Real Madrid (RMA) là một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới, khi trong suốt lịch sử hoạt động, Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã gặt hái được vô số danh hiệu cao quý. Và ở cách đó hàng vạn cây số, người mộ điệu "môn thể thao vua" ở Việt Nam thường sử dụng biệt danh "kền kền trắng" mỗi khi nhắc đến đội bóng đến từ châu Âu này. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao dàn hào thủ ấy lại bị gán với tên gọi có phần xấu xí, và liệu đây có thực là biệt danh chính thức của CLB xuất sắc nhất thế kỷ 20 hay không?
<i>Kỷ  niệm chương Câu lạc bộ xuất sắc nhất thế kỷ XX của FIFA 
được trưng bày tại Bảo tàng Real Madrid.- Nguồn: Real Madrid</i>
Kỷ niệm chương Câu lạc bộ xuất sắc nhất thế kỷ XX của FIFA được trưng bày tại Bảo tàng Real Madrid.- Nguồn: Real Madrid

"Sự thật không phải như em nghĩ đâu..."

Đúng là "kền kền trắng" có liên quan tới RMA, nhưng cần phải nói chính xác hơn rằng đây là biệt danh của một cầu thủ từng khoác trên mình chiếc áo trắng danh giá. Đó là Emilio Butragueño Santos (Ê-mi-li-ô Bu-t'-ra-ghê-nhồ San-tôtz :))) ). Trong suốt 13 năm cống hiến cho đội bóng thành Madrid, bao gồm 2 năm (1982-1984) chơi ở đội B và 11 năm (1984-1995) cho đội 1, trung phong này ra sân 406 trận, ghi được 160 bàn thắng, và trở thành trụ cột của đội bóng trong thập niên 80.
<i>Butragueño cùng đồng đội cầm trên tay chiếc cúp vô địch La Liga mùa giải 1994-1995- Nguồn: RTVE</i>
Butragueño cùng đồng đội cầm trên tay chiếc cúp vô địch La Liga mùa giải 1994-1995- Nguồn: RTVE
"Kền kền" chính là biệt danh do Julio César Iglesias, ký giả khi đó đang làm việc cho tờ báo El País, đặt cho Butragueño, và được tạo ra bằng cách chơi chữ dựa trên họ của danh thủ này, bởi hai âm tiết đầu "butra" có cách phát âm gần giống với từ con kền kền trong tiếng Tây Ban Nha (buitre). Nhưng không chỉ đơn giản là chơi chữ, Julio César Iglesias còn đang phần nào đó mô tả lại ngoại hình của cầu thủ này, bởi thời còn theo nghiệp quần đùi áo số, chàng trai đến từ thủ đô có cơ thể mảnh khảnh, khuôn mặt mạnh mẽ với hốc mắt sâu, sống mũi dọc dừa (và có phần hơi khoằm?) và nhất là dáng đứng hơi gù lưng và vươn cổ ra đằng trước, thật sự không khác gì một chú kền kền.
<i>"Bộ Ngũ của El Buitre" (La Quinta del Buitre) bao gồm Butragueño, Pardeza, Sanchís, Míchel và Martín  Vázquez.- Nguồn: Cadena SER.</i>
"Bộ Ngũ của El Buitre" (La Quinta del Buitre) bao gồm Butragueño, Pardeza, Sanchís, Míchel và Martín Vázquez.- Nguồn: Cadena SER.
Và thế là từ biệt danh của chỉ riêng Butragueño, qua cách truyền tải thông tin ở Việt Nam mà nó đã trở thành biệt danh của cả một đội (cũng may là Chủ tịch đương nhiệm Florentino Pérez không biết tiếng Việt, chứ đồng nhất cá nhân với cả một đội bóng như thế này là ông không hề thích đâu :))) ). Có lẽ do rào cản ngôn ngữ, bởi tiếng Tây Ban Nha tới thời điểm hiện nay vẫn thuộc dạng "tiếng hiếm", thế nên là truyền thông gọi "La Quinta del Buitre" (có nghĩa là "Bộ Ngũ của El Buitre") thành "năm con kền kền", một biệt danh cũng do chính Julio César Iglesias đặt cho năm cầu thủ xuất sắc trưởng thành từ lò đào tạo các cầu thủ trẻ của Đội bóng Hoàng gia.

Thế biệt danh nào mới là "chuẩn"?

Mỗi khi nhắc tới RMA, báo chí quốc tế sẽ thường chỉ sử dụng những biệt danh chính thức sau đây: - "Los Blancos" (The Whites): có nghĩa là những người/ cầu thủ mặc áo trắng, xuất phát từ màu áo truyền thống của đội bóng này. - "Los Merengues" (The Meringues): Meringue là một món đồ ngọt truyền thống của châu Âu, và tùy theo phong cách ẩm thực (Pháp, Thụy Sỹ hay Ý) mà sẽ có cách chế biến khác nhau, nhưng nguyên liệu tiên quyết để làm ra món này chính là lòng trắng trứng gà và đường. Và mối liên hệ giữa RM và món trứng đánh đường này đơn giản chỉ là màu trắng. - "Los Vikingos" (The Vikings): Viking, bắt nguồn từ tiếng Bắc Âu cổ (Old Norse) là "víkingr", là từ chỉ những chuyến hải trình ra hải ngoại và bao gồm việc cướp phá được thực hiện bởi những người Bắc Âu cổ, chủ yếu đến từ khu vực Scandinavia. Về nguồn gốc của danh xưng này, có 2 cách giải thích. Cách thứ nhất cho rằng, sau khi Đội bóng Hoàng gia TBN đoạt chức vô địch châu Âu lần thứ 5 vào mùa giải 1959-1960, thời báo Times đã ví von sự thống trị của CLB đến từ Madrid với sức mạnh của những đạo quân Viking càn quét khu vực Bắc Âu trong Giai đoạn Di cư (Migration Era). Còn cách giải thích thứ hai cho rằng đã từng có một thời kỳ mà đội hình ra sân thi đấu của RM phần lớn là các ngoại binh đến từ Đức và Đan Mạch, bởi vậy mới xuất hiện biệt hiệu có phần châm biếm này. - "La Casa Blanca" (The White House): "La Casa Blanca" (tức Nhà Trắng) là cách gọi khác của Sân vận động Santiago Bernabéu. Tuy nhiên, biệt danh này ít khi được sử dụng để chỉ sân nhà của RMA, và chủ yếu được sử dụng bởi các nhà báo, bình luận viên đến từ khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Argentina. - "Galácticos": Thôi, cái này thì ai cũng biết nó đến từ chính sách chuyển nhượng của Chủ tịch Pérez rồi, viết nữa bài dài quá anh chị em đọc mệt, nên là bài dừng lại ở đây nhé :v
¡HALA MADRID!