Cuốn sách mình nhắc đến trong tiêu đề chắc không phải là một gương mặt quá xa lạ gì nữa, đó là "Khi hơi thở hóa thinh không" của tiến sĩ Paul Kalanithi.
Khi hơi thở hóa thinh không - câu chuyện của 1 bác sĩ khiến Bill Gates phải rơi nước mắt - Ảnh 4.
Nguồn ảnh: Kenh14
Lần đầu tiên đọc sách, mình đã khá choáng ngợp trước lượng kiến thức rất dồi dào và mới mẻ về thần kinh học, giải phẫu học, văn học và thậm chí suy nghĩ của tác giả về ý nghĩa của cuộc đời đối với mình cũng là một cụm từ gì đó kết thúc bằng chữ "học". Thực sự thì ngoài phần mở đầu, hai chương sách tiếp theo cứ lướt qua, trôi tuồn tuột trong đầu mình vậy, cảm giác như mình không hấp thụ nổi hoặc nếu có thì chúng cũng là các mảng rời rạc, không tìm được điểm chung. Thực sự lúc đó cảm giác của mình chỉ có thể diễn tả bằng hai từ: thất vọng, mình được bạn giới thiệu về cuốn sách này, còn được một cộng đồng hùng hậu về đọc sách khuyên đọc, ca tụng về cuốn sách. Vậy mà nó vậy ư? Nghe thật vô tâm và vô nhân tính nhưng nói thật, ngoài sự thương cảm một cách hời hợt thì mình không cảm nhận thêm được gì nhiều. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đùng một cái, ba chương cuối cũng chính là lời tựa của vợ Paul xuất hiện, đem theo câu chuyện đau buồn về cái chết của tác giả. Sau tất cả sự mông lung ở các phần trước thì ở chương cuối này, mình đọc với thái độ "không thể tin nổi, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra" dù đã biết được cái kết từ trước, và thế là, sau khi gấp sách lại, mình quyết định cho cuốn sách cũng như bản thân mình thêm 1 cơ hội nữa, để hiểu nhau hơn, để hiểu về câu chuyện của tác giả hơn.
Mình quyết định đọc lại cuốn tự truyện của đời Paul ngay sau đó, không hề chần chừ. Lần này, như tấm màn che mắt được tháo ra, mình cảm giác thông tuệ và có thể theo được mạch chuyện một cách không hề bối rối như lần đầu nữa. Và theo đó là cảm xúc dâng trào đối với từng câu từng chữ mà mình đọc được qua từng trang sách. Mình cảm thấy kì lạ lắm, mình chưa bao giờ dành một cơ hội thứ hai cho một quyển sách mà khi gấp lại mang cho mình sự thất vọng và khó hiểu, vậy mà theo một cách rất duyên dáng nào đó, Paul đã làm được. Và không những vậy nó còn hạ gục mình ngay từ những trang sách đầu tiên trong chương mở đầu. Mới vào tác phẩm, tác giả đã báo cho người đọc về chẩn đoán ung thư phổi của mình qua những cơn đau lưng, sụt cân không rõ lý do, để rồi như bao người bệnh khác, vị bác sĩ tài ba cũng không muốn tin rằng mình đã mắc căn bệnh nan y ở một độ tuổi còn rất trẻ, khi mà chỉ còn vài tháng thôi, những nỗ lực của anh sẽ được đền đáp bằng học vị và đương nhiên là cả nguồn thu nhập dồi dào. Như một chuỗi suy nghĩ rất tự nhiên của con người, khi nhận được một tin quá bất ngờ và mang tính "chí mạng" như vậy, chúng ta thường lần lại quá khứ, về điểm bắt đầu, để hiểu và đánh giá lại cuộc sống của mình. Có người sẽ đánh giá bằng mặt vật chất, nhưng với một sinh viên theo đuổi ngành y với lý tưởng: có thể hiểu rõ được về "ý nghĩa của cuộc đời và sự liên quan của nó với bộ não", không quá khó để đoán, sự đánh giá này đặt nặng về mặt suy nghĩ, về những chiêm nhiệm mà anh thấy được từ cuộc sống khi khoác lên mình chiếc áo blue trắng.
Khi dòng hồi tưởng kết thúc cũng là lúc anh buộc phải quay trở lại với thực trạng phũ phàng tiếp nối ở phần mở đầu, cho dù có cố gắng né tránh đến đâu thì cuối cùng, là một bệnh nhân, và hơn cả là một bác sĩ, anh đã quá quen với việc đương đầu với cái chết, nhưng lần này thì khác, anh không phải là người đồng hành cùng bệnh nhân, mà chính anh lại là chủ thể chính. Người đọc được dẫn đi qua lần lượt các sự kiện từ khi anh bắt đầu sử dụng những viên thuốc uống đầu tiên, cho những kết quả tích cực, sức khỏe hồi phục và vui mừng cùng anh khi dần dần anh đã quay trở lại với công việc mà anh cho là "có ý nghĩa rất lớn" với mình, rồi sau đó lại vỡ òa, khi căn bệnh lại trớ trêu thay, vùng lên vào đúng ngày cuối cùng trong kỳ nội trú của anh, để anh ra về với dòng nước mắt và những trách nhiệm anh không còn đủ sức khỏe để gánh vác. Sau đó, sức khỏe của Paul yếu đi thấy rõ, dưới lăng kính của cả một bệnh nhân và bác sĩ, anh thực sự cho chúng ta thấy được cái nhìn toàn cảnh về căn bệnh ung thư và về cái chết. Nó dằn vặt ta đến kiệt quệ về cả thể chất đến tinh thần, để rồi khi ta không còn chút sức lực, nó xuất hiện cười hả hê rồi dắt tay ta về phía thần chết. Tác giả đã nhấn mạnh sự tàn khốc của ung thư, đó là khi ta biết chắc rằng mình sẽ chết thôi nhưng sớm hơn rất nhiều so với ta từng tưởng tượng và trong quãng thời gian đó, liệu ta có kịp tìm ra lý do khiến cuộc sống của mình xứng đáng được kéo dài. Xen lẫn trong sự đấu tranh của sự sống, của y học, của lý tưởng với cái chết là sự có mặt không thể thiếu của gia đình, người thân mà được nhắc nhiều nhất là tình cảm vợ chồng thiêng liêng và sự xuất hiện của con gái tác giả. Cô bé có mặt trên cõi đời, "lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an" và có lẽ, anh đã phần nào tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình qua bé Cady.
Chương này kết thúc cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật không thể tránh khỏi, sự ra đi của Paul, anh đã dũng cảm chiến đấu đến những giây phút cuối cùng để rồi "sẵn sàng" ra đi một cách bình yên và thanh thản. Như anh đã từng đề cập trong cuốn sách, "Ngôn từ có tính vô hạn, còn tôi thì không", sau khi anh ra đi, những ngôn từ của anh sẽ được lưu truyền đến nhiều nơi trên thế giới, đến với tay nhiều người, để họ cũng như mình, cũng cảm phục cuộc đời đầy anh dũng của một vị bác sĩ đáng kính.
Nguồn ảnh: The New York Times
Dù có thể là đã muộn, nhưng mong anh được an nghỉ và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của anh, đến những người đang hàng ngày chiến đấu với căn bệnh hung thư quái ác, và những con người đang ngày đêm cùng bệnh nhân đương đầu với cái chết một cách không khoan nhượng. Còn đối với những độc giả của mình, hãy nhớ luôn trân trọng sức khỏe, mối quan hệ và quãng thời gian quý báu mà bạn đang sở hữu nhé.
Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 2019
Trần Minh Anh