Review “Được học” (Educated) dưới góc nhìn không-học
“Chúng ta có quyền chọn bạn đời, nhưng con chúng ta không có quyền chọn cha mẹ”, và “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”...
Đọc “Được học”, điều khiến mình bận lòng, day dứt nhất là những câu chuyện ngoài vấn đề học của tác giả. Mình nhìn cuốn tự truyện này không ở góc nhìn được-học, mà ở góc nhìn không-học, ở nhiều khía cạnh xã hội hơn, nhưng nổi cộm lên trong tâm trí mình là một số vấn đề sau:
1. Gia đình độc hại
Bố cô - một người cha có tư tưởng bảo thủ và “tôn sùng” tôn giáo Mặc Môn (tôn giáo bí ẩn và nghiêm cẩn lạ kỳ, phần này các bạn đọc sách, hoặc tra Google sẽ rõ hơn). Ông thường áp đặt những tư tưởng của mình lên tất cả những thành viên của gia đình, từ cách họ ăn uống, ăn mặc, đến việc sống như thế nào cũng như nhiều khía cạnh khác.
“Đó là lúc tôi hiểu ra rằng mình đã xét đoán bà tàn nhẫn dường nào, nhận thức của tôi về bà méo mó ra sao, bởi vì tôi đã nhìn bà qua lăng kính tàn nhẫn của bố mình.”
“Mẹ. Luke. Shawn. Chúng tôi đã bị bầm dập, bị thương, bị đe dọa, bị bỏng chân và bị vỡ đầu. Chúng tôi đã sống trong tình trạng báo động, trong nỗi kinh hoàng triền miên, não của chúng tôi ngập hoóc-môn cortisol* bởi vì chúng tôi biết bất cứ tai họa nào trong những điều ấy cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi vì bố chúng tôi luôn đặt niềm tin lên trên sự an toàn. Bởi vì bố tin bản thân bố đúng, và bố luôn luôn tin như thế - sau tai nạn xe lần thứ nhất, sau tai nhạn xe lần thứ hai, sau vụ cái thùng rác, vụ cháy, vụ tấm nâng. Và chúng tôi là những người phải trả giá.”
Vấn đề không hẳn do tư tưởng, mà bố cô thực sự “có bệnh”. Cô thậm chí đã biết và gọi tên được căn bệnh của ông là “rối loạn lưỡng cực”: “Tôi viết rằng con cái của những người bị rối loạn lưỡng cực phải hứng chịu các nhân tố rủi ro đúp: thứ nhất, bởi vì chúng có xu hướng rối loạn tâm trạng theo di truyền; và thứ hai, vì môi trường sống căng thẳng cũng như vì khi cha mẹ chúng đã mắc các rối loạn này thì họ không thể làm cha mẹ tốt.”
Không chỉ dừng lại ở “cha (mẹ) độc hại”, mà gia đình Tara chính xác là mô hình gia đình độc hại - một mô hình “độc hại” có hệ thống và có tính di truyền. Hậu quả của những hành vi tiêu cực của cha mẹ sẽ nối tiếp sang những đời sau, điển hình là những quan điểm, hành vi tiêu cực của người cha đã nối tiếp sang Shawn - anh trai của tác giả, và làm hư tổn anh, biến anh thành con người có nét tính cách giống như ông. “Thật buồn cười, kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác”, anh làm thương tổn tới Erin và Sadie - bạn gái cũ, Audrey - chị gái cô, cô - Tara, và sau là Emily - vợ anh ta. Mẹ cô thừa nhận “Emily đang bị bắt nạt. Đúng vậy. Giống như mẹ.”
2. Bạo lực gia đình
Shawn - người anh có thể cũng mắc chứng rối loạn lưỡng cực, là người có thể “cục súc với cả thiên hạ” nhưng vẫn dành tình cảm và rất quý Tara, nhưng đồng thời được Tara miêu tả rất chi tiết những lần cô bị anh ta đe doạ, nhục mạ cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng khi đó, thậm chí cô còn không thể nhận thức được đó là bạo lực gia đình? “Ngoài kia, xã hội đang nỗ lực đấu tranh đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, nhưng hiệu quả sẽ đi đến đâu, khi mà chính nạn nhân không nhận ra mình chính là nạn nhân và cần phải đứng dậy đấu tranh?” Ngoài Tara, Shawn dùng bạo lực với cả chị cô trong suốt thời thơ ấu, nhưng trong gia đình cô không một ai hé răng nói về điều đó (cho tới khi Tara đã đi học tiến sĩ) và sau này Shawn còn dùng bạo lực với cả vợ mình. Cô muốn chấm dứt chuyện đó bằng cách kêu gọi mẹ, chị gái và các anh trai ủng hộ việc tố giác Shawn. Nhưng ngoài Tyler, không một ai ủng hộ cô. Mẹ cô viết “Thật khó để đối mặt với hiện thực. Để hiểu ra rằng có một điều gì đó thật xấu xí, và mẹ đã từ chối nhìn nhận nó. Nhưng đôi khi mẹ nghĩ chúng ta đã chọn căn bệnh của mình, bởi vì về một mặt nào đó chúng có lợi cho chúng ta.” Và khi Shawn biết chuyện đó, anh đe dọa cô: “Tao nên tự giết mày, hay là thuê một thằng ám sát.”
3. Bình đẳng giới
Đâu đấy trên thế giới còn nhức nhối vấn đề bình đẳng giới, không chỉ ở những nước đang phát triển mà còn cả những nước tiên tiến như Mỹ. Bố Tara quan niệm chỗ của đàn bà là ở nhà. Còn mẹ của Tara thương yêu cô, nhưng lại phục tùng người bố bị chứng hoang tưởng bởi quyền lực trụ cột trong gia đình. Josh – người bạn của Tara ở BYU cho rằng, một người phụ nữ có ước mơ học luật không nên học luật vì người phụ nữ được tạo ra nên chỉ có tham vọng với những đứa con, không phải địa vị xã hội hay kiến thức. Bình đẳng giới ở đâu nếu như người phụ nữ khi sinh ra đã phải đối mặt với sự xung đột giữa “nghĩa vụ đối với gia đình” và các “nghĩa vụ khác - đối với bạn hữu, với xã hội, với bản thân”?
Sau cùng, cô đã có cho mình một lựa chọn vẹn tròn, cho cả cô, cả bố, và cả gia đình. “Tôi học cách chấp nhận quyết định của mình vì lợi ích của bản thân, vì tôi chứ không phải vì bố. Bởi vì tôi cần làm thế, chứ không phải vì bố không đáng được như thế. Đó là cách duy nhất tôi có thể yêu bố mình”.
Nhân đây, mình cũng xin gửi tới các bạn 2 bài viết hay và ý nghĩa về chủ đề Cha mẹ độc hại, các bạn có thể tham khảo:
Gấp lại cuốn sách, mình chợt liên tưởng tới 2 câu nói “Chúng ta có quyền chọn bạn đời, nhưng con chúng ta không có quyền chọn cha mẹ”, và “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất