Ông là người được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc với những lời ca đầy tính triết lý, tình yêu, con người, không những vậy ông còn có một dòng nhạc mang họ của ông. Là người đóng vai chính trong phim "Đất khổ" và là người mà khi ta nhắc tới ca sĩ Khánh Ly thì không bao giờ quên nhắc tới ông. Ông là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ngày 28 tháng 2 năm 1939, Trịnh Công Sơn sinh ra tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao-hiện nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk nhưng lúc nhỏ sống ở Thừa Thiên Huế. 
Lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông học theo học các trường Lyceè Francais và Provindence ở Huế

Trong mắt bạn bè, ông được đánh giá là rất thông minh và giàu cá tính. Tuy vậy, ông chưa bao giờ là một học sinh giỏi. Với ông, những kiến thức được truyền dạy trong trường trung học vốn nặng tính quy phạm và khoa cử hoàn toàn không có sức hấp dẫn. Ngoài môn Văn chương Pháp, ông không hề thích và giỏi bất kỳ môn học nào khác.
Trịnh Công Sơn lúc nhỏ
Bù lại, ông có một năng khiếu âm nhạc rất tuyệt vời. Ngay từ khi mới 10 tuổi, ông đã có thể gảy ghita chơi lại một bản nhạc dù chỉ mới nghe qua một đôi lần. Có điều, ông chỉ chơi theo phong cách mình -nghĩa là sẵn sàng đổi nốt lung tung- vì "chơi vậy hay hơn, nhạc mới ra nhạc!" Nhưng vào thời điểm đó (1956), máu thể thao hình như còn "nóng" hơn nhiều so với máu ca hát. 
Áo gilê, ria mép lún phún, vài cuốn tập vo tròn nhét túi quần sau, Sơn thường đến lớp bàng xe "Cuốc", trông rất "bụi" và ra dáng con nhà võ, dù tính nết hiền lành, nhỏ nhẹ ...

Có một tương lai rực rỡ đang mở ra trước mắt Sơn. Đùng một cái, trong khi nhóm bạn thân cứ thẳng đường vượt qua các kỳ thi để thẳng tiến vào đại học thì ông lại "thản nhiên" thi trượt tú tài II và lặng lẽ bỏ học. Năm 1958, vào Sài Gòn, sau mấy tháng học lại tú tài ở Trường Chasseloup Laubat (Trường Lê Quý Đôn, Q3 ngày nay)

Trong thời gian đi học thì ông phải về chịu tang cha, rồi gia đình bị phá sản không có điều kiện cho ông học lại trường cũ nên ông nghĩ học. Sau đó - để tránh cho ông khỏi phải đi quân dịch, một số bạn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha đã giúp ông thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn.
Năm 17 tuổi ông sáng tác bài Sương đêmSao chiều nhưng chưa không bố và chưa có ý định làm nhạc sĩ. Theo lời kể của người em Trịnh Quang Hà như sau:

“Anh Sơn đã lớn, 18-19 tuổi rồi mà chỉ thấy anh mê võ. Nhà có một cây đàn guitar gỗ cũ nhưng rất ít khi anh Sơn sờ tới. Anh thường mân mê cặp găng boxer, tập đi bài quyền của phái Vovinam, nghiên cứu và luyện võ theo sách nhu đạo Judo. Anh thường xuyên nói chuyện võ chứ không nghe anh nói chuyện nhạc bao giờ."
Nhưng rồi định mệnh đã khiến Trịnh Công Sơn từ bỏ con đường võ sĩ. Khi ông 18 tuổi, trong một lần tập judo với người em Trịnh Quang Hà thì vô tình xảy ra sự cố khiến ông phải nhập viện. Người em Quang Hà kể lại như sau:
“Một buổi sáng mùa hè năm 1957, anh Sơn và tôi tập nhu đạo để chuẩn bị thi lên đai “ma-rông” ở sân nhà trên đường Phan Bội Châu (ngã giữa Huế). Sau một hồi hai anh em tập dượt, quần thảo thì sự cố xảy ra. Khi tôi dùng sức đưa cú đấm “đơ-dem-ê-côn” thì anh Sơn cũng dùng hết sức chặn.
Tôi rị lại, té nhào trên mình anh Sơn và không cưỡng nổi quán tính của đường quyền đang chuyển động, cùi chỏ của tôi theo đà ấn xuống, đập một đòn chí mạng vào ngực anh. Anh Sơn thổ huyết lai láng (gần cả thau) và nằm ngục ngay tại chỗ.
Sau biến cố này, anh Sơn nằm liệt giường suốt hai năm."

Trong suốt cả năm đầu ông phải húp cháo lỏng và ăn uống cần người đút. Trong khoảng thời gian chỉ nằm liệt gường, ông đọc rất nhiều về văn học, triết học, dân ca. Và tìm một niềm vui mới từ "chiếc đàn guitar gỗ cũ". Ông đã thổ lộ thời gian này như sau:

"Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy" .

Ông cũng từng lý giải cho cái sự sáng tác của mình: “Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”.

Từ đây ông bắt đầu theo con đường nhạc sĩ, bài hát đầu tiên được công bố là "Ướt mi" tới đó là bài "Thương một người" và "Nhìn những mùa Thu đi". Tuy nhiên tên tuổi của ông chỉ nổi tiếng khi gặp Lệ Mai hay còn biết với cái tên Khánh Ly.

Lần đầu họ gặp nhau là vào năm 1964 tại thành phố Đà Lạt. Lúc này Khánh Ly và Trịnh Công Sơn chưa nổi tiếng, Công Sơn muốn mời Khánh Ly về Sài Gòn biểu diễn nhưng Khánh Ly từ chối. Năm năm sau có lẽ số phân đã để họ gặp lại nhau tại Sài Gòn. Cặp đôi bắt đầu nổi tiếng qua những buổi biểu diễn không công thu hút nhiều sinh viên tới xem.
Kể từ khi đi hát với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly được mệnh danh là "Nữ hoàng chân đất" hay "Nữ hoàng sân cỏ". Cái biệt danh này được Khánh Ly giải thích như sau:

"Khi chưa có kinh nghiệm ca hát và lần đầu tiên xuất hiện trước một đám đông khoảng một ngàn người, tôi đã không giữ được bình tĩnh và đứng không vững, phải vịn vào vai Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn nói "bỏ tay ra và đứng hát cho nghiêm chỉnh", vì run quá, nên tôi cởi bỏ đôi giày cao gót và đứng chân đất và nhờ đó, đã có thể bình tĩnh để trình bày hết bài hát của Trịnh Công Sơn trong suốt một đêm đó".


60 năm sau, ca sĩ Khánh Ly hồi tưởng lại quãng thời gian ấy:

"Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn".

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đệm guitar cho “Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly hát tại trường đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1967.
Còn với người nhạc sĩ tài hoa kể lại:

"Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly".

Sau này ca sĩ Quang Thành còn kể về chi tiết những ngày đầu đi hát của hai người:
"Khánh Ly từng nói với tôi rằng thủa còn đi hát chung với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho sinh viên là vui nhất. Tiền không có nhưng nhưng khoảnh khắc đẹp một thời tuổi trẻ thì mãi là những ký ức, liều thuốc tinh thần đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất mỗi khi nhớ về.

Cô Khánh Ly còn bảo trong một đám bạn đi hát cùng cho sinh viên thủa đó chỉ có Khánh Ly là con gái. Hát mê mải xong ở lại chơi vui có hôm khuya quá Khánh Ly, Trịnh Công Sơn và bạn bè toàn con trai cùng nhóm trải báo ngủ lăn trên bãi cỏ, nền sân như đám bụi đời'".


(đoạn clip hồi kỳ đầu đi hát của Khánh Ly tại Quán Văn ở trường đại học Văn Khoa Sài Gòn)
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại.
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.
Một trong những thể loại nhạc làm nên tên tuổi của Trịnh Công Sơn phải nói là nhạc trữ tình. Ông đem những cuộc tình dang dở của mình vào lời nhạc. Và không thể không nói đến:

                                     "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
                                     Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao"  

                                                                                        (Diễm xưa)
"Diễm xưa" kể về mối tình thời còn trẻ của Trịnh Công Sơn và Bích Diễm. Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn phá sản, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam

Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có Ngô Thị Bích Diễm - con gái thầy Ngô Đốc Khánh

Sơn yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua thì "chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa" . Sơn trông thấy con đường trước nhà "dài hun hút cho mắt thêm sâu". Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói "làm sao em biết bia đá không đau"  không phải là chuyện dễ dàng gì.

Bạn thân của Sơn là Đinh Cường lúc này đang thuê nhà gần đó làm xưởng vẽ.
Thế là Sơn nhờ Đinh Cường phải canh chừng cha Diễm mỗi khi có giờ dạy. Còn Sơn sẽ "liều" qua thăm Diễm. Mỗi lần như vậy, Diễm đôi khi tiếp, có lần thì mời người nhà ra tiếp, thỉnh thoảng có cha Diễm thì Sơn trốn về. Nhưng Diễm biết Sơn yêu mình dù vậy cô vẫn không thể thoát khỏi định kiến của người cha. Vì vậy mà người nhạc sĩ đã đem hết nỗi lòng mình vào bài hát "Diễm xưa". Sau này bài hát được phổ lại lời Nhật tại sau khi Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970.

từ trái sang Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Trịnh Cung, Văn Cao
Còn với bài "Cuối cùng cho một tình yêu" được sáng tác ra vì người bạn của ông học ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy có cô Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng hay mặc áo dài tím, có dáng đi mềm mại như tơ, hát hay, nên H. rất được mến mộ.

Họa sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh. H. Vì tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần 40 năm qua. Một điều thú vị là:
''Cho đến nay, Nh. H. đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình" (lời thú nhận của Trịnh Cung).

Sau này khi Khánh Ly ra nước ngoài thì ông hợp tác với Hồng Nhung và đem lòng yêu mến nên dành tặng ba bài hát là Bống Bồng ơi, Bống không là Bống, Thuở Bống là người. (Bống là tên thân mật của Hồng Nhung)
"Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi."
Với mối tình đầu là Bích Diễm, ông đã bị từ chối vì chưa có bằng đại học. Ai ngờ yêu cô chị thì ông cũng yêu luôn cô em gái là Dao Ánh. Khi mới 15 tuổi, Dao Ánh đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn 24 tuổi vì những nỗi đau mà chị mình đã gây ra.

Và rồi chuyện tình Dao Ánh – Trịnh Công Sơn kéo dài được 4 năm. Khoảng thời gian này, nhạc sĩ đã viết cho cô gái nhỏ khoảng 300 bức thư, trong đó có những lời lẽ nồng nàn như:
“Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất”
“Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm...”.
Trịnh Công Sơn yêu say đắm như thế nên khi thất tình, ông cũng tự mình nhận lấy sự đau thương. Để rồi 20 năm sau, khi Dao Ánh từ Mỹ trở về tìm Trịnh Công Sơn, mối tình dang dở lại một lần nữa hồi sinh.

Dù rằng cả Sơn và Ánh đều trải qua nhiều cuộc dâu bể, nhưng với nhạc sĩ họ Trịnh lúc này, Dao Ánh như giấc mơ ngọt ngào chứa chan của thời tuổi trẻ. Cuộc hội ngộ 20 năm đã khiến Trịnh Công Sơn viết lên lời ca:

                            "Hai mươi năm xin trả nợ người
                            Trả nợ một thời em đã bỏ ai
                            Hai mươi năm xin trả nợ dài
                            Trả nợ một đời em đã phụ tôi..."
                                                              (Xin trả nợ người)
Hay như:
                             "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
                             Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
                             Tay măng trôi trên vùng tóc dài
                             Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
                             Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may..."
                                                             (Còn tuổi nào cho em)
Khác tình yêu từ cái nhìn đầu tiên với Bích Diễm hay tình yêu mãnh liệt với Dao Ánh. Ta có một thứ tình cảm còn vượt lên cả tình yêu đôi lứa thông thường. Đó là tình cảm của Trịnh Công Sơn với Khánh Ly.

Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chỉ thực sự thuộc về nhau trong âm nhạc, giữa họ có sự một sự liên kết lạ thường. Là yêu hay bạn ấy mà có lần Khánh Ly đã níu áo Trịnh Công Sơn để hỏi:
“Anh bảo rằng yêu tất cả mọi người, tại sao anh không một lần nói yêu em?”.

 Lúc đó, ông đã quay sang những người xung quanh cười và nói:

"Đó, các ông các bà đã nghe cả, còn bảo tôi cặp với Khánh Ly nữa hay thôi?".

Sau này Trịnh Công Sơn viết bức thư trong đó sáng tác một bài thơ cho Khánh Ly với tựa Lệ Mai như sau:

Từ trời mưa đổ oan khiên
Bờ vai bạc mệnh một miền cưu mang
Trần gian nặng nợ muôn vàn
Mai sau giọt lệ một hàng chẻ đôi

Còn Khánh Ly đáp lại bằng một bài thơ (không có tựa):
Từ trời mưa đổ oan khiên
Bờ vai bạc mệnh một miền cưu mang
Xót thân lệ chẩy hai hàng
Tà dương kia cũng bàng hoàng phút giây
Thương sao phận mỏng như mây
Phận hèn như cỏ, phận gầy như lau
Phận buồn như hạt mưa mau
Gọi thêm tóc trắng nỗi sầu trăm năm
Ngủ đi thôi. Một giấc đằm
Thiên thu rồi sẽ về nằm cùng ta
Nhớ nhau một giọt lệ sa
Có thương thì cũng đã là... là thôi
Ngoài ra ông đã sắp kết hôn với Yoshi Michiko. Lúc đó, Michiko cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau.

Theo phong tục cưới của người Nhật, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật. Theo lời em gái Vĩnh Trinh kể lại thì:

"Tôi cũng không rõ là mọi chuyện kết thúc như thế nào, vì lúc đó tôi đang ở Canada. Nhưng khi nghe tin nhà báo sang đám cưới bị hủy, mọi người đều buồn lắm. Cũng có thể còn nhiều lý do nào đó, nhưng bản tính anh Sơn và cả chị Michiko đều kín đáo, sâu sắc và tế nhị nên chuyện cũng ít được nói ra. Qua sự cảm nhận và góc nhìn của tôi, tôi nghĩ anh Sơn lúc đó rất xúc động với việc một cô gái nước ngoài lại am hiểu và yêu nhạc anh đến thế. 
Anh rất ấn tượng khi Michiko thuộc hàng trăm ca khúc của mình. Tôi nhớ khoảng năm 1992, tôi và anh Sơn cùng anh Nguyễn Quang Sáng được mời sang Pháp và có dự một chương trình. Đó là lần tôi được thấy Michiko - một người con gái Nhật mảnh mai, duyên dáng. Chị ôm đàn guitar và hát rất nhiều bài nhạc Trịnh một cách say sưa, đầy tình cảm khiến cho mọi người xúc động".
Ngoài ra chuyện tình của ông còn rất nhiều. Bởi vì tình sử của ông lênh đênh như vậy nên ông còn sáng tác ra nhiều bản tình buồn như Tuổi đá buồn, Nắng thuỷ tinh, Mưa hồng,... Và ông còn nói thêm một câu rằng: “Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời là bị... phụ tình”
Tôi tin rằng sẽ có lúc tất cả mọi người đều cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi biết xoá đi cái biên giới thù nghịch trong lòng mình.
Nếu tên tuổi của Trịnh Công Sơn được định hình bằng nhạc tình, thì trong thời gian 1965–1966 ông gắn liền với nhạc phản chiến. Ông cùng Khánh Ly cho ra album Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam,...
Những bài hát này được bố trí khéo léo với nhạc trữ tình điều này khiến cho giới trẻ thời đó rất được yêu chuộng. Như hình ảnh của cuộc chiến:

                                    "...Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng.
                                    Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng.
                                    Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
                                    Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn.
                                    Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành.
                                    Từng vùng thịt xương có mẹ có em".

                                                                (Đại bác ru đêm)
Hay như cái chết của người lính

                                     "Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
                                     Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
                                     Đã bay cao trong vòm trời đầy
                                     Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
                                     Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
                                     Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới
                                     Trong nghĩa trang này có loài chim thôi!"

                                                                 (Cho một người vừa nằm xuống)
Thậm chí là sự nuối tiếc khi thấy chiến tranh, thù hận giữa dân tộc xảy ra trên quê hương:
                                      "Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
                                      Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
                                      Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
                                      Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương".

                                                                 (Giọt nước mắt cho quê hương)
Và lời nhạc phản chiến lúc nào cũng phảng phất một tư tưởng:

                                      "...Đường Việt nam hôm nay có bước chân tự do
                                     Người Việt ta hôm nay sống với nhau thật thà
                                     Từ khắp chốn bước về ầm tiếng chân vỡ bờ
                                     Cờ đứng lên trong gió sóng cờ cao theo với cửa nhà
                                     Hai mươi năm chờ từng phút giây
                                     Hôm nay tiếng hòa bình đã thấy...." 

                                                                   (Đồng dao hoà bình)

hoặc là:
 
                                   "...Khi đất nước tôi thanh bình
                                     Tôi sẽ đi thăm
                                     Tôi sẽ đi thăm, cầu gẫy vì mìn
                                     Đi thăm hầm chông và mã tấu
                                     KHI ĐẤT NƯỚC TÔI KHÔNG CÒN GIẾT NHAU
                                     Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường

                                     Khi đất nước tôi thanh bình
                                     Tôi sẽ đi không ngừng
                                     Sài gòn ra Trung
                                     Hà Nội vô Nam
                                     Tôi đi chung cuộc mừng
                                     Và mong sẽ quên
                                     Chuyện non nước mình

                                     Khi đất nước tôi thanh bình
                                     Tôi sẽ đi thăm
                                     Tôi sẽ đi thăm, nhiều nghĩa địa buồn
                                     Đi xem mộ bia đều như nấm
                                     Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
                                     Mẹ già lên núi tìm xương con mình

                                     Khi đất nước tôi thanh bình
                                     Tôi sẽ đi thăm
                                     Tôi sẽ đi thăm, làng xóm thành đồng
                                     Đi thăm từng khu rừng cháy nám
                                     KHI ĐẤT NƯỚC TÔI KHÔNG CÒN GIẾT NHAU
                                     Mọi người ra phố mời rao nụ cười..."

                                                                       (Tôi sẽ đi thăm)
Vì những lời ca này đã có tác dụng khi các binh sĩ của VNCH đã nhiều người đào ngũ và các cuộc biểu tình sinh viên phản đối chiến tranh thường hay dùng bài của ông.
Vì vậy bên Việt Nam Cộng hòa còn có người coi ông là người "yếu đuối": "Trịnh Công Sơn chỉ là một cây sậy, hơn thế nữa, là một cây sậy yếu hèn (cho dù có là "cây sậy có biết suy nghĩ tới đâu). Trong lớp vỏ của một cây sậy, của một thể chất yếu đuối, là một bản chất yếu đuối..."
Bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có những người "gạt ông sang bên lề vì coi ông thiếu lập trường chính trị". Mặc dù vậy ông vẫn viết vì ông cho rằng: "Khi tôi đứng bên một xác người, tôi không nghĩ đó là ta hay là địch, mà đó là một thân phận chịu đựng sự vô nghĩa của chiến tranh".
Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống.
Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng 
Vào cái ngày tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng đánh dấu sự kiện thống nhất đất nước, sau đó vào lúc 3h ngày 30 tháng 4, giọng nói của Trịnh Công Sơn vang lên trên loa phát thanh "Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn..." sau một bài phát biểu, không đàn, không nhạc, chỉ có tiếng vỗ tay theo nhịp điệu. Và giọng hát của người nhạc sĩ vang lên:

                                               "Rừng núi dang tay nối lại biển xa
                                               Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
                                               Mặt đất bao la anh em ta về
                                               Gặp nhau mừng như bảo cát
                                               Quay cuồng trời rộng
                                               Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam..."

                                                              (bài hát ai cũng biết nên khỏi nói)
                         (Đoạn clip Trịnh Công Sơn nói tại đài phát thanh)
Sau khi kết thúc chiến tranh thì:

 “Đối với lãnh đạo thì không có vấn đề gì, nhưng có nhiều "anh em phong trào" ở Sài Gòn không thích quan điểm lập trường chung chung của Trịnh Công Sơn trước đây", ông trở về Huế và "thời gian đó một số phần tử quá khích theo phong trào "Hồng vệ binh" của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa đã kích động sinh viên treo một tấm banderole to tướng mang dòng chữ xanh rờn: "Hạ bệ Phạm Duy - Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn" trước trường Đại học Sư phạm Huế"

Và cuộc toạ đàm bàn về Trịnh Công Sơn có công hay có tội. Trong vụ việc có những tham gia là Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc và vài người nữa.

Có người lên án ông nhưng cũng có người bảo vệ ông. Cuối cùng thì ông phải viết một bản kiểm điểm vì làm nhạc phản chiến một cách chung chung, ca ngợi người bạn phe VNCH là Lưu Kim Cương (bài "Có một người vừa nằm xuống") và ẩn ý qua câu hát:
   
                      "Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
                      Gia tài của mẹ, một lũ bội tình."   

                                                        (Gia tài của mẹ)                                   
Một thời gian dài sau 1975, nhiều bài hát của ông bị cấm lưu hành ở tại Việt Nam hay bị một số người kêu gọi tẩy chay ở hải ngoại. Tuy nhiên, Khánh Ly và nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục hát và phát hành những băng đĩa với ca khúc của ông tại hải ngoại.
Hãy đau đớn đi. Biết đau nỗi đau của người khác và của chính mình là dấu hiệu của lòng nhân ái. Cái tín hiệu đó phát đi và mọi người nhận được
Và một trong ba nguồn cảm hứng âm nhạc sau tình yêu, phản chiến. Ta sẽ nói đến cuộc đời, con người qua lời ca:

                         "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
                         Để làm gì em biết không ?
                         Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi..."
                                                    (Để gió cuốn đi)
Những bài hát về cuộc sống của ông bao hàm nhiều triết lí mà khuyến mỗi người một suy nghĩ. Một trái tim luôn nhìn thấy hai mặt của cuộc đời này. Đẹp và buồn, yêu và đau qua từng lời hát

                          "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
                          Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
                          Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
                          Rọi suốt trăm năm một cõi đi về".
                                                       (Một cõi đi về)

Ngôn từ về cuộc sống qua đôi mắt lẫn đôi tai ông khiến cho lời nhạc mỗi người khi đã nghe rồi thì cứ nghe mãi, làm ta cảm thấy có sự gì đó thay đổi trong ta
                         
                          Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi,
                          về giữa trời về hót giữa đời tôi
                          ...
                          tôi thấy màu xanh hát trong lời gió
                          và thấy bình minh thắp trên ngọn lá
                                                         (Hôm nay tôi nghe)

Ngoài ra ông còn viết vài ca khúc dành cho trẻ em như Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng, Như Một Hòn Bi Xanh,...

Với bài hát Mẹ đi vắng là một bài hát được nhạc sĩ sáng tác tình cờ vì ông là người bạn thân thiết lúc sinh thời với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cha của Nguyễn Quang Dũng.

Có một hôm, Dũng (lúc này còn nhỏ) nghêu ngao theo ý mới nghĩ ra mấy câu rất ngô nghê: “Mẹ đi vắng con sang chơi nhà bạn. Con cầm cây đàn con hát. Hát cho mẹ về với con”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn suy nghĩ rồi sáng tác bài hát Mẹ đi vắng dựa theo mấy câu nói của Dũng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói vui: “Vậy là thằng Dũng đã trở thành một trong số ít người vinh dự được làm đồng tác giả với các ca khúc của Trịnh Công Sơn”.
"Chết là s­ự tan biến của thể xác. Nh­ưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà t­­­ưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi ng­ười."
Chiều 1/4/2001, khi ông vừa nằm xuống, xung quanh chỉ có mấy người bạn, các họa sĩ, kiến trúc sư, nhà báo, có rất ít nhạc sĩ, ca sĩ ngoài ca sĩ Lan Ngọc và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Một vài thành viên trong nhóm "Những người bạn" đang đi công tác ở Tây Nguyên, nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Hồng Nhung đang ở Australia, người bạn thâm giao - họa sĩ Trịnh Cung đang ốm nặng bên Mỹ.  Và ông đã kết thúc cuộc đời "Ở trọ" của mình

                                       Tôi nay ở trọ trần gian
                                       Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
                                       Í... a... í... à... í...à...a.
                                       Xưa kia ở đậu miền xa
                                       Cơn gió ở trọ bao la đất trời. 
Hồ sơ bệnh án của ông ở Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan, suy thận, tiểu đường, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi nặng. Trịnh Công Sơn nhập viện ngày 26/3 vào Khoa Tiêu hóa với triệu chứng sốt và mệt. Những người thân của nhạc sĩ cho biết từ dạo Tết Âm lịch, ông đã bị đau nhiều ở khớp đùi bên phải, dùng nhiều thuốc giảm đau nhưng không đỡ.  
Đêm 27/3, nhạc sĩ ngủ được và tỏ ra tỉnh táo trong suốt ngày hôm sau. Sang ngày 29, ông kêu mệt và có hiện tượng nói lắp. Hồi 23h30, ông gần như chìm vào hôn mê, miệng lắp bắp, bác sĩ gọi không thấy trả lời. Đêm ngày 30/3, nhạc sĩ được chuyển xuống Khoa Chăm sóc đặc biệt với phương pháp điều trị tối ưu nhất. Ngày 31/3, chân tay ông cử động rất yếu.

Đúng 6h30 sáng nay (4/4), nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã đọc điếu văn tiễn đưa Trịnh Công Sơn vào cuộc hành trình.
Đến 9h20, trong giờ phút hạ huyệt, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn đã thổi nhiều ca khúc như Cát bụi, Một cõi đi về, Ướt mi. Còn công chúng cùng nhau hát Nối vòng tay lớn, Hát cho người nằm xuống, Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Những đoá hoa trên tay mọi người vụt bay tới tấp trên linh cữu anh trong lúc lấp đất. Riêng nhạc sĩ Trần Tiến im lặng rút từ trong túi áo chai Lúa mới và nói: "Gởi cho anh Sơn".
Theo nguyện vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời, lễ an táng được tổ chức tại nghĩa trang Gò Dưa (Bình Dương), nơi có phần mộ của mẹ anh. 
Người bạn Văn Cao nhận xét Trịnh Công Sơn về âm nhạc như sau:

"Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra"
Còn đối với Phạm Duy:
"Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa".

Đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa thì dành những lời khen ngợi:

"Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến".
Danh sách ca khúc Trịnh Công Sơn xem tại đây

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn:
Wikipedia
tcs-home.org
trinh-cong-son.com
và nhiều nguồn khác (thực tế là em quên)
ảnh lấy từ google
(khi Trịnh Công Sơn làm main chính trong phim. Bộ phim có sự góp mặt của kỳ nữ Kim Cương, "ông già Nam Bộ" Sơn Nam, diễn viên Bạch Lý, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc khi đó mới 8 tuổi)

Ngoài lề tí kỳ nữ Kim Cương từng từ chối lời tỏ tình của nhà thơ Bùi Giáng vì thấy ông hơi... bất thường. Sau đó, Bùi Giáng vẫn giữ tình cảm với bà trong suốt cuộc đời ông. Cả đời Bùi Giáng chỉ nhớ mỗi số điện thoại nhà của Kim Cương, khi ông làm náo loạn trật tự, bị công an "hỏi thăm" cũng chỉ biết đọc lên số điện thoại này; lúc bị ngã xe vào cấp cứu bệnh viên, tỉnh lại cũng mang số điện thoại ra để trả lời bác sĩ. 

Mà mọi người thích bài nào của Trịnh Công Sơn vậy? Với mình là "Nắng thuỷ tinh", "Tôi sẽ đi thăm", "Cát bụi" và "Lại gần với nhau" nói thật là lời hát quá đẹp theo ý mình

Còn đây là album nhạc phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh (rất nhiều bài bị cấm dù nó rất hay)