Rammstein: tiếng Đức không hề đơn giản
Eric Harris là một học sinh lớp 11 tại trường trung học Columbine ở Mỹ. Cậu thần tượng ban nhạc Rammstein đến độ mặc cả chiếc áo phông...
Eric Harris là một học sinh lớp 11 tại trường trung học Columbine ở Mỹ. Cậu thần tượng ban nhạc Rammstein đến độ mặc cả chiếc áo phông có tên ban nhạc trong tấm hình tập thể lớp. Trong cuốn tập san của mình, Eric ghi tên bài “Weißes Fleisch” của Rammstein và note ở dưới dòng chữ “bài nhạc hoàn hảo dành cho tôi”.
Vào ngày 20 tháng 4 năm 1999, Eric và cậu bạn Dylan Klebold đi vào khu cafe căng tin của trường, chĩa thẳng súng bắn chết 11 sinh viên và 2 giáo viên, gây thương tích với 24 người nữa trước khi cả hai quyết định dùng súng tự sát khi cảnh sát tới tiếp cận.
Trong lời bài “Weißes Fleisch” (“White Flesh”) mà Eric nhắc tới có đoạn sau:
“Du auf dem Schulhof / ich zum Töten bereit / und keiner hier weiß / von meiner Einsamkeit”.
Nếu mang sang tiếng Anh, đoạn đó sẽ là: “You, in the schoolyard / I am ready to kill / and no one here knows / of my loneliness”.
Chỉ với vài từ ở đầu bài trên nền keyboard tăng dần tốc độ để vào nhạc cùng tiếng trống và bass nện như sấm, còn tiếng guitar riff thì như chiếc súng máy, thì có lẽ với hai kẻ có vấn đề về tâm thần như hai cậu học sinh trường Columbine nọ, ngoài những yếu tố khác trong đời học sinh và cuộc sống gia đình mang tới những tư tưởng thù hận, âm nhạc của Ramstein chẳng khác gì kích thích chúng ra tay hành động giết người máu lạnh như vậy. Vô hình trung, phần nhạc và đoạn lời ngắn ngủi đó của Rammstein như thật phù hợp với kế hoạch cho cuộc thảm sát của chúng.
Đoạn sau của bài hát đó thì có đoạn:
“Mein schwarzes Blut und dein weißes Fleisch / ich werd immer geiler von deinem Gekreisch / der Angstschweiß da auf deiner weißen Stirn / hagelt in mein krankes Gehirn”
Sang tiếng Anh là:
“My black blood and your white flesh / I get hornier and hornier from your screams / the cold sweat on your white forehead / hails into my sick brain”
Vậy xem ra bài “White Flesh” này còn tả một cách tàn bạo hơn về chuyện làm nhục một cô gái trẻ.
Thêm nữa, bìa đĩa Herzeleid(1995) – album đầu tay của Rammstein còn chụp hình ban nhạc Rammstein cởi trần nhìn chằm chằm không khác mấy hội đầu trọc “skinhead”. Chừng đó là quá đủ cho Rammstein khi ngay sản phẩm âm nhạc đầu tiên đã trở thành một đề tài gây tranh cãi khi liên quan tới vụ thảm sát trường học khủng khiếp nhất bấy giờ tại Mỹ.
Có những ngôn ngữ gắn liền với lịch sử và văn hoá, đâm ra nhiều khi nó mang ý nghĩa tượng trưng một sâu sắc đến mức nó bị gán với sự phân biệt vùng miền. Như tiếng Pháp luôn được nhắc như là ngôn ngữ của tình yêu, tiếng Ý thì lãng mạn, còn tiếng Đức thì sự khô khan có phần cứng nhắc. Tỉ dụ như câu “Anh yêu em” ở các ngôn ngữ nghe đều nhẹ và âu yếm như: “Ti amo”, “Je t’aime”, hoặc chí ít cũng dễ dãi thẳng toẹt như "I love you", thì tiếng Đức sẽ là “ICH LIEBE DICH” - phiên âm thô sẽ là “Ích Li Bờ Đích”, trong đó âm cuối “ch” còn phát âm như chữ “khờ” mạnh như sắp gây hấn. Gạt qua vốn tiếng Đức ít ỏi mà chỉ để ý tới phần âm sắc của ngôn ngữ, tôi cho là phần nhạc của người Đức, dù giai điệu hay đến đâu, cũng hơi bị khó để làm mượt cho những phần âm “khờ nặng” và âm “sờ nặng”.
Ấy thế mà cách hát của ca sĩ Till Lindermann của nhóm Rammstein thậm chí còn tăng độ nặng của tiếng Đức lên một cấp độ mới. Từ nào từ đó phát âm thật rõ, bật mạnh ra khỏi mồm và rung cả đầu lưỡi để âm “rrrrrờ” được kéo dài, dù cho chữ cái “r” đó có nằm ở đầu, giữa hay cuối từ. Dĩ nhiên cách phát âm bị nhấn quá đà đó không phải là cách người Đức nói chuyện với nhau hàng ngày, mà giống hệt cách gã độc tài Hitler và mấy tay Đức Quốc Xã ngày xưa giao tiếp hơn.
Vô hình trung, qua cách phát âm của anh Till Lindemann, tiếng Đức bỗng dưng "mặc định" trở thành ngôn ngữ của sự giận dữ và có phần bạo lực với người nghe. Đó chính là lý do anh và các thành viên trong ban nhạc lựa chọn ngôn ngữ mẹ đẻ để thể hiện âm nhạc với thị trường trong nước và thế giới. Tại sao không chứ, đây là cơ hội tuyệt vời để họ tận dụng thế mạnh của tiếng Đức để mang tới một thứ âm nhạc Rock được ví là “Neue Deutsche Härte” (dịch ra là “New German Hardness”) và thể hiện cá tính của họ. Âm nhạc của Rammstein có sự pha trộn của Industrial Metal và Hard Rock nhập khẩu với nhạc Techno nội địa, cộng với hơi hướng nhạc cổ điển mà các nhà soạn nhạc đồng hương Beethoven, Brahms, hay Schumann đã mang tới cho thế giới. Nay “độ cứng” của thể loại nhạc này được tôn thêm bởi một "nhạc cụ" rất riêng nữa, tiếng Đức bằng cách phát âm nặng trịch.
Với những người nghe nhạc ở đất nước Đức, họ hẳn phải cau mày khi nghe các bài hát có phần lời quái đản của Rammstein. Còn với thị trường quốc tế, đó là một combo cực "độc" cho một dòng nhạc – đúng nghĩa một cấp độ "cứng" mới (Neue Deutsche Härte). Vì lý do đó, các show nhạc của Rammstein thường được đón nhận tốt ở nước ngoài hơn chính tại nước nhà.
Album thứ hai Sehnsucht (1997) trình làng bài “Spiel Mit Mir” (“Play With Me”) có đoạn: “Unterm Nabel im Geäst / wartet schon ein weißer Traum / Brüderlein komm halt dich fest / und schüttel mir das Laub vom Baum” và sau đó “Spiel ein Spiel mit mir / gib mir deine Hand und / spiel mit mir / ein Spiel”.
Nếu hát tiếng Anh sẽ là “Under the navel, in the branches/ a white dream is already waiting/ brother dear, come hold tightly/ and shake the leaves from the tree for me” và sau đó “Play a game with me/ give me your hand and /play with me/ a game”. Một câu chuyện về mối quan hệ loạn luân giữa hai anh em trai!!?! Thật nhảm, nhưng âm sắc mà Till hát nghe lại thật cuốn hút.
Trong bài “Du Hast” (“You Have”) có đoạn: “Du / Du hast / Du hast mich”. Nếu là tiếng Anh sẽ đơn giản là “You / You have / You have me”. Nhưng do cách phát âm từ “hast” (“have”) với “hasst” (“hate”) lại rất giống nhau, do đó cách thể hiện chất giọng gầm gừ của Till Lindemann nghe lại giống như “You / You hate / You hate me” - rất ấn tượng.
Và chỉ đến vế sau khi anh hát “du hast mich gefragt / du hast mich gefragt, und ich hab nichts gesagt”, sự mập mờ trong ý của lời hát mới sáng tỏ rằng “you have asked me / you have asked me and I have not said anything”.
Till đã tận dụng ngữ pháp khác biệt của tiếng Đức khi "gefragt" ("ask") phải được đặt ở cuối câu, và nhờ vậy, đẩy cái sự đủ đầy ý nghĩa của câu hát tới tận câu chữ cuối cùng.
Vậy liệu các bài hát của Rammstein có thực sự muốn mang những ý nghĩa đầy bạo lực và gây sốc không? Hãy thử trở lại bài hát đầy tai tiếng “Weißes Fleisch” (“White Flesh”) mà ở trên có nhắc đến về phần bạo dâm. Đến đoạn lời “mein Vater war genau wie ich / dein weißes Fleisch erleuchtet mich”, nghĩa là “my father was exactly like me / your white flesh enlightens me”, mới thấy nhân vật trong bài hát, một kẻ hiếp dâm khốn nạn cũng là một nạn nhân của sự bạo hành từ lão bố từ tuổi ấu thơ. Bài hát như “một lời bào chữa” cho suy nghĩ thú tính của một kẻ mang trong mình thứ “schwarzes Blut” (“máu đen”), trước khi tấn công nạn nhân là một người “weißes Fleisch” (“da trắng”). Vậy là “da trắng” không hề tượng trưng cho màu da hay sắc tộc, mà là sự biểu trưng tương phản của sự ngây thơ vô tội của nạn nhân trước ý tứ “máu đen”, thứ tượng trưng cho quỷ dữ.
Sự tôn thờ màu da hay sắc tộc vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm sâu thẳm trong xã hội nước Đức. Khi mà lịch sử của đất nước là những trang bị vấy bẩn bởi tội ác của Phát xít Đức. Cách phát âm đầy liên tưởng tới Đức Quốc Xã cùng những từ “da trắng”, “máu đen” và các nội dung bị cấm kỵ của Rammstein hẳn khiến đa số người Đức phải nhíu mày. Vì thế, nếu chỉ nghe qua lớp nghĩa thứ nhất của ca từ, kể cả những người từ chính quê hương của Rammstein cũng sẽ dễ dàng quy kết ban nhạc là những kẻ thuộc phái cánh hữu cực đoan, những kẻ theo Chủ nghĩa Quốc xã mới.
Như vậy là đến cả người Đức, họ cũng không hiểu hết được chính nhạc Rammstein.
Bởi thế, sau mấy vụ việc um xùm trên, đến album thứ ba Mutter (2001), ban nhạc mới cho ra bài “Links 2 3 4” (“Left 2 3 4”). Đoạn lời có đoạn: “Sie wollen mein Herz am rechten Fleck / doch seh ich dann nach unten weck / dann schlägt es links / links ... links ... links / links zwo drei vier”, tiếng Anh sẽ là “they want my heart on the right place / but if i look down on me / then it beats left / left ... left ... left / left two three four”.
Phần lời này được Till viết rất thông minh vì một mặt, nghe qua bài hát giống như đoạn hô duyệt binh của đám lính Đức Quốc Xã, nhưng ngược lại, mặc dù “họ muốn trái tim tôi nằm ở bên phải / nhưng nếu tôi tự nhìn lại mình / thì trái tim tôi đập ở bên trái”. “Phải” được hiểu như “far-right parties” của cánh hữu cực đoan, thì Rammstein mượn bài này để giải bày rằng, ban nhạc không đi theo con đường đó. Mỉa mai thay, việc đi ngược với “right place” (được dùng cho những gì tượng trưng cho “sự đúng đắn”) lại mới là điều nên làm: “Quay trái …hai .. ba .. bốn”.
Thế đấy, kể cả khi hiểu được ngôn ngữ rồi, vẫn có thể hình thành những suy xét phiến diện, chứ chưa nói gì đến việc hiểu không hết ý tứ và trở thành tác nhân cho suy nghĩ tiêu cực và thù hằn như vụ việc ở trường trung học Columbine ở Mỹ. Đâm ra không hiểu tí ti ông cụ gì hết như nhiều người hâm mộ nhạc Rammstein như chúng ta có khi lại là tốt nhất.
Nó giống như việc ta nghe chửi bậy bằng tiếng nước ngoài đầy hứng thú và không bị phản cảm như tiếng mẹ đẻ.
Vậy nên nếu giờ chúng ta bỏ ngoài đầu hết những ý nghĩa của lời bài hát của Rammstein, và để ý kỹ về âm sắc sẽ thấy nhạc của họ là một tổng thể hoà âm cực cuốn, trong đó, ngoài các âm điệu khục khặc rất hợp nhạc Rock của tiếng Đức giống như hiệu ứng phơ tè của thứ tiếng Anh bị bóp méo, thì phần nhạc trong mỗi bài của Rammstein đều có nét độc đáo, thứ được kiến tạo cực tài tình bởi các thành viên còn lại trong ban nhạc.
Cách làm nhạc của Rammstein đa phần sẽ là các anh chơi nhạc cụ, bao gồm: lead guitarist - Richard Kruspe, rhythm guitarist - Paul Landers, bass - Oliver Riedel, keyboard - Christian "Flake" Lorenz, và trống - Christoph Schneider, sẽ làm nhạc trước. Sau đó ca sĩ Till Lindemann bắt đầu viết lời và giai điệu hát trên đó.
Trong bài “Engel”, tiếng sáo ở đầu nghe cực ám ảnh, sau đấy là câu riff bass rồi đến câu riff guitar cực hay, và những tiếng nện trống cực mạnh. Khi guitar tắt tiếng, câu keyboard được chêm vào cũng ma quái không kém. Vậy là từ không khí ma quái đó, anh ca sĩ Till mới hát về “Angel” / “Thiên thần”. Anh còn mời thêm ca sĩ nữ để hát đoạn giữa, một phần để đối lập với âm giọng trầm đặc của anh, một phần để cân với tiếng sáo được lặp lại sau đó.
Bài “Stein Um Stein” thì chậm rãi khác hẳn các tiết tấu nhanh của Rammstein trước đó. Nhưng đằng sau sự sâu lắng đó là phần điệp khúc cao trào có xen vào tiếng keyboard như tiếng hét. Till quyết định hát về từng “hòn đá” xây thành một nhà tù chôn sống nạn nhân, và hay cái là ở khúc cuối bài, tiếng đàn vào khúc solo ngay sau đoạn hát của Till nghe như đang rít lên từ “Stein” (“Stone”) thay cho tiếng hét. Đó là một trong số ít bài người nghe được thưởng thức tông giọng cao nhất của Till khi bài hát kết thúc lần này đúng bằng tiếng hét của anh. Sự biến đổi trong âm nhạc của Ramstein, kiểu gì cũng vẫn giữ được sự hào hùng của từng cú nện trống, sự mạnh mẽ của câu riff guitar, và sự ma quái của bass và keyboard.
Nhờ đó người nghe được thưởng thức cả những bản nhạc hoành tráng với tham gia của cả giàn nhạc trong đĩa Mutter và cả riêng bài “Mutter” (Mother), được chìm trong không khí của Mễ Tây Cơ bằng tiếng kèn pha lẫn không khí hừng hực của nhạc Rock trong bài “Te Quiero Puta!”, lắng đọng hơn với phần guitar thùng chơi phập phùng cùng tiếng guitar điện bẩn bựa ở “Los”, buồn thảm của phần solo guitar trong “Amour”.
Một điều đáng nể nữa của ban nhạc là sự đoàn kết chặt chẽ, giúp họ giữ nguyên một đội hình suốt 27 năm qua, hẳn họ phải đồng lòng với một định hướng âm nhạc, hình ảnh luôn đầy táo bạo cùng những nội dung gây tranh cãi. Thế nên, sau nhiều vụ việc, họ vẫn không đi lệch khỏi hướng đi của mình. Vẫn có những bài về “ăn thịt người”, “mại dâm”, “tự sát”, “quấy rối tình dục tại nhà thờ” ở các album khác nhau, bởi sâu thẳm sau đó, vẫn có các lớp nghĩa khác chờ cho những người hâm mộ bóc tách và phân tích và hiểu họ.
Mong các bạn rộng lòng vì ở trên đa phần nội dung lời bài hát tôi đã trích dẫn bằng tiếng Anh thay vì mất công dịch ra tiếng Việt. Lý do là tiếng Đức cũng khá gần với tiếng Anh và nội dung nhạy cảm thì xem bằng tiếng sinh ngữ chắc sẽ thấy đỡ phản cảm hơn.
Không tin các bạn thử bật bài “Mutter” (“Mother”) lên và hát theo lời này xem nhé:
“Không có ánh dương nào chiếu tới con
Không bầu sữa nào đang nuôi dưỡng con
Sâu trong họng là đoạn ống dẫn dịch
Không còn lỗ rốn nào trên cơ thể con
Mẹ ơi... Mẹ ơi
Mẹ ơi... Mẹ ơi”
Hẹn gặp lại!
Kink
Đọc các bài viết khác của EmoodziK ở www.emoodzik.com
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất