Đã bao nhiêu năm nay, nhà nước và các đơn vị, tổ chức luôn tìm cách để giảm thiểu con số trên với những chiến dịch, với những lời tuyên truyền và cam kết, nhưng kết quả dường như chẳng thay đổi được mấy. Thực sự nếu nhìn vào những chiến dịch, những lời tuyên truyền tốn kém cả tỷ đồng kia thì dường như ai cũng hiểu nó chẳng thể làm gì và chẳng thay đổi gì vì cái được gọi là "nhận thức" và "trình độ dân trí" của người dân sẽ còn lâu mới cải thiện được.
Vậy thì phải làm sao?? Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân và lời giải thông qua "Lý thuyết cửa sổ vỡ".
Lý thuyết Cửa sổ vỡ (Broken Windows Theory) - một lý thuyết về tội phạm học, lần đầu tiên được nêu ra năm 1982 trên tạp chí The Atlantic Monthly bởi hai nhà xã hội học James Q. Wilson và George L. Kelling, trong đó các hành vi tội phạm lây lan trong xã hội được ví như những ô cửa sổ nhỏ trong 1 tòa nhà:
"Giả sử như có một tòa nhà với vài ô cửa sổ bị vỡ kính, nếu không được sửa chữa kịp thời, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng phá thêm vài ô cửa nữa. Dần dần, họ sẽ đột nhập vào tòa nhà đó, giả như tòa nhà không có người ở, họ sẽ chiếm dụng tòa nhà, đốt lửa bên trong."
Vẫn là George L. Kelling, trong cuốn sách "Sửa chữa những cửa sổ vỡ: Thiết lập trật tự và giảm thiểu tội phạm trong cộng đồng" (nguyên văn: Fixing Broken Windows: Restoring Order and Reducing Crime in Our Communities) xuất bản năm 1996 cùng với Catharine Coles, ông đã nêu ra biện pháp để hạn chế việc lây lan những hành động tội phạm, những hành động phá hoại trong xã hội đó là:
"Giải quyết các vấn đề khi nó còn rất nhỏ, sửa chữa các cửa sổ trong khoảng thời gian rất ngắn (trong một ngày hoặc một tuần), khi đó những kẻ phá hoại sẽ không có xu hướng làm vỡ thêm hoặc hư hại thêm. Dọn dẹp đường phố mỗi ngày để rác không còn tích lũy (tỷ lệ xả rác cũng sẽ ít hơn)."
Trong tác phẩm "Điểm bùng phát" (The Tipping Point), tác giả Malcolm Gladwell đã phân tích khá rõ về lý thuyết này, liên hệ nó với việc suy giảm nhanh chóng tỷ lệ tội phạm tại New York trong những năm 1990 nhờ những hành động tưởng như rất nhỏ của sở cảnh sát New York. Cũng trong quyển sách này, Gladwell đã đưa ra luận điểm về sự liên kết giữa Sức mạnh hoàn cảnh và Sự phạm tội, trong đó hành vi của con người là một chức năng của hoàn cảnh xã hội, chịu tác động rất lớn từ môi trường và hoàn cảnh đó. Nếu đi theo thuyết Cửa sổ vỡ, những hành vi phạm tội bắt đầu thường rất nhỏ, nhiều khi vô hại hoặc tác hại rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì những hành vi đó dần dần sẽ tăng lên về cấp độ cũng như cường độ, người phạm tội lúc đầu có thể cũng có cảm giác hối hận, nhưng sau vài lần phạm lỗi thì cảm giác đó sẽ qua đi, thay vào đó là cảm giác "quá là điều bình thường luôn".
Quay lại với vấn đề chính của bài viết và là vấn đề muôn thửa của Việt Nam: "Tình trạng giao thông".
Luật giao thông đường bộ đầu tiên của Việt Nam được ban hành năm 2001 (trước đó là một ma trận pháp lệnh, nghị định, văn bản quy phạm được ban hành trải dài từ khi đất nước được sinh ra). Việc ra đời 1 bộ luật cơ bản của đời sống văn minh quá muộn (56 năm sau khi thành lập đất nước, 55 năm sau khi thành lập Quốc hội và 26 năm sau khi chính thức thống nhất đất nước) vô tình đã tạo ra một tòa nhà trống với rất nhiều khung cửa sổ, một vài trong số đó đã vỡ do không có quy định hoặc quy định không theo kịp thực tế, một vài trong số đó thậm chí đã vỡ ngay từ khi hình thành.
Trong khi giữa cuộc sống văn minh tồn tại một ngôi nhà với vô số các cửa sổ vỡ như vậy, việc cần làm ngay là sửa chữa, phục hồi và bịt kín những ô cửa ngay khi còn có thể thì chúng ta lại tiếp tục làm ngơ và coi nó như những thứ nhỏ nhặt, dễ dàng bỏ qua và tập chung vào một thứ rất mất công và thời gian để khắc phục đó là "Nhận thức". Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao cảnh sát giao thông lại chọn người để thổi phạt, chỉ thổi phạt những người nhà quê "ngơ ngơ" mà không bao giờ dám thổi phạt đám thanh niên xăm trổ, đầu trần vượt đèn đỏ? Người lớn tuổi cũng là một ngoại lệ khi vô tư vượt đèn đỏ và đi ngược chiều, mắng chửi đứa nào không nhường đường cho bà? Dạo gần đây cũng không thấy phạt lũ trẻ con mặc đồng phục đi xe máy? Đèn đỏ còn 5 giây nhưng có 1 lũ đã lao lên phía trước, lũ còn lại bấm còi inh ỏi, khi mình vẫn dừng xe cho đến khi đèn chuyển sang xanh thì bị 1 ninja vụt qua với ánh mắt không thể sắc hơn, anh công an gần đó đứng cầm điện thoại lướt lướt. Gần đây thời gian được đi khi đèn đỏ có vẻ đã được nâng từ 5 giây lên thành 10 giây trước khi chuyển sang xanh?
Chính những ô cửa sổ nhỏ bị vỡ đó nhưng không được chấn chỉnh ngay, dần dần đã hình thành nên một thói quen tham gia giao thông một cách tùy tiện, bừa bãi và vô tổ chức như ngày hôm nay. Thậm chí từ những hành vi rất nhỏ như đỗ đèn đỏ nhưng vượt qua cả làn kẻ giới hạn màu trắng, đỗ lấn sang làn đường đối diện cũng không được xử lý nghiêm ngay từ đầu hoặc chỉ xử lý ô tô (vì chúng nó dễ tóm và không quay đầu chạy ngay được) sẽ dần dần hình thành hành vi "tặc lưỡi" vượt, "tặc lưỡi" lấn như hiện nay.
Nhà nước sẽ vẫn có những chương trình quốc gia về an toàn giao thông; các đài báo vẫn sẽ ra rả nói về việc tuân thủ luật lệ; hàng nghìn, trăm nghìn tờ rơi vẫn sẽ được rải và dán ngoài đường phố nhưng những hành động tưởng như nhỏ nhặt nhất như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm vẫn cứ được cho qua, không xử lý 1 cách triệt và một khi nó đã thành một thứ không thể sửa chữa thì việc để tiến lên một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật sẽ vẫn mãi còn xa vời.
Thực trạng giao thông ở VN thường được quy tội cho " Ý thức tham gia giao thông của mỗi cá nhân ", chừng nào dân còn ý thức kém thì chính quyền không thể làm gì. Một xã hội văn minh thì mọi thứ phải dựa trên luật pháp, nếu luật nghiêm thì hiển nhiên là ý thức sẽ tốt lên. Ngoài lề 1 chút, đi ô tô ở HN sợ nhất bị vặt gương, mà vặt gương thì lên chợ Trời phố Huế sau 1 ngày, nói loại ô tô, khu vực mất là tìm được đúng cái gương luôn. Bao đời chủ tịch HN đều nói không giải quyết được vấn đề trộm gương trong khi chỉ cần xích hết lũ bán đồ ăn cắp ở chợ Trời lại. Khó hiểu ???
Mình cũng đã đọc bài viết này rồi
https://www.smithsonianmag.com/smart-news/sorry-malcolm-gladwell-nycs-drop-in-crime-not-due-to-broken-window-theory-12636297/
Thực sự trong đó họ cũng chỉ đưa ra các dẫn chứng về việc Malcom liên hệ việc giảm tỷ lệ tội phạm và Broken Windows Theory là không rõ ràng và còn nhiều lý do khác nữa mà thôi,
Bản chất lý thuyết này chưa ai bảo là sai, lý thuyết vốn dĩ là lý thuyết, quan trọng là chúng ta áp dụng nó như thế nào. Trong bài viết của mình, mình cũng chỉ đưa ra một góc nhìn cá nhân và cũng nói là nó không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Nhưng tại sao chúng ta không thử??
Ở Vn thì tôi thấy nó đặc biệt chính xác, rất ngạc nhiên là nhiều người lái xe ở VN lại tuân thủ nghiêm túc luật giao thông ở nước ngoài. Họ sợ bị phạt nặng và biết cảnh sát sẽ không nương tay.
Đi đường ghét nhất là đèn thì vẫn đỏ mà thằng phía sau bấm còi inh ỏi, rồi thì "bạn gì ơi, bạn tiến lên 1 chút cho tôi đi nhờ". Đèn còn 5-6s, muốn dừng cũng phải nhìn trước nhìn sau không thì bị thằng phía sau đâm cho nát đít. Đến giờ cao điểm mọi người lao lên vỉa hè như 1 điều tất nhiên để rồi khi rẽ xuống lại làm tắc ở khu vực phía trên. Mỗi thứ cứ 1 chút, mỗi người sai 1 tí để rồi giao thông trở nên hỗn độn.
Bài viết khá hay. Xưa nay việc vi phạm luật lệ giao thông vẫn được đổ thừa cho "ý thức người dân" nhưng mình nghĩ đó chỉ là 1 phần nguyên nhân của sự việc. Mình nghĩ hướng giải quyết cho vấn đề này chỉ đến từ 2 việc: 1 là tăng các chế tài xử phạt và 2 là chấn chỉnh đội ngũ cảnh sát giao thông. Trong đó quan trọng nhất vẫn là đội ngũ cảnh sát giao thông. Từ xưa nay những lỗi như vượt đèn đỏ, đi sai làn diễn ra phổ biến với sự ngó lơ của lực lượng chức năng, nếu có xử phạt thì lại xảy ra vấn đề "muốn đi nhanh thì ...". Tất nhiên sẽ có người nói cảnh sát có người này người nọ nhưng từ trước đến nay cảnh sát giao thông mà dẫn người già qua đường thì đằng sau chắc chắn là những ống kính may quay (chưa 1 lần nào mình không thấy như thế cả, ở Hà Nội). Nhìn chung là niềm tin không còn cao cho lắm. Những chính sách được nêu ra, luật mới được hình thành nhưng chẳng ai chấp hành hoặc người bảo vệ luật pháp lại thờ ơ thì cũng vô tác dụng :))