Sẽ làm gì nếu chiếc ly chúng ta hằng yêu thích chẳng may bị vỡ, hay có vài vết nứt dọc bên thân? Liệu chúng ta sẽ tìm cách hàn gắn lại, cho chiếc ly một cơ hội mới, hay sẽ lẳng lặng bỏ vào sọt rác và đặt mua một chiếc mới thay thế?
Chúng ta đang trải qua thời đại mà, nhờ vào những bước nhảy vọt trong sản xuất hàng loạt, vận tải, chuỗi cung ứng, chúng ta được trải nghiệm sự tiện nghi đến từng chi tiết: ship hàng trong hai giờ, ship trong ngày, hay thậm chí những món đồ ở phía-bên-kia-trái-đất giờ cũng chỉ còn cách vài ngày làm việc mà thôi. Sự tiện lợi mà những thế hệ đi trước, có lẽ chỉ một, hai thế hệ trước, chưa từng tưởng tượng ra - hoạ chăng chỉ có trong tiểu thuyết viễn tưởng hay truyện tranh Doraemon. Sự sẵn có, dễ dàng tiếp cận với mức giá phải chăng đã dần thay đổi mối quan hệ với những đồ vật mà chúng ta sở hữu.
Trong một viễn cảnh khác, ta có thể từng mơ ước có một chiếc tách cà phê màu hoả biến được làm bởi một người thợ thủ công mà mỗi tháng, ông chỉ làm ra vài chục chiếc. Sau khi ghi tên đặt trước, ta sẵn sàng chờ đợi trong hạnh phúc nhiều ngày, thậm chí vài tuần, để được thấy một chiếc hộp gói tuỳ hứng, với chiếc ly bên trong và lời nhắn cách chăm sóc chiếc ly, kèm chữ ký của người thợ thủ công. Đó không hẳn là một chiếc ly đắt tiền, nhưng cảm giác chờ đợi và chắc chắn rằng ta muốn có nó, cùng với việc chúng ta biết người thợ dù chưa từng gặp mặt, biết cách nó được tạo ra như thế nào, khiến chúng ta có một sợi dây kết nối vô hình và cảm thấy thân thuộc. Từ đó, sự hiện diện của chiếc ly trên bàn, lưng lưng cà phê mới pha mỗi sáng dần trở nên thân thuộc. Chúng ta cẩn thận gói nó theo mỗi khi chuyển nhà, và trong những chuyến công tác xa, khi uống cà phê trong chiếc ly giấy dùng một lần mua từ quán, ta lại ước gì có thể mang theo chiếc ly kia bên cạnh. Ngày cứ thế trôi và bỗng một lần nọ, ta phát hiện một vết nứt nhỏ ở thân ly. Chiếc ly không còn “hoàn hảo, vẹn nguyên” nữa. Ta tiếc nuối. Người thợ thủ công già vẫn làm gốm, và có một vài mẫu gần giống. Nhưng dù thế nào, chẳng có chiếc nào là chiếc ly đã cùng ta trải qua bấy nhiêu buổi sáng.
Bây giờ, chúng ta có thể dễ dàng thay thế một chiếc ly cũ với một chiếc mới y hệt chỉ với vài cái nhấp chuột, và một gói đồ được chuyển đến tận cửa ngay ngày hôm sau. Hoặc thậm chí, đôi khi chúng ta chỉ đơn giản là muốn có ngay lập tức chiếc tách lướt thấy trên mạng xã hội - và tin rằng chúng ta rất cần nó, dù có thể niềm tin ấy chỉ tồn tại tới lúc có nó trong thay. Rồi ta chẳng biết bao nhiêu ly tách trong nhà tới nỗi phần lớn chúng nằm trên kệ, hay trong chạn bếp, phủ đầy bụi. Và chúng ta chẳng màng tới một, hai chiếc chẳng may bị vỡ - dù chúng là những món mà ta cũng từng rất muốn có được.
“We Protect What We Love”
“We protect what we love” là câu nói được lặp lại tương đối thường xuyên trên Slow, vì Slow tin rằng chỉ những thứ thực sự có ý nghĩa với bạn mới tồn tại và vượt qua thử thách của thời gian.
Vậy, điều gì khiến cho một món đồ có ý nghĩa đặc biệt?
Đó là thứ mà chúng ta hiểu rõ nguồn cội của chúng, biết rõ người chế tạo và câu chuyện đằng sau nó. Nếu đó là một món đồ handmade, người tạo ra nó có thể là chính chúng ta, một người bạn hay một người thân nào đó, người đã tặng ta nhân một dịp đặc biệt. Thông qua món đồ, chúng ta cảm nhận được sự kết nối với họ, và điều đó khiến chúng trở nên có ý nghĩa.
Chúng ta từng trải qua rất nhiều sự kiến với món đồ ấy. Đó có thể không phải là món đồ dùng hằng ngày, chẳng hạn như một chiếc va li da. Nhưng nó đã cùng ta trải qua rất nhiều cung đường, rất nhiều chuyến đi, cùng sẻ chia nhiều kỉ niệm - có lên có xuống. Chiếc vali đã trở thành người bạn đồng hành.
Chúng ta cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy nó - hay đôi khi là cảm giác hoài niệm, có gì đó hơi xốn xang khi nghĩ về những cái đã qua. Thật kì lạ khi một đồ vật có thể nhen nhóm trong chúng ta những cảm xúc phức tạp, điều mà những món đồ ta mới sở hữu hoàn toàn không thể làm được (không nói rằng chúng sẽ mãi không thể, chỉ là ở trong thời điểm này, chúng chưa thể đem đến những cảm xúc kì diệu đến vậy).
Để có thể cùng ta trải qua những thăng trầm như thế, hẳn món đồ vật đó cũng phải có “độ lì”, có chất lượng nhất định - một bằng chứng cho thấy chúng đã được tạo ra từ tâm huyết của người làm nghề, với sự chú tâm về trải nghiệm của người sẽ sử dụng nó. Chỉ với lẽ đó thôi, phải chăng chúng đã xứng đáng được trao thêm một cơ hội nữa, nếu chẳng may có dấu hiệu của sự hao mòn?
Không chỉ mối quan hệ với đồ vật, phải chăng mối quan hệ của chúng ta với “những mối quan hệ” cũng đang trải qua thời kì biến chuyển tương tự?
Với tất cả những sự tiện nghi có được từ công nghệ, từ sự cởi mở của xã hội và những chuyến đi, chúng ta có điều kiện để gặp, để tương tác với rất nhiều người mới. Khi đó, liệu mối quan hệ có-dấu-hiệu-rạn-nứt của chúng ta có cơ hội để được hàn gắn, để thay vì câu chuyện bỏ ngỏ, một chương mới lại được bắt đầu?
Lại ngẫm rằng, chỉ những thứ thực sự có ý nghĩa, sẽ ở lại.
Xem thêm bài viết tương tự trên Slow.vn.