Tôi gấp sách lại và mỉm cười, nụ cười nhẹ và ung dung, mang theo chút khát khao giữ được sự tỉnh thức mà Bụt (Đức Phật)* đã dạy cho tôi trong hơn 10 ngày trải nghiệm tác phẩm vừa rồi. Một cuốn sách rất ý nghĩa, mà chắc chắn mỗi người nên đọc lấy ít nhất một lần trong đời. Chỉ là, có lẽ nên để sau tuổi 30 hãy đọc mà thôi...!
Chú thích: Tôi bị cái văn khô thô lỗ, không được như tác giả Hiền Trang, viết review sách gì phim gì người đọc chỉ muốn nhảy ngay vào mà nghiền ngấu sách ấy phim ấy. Vậy nên, dưới đây chỉ xin biên lại vài cảm nhận và suy nghĩ đọng lại sau khi đọc xong tác phẩm giá trị này mà thôi.



Đọc thêm:

Thứ nhất, cái hay của cuốn sách là việc thầy Thích Nhất Hạnh đã bỏ đi, gần như không nhắc đến toàn bộ những phép thần thông biến hóa của Bụt (Đức Phật), để Ngài xuất hiện như một con người bình thường. Điều này vừa đúng với giáo lý Phật pháp: các đệ tử chỉ nên tập trung vào sự tỉnh thức và giải thoát của bản thân và giúp đỡ người khác chứ không nên bỏ phí thời gian luyện tập những phép biến hóa sẽ có thể làm nguy hại đến suy nghĩ "vô ngã" của bản thân, vừa khiến Bụt trở nên gần gũi và thân thuộc hơn với người đọc.

Thứ hai, việc Bụt tìm ra con đường giải thoát được nêu bật dựa trên sự thực nghiệm của bản thân Ngài. Có rất nhiều khó khăn gian khổ trong quá trình này, nhưng có thể tóm tắt lại thành 3 chặng lớn:
         _   Bụt học tất cả các giáo lý và hệ tư tưởng, nhưng không một trường phái hay tôn giáo nào có thể đứng vững và cho Ngài sự giải thoát.
         _   Bụt tự đày đọa bản thân mình. Ngài đi theo những trường phái tu khổ hạnh, tự đày đọa bản thân, đến nỗi suýt chết vì đói nếu không may mắn được một cô bé ứng cứu kịp thời. Từ đó Ngài nghiệm ra sự liên kết chặt chẽ giữa thân thể và tâm hồn, hay việc đày đọa thân thể sẽ chỉ khiến tâm hồn cũng bị tổn thương mà thôi.
          _   Ngài tìm ra được đạo lý tỉnh thức, đạo lý giải thoát cho con người. Nhưng điều quan trọng là đạo lý này không nằm nơi Bụt, mà là ở sự trải nghiệm của mỗi cá nhân riêng lẻ. Một trong những điển tích hay nhất và được dùng rộng rãi là:
Tôi (tức Bụt) cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác lên trên vai mà tự hào. Này các bạn, giáo pháp tôi dạy cũng như một chiếc bè. Phải sử dụng nó để đi sang bên bờ bên kia, bờ giải thoát.
Điều này lý giải vì sao ông giáo sư Massimo Pigliucci đã tuyên bố: "Stoicism chính là phiên bản phương Tây của Phật giáo" (Stoicism is the Western equivalent of Buddism). Tương tự, tác giả nổi tiếng Nassim Taleb trong Antifragile cũng đã viết: "A Stoic is a Buddist with attitude". Có lẽ không cần giới thiệu bạn cũng biết tôi cuồng Triết học thực hành và đặc biệt là Stoicism thế nào rồi đấy.

Con đường này, chỉ bạn mới có thể trải nghiệm cho bản thân mà thôi!


Đọc thêm:

Thứ ba, như đã bình luận trong một bài viết rất hay mới đây của Husky, tôi nghĩ khá nhiều đến việc tại sao mọi người cúng dường cho Bụt một cách dễ dàng đến thế, nhiều khi là cả gia nghiệp (của tỷ phú hay vương giả), chứ đừng nói là vài triệu hay trăm triệu. Nguyên nhân có lẽ vì họ được trực tiếp nhìn thấy Bụt và tiếp xúc với Ngài, được Ngài dạy cho thông hiểu sự vô thường vô ngã của vạn vật. Từ đó họ có một điểm tựa vững chắc hơn, đúng đắn hơn trong cuộc sống, nên họ không cần vật chất nữa. Vậy, họ chọn cách cúng dường như là một giải pháp an toàn và tin tưởng được. Bụt cũng vui vẻ nhận hết, vì nếu tâm người không dính đến những thứ đó, thì việc giao chúng cho Bụt hoàn toàn có thể khiến nhiều người hơn được hưởng lợi. 
Tuy nhiên, ở đây có một thứ ta cần cân nhắc. Bụt (hay Đức Phật) là người có lẽ là thực sự tỏa hào quang, khi qua tất cả những truyện ta thường được nghe người bình thường gặp Bụt đều tự khắc dập mình quỳ lạy lấy ba lần. Vì vậy, có lẽ không ai sẽ cần phải kiểm định cái tâm của Ngài. Nhưng nếu trong cuộc sống ngày nay, ta cúng dường cho bất kể thế lực tôn giáo nào đi chăng nữa, cái tâm của người trong tôn giáo nên được suy xét tìm hiểu một chút. Dù cho ta cúng dường là việc mang lại thanh thản cho ta, và việc họ dùng tiền ta cúng sai mục đích là khổ nghiệp của họ, thì ta cũng nên sáng suốt hơn trong quyết định của mình, không phải để ta phải ân hận vì hành động cúng dường cao đẹp của mình, mà chỉ để thứ ta cúng dường được sử dụng hiệu quả, đến được với nhiều người cần nó hơn mà thôi.

Thứ tư, một điều tôi phải thú nhận là thực sự chính bản thân mình cũng cảm thấy đôi lần sốt sắng và không thể kiên nhẫn với độ dài (dày) của "Đường xưa mây trắng". Nghĩ cũng buồn cười, hình như tôi cũng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cái thời đại công nghệ thông tin mỳ ăn liền này, đến nỗi chỉ hơn 10 ngày được đọc về cả cuộc đời của một trong những con người (nếu có thật) quan trọng nhất lịch sử mà cũng không thể nhẫn nại và tận hưởng trọn vẹn niềm vui của việc đọc. Hình như mấy cái cuộc tình đầy kịch tính bắt buộc phải có cả lên giường và chia ly chỉ trong 2 tiếng ra rạp, hay công nghệ google 1 phát ra ngay nhà thông thái, cộng với nếp sống lúc nào cũng vội vã với những cuộc chạy đua nó đã bắt đầu ăn rất sâu vào tiềm thức rồi bạn ạ, để mỗi lần nghĩ đến đều không khỏi giật mình. Thực lòng mong bạn cũng có thể bỏ ra vài giây hay vài phút quý giá để nghĩ về điều này.

Điều cuối cùng tôi muốn viết lại, và hy vọng có thể tự nhắc cho bản thân mình từ giờ đến khi về với đất, là lời dạy rất thâm sâu của Bụt:
Đại chúng! Nhân gian thường bị vướng mắc trong bốn cái cạm bẫy lớn. Cạm bẫy thứ nhất là dục lạc. Cạm bãy thứ hai là kiến thức. Cạm bẫy thứ ba là nghi lễ. Cạm bẫy thứ tư là ý niệm về ngã.

Để cái ảnh thầy thay lời tri ân vì một cuốn sách quý!
A Dreamer
Chú thích:
(*): Trong sách thầy Thích Nhất Hạnh sử dụng danh xưng Bụt thay vì Đức Phật. Điều này có phần hơi khác với cách gọi thông thường, tuy nhiên nó lại đúng hơn khi ta đối chiếu với danh xưng của Ngài - Buddha, tức là người tỉnh thức.

Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)

Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)


Các bài viết khác của tác giả: