Cáo và sư tử - Niccolò Machiavelli {DỊCH}
* Dịch từ cuốn Die kürzeste Geschichte der Philosophie (Nigel Warburton) Hãy thử tưởng tượng rằng mình là quân vương cai quản một...
* Dịch từ cuốn Die kürzeste Geschichte der Philosophie (Nigel Warburton)
Hãy thử tưởng tượng rằng mình là quân vương cai quản một thành bang, ví dụ như Florence hay Napoli (Ý) vào TK 16. Ta nắm giữ quyền lực tối cao, có quyền ban hành những điều luật buộc dân chúng phải tuân theo vô điều kiện. Và ta cũng có quyền sẵn sàng tống ai đó vào tù. Quân đội luôn luôn đứng phía sau bảo vệ và phục vụ. Nhưng ta lại đang bị bao quanh bởi những thành bang khác với các lãnh chúa đầy tham vọng, luôn nhăm nhe muốn bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ. Vậy ta nên làm gì? Ta có nên thành thực, giữ lời, thân thiện và luôn đón nhận những điều tốt đẹp nhất từ họ.
Niccolò Machiavelli (1469-1527) thấy rằng đó không phải là một ý tưởng hay ho, mặc dù có thể ở một nghĩa nào đó nó có vẻ tốt đẹp. Theo ông, đôi khi bịa ra một lời nói dối, phá vỡ hiệp ước, hay thậm chí cả giết chết kẻ thù lại tốt hơn. Một vị quân vương thì chẳng cần phải để ý xem mình có giữ lời hay không. Machiavelli cho rằng, một nhà lãnh đạo muốn có thành công thì phải “học cách trở nên không tốt đẹp”. Điều quan trọng nhất là bảo toàn được quyền lực và để làm như vậy thì mọi phương tiện đều được hợp thức. Vì những tư tưởng đó, ta không mấy ngạc nhiên khi tác phẩm "Quân vương" của ông ngay từ lần đầu xuất bản (năm 1532) lại có được những thành công vang dội. Nhà thờ đã quy cho cuốn sách này là một “sản phẩm của quỷ dữ”, và rất nhiều người xem nó như cuốn giáo trình cho những kẻ phạm tội, nhóm khác ngược lại đề cao tính chân thực của nó vượt trội hơn hẳn các tác phầm cùng chủ đề khác, đã miêu tả chính xác mưu đồ được dùng trong chính trị. Ngày nay vẫn còn nhiều nhà chính trị gia đọc tác phẩm này, mặc dù rất ít trong số đó dám thú thực với người xung quanh, để không ai nghĩ rằng họ đang trở nên tàn nhẫn – điều mà Machiavelli bênh vực.
"Quân vương" không phải là một cuốn sách giành cho số đông, mà nó được viết cho những kẻ mang cương vị quyền lực. Machiavelli đã viết nó khi ông đang sống trong một nông trại cách Florence 7 dặm về phía tây. Nước Ý trong TK 16 là một vùng đất nguy hiểm. Machiavelli sinh ra và lớn lên ở Florence. Khi còn trẻ, ông được bổ nhiệm là nhà ngoại giao, quen biết rất nhiều nhà vua, hoàng đế và Đức giáo hoàng nhờ những chuyến ngao du khắp Châu Âu, tuy nhiên ông lại không mấy đánh giá cao những người này. Nhà cầm quyền duy nhất gây ấn tượng với ông là Cesare Borgia – một người đàn ông tàn bạo, con trai ngoài giá thú của Giáo hoàng Alexander VI. Borgia thường liệt kê danh sách kẻ thù của mình rồi giết họ, vào thời ông đang giữ trong tay một vùng rộng lớn của Ý bấy giờ. Trong mắt Machiavelli, Borgia đã hành xử đúng lẽ, nhưng không may buộc phải quỳ gối đầu hàng. Đúng thời điểm bị tấn công thì ông lại ốm nặng. Và với cả cuộc đời của Machiavelli, điềm may và điềm gở cũng đóng một vai trò quan trọng, ông giành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về nó.
Khi gia tộc thịnh vượng Medici từng cai trị Florence nay khôi phục lại quyền lực, họ đã nhốt Machiavelli vào tù với lời buộc tội rằng ông đã tham gia vào một âm mưu hòng lật đổ nhà Medici. Machiavelli vẫn sống sót qua các đòn tra tấn và được thả tự do, tuy nhiên một vài người cùng chí hướng với ông đã bị giết chết. Vì ông không chịu thú tội nên phải chịu án phạt lưu vong. Ông không được phép quay trở lại thành phố mà ông yêu mến và bị loại trừ khỏi thế giới của chính trị. Ở đó, ông chỉ còn có thể giành buổi tối để hồi tưởng những cuộc đối thoại với các nhà tư tưởng lớn trong quá khứ. Trong thế giới của riêng mình, họ thảo luận cùng ông về các biện pháp hữu hiệu nhất giúp các quân vương nắm giữ được quyền lực. Rất có thể, ông viết nên tác phẩm Quân vương để gây ấn tượng với các nhà cầm quyền, và ngoài ra còn để tự đề cử mình với họ như một nhà quân sư chính trị. Giá như ông có thể quay về Florence và gây dựng lại tầm ảnh hưởng của mình tới chính trị như ông hằng mong ước. Tuy nhiên, kế hoạch đó không thành công. Cuối cùng, Machiavelli giành trọn phần đời còn lại của mình cho công việc viết lách. Ngoài "Quân vương", ông còn viết thêm các sách khác về chính trị và cũng rất thành công trong vai trò nhà viết kịch. Đến ngày nay, vở Mandragola do ông soạn thi thoảng vẫn còn được trình diễn.
Vậy thì, những lời khuyên của Machiavelli chính xác là gồm những gì và tại sao hầu hết người đọc đều bị sốc khi đọc nó? Tư tưởng chính của ông là một quân vương phải được trang bị virtù (tiếng Ý) – có thể dịch là “tính đàn ông” và “dũng cảm”. (tiếng Anh là "virtue")
Machiavelli cho rằng thành công phụ thuộc rất nhiều vào may mắn. Phân nửa những thứ xảy ra trong đời ta đều xuất phát từ cái vô tình, và phần còn lại thì là hệ quả của các quyết định chúng ta đưa ra. Nhưng ông tin rằng ta có thể gia tăng cơ hội thành công nếu biết hành động nhanh và táo bạo. Chúng ta không cần phải sống như những nạn nhân, kể cả khi vận rủi bủa vây cuộc đời mình. Ta không thể ngăn một con sông thôi dâng nước tràn bờ, nhưng nếu ta xây một cái đập ngăn thì chẳng phải đã có thêm cơ hội sống sót hay sao. Hay nói cách khác: Một lãnh đạo có tầm nhìn và có sự chuẩn bị tốt thì nắm giữ xác suất thành công cao hơn là người lơ đễnh.
Machiavelli tin rằng triết học của mình hoàn toàn phù hợp và đồng nhất với cuộc sống ở thế giới thực. Ông dẫn ra một chuỗi các sự kiện lịch sử từ thời xa xưa mà nó đã được lặp lại trong khoảng thời gian gần thì ông sống, và chỉ ra cho người đọc thứ mình muốn nhắc tới. Ví dụ như, Cesare Borgia đã phát hiện kế hoạch của gia đình Orsini nhằm lật đổ ông, và ông đã thành công trong việc đánh lừa kẻ thù cả tin, giả vờ như mình không hề biết. Ông đề nghị với tướng lĩnh phe bên kia có một buổi gặp gỡ nói chuyện ở Sinigaglia. Khi họ tới đó thì ông mang quân ra giết sạch. Machiavelli thấy mưu đồ này rất hợp lý hợp tình, ông xem Borgia như một ví dụ điển hình cho đức tính virtue.
Khi Borgia chiếm được một vùng đất Romagna, ông đã dùng tới tên chỉ huy tàn bạo khét tiếng tên là Remirro de Orco để giúp mình ổn định. Nhưng khi nơi này đã được dẹp yên trở lại, Borgia lại không muốn nghe tới sự dã man, độc ác của Orco nữa. Vì vậy, Orco đã bị thủ tiêu và thi thể thì chia làm hai mảnh bêu ra ở giữa chợ. Machiavelli chấp nhận hành động vô nhân tính này, bởi thông qua đó Borgia đã đạt được mục đích là kéo người dân Romagna về phe của mình. Họ thỏa mãn trước cái chết của Orco, nhưng đồng thời cũng nhận ra người đứng sau vụ sát hại này chính là Borgia – thứ khiến họ vừa sợ hãi. Nếu Borgia có thể ra tay dã man với chỉ huy của mình thì cũng có nghĩa rằng, không ai trong họ có thể an toàn tuyệt đối. Trong mắt của Machiavelli, Borgia cư xử như một người đàn ông thực thụ. Ông đã bộc lộ tính virtue của một quân vương thông minh bản lĩnh.
Việc này nghe giống như thể Machiavelli đang cổ xúy cho tội giết người. Trong một số trường hợp nhất định, ông có thể làm thế, miễn là kết quả của hành động hợp lý hóa được hành động đã xảy ra. Machiavelli đã cố gắng chỉ ra rằng cách phản ứng giết chết kẻ thù và ra hiệu cảnh cáo thông qua việc tử hình cả tên chỉ huy đã mang lại hiệu quả. Hành động này tạo nên hiệu ứng như mong muốn và ngăn cản những lần đổ máu không đáng có tiếp sau. Nhờ nhanh chóng và tàn bạo, Borgia bảo vệ được quyền lợi và chặn đứng ý chí vùng lên đấu tranh của người dân Romagna. Đối với Machiavelli, kết quả quan trọng hơn cách thức đạt được nó : Borgia là một quân vương giỏi, vì ông không tô vẽ cho những thứ ông buộc phải làm để đảm bảo quyền lực. Có thể Machiavelli sẽ không chấp nhận việc giết người một cách lãng xẹt, giết chỉ để giết, nhưng những vụ giết người mà ông mô tả, đồng thuận lại hoàn toàn khác biệt. Nếu hành động của Borgia bị chi phối bởi lòng trắc ẩn, thì theo quan điểm của Machiavelli, nó sẽ trở thành thảm họa cho ông ta và cho cả đất nước.
Machiavelli nhấn mạnh rằng một quân vương tốt hơn hết nên được thần dân sợ hãi thay vì yêu quý. Tất nhiên lý tưởng nhất vẫn là vừa sợ vừa yêu, nhưng sẽ rất khó để đạt đến mức đó. Nếu quân vương tin rằng họ được dân yêu thì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ lớn là họ sẽ bỏ rơi vua vào lúc khó khăn. Nếu dân sợ vua, họ sẽ càng ngày càng sợ phải đối đầu với vua. Đây là một cái nhìn khá hoài nghi và cho thấy rõ quan điểm hạ thấp con người của Machiavelli. Ông cho rằng con người không đáng tin, tham lam và lươn lẹo. Một bậc lãnh đạo muốn thành công thì nên biết rõ bản chất thật sự đó. Sẽ rất nguy hiểm nếu họ tin tưởng vào khả năng giữ lời của người khác. Thay vào đó, họ phải nghĩ tới hậu quả có thể xảy ra khi bị phản bội lòng tin.
Nếu một người cai trị có thể đạt được mục đích của mình nhờ sự thân thiện, chân thành và sự mến mộ từ người dân, vậy thì cứ tiếp tục phát huy như thế (hoặc ít nhất là giả vờ như thế). Nhưng nếu họ thất bại, thì không còn cách nào khác ngoài việc kết hợp tính người với tính “thú vật”. Những triết gia khác đã nhấn mạnh vào yêu cầu ở kẻ đứng đầu phải làm tấm gương cho người khác, đặc biệt là về mặt “con người”, nhưng Machiavelli lại cho rằng một vị quân vương thành công đôi khi nên cư xử như một con vật. Loại vật đáng để học hỏi ở đây chính là con cáo và sư tử. Cáo thông minh, ranh mãnh và có thể phát hiện ra những cái bẫy, còn sư tử lại rất khỏe và đáng sợ. Sẽ là không hay nếu ta luôn hành xử như một con sư tử, chỉ biết dùng tới quyền lực thô của mình, bởi một kẻ đứng đầu có thể đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy kẻ thù. Nhưng cũng chẳng đủ nếu ta chỉ làm một con cáo xảo quyệt. Thỉnh thoảng, sức mạnh của sư tử là cần thiết để bảo vệ an toàn cho bản thân. Nhưng nếu người cai trị cứ mặc nhiên tin tưởng vào vẻ thân thiện và quyền năng của công lý thì anh ta sẽ chẳng trụ được lâu. Thật may mắn là con người rất dễ tin. Họ có thể bị lừa bởi vẻ bề ngoài. Một quân vương đôi khi có thể vờ tỏ ra tử tế và thành thực, mặc dù anh ta đã phá vỡ lời hứa và cư xử tàn độc.
Nếu ta nghe về ý tưởng này, ta có thể sẽ nghĩ rằng, Machiavelli về cơ bản là một kẻ xấu. Rất nhiều người có chung thái độ đánh giá đó và tính từ “machiavellist” ra đời nhằm để chỉ những kẻ thích lừa phỉnh và lợi dụng người khác nhằm đạt được mục đích riêng. Nhưng một số người khác lại cho rằng Machiavelli cùng với cuốn sách của ông đã làm sáng tỏ những thứ tối quan trọng. Có thể, một lối ứng xử thông thường, tốt đẹp không áp dụng được cho các quân vương. Tỏ ra thân thiện hàng ngày và tin tưởng vào người đã trao lời hứa với mình là điều gì đó khác hẳn với việc lãnh đạo một đất nước hay một lãnh địa. Trong chính trị, việc tin tưởng vào sự tử tế, lịch sự của một nước với những nước khác là rất nguy hiểm. Năm 1983, thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã đặt niềm tin vào thủ tướng Adolf Hitler khi ông ta hứa chắc rằng sẽ không cố bành trướng thêm lãnh thổ Đức. Ngày nay, người ta coi hành động lúc đó của Chamberlain là ngây ngô và thiếu hiểu biết. Machiavelli chắc hẳn đã có thể chỉ cho ông thấy rằng Hitler có đủ mọi lý do trên đời để nói dối và đáng lẽ không nên phí phạm lòng tin.
Mặt khác, chúng ta cũng không nên quên mất một sự thậtlà Machiavelli đã lên tiếng bao biện cho những hành vi vô nhân đạo tàn bạo của các nhà cai trị : ngay cả trong lòng nước Ý khát máu vào TK 16, sự đồng thuận của ông tới việc làm của Cesare Borgia khiến đông đảo người dân sửng sốt. Nhiều người cũng cho rằng, một đạo luật khắt khe quy định những điều mà một nhà cai trị được phép làm với kẻ thù của họ nên được ban bố và ghi rõ trong hiến pháp. Nếu không có giới hạn cụ thể, chúng ta rồi sẽ bị cai trị bởi những kẻ bạo chúa tàn độc. Adolf Hitler, Pol Pot, Idi Amin, Saddam Hussein và Robert Mugabe cũng áp dụng những phương pháp tương tự như Cesare Borgia để bảo toàn, tăng cường quyền lực cho bản thân.
Thật chẳng có nổi tấm gương vinh danh nào cho triết học của Machiavelli.
Machiavelli xem mình là một nhà hiện thực hơn là người phát hiện ra sự ích kỷ sâu trong bản chất con người. Thomas Hobbes chia sẻ cùng quan điểm với ông, vì chính điểm nhìn đó đã đặt nền tảng cho tư tưởng về một xã hội lý tưởng của Hobbes.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất