go chuyển tới phòng giam số 7 để sống những ngày cuối cùng của đời mình song cũng là những ngày ý nghĩa nhất. Anh đã thức tỉnh phần lương thiện còn sót lại của những phạm nhân cùng phòng và tình người của cảnh sát Min-hwan. Trước khi bị xử tử, Lee Yong-go đã tặng cô con gái Ye-seung món quà sinh nhật là chiếc cặp in hình thủy thủ mặt trăng như đã hứa.
 

Thông điệp ý nghĩa và nỗi buồn đẹp
Liệu đúng, sai có quan trọng hơn nhân tính? Khi tìm hiểu về Phật giáo, tôi nhận ra không tồn tại khái niệm “đúng – sai”, mà chỉ có “thiện – bất thiện”. Chính trí tuệ không phân biệt đúng - sai giúp con người khỏi bị rơi vào đau khổ do chấp trước, vô minh. Khái niệm vốn bởi bản ngã đặt ra, vậy nên khi ta tự nhận mình đúng thì tức là người khác buộc phải sai- dù họ không sai.
    Trong phim, vì quá đau khổ trước cái chết của cô con gái, mà ông Cục trưởng Cảnh sát đã bất chấp chính nghĩa ông phục vụ, chà đạp lên chính những gì ông tin tưởng và những gì người ta tin tưởng ở ông khi giao cho ông trọng trách là người thực thi công lý. Bằng mọi cách, ông ép Yong-go nhận tội giết con gái mình, trong khi anh là người cố gắng sơ cứu khi cô bé bị trượt chân, đầu đập xuống đất. Thậm chí bất chấp cả hoàn cảnh anh cũng là một người cha đang cố gắng chăm sóc cô con gái nhỏ Ye-seung.
    Hình tượng đối lập với ông Cục trưởng là viên cảnh sát Min-hwan. Khi Yong-go mới vào trại, Min-hwan cũng căm ghét, đánh đập vì anh cũng từng mất con. Thế nhưng, sau khi được Yong-go cứu sống, Min-hwan kịp thời nhận ra sự vô lý và cố gắng thay đổi bản án trong khả năng của mình. Anh cũng phá vỡ nguyên tắc khi tìm cách đưa Ye-seung vào trại thăm bố hằng ngày, thuyết phục viên luật sư, tìm cách nhờ cô giáo của Ye-seung giúp đỡ và đứng im thay vì ra lệnh cho nhân viên dưới quyền bắt giữ hai cha con Yong-go khi họ leo lên khinh khí cầu.
    Càng về cuối phim, anh càng ít nói hơn mà thay vào đó chỉ nhìn đăm đăm về phía trước. Hình ảnh Min-hwan đứng tựa vào bàn trong phòng làm việc vắng lặng trước ngày Yong-go bị xét xử khắc sâu vào tâm trí người xem bóng dáng của người tốt và những giới hạn của họ trong hiện thực phũ phàng.
    Những người bạn tù cũng rất ghét Yong-go, chính xác hơn là căm ghét tội trạng mà anh bị ép phải nhận. Họ cũng chào đón anh bằng những trận đòn kèm theo sự coi thường của những người tội phạm đối với kẻ phạm tôi ác mất hết nhân tính như Yong-go bị mô tả trong bản án. Cũng chính họ sau này lại cố gắng hết sức để hai cha con Yong-go đoàn tụ, giúp Yong-go minh oan và hi vọng có thể giúp hai cha con trốn thoát, dù biết chính mình có thể bị tăng mức án rất nặng.

    Từ bao giờ những phạm nhân có sự biến chuyển ấy? Thực ra lòng tốt luôn có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ vì hoàn cảnh nên nó mới bị che khuất. Đến sau cùng, khi ngộ ra chính nghĩa, thì con người sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo đảm chính nghĩa ấy được toàn vẹn.
    Thông điệp ý nghĩa này càng trở nên chân thực hơn khi nó đi kèm với nỗi buồn của kiếp người. Con người sinh ra, lớn lên, cố gắng nhưng không bao giờ đủ khả năng thay đổi những bất công do đồng loại của mình mang lại. Và điều đáng bi phẫn hơn nữa, là chính những đồng loại có học thức, tiền bạc, địa vị, sự khôn ngoan lại dùng những công cụ ấy đè bẹp những cá thể yếu ớt, khiếm khuyết hơn mà trong lòng không chút thương xót.
    Người ta càng nghĩ nhiều về mình thì càng xa rời chân lý. Thế nhưng, dù mang tên gọi là Đức Phật, Thiên Chúa hay Thánh Ala thì chân lý vẫn luôn dõi theo con người. Động lực linh thiêng sẽ luôn tồn tại để khuyến khích con người ta hướng thiện, dù hành trình ấy có gian khổ và thậm chí đôi lúc sẽ không tới đích.
    Yong-go bị xử tử vào sinh nhật của Ye-seung, ngày hai mươi ba tháng mười hai.
Tình thương thuần khiết và niềm tin mãnh liệt
          Hình ảnh khinh khí cầu vướng vào hàng rào dây kẽm gai làm người xem có đôi chút thất vọng. Có lẽ lúc ấy chúng ta hi vọng điều kì diệu sẽ xảy ra. Chúng ta mong muốn điều kì diệu xảy ra như thế này hoặc như thế kia giống với những gì chúng ta khao khát, chờ đợi.
          Điều kì diệu không xảy ra theo ý muốn chủ quan của con người. Điều kì diệu là tình thương thuần khiết khi Yong-go nhận tội chết để bảo vệ con gái bằng bộ não không thể tư duy của mình, là tình cảm của cô bé xinh đẹp, thông minh Ye-seung dành cho người cha không hoàn hảo, là sự nỗ lực làm điều tốt của những người xấu trong phòng giam số bảy, là sự phá vỡ quy tắc của trưởng trại cứng nhắc Min-hwan.
          Họ đều mang trong mình một niềm tin để làm điều họ biết là đúng đắn, tốt đẹp cho người họ nhận thấy là xứng đáng.
          Cảnh hai cha con cùng nhau ngắm bầu trời trên khinh khí cầu là một câu chuyện cổ tích đúng nghĩa. Truyện cổ tích là thể loại phản ảnh ước mơ, niềm tin của con người vào sự lương thiện và ước vọng “ở hiền gặp lành”. Câu chuyện cổ tích về người cha đã trở thành sức mạnh để Ye-seung lớn lên, có đủ năng lực chứng minh sự vô tội của Yong-go, làm sáng tỏ chính nghĩa như nhân vật Thủy thủ Mặt trăng mà cô bé ngưỡng mộ từ thuở nhỏ.
          Đó là những gì con người có thể làm khi họ có tình thương và niềm tin, thay vì sự thù hận.

          Nếu không còn tình thương chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, nếu không có niềm tin thì dù đi con đường nào chúng ta cũng cảm thấy khổ nhọc. Cuộc sống liên tục thử thách con người, nhưng cũng không cấm con người vươn lên, mơ ước và hoàn thiện chính bản thân mình.
          Mở đầu và kết thúc phim là Ye-seung, giờ đã trưởng thành, rời khỏi trại giam rồi bước đi dưới bầu trời đầy bông tuyết trắng. Cô tình cờ trông thấy một trái bóng bay vướng vào hàng rào dây kẽm gai. Lúc ấy, kí ức tuyệt đẹp về khoảnh khắc hai cha con bên nhau trên khinh khí cầu hiện lên, văng vẳng lời chào tạm biệt của người cha Yong-go.
          Bông tuyết là tạo vật đẹp nhất trong thiên nhiên vì nó không lưu giữ hình ảnh đẹp đẽ của mình mãi mãi, mà sẵn sàng tan ra để quay về hòa vào vạn vật.
Thay cho lời kết
Bộ phim Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 phù hợp với khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau. Do đó, bạn có thể xem một mình hoặc xem cùng người thân, bạn bè.
Nếu muốn khóc trong khi xem thì bạn cũng đừng ngại, vì ít nhất còn biết khóc trước những ngang trái, bất công là còn có hi vọng một ngày nào đó, bạn sẵn lòng hành động để thay đổi những điều ấy, trước hết là ở ngay bên trong bản thân mình.
Phim cũng có vài đoạn khá hài hước, cứ thoải mái cười rồi khóc để sau đó càng thêm yêu quý, trân trọng cuộc sống hiện tại của mình hơn.
Hãy vững tin trong nghịch cảnh để thấy được điều kỳ diệu, bạn nhé.