Nếu cầu thủ bóng rổ tại NBA phải đi xin việc như người bình thường thì khả năng cao là CV của LeBron James sẽ là một tờ sớ dài độ chục trang—với số năm kinh nghiệm trong nghề còn nhiều hơn số tuổi của một số độc giả ngồi đây.
04 lần lên ngôi vô địch, 04 danh hiệu MVP Chung kết, 04 MVP Mùa giải, 05 lần lọt vào danh sách cầu thủ phòng ngự tốt nhất, 18 lần góp mặt trong All-Star, v.v. chừng đó vẫn chỉ là một góc tường của A Giành. Từ khi Jordan giải nghệ vào năm 2003 (thật tình cờ đó cũng là năm LeBron gia nhập liên đoàn), ngoại trừ Kobe Bryant quá cố ra thì LeBron được xem là người tiệm cận nhất với Vua Bóng Rổ.
Thực chất thì bài viết này chẳng nhằm mục đích tranh luận xem giữa LeBron và Jordan thì ai mới là GOAT thực sự? Và tôi cũng không rõ LeBron có xem Michael là mục tiêu để theo đuổi hay không, bởi trên thực tế, LeBron đã vượt qua người tiền nhiệm ở nhiều chỉ số. Dù sao thì cả hai huyền thoại này đều là những vận động viên xuất chúng nhất thế hệ của họ, mỗi người xuất chúng theo một cách riêng. Bài viết hôm nay sẽ tập trung vào LeBron James trước, về tư duy, đạo đức làm việc cùng những thói quen đã góp phần làm nên thành công của Anh Già ngày hôm nay. Hãy cùng xem chúng ta có thể học hỏi gì từ đó không nhé.
Thời trẻ trâu
LeBron James, Lê Bông, A Giành hay Tài Năng Trẻ, là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ, hiện đang thi đấu cho CLB Los Angeles Lakers tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) - ‘giải đấu bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh’ - như các quý báo vẫn thường gọi.
LeBron sinh năm 1984 tại Ohio, mồ côi cha và chào đời khi mẹ ổng còn chưa mười tám. Ngay từ nhỏ, thể trạng trời phú giúp ông thể hiện tài năng vượt trội trong thể thao, đặc biệt là ở bộ môn bóng rổ và bóng bầu dục. Năm 1999, St. Vincent-St. Mary High School chiêu mộ thành công LeBron gia nhập đội bóng rổ, và sau khi hoàn thành phổ thông, ông trở thành một trong những cầu thủ được đánh giá cao nhất trong kỳ tuyển quân NBA thường niên.
LeBron từng dẫn dắt Mary High School vô địch bang Ohio ba lần trong bốn năm đồng hành, ghi trung bình hơn 30 điểm/trận, gần như là thống trị bảng rổ cả hai đầu sân, diễm nhiên LeBron nổi như cồn và trở thành cái tên được săn đón nhất. Nối gót Kobe Bryant, LeBron James quyết định bỏ qua đại học để nhảy thẳng vào đấu chuyên nghiệp ở tuổi 18.
Ông được đội bóng quê hương Cleveland Cavaliers lựa chọn với lượt pick đầu tiên, lặp lại lịch sử của Michael Jordan khi ký bản hợp đồng trị giá 90 triệu đô với Nike khi chưa chơi một trận đấu chuyên nghiệp nào.
À, ờ, như mấy tiểu sử gia vẫn thường viết, thì “phần còn lại là lịch sử”.
Đi để trở về
Michael Jordan trầy trật 7 năm mới giành được chức vô địch đầu tiên. LeBron James, người giờ đây được xem là tiệm cận nhất với huyền thoại, thì mất 8 năm để lấy nhẫn, dài cũng ngang ba phần Lord of the Rings. LeBron gắn bó với Cavaliers, trở thành đầu tàu dẫn dắt tập thể này vào 2 lần Chung kết trong 6 năm gắn bó nhưng chức vô địch vẫn kiên quyết phớt lờ anh.
Cuối mùa giải 2009-2010, LeBron từ chối gia hạn hợp đồng với Cavaliers để trở thành cầu thủ tự do, ngay lập tức bom tấn chuyển nhượng nổ ra: siêu sao này sẽ gia nhập Miami Heat với Dwayne Wade, chiêu mộ thêm Chris Bosh và thiết lập một superteam – động thái đã dấy lên vô số lời chỉ trích từ phía ban lãnh đạo cũng như người hâm mộ.
Nếu như Jordan và Kobe quyết định ở lại với đội bóng để cùng xây dựng đội ngũ hướng tới chức vô địch, việc LeBron chuyển tới Heat được xem như “đi đường tắt”, “kẻ phản bội”, v.v. Thế nhưng bất chấp sự dè bỉu từ truyền thông, LeBron càng đánh càng hay, sau đó lên ngôi vô địch với Heat hai lần và giờ đây Miami Heat những năm đó được nhắc đến như một trong những triều đại mạnh nhất lịch sử bóng rổ, bên cạnh các tượng đài khác như Lakers (2000-2022), Bulls (1991-1998), Golden State Warriors (2013-2017), v.v.
Sau khi hết hạn hợp đồng với Heat vào cuối mùa giải 2013-14, Lebron một lần nữa trở thành cầu thủ tự do, và ổng lựa chọn “nối lại tình xưa” với đội bóng quê hương Cavaliers, vì ông cho rằng ông nợ họ một chức vô địch. Như chưa từng có cuộc chia ly, Cavaliers dang rộng vòng tay ấp LeBron vào lòng như đứa con tha phương lâu ngày nay đã hoàn lương và trở về nhà.
Họ bắt đầu công cuộc gây dựng “đoàn hộ nhẫn” bằng cách chiêu mộ Kevin Love và Kyrie Irving. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, Cavaliers chật vật mới hạ bệ nổi Golden State trong lượt đấu 7 trận, tạo nên một trong những series hấp dẫn nhất lịch sử, một trận thư hùng với màn lội ngược dòng từ vị thế bị dẫn 3-1 tới chiến thắng chung cuộc 4-3. Cái này thì chắc tôi phải giỏi như Nguyễn Tuân thì may ra mới tả lại được độ ngoạn mục của chung kết năm 2016 ấy, vậy nên các bạn hãy vui lòng xem video để cảm nhận rõ hơn.
Nợ đã trả xong, “hoàng tử” Kyrie Irving không thích bị bao trùm bởi cái bóng quá lớn của “King James” nên dứt áo ra đi. LeBron gồng gánh Cavaliers thêm được hai năm trong vô vọng rồi bắt đầu tìm bến đỗ mới: Los Angeles Lakers. Tới đây thì cũng không còn mấy điều để nói nữa rồi nên tôi tóm gọn lại một vài điểm đáng lưu ý như sau:
- 2020, LeBron đăng quang vô địch với Lakers, giành chiếc nhẫn thứ 4 trong sự nghiệp
- 2021, Thua Phoenix 2-4 ngay từ vòng đầu
- 2022, Không được vào vòng loại
- 2023, Vào được Chung kết miền nhưng bị Denver của Jokic “Coca” giã 4-0
- 2024, Suýt bị Jokic cho ăn chổi lần nữa ngay từ vòng đầu, thua chung cuộc 1-4
- 2025, Đồng hành cùng cậu quý tứ Bronny James, từ cha con thành đồng nghiệp, biến thành kẻ “ăn nằm với mẹ đồng đội suốt 20 năm qua”.
Vài suy ngẫm về A Giành và Bóng Rổ
Thật sự thì tôi không biết có thỏa thuận ngầm nào trong giới thể thao không nhưng chế độ tập luyện của các vận động viên được bảo quản như một dạng thông tin mật. Tất nhiên, thi thoảng các tạp chí vẫn lên bài nhưng thật sự thì tôi không tin giới truyền thông lắm. Sẽ tốt hơn nếu phương pháp tập luyện được bật mí bởi người trong cuộc, chẳng hạn như đồng đội, huấn luyện viên cá nhân, hoặc tốt nhất là chính cầu thủ đó.
Vậy nên là, nếu bạn đang tò mò muốn biết LeBron James tập những gì, hoặc mấy thứ đại loại như ‘giải phẫu một ngày của cầu thủ bóng rổ số 1 hành tinh’, thì phới đi. Tất cả những gì tôi nói dưới đây được trích xuất từ Episode 1, Season 4 của series podcast TRAINED từ Nike, và vài tập podcast Mind The Game được sản xuất bởi LeBron James và JJ Redick. Nói chung là tin chuẩn các bạn nhé.
Giờ thì tôi muốn bàn về một chủ đề mà theo kinh nghiệm lượn lờ các diễn đàn bóng rổ, tôi thấy là khá sôi nổi: Điều gì tạo nên một cầu thủ bóng rổ vĩ đại?
Tài năng
Thứ nhất, chắc chắn rồi, tài năng. Trong thể thao, khái niệm ‘gen’ hay ‘cơ địa’ thường được gộp luôn trong ‘tài năng’. Thiên tư chiếm phần lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối cơ hội phát triển của một vận động viên. Tất nhiên, một cá nhân thiếu vắng tài năng vẫn có thể tự bổ khuyết thông qua tập luyện và thi đấu, giúp gã đủ dày dạn để lên tới cấp độ bán chuyên hay chuyên nghiệp. Nhưng dứt khoát là gã không thể thui chột tài năng hoàn toàn. Ở đây, tài năng được xem như một điều kiện tiên quyết, một yếu tố đầu vào bắt buộc.
Nhưng cái hãm của tài năng là nó vận hành theo quy luật hết sức tréo ngoe, vì nhiều khi nó trút như mưa xuống những người không cần nó nhất, và nhất quyết ngó lơ những người thèm khát nó nhất. Thật buồn khi cống hiến hết mình cho bóng rổ chỉ để nhận ra rằng với cái thể trạng quần què và tiềm năng chạm sàn của mình thì ta chỉ theo đuổi bóng rổ như đam mê giúp giải tỏa sau 8 tiếng ngồi văn phòng được thôi chứ để lên chuyên nghiệp thì có lẽ cần ngỏ lời với Chúa, và Người chắc hẳn sẽ đáp lại rằng mọi thứ đã được chu toàn đâu ra đấy cho ta ở kiếp sau.
Tài năng bóng rổ theo tôi có thể phân thành 3 dạng sau: IQ bóng rổ, khả năng vận động, kỹ thuật cá nhân. Nhưng tôi sẽ tiết lộ cho bạn một bí mật ở đây: bạn không nhất thiết phải có cả ba điều này. Thường thì hai trong ba là đủ. Đồng đội có thể tha thứ cho bạn tội ball hog (hiểu đại khái là đánh tốn bóng) nếu kỹ năng và thể lực của bạn tốt. Tương tự, bạn không cần phải quá cường tráng nếu bạn nắm rõ chiến thuật và bạn nhuần nhuyễn mọi kỹ thuật; và huấn luyện viên sẽ không đòi hỏi kỹ thuật của bạn ở mức thượng thừa nếu bạn biết bạn cần làm gì trên sân và bạn chạy như một gã không phổi. Thế đấy, hai trong ba là được rồi, nhưng chỉ một trong ba thì gần như bạn khó tiến xa, và nơi duy nhất bạn có thể tỏa sáng là: a) sân phủi - nơi bạn sẽ chơi với mấy thằng như bạn (tức là được một trong ba); b) trên cương vị huấn luyện viên.
Để tóm gọn lại cho bạn dễ hình dung thì sẽ như này:
IQ bóng rổ: đầu óc chiến thuật, mắt quan sát, nhận định tình huống, khả năng ứng biến, phối hợp với đồng đội, v.v.
Khả năng vận động: Sức bền, sức bật, tăng tốc giảm tốc, độ rướn, v.v.
Kỹ thuật cá nhân: Cái này kể đến mai không hết, nhưng để đơn giản thì ta cứ tạm chia làm kỹ thuật tấn công và kỹ thuật phòng thủ.
Sức bền bỉ
Nếu bạn hỏi tôi điều kiện thứ hai để trở thành một cầu thủ vĩ đại là gì, thì điều đó cũng dễ thôi: sức bền bỉ. LeBron James, giống như Ronaldo, đã rất sáng suốt khi để tâm tới chế độ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi từ giai đoạn đầu sự nghiệp. Nói đơn giản, mấy lão biết nhìn xa trông rộng.
Tư duy
Mike Mancias và LeBron James gặp nhau tại thời điểm cả hai cùng đang chân ướt chân ráo vào nghề. Bấy giờ Mike chỉ một huấn luyện viên tập sự cho Cleveland Cavaliers, còn LeBron thì vừa mới gia nhập NBA. Ngay lập tức, họ nhận ra đối phương chính là “nửa kia” mà mình đang tìm kiếm. Và mối quan hệ dài dặc hơn hai thập kỷ bắt đầu.
Trong tập podcast “Training as a Lifestyle”, Mike Mancias đã diễn giải tư duy của LeBron như sau. Trong khi phần lớn các cầu thủ trẻ tại NBA đều sở hữu tốc độ, sức bền và sức bật đáng kinh ngạc, LeBron (hiển nhiên là sở hữu cả ba thứ trên) trẻ tuổi lại quan tâm tới một vấn đề khác: sự bền bỉ. Mục tiêu của LeBron ngay từ những năm 20 không phải là theo đuổi các chỉ số, và sau hai thập kỷ chinh chiến, dù đúng là ổng dẫn đầu mọi chỉ số thật nhưng đó chỉ là tác dụng phụ kèm theo, còn tầm nhìn của ổng là tối đa hoá sự nghiệp cầu thủ hữu hạn của mình, trong trường hợp này là duy trì phong độ ở mức cao nhất có thể.
Để làm được điều này, chúng ta có thể tóm gọn thành 3 nhân tố chính yếu: giấc ngủ, dinh dưỡng và chánh niệm.
Ngủ và các bài tập phục hồi
Hãy bắt đầu với việc ngủ. Lời khuyên của LeBron và Mike là: cố gắng tối ưu hoá giấc ngủ của bạn, giấc ngủ REM, ở mức tốt nhất có thể. Mức tối thiểu của LeBron là 8 tiếng, đôi khi tăng lên thành 9-10 tiếng, tuỳ thuộc vào cường độ vận động ngày hôm trước. Giấc ngủ, theo ông, không chỉ cần thiết cho quá trình phục hồi mà còn giúp thanh lọc tâm trí. Đúng vậy, tâm trí của bạn cũng cần phục hồi.
Kết hợp với các bài tập phục hồi và bài tập phòng chống chấn thương, LeBron có thể hoá “chaos” thường xuyên mà vẫn giữ cơ thể không rơi vào tình trạng quá tải. Ngoài ra, cái này thì tự bản thân mình nghiệm ra và thấy khá đúng, cuộc sống của A Giành rất nhất quán. Nếu bạn nhìn vào mấy ông Hall of Fame của NBA, như Jordan hay Kobe Bryant, điểm chung là mấy lão này lấy vợ rất sớm, nhìn chung thì cũng có thể coi là chung tình (tương đối thôi vì trong chăn mới biết chăn có rận). Tôi nghĩ thế cũng chuẩn, lấy vợ sớm cho đỡ chơi bời, tập trung kiếm tiền ổn định cuộc sống. Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm, câu này thì văn hoá Đông hay Tây đều đúng. Sau giàu rồi bỏ vợ cưới hoa hậu như Michael Jordan cũng được, nhưng dứt khoát là phải yên bề gia thất sớm để đời sống tinh thần yên ổn.
Quay lại với chủ đề chính, trước mỗi mùa giải, Mike sẽ tiến hành phân tích cơ sinh học của bóng rổ, thể trạng của LeBron và lịch trình du đấu của đội. Cả hai bắt đầu tập luyện từ kỳ nghỉ hè. Ngay khi NBA công bố lịch thi đấu chính thức, họ ngồi lại và nghiên cứu: Oke, mày sẽ cần bay ra bang này, mày sẽ bắt chuyến giờ này, v.v. Tất cả đều xoay quanh sự chuẩn bị.
Tiếp đến là các bài tập phục hồi. Hiển nhiên là NBA không thiếu công nghệ cũng như thiết bị tối tân, nhưng Mike và LeBron trung thành với phương pháp truyền thống, bao gồm: tắm nước lạnh, mát-xa rất nhiều, giãn cơ, mấy thứ kiểu vậy. Trước trận đấu, LeBron áp dụng phương pháp tắm nóng - lạnh đan xen, đại loại là tắm nóng 5 phút rồi tắm lạnh 5 phút, ba lần như vậy.
Thiền và thở
“Nhiều người trong chúng ta vô tình sập bẫy khi lên lịch trình tập luyện kín mít trong tuần, ta sẽ làm gì ở phòng gym, khi nào ta sẽ đi chạy bộ, nhưng ta quên mất lên kế hoạch cho những ngày phục hồi. Ta để trống lịch… Phục hồi không chỉ về mặt thể chất. Nó còn là về mặt tinh thần.” -Lời của A Giành
Các cầu thủ tầm cỡ quốc tế như LeBron chắc chắn phải đối mặt rất nhiều áp lực. Việc ngồi lại, thư giãn, thả lỏng tâm trí, hít thở sâu, cố gắng tách rời bản thân khỏi thế giới đảo điên để hướng con mắt vào phía trong là điều rất quan trọng. Và đó chính xác là thứ mà LeBron đã nhận ra từ sớm, ổng thực hành chánh niệm thông qua việc thiền và rèn luyện thở có phương pháp.
LeBron làm điều này mỗi ngày, chỉ dành vài phút, nhắm mắt lại và thả lỏng. Nó giống như một bài tập để “reset” tâm trí.
Dinh dưỡng và các bài tập tạ
Nếu bạn theo dõi Instagram của A Giành thì sẽ thấy lão post ảnh uống rượu vang rít xì gà nhiều cũng ngang post tập luyện. Thực chất là anh già đang cố tận hưởng quãng thời gian xả hơi ít ỏi của mình, thi thoảng đem mấy con siêu xe ra lượn phố tí rồi ghé qua trường xem mấy cậu quý tử đánh bóng. Thông thường thì ở NBA, quãng thời gian off-season, giống như kỳ nghỉ hè vậy, kéo dài độ 3-4 tháng trước khi vào mùa giải chính thức. Theo nguồn tin chuẩn của NBC Los Angeles, Nhà Vua dành tới 6 buổi/tuần để tập và nghỉ Chủ nhật. Trong những ngày này, LeBron xen kẽ các buổi tập tạ, tập sức bật và cardio theo tỷ lệ 50-50.
Có vài thứ một vận động viên biết chắc không nên đưa vào cơ thể mình. Và nó không liên quan tới việc gã đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp. Hiển nhiên, có những thứ nhất định ta có thể thưởng thức khi còn trẻ nhưng không thể tiếp diễn khi đã sang sườn kia sự nghiệp. Đơn giản là cơ thể ta không còn mạnh khoẻ như 10, 20 năm trước nữa. Theo LeBron, nhận thức được điều này là tối quan trọng nếu bạn muốn đi đường dài.
Về chế độ ăn kiêng, ngay từ những ngày đầu tại NBA, LeBron đã biết hạn chế đường, các sản phẩm từ sữa, đồ ăn giàu carbohydrates và thức uống có cồn. Thực đơn sẽ được biến hoá xoay quanh các loại rau củ quả, thịt nạc như cá hồi, ức gà, và trứng ốp lết. Vào trong mùa giải thì cường độ cao yêu cầu LeBron hấp thụ nhiều carbohydrates hơn để duy trì thể trạng và phục hồi năng lượng sau mỗi trận đấu.
LeBron coi chế độ ăn kiêng của mình giống như leo thang, tức là theo từng bước một. Ổng không lập tức loại bỏ mọi món ăn yêu thích ra khỏi thực đơn của mình như một nhà tu khổ hạnh, ổng rút từ từ cho tới khi trở nên quen thuộc với chế độ ăn uống mới. LeBron cũng nhấn mạnh rằng các người ăn kiêng không cần phải khắt khe quá với bản thân, một buổi cheat day/tuần là hoàn toàn khả dĩ.
Vào ngày cheat day, Anh Già được thoả thích gặm bao nhiêu pizza và kem vani tuỳ thích, đồng thời nốc vài ly rượu vang cho dễ ngủ. Kobe Bryant đội mồ sống dậy có thể sẽ gõ đầu hậu bối của mình vì đã không chịu tập ném phạt còn ngủ nhiều và ăn uống buông tuồng, nhưng dứt khoát là phương châm của LeBron đã phát huy tác dụng. Hơn 20 năm trong nghề, chấn thương nghiêm trọng nhất mà LeBron từng gặp phải là chấn thương háng, bắt buộc lão phải nghỉ tầm 30 trận. Ngược lại, chế độ tập luyện của Kobe từ lâu đã được nhắc đến như một phương pháp khổ luyện. Bàn về sức bền bỉ, LeBron chắc chắn ăn đứt Kobe. Sau chức vô địch vào năm 2010, Kobe lần lượt bị hành hạ bởi nhiều chấn thương quái ác, đáng kể nhất là rách gân gót chân.
Rồi là thêm vấn đề cạnh tranh. Các cầu thủ, như bạn có thể đã biết, đều có tính hiếu thắng rất cao. LeBron rất nghiền bánh quy chocolate và kem vani (tôi chắc mẩm lão vẫn ăn vụng suốt dù chế độ dinh dưỡng không cho phép), nhưng nếu một gã ất ơ đến thách lão rằng lão không thể cai nghiện nổi, lão sẵn sàng kiêng khem để thắng bằng được. Trong trường hợp này, tính hơn thua lấn át cả cám dỗ.
Đam mê, kỉ luật và đánh đổi
Giờ thì chúng ta sẽ bàn về 03 yếu tố sau cùng tạo nên một cầu thủ bóng rổ vĩ đại.
Trước tiên, ta cần bàn về một khái niệm gây lú mang tên “đam mê”. Chủ đề này mình từng bàn luận trong một bài viết rồi, nhưng mình vẫn sẽ nói sơ qua cho mọi người hình dung.
Ở NBA, rất nhiều cầu thủ không thi đấu vì đam mê. Theo nguồn tin (chuẩn) từ CBS Sports, Patrick Berverly, cầu thủ đang thi đấu cho Milwaukee Bucks, từng phát biểu trong podcast rằng 50% vận động viên tại NBA không thích bóng rổ. Đối với họ, bóng rổ cũng giống bất cứ nghề nghiệp nào khác, và bạn thấy đấy, phần lớn chúng ta vẫn chấp nhận làm công việc mình không thích mà.
Với LeBron James, tài năng là yếu tố cần và đam mê là yếu tố đủ để bạn có thể thi đấu ở cấp độ đỉnh cao. Ở NBA, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cầu thủ tài năng thi đấu ở một cấp độ cao mà không cần nỗ lực mấy (hoặc trông có vẻ thế), và những cầu thủ dạng “cày chay” – những người không được ông trời ưu ái lắm nhưng luôn sục sôi bầu nhiệt huyết cháy bỏng.
Nhưng tại sao bạn phải có đam mê với bóng rổ thì mới có thể trở nên vĩ đại?
Đó là vì, đến một giai đoạn nào đấy trong sự nghiệp, bạn sẽ không thể tiến thêm được nữa nếu bạn không thực sự yêu thích thứ bạn đang làm. Chỉ đơn giản vậy thôi. Bạn không lấy đâu ra động lực mà thực hiện mọi thứ cần thiết giúp bạn trở nên vĩ đại nếu thiếu vắng đam mê. Tài năng có thể đưa bạn đi nhanh, nhưng đam mê sẽ giúp bạn đi xa. LeBron có yêu bóng rổ không? Có lẽ không cần phải hỏi. LeBron có tài năng không? Chẳng phải tự nhiên mà người ta gọi lão là “Tài Năng Trẻ”. Vậy nên lão già tự gọi mình là “The Chosen One” cũng có ý đúng. Và chúng ta là con người, chúng ta thích được truyền cảm hứng, và còn gì truyền cảm hứng hơn việc nhìn thấy một cầu thủ chơi bóng như thể đó là lần cuối cùng gã được chơi? Như Kobe Bryant từng nói, "Tôi luôn ra sân và thi đấu hết mình. Tôi biết nhiều khán giả ở đây đã bay rất xa để đến xem tôi thi đấu, do đó tôi không thể khiến họ thất vọng." Hoặc nói như Jordan thì nghe nó đời hơn: "Mày phải ra sân thi đấu vì mày được trả tiền để làm thế."
Đam mê, theo nhiều cách, là tiền đề cho kỷ luật. Ở tuổi 40, LeBron vẫn làm người hâm mộ thán phục vì chế độ tập luyện nghiêm ngặt, và họ khen Anh Già quả thực có một kỷ luật sắt đá, đúng là tư duy của nhà vô địch. Nhưng tôi nghĩ kỉ luật chỉ là tác dụng phụ của đam mê. Con người tự nhiên sẽ tiếp tục làm việc mình thích và thôi làm những việc mình không thích. Kỷ luật, theo nhiều người, là làm vì mình cần làm chứ không phải mình thích làm. Ồ, tôi đếch thích chạy tự sát, đếch thích tập tạ, đếch thích ăn kiêng, v.v. nhưng tôi cần làm thế nếu muốn thi đấu ở một cấp độ cao, nên tôi sẽ làm. Cách tiếp cận của LeBron thì ngược lại, lão tập yêu luôn mấy cái lão ghét. Lão tập chăm vì lão biết mình cần tập chăm và quan trọng hơn là lão thích tập. Lão chấp nhận rằng tình yêu với bóng rổ của lão sẽ lấn át mọi khía cạnh khác trong đời sống, lão phải đánh đổi thời gian vì nó, đánh đổi rất rất nhiều thứ để trở nên vĩ đại. Và, ý tưởng này sẽ dẫn ta sang phần tiếp theo.
Cuộc sống luôn có sự bù trừ, hoặc bạn có thể coi là chi phí cơ hội. Khi bạn lựa chọn làm cái này thì bạn đang đánh đổi cơ hội được làm việc khác. Trong tập podcast với JJ Redick, LeBron đã làm rõ điều này như sau:
“Đôi khi bạn phải hy sinh những người thân yêu để trở nên vĩ đại vì họ không hiểu. Và điều này cũng ổn thôi, họ không hiểu tại sao phải thế, kiểu như, tôi thức dậy vào 5 hoặc 6 giờ sáng mỗi ngày để làm gì. Và lúc tôi trở về nhà sau khi tất cả đã rời phòng tập, tôi sẽ đánh một giấc, vậy nên giờ đây bạn đang hi sinh những người thân yêu bởi bạn không dành thời gian cho họ. Và khi tôi thức dậy, tôi sẽ tiếp tục tập luyện như thế, và rồi tôi ăn tối, rồi tôi đi ngủ. Và tôi sẽ làm thế mỗi ngày, trong một khoảng thời gian rất dài.”
Để trở nên vĩ đại trong bóng rổ hay bất cứ lĩnh vực nào khác, ta phải lao động theo một phương châm sống và một khuôn mẫu nhất quán. Có thể đó là lối sống không có chỗ trống cho những cuộc trò chuyện về đêm, không còn thì giờ cho những chuyến đi phượt ngẫu hứng, nên đôi khi quan hệ của ta với người khác trở nên có vấn đề. Một vài người có thể ghét ta, hoặc đoạn tuyệt ta cũng nên, khi họ rủ rê ta tới chỗ này chỗ kia mà ta thì cứ lắc đầu hoài. Người thân có thể thấy bất mãn, nếu họ thực sự không chấp nhận được lý tưởng của ta, vậy nên tôi nghĩ yếu tố sau cùng, dù không biết có phải quan trọng nhất hay không, là có một dàn hậu phương vững chắc—những người thân cạnh, đủ cảm thông để hiểu và đủ yêu thương để đồng hành. Vì suy cho cùng, người ta không thể tự làm mọi thứ được. LeBron James không, tôi không, và bạn cũng không.
Nguồn tham khảo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất