Ranh giới giữa tốt và xấu đôi khi rất khó phân biệt. Đặc biệt trong “nghiệp” kinh doanh, ranh giới ấy còn kém rõ ràng hơn.
Bài viết này nhằm mục tiêu đưa ra 4 nguyên tắc cơ bản để ra quyết định trong những tình huống tốt xấu mập mờ, như một công cụ để doanh nhân giành được sự thanh thản – món quà quý nhất của cuộc sống – trong thế giới của sự nhập nhằng.  (CEO IMT _ Lưu Nhật Huy)

Ra quyết định và những cái bẫy chết người

Một trong những thử thách lớn đối với doanh nhân là liên tục phải đối diện với môi trường cạnh tranh, những thử thách sống còn xoay vần liên tục. Tác nghiệp của doanh nhân là ra quyết định, và chất lượng ra quyết định không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ, đặc biệt là khi ra những quyết định liên quan đến đạo đức kinh doanh.
Mấy ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của bài toán treo chi phí hay giãn khấu hao từ năm này sang năm khác để làm đẹp báo cáo tài chính, hay lợi dụng cơ hội để tấn công đối thủ khi họ đang gặp trục trặc với giới truyền thông?
Thời gian không cho phép ta cân nhắc quá nhiều, nhưng sự đánh đổi giữa chất lượng ra quyết định lắm lúc trở thành cái bẫy làm doanh nhân đánh mất cơ hội, đánh mất tương lai, và tồi tệ nhất là tự đánh mất chính mình…

Tại sao con người ta cảm thấy một việc là xấu nhưng vẫn làm?

Có 6 nguyên nhân:
Thứ nhất, vì người ta không phân biệt chắc chắn được tốt và xấu cho trường hợp cụ thể đó. Nguyên nhân cơ bản là vì xấu hoặc tốt được xác định theo hệ thống giá trị nhận thức (perceived value) của con người. Luôn tồn tại hai loại nhận thức, một là nhận thức về giá trị của riêng bạn, hai là nhận thức về giá trị của xã hội. Nếu giá trị của bạn và của xã hội là giống nhau thì không có điều gì phải bàn. Chỉ có vấn đề ở chỗ nhiều lúc đối với bạn chuyện A là tốt, nhưng người khác không nghĩ vậy. Ví dụ: quyết định cho phép hay không cho phép thực hiện “cái chết êm ái” (tiêm thuốc độc cho bệnh nhân sống thực vật hoặc quá đau đớn mà không còn khả năng sống) đối với một bác sĩ chẳng hạn.
Thứ hai, vì sự thúc ép của cạnh tranh hoặc tình thế khó khăn làm người ta trỗi dậy bản năng sống còn. Càng lâm vào tình trạng khó khăn, người ta càng nhìn ngắn lại và tỷ lệ thuận với độ ngắn của tầm nhìn, chất lượng của quyết định cũng thấp hẳn đi vì nó chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại mà không trả lời được câu hỏi “hệ quả tiếp sau nó sẽ là gì”.
Thứ ba, vì sức ép từ phía bên ngoài bắt buộc thực hiện quyết định trong khi chính người thực hiện cũng không mong muốn làm điều đó. Ví dụ có một cổ đông lớn trong công ty muốn thực hiện việc thay đổi vị trí quản lý cho người quen nắm giữ mà không tuân theo quy trình tuyển chọn nhân lực cấp cao đã ban hành.
Thứ tư, vì phục vụ lợi ích cá nhân, sĩ diện hay bảo vệ hình ảnh của bản thân mà người ta cứ khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình. Bản ngã bản thân nó đã là một vũ trụ nên có xu hướng xoay quanh lợi ích của mình hoặc của nhóm nhỏ của mình chứ không đặt lợi ích tổng thể lên trên. Tâm lý của con người thường có xu hướng không muốn xung đột với chính mình trong quá khứ, ngay cả khi chính bản thân cũng biết ý kiến đó là sai.
Thứ năm, vì một phút dao động trong tâm lý tạo nên cảm xúc nhất thời. Có thể do xung đột cá nhân từ trước hoặc một lúc nào đó phần “con” trỗi dậy mà một người hành xử không phải để giải quyết vấn đề mà chỉ để xử lý con người, tức làm “cho nó chết” để thỏa mãn cơn bộc phát tâm lý thay vì cân nhắc đúng sai.
Thứ sáu, vì cần phải trả ơn hay đơn thuần là do mong muốn được giúp đỡ người khác. Lý do này nghe ra có vẻ nghịch lý nhưng thực tế khi chấp nhận giúp đỡ một người thì có thể ta đã chấp nhận đụng chạm hoặc làm hại đến lợi ích của đối tượng liên quan đến người đó. Trường hợp này đặc biệt đúng cho khi trước đây một người đã nhận một lợi ích không chính đáng nào đó, mặc dù nhỏ nhưng lại trở thành một cái cớ lớn để người khác yêu cầu trả ơn.