Lược sử La Mã: Phần 2 - Những vị vua đầu tiên
Sau một thời gian dài (phần vì việc cá nhân và phần vì lầy lội), Series bài viết về lịch sử La Mã đã tiếp tục, lần này mình xin được...
Sau một thời gian dài (phần vì việc cá nhân và phần vì lầy lội), Series bài viết về lịch sử La Mã đã tiếp tục, lần này mình xin được chia sẻ với anh em phần 2. Giống như bài viết số 1, thì mình sẽ đính kèm video ở đây để mọi người tiện theo dõi.Mọi người chọn "CC" để bật caption Tiếng Việt/Tiếng Anh nhé. Sang năm mới chúc anh em Spiders một năm sức khỏe dồi dào, công việc suôn sẻ và không ngừng học hỏi trau dồi những kiến thức mới. Rất mong nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người.
Như mình đã đề cập trong bài viết trước, sự kiện Romulus chiến thắng cậu em trai Remus để thành lập nên thành phố mới bên bờ sông Tiber được coi là điểm xuất phát cho lịch sử thành Rome.
Sự kiện này được các nhà sử học xác định đã diễn ra vào khoảng năm 753 TCN. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được chuyện gì thực sự đã xảy ra, vì các ghi chép đương thời không còn sót lại, còn những ghi chép của thế hệ sau lại mang tính chất ngợi ca hơn là kể lại sự thật lịch sử.
Các dấu tích khảo cổ lại gợi ý cho ta biết rằng, đã có những xã hội nhỏ sinh sống tại bán đảo Italia từ năm 1000 TCN, và đến khoảng năm 700 TCN thì dân số tăng lên đột ngột, với sự xuất hiện những công trình lớn bằng đá.
Tương truyền rằng, thời kì quân chủ của La Mã kéo dài 244 năm từ 753 TCN cho đến 509 TCN, và được cai trị bởi 7 vị vua. Con số này có thể không chính xác, vì nếu như vậy thì mỗi vị vua sẽ phải cai trị hơn 30 năm. Vậy nên các nhà sử học hiện đại thường gán giai đoạn này với dã sử hay chuyện thần thoại nhiều hơn là chính sử.
1. Romulus - Người Sáng Lập
Chúng ta sẽ bắt đầu từ Romulus - người sáng lập đồng thời là vị vua đầu tiên của Rome. Sau khi lên ngôi vua, Romulus gặp phải một vấn đề: thành phố nơi ông mới thành lập có rất nhiều đàn ông, nhưng lại thiếu phụ nữ.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ Romulus - người sáng lập đồng thời là vị vua đầu tiên của Rome. Sau khi lên ngôi vua, Romulus gặp phải một vấn đề: thành phố nơi ông mới thành lập có rất nhiều đàn ông, nhưng lại thiếu phụ nữ.
Để đảm bảo cho sự duy trì giống nòi của vương quốc, Romulus đã nghĩ ra một kế hoạch: ông sẽ mời những người Sabine, một bộ lạc sống gần đó tới một buổi tiệc lớn, và khi có tín hiệu phát ra, thì những người La Mã sẽ nhanh chóng bắt cóc những cô gái Sabine trẻ đẹp về làm vợ.
Kế hoạch diễn ra thành công, nhưng lại nảy sinh vấn đề tiếp theo: người Sabine giận dữ trước hành động trắng trợn của người La Mã, đã đem quân tới vây hãm thành Rome. Nhưng người La Mã đã nhanh hơn, và xây dựng những bức tường vững chắc và cố thủ trong thành. Trận công thành kéo dài hàng năm trời, nhưng người Sabine không thể vượt qua hào lũy kiên cố để tấn công.
Một ngày nọ, một góc tường thành sau nhiều cuộc công phá đã sụp xuống, để lộ khoảng trống để quân Sabine xâm nhập.
Nhưng bất chợt một phe thứ ba đã xuất hiện, chạy ra chỗ thành bị sụp, và can gián hai đội quân ngừng đổ máu. Đó chính là những phụ nữ Sabine đã từng bị bắt cóc, nhưng thời gian thấm thoát trôi qua, đã đem lòng yêu những người đàn ông La Mã như gia đình mình.
Họ thuyết phục hai bên ngừng đối đầu, vì dù có bên nào chiến thắng thì họ vẫn phải chịu mất mát: Nếu người La Mã thắng, họ sẽ mất cha và anh, còn nếu người Sabine thắng, họ sẽ mất chồng. Tất nhiên, vì phụ nữ luôn đúng, nên hai dân tộc ngừng giao chiến, và từ đó họ chung sống như một, với hai vị vua cùng trị vì: một là Romulus của Rome, và một vị vua người Sabine.
Câu chuyện dù có thể không đúng với những gì thực sự đã diễn ra, nhưng nó cũng cho ta thấy những đặc điểm sẽ gắn liền với văn hóa La Mã: đầu tiên là sự đồng hóa của người La Mã với những dân tộc láng giềng, và hình thức cai trị “lưỡng quyền” (dual magistrates), trong đó quyền lực tối cao được chia sẻ giữa hai người thay vì một.
Giá mà Romulus nghĩ ra cái này sớm hơn thì đỡ phải giết ông em nhỉ?
2. Numa - Vị vua sùng tín
Numa - Vị vua thứ 2 của người La Mã là người dân tộc Sabine. Tương truyền rằng, ông đã trị vì trong hơn 80 năm (753 - 673 TCN). Ông được biết đến là một vị vua hiền hậu và nhân từ, và được cho là đã thành lập ra các tổ chức tôn giáo đầu tiên của Rome.
Numa - Vị vua thứ 2 của người La Mã là người dân tộc Sabine. Tương truyền rằng, ông đã trị vì trong hơn 80 năm (753 - 673 TCN). Ông được biết đến là một vị vua hiền hậu và nhân từ, và được cho là đã thành lập ra các tổ chức tôn giáo đầu tiên của Rome.
Vị trí Pontifex Maximus, tạm dịch là Thầy dòng trưởng, được lập ra để quản lí và tổ chức các lễ hội văn hóa và tôn giáo trong năm, sau được Giáo hội La Mã dùng làm tên chính thức cho vị trí Giáo Hoàng.
Tổ chức tôn giáo thứ 2 do Numa lập ra, là các Vestal Virgins - những nữ tu đồng trinh có nhiệm vụ cao cả, là bảo vệ cho ngọn lửa vĩnh cửu - Eternal Flame cháy suốt chiều dài lịch sử La Mã.
Bên cạnh đó, Numa còn góp công sắp xếp lại bộ lịch theo 12 tháng từ bộ lịch 10 tháng ban đầu, một phiên bản sơ khởi cho bộ lịch Mặt trời mà ngày nay chúng ta vẫn sử dụng.
Hai vị vua đầu tiên, Romulus và Numa đã cùng xây dựng nên những nền móng cơ sở cho sự phát triển của thành La Mã, với sự phân chia khá rõ ràng: Romulus đại diện cho những chiến tích và bước tiến về mặt chính trị, còn Numa đại diện cho những thành tựu văn hóa và tôn giáo.
Trên đây là câu chuyện về hai vị vua đầu tiên của vương quốc La Mã. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ tiếp tục bàn về những vị vua của Rome, và cái cách chế độ quân chủ sụp đổ, rồi thay vào đó là thể chế nhà nước Cộng hòa.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất