Vài năm trước, lần đầu tôi biết đến cuốn sách Dấn Thân (Lean in) của tác giả Sheryl Sandberg trong một lần tìm kiếm những cuốn sách hay trên internet, một trong những thói quen thường ngày của mình. Sau khi đọc lướt qua các dòng tóm tắt nội dung quyển sách, tôi thấy khá thú vị về những tư tưởng, quan điểm của cô Sheryl Sandberg đối với nữ quyền của người phụ nữ trên thế giới. Nhưng thời điểm đó tôi lại có những đam mê lớn hơn và dành rất nhiều thời gian tìm tòi học hỏi trong lĩnh vực Marketing, nên tôi đã bỏ qua cuốn sách mặc dù tôi là người luôn theo chủ nghĩa bình đẳng giới. Cho đến hôm nay, tôi tình cờ bắt gặp lại nên quyết định đọc hết nó và viết đôi dòng cảm nhận của mình về quyển sách thú vị này.
Trong cuốn sách Dấn Thân của tác giả Sheryl Sandberg, cô nêu lên những quan niệm, giá trị của người phụ nữ hiện đại ngày nay trong công việc hay với mục tiêu tham vọng lãnh đạo. Thông qua mục lục bao gồm 11 chương, cô Sandberg nhắc đến những khó khăn, nỗ lực vươn lên và những cảm xúc chân thật của phụ nữ khi đứng trước các thách thức trên con đường sự nghiệp. Sheryl Sandberg đã chia sẻ với độc giả về những kinh nghiệm thực tế được đút kết từ bản thân, từ những số liệu nghiên cứu hữu ích để giúp đa số những người phụ nữ hiểu rõ hơn vai trò và giá trị của mình trong quá trình cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống cá nhân. Đồng thời như lời kêu gọi đến những phụ nữ trên thế giới vượt qua tất cả mọi rào cản để thoát khỏi những định kiến xã hội, lối tư duy cũ kỹ đã ăn sâu vào tiềm thức, mà hãy vươn lên phát huy tối đa những khả năng chưa được đánh thức của chính mình.
[REVIEW SÁCH] DẤN THÂN – SHERYL SANDBERG

Tác giả Sheryl Sandberg, hiện là Giám đốc hoạt động (COO) của Facebook. Cô đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard. Trước đây từng giữ những chức vụ như: Phó chủ tịch vận hành Google, Trưởng phòng hành chánh Bộ Tài chính Mỹ, tư vấn tại McKinsey & Company, trợ lý nghiên cứu tại Ngân hàng Thế giới. Năm 2010, cô có một bài chia sẻ TedTalk với chủ đề: Tại sao chúng ta có quá ít những người phụ nữ lãnh đạo? Cô cũng giải thích nguyên nhân tại sao tỷ lệ của phụ nữ góp mặt rất ít trong các chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau. Và cách thức làm thế nào chúng ta có thể thay đổi những con số đó? (bạn có thể xem link tại đây)
Ở cuốn sách Dấn Thân (Lean in), cô Sandberg nêu lên những quan điểm, tư tưởng của mình thông qua các câu chuyện thực tế bản thân ở từng chương trong phần mục lục. Trong bài này, tôi sẽ không nói chi tiết từng chương trong cuốn sách sẽ nói về điều gì, câu chuyện thực tế của cô Sheryl Sandberg sẽ như thế nào, cái tôi muốn là các bạn phải đọc và tự cảm nhận dựa trên những góc nhìn nhận, quan điểm và sự nghiền ngẫm của chính mình. Từ đó, bạn có thể chắt lọc được các giá trị có ích và phù hợp với con đường phát triển của bạn sau này. Còn ở đây, tôi chỉ nói những cảm nhận, góc nhìn quan điểm của bản thân đối với những quan điểm của cô Sheryl Sandberg. 
Sau khi tôi đọc hết cuốn sách Dấn Thân (Lean in), tôi có một vài ấn tượng về cái cách cô diễn đạt những khó khăn, thách thức của phụ nữ trong quá trình phát triển giữa sự nghiệp và cân bằng đời sống cá nhân, cụ thể: Ở chương 1, KHOẢNG TRỐNG THAM VỌNG LÃNH ĐẠO – Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi? Trong chương này, cô Sandberg đã kể với độc giả rằng khoảng cách giữa hai thế hệ (Thế hệ bà ngoại cô và thế hệ của cô) có một sự khác biệt vô cùng lớn giữa nam và nữ. Điều này được cô kể rằng vào thời đó những người con trai trong gia đình sẽ được gọi bằng tên riêng và con gái sẽ gọi tên một cách chung chung. Đồng thời việc học của con gái sẽ không được quan tâm và chú trọng nên vào thời kỳ đại khủng hoảng xảy ra đã khiến bà cô bỏ học và phải đi kiếm sống để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên sau đó, bà cô được may mắn hơn khi cô giáo trong trường động viên nên cho bà được tiếp tục học tiếp. Nhưng nhìn chung, quan niệm vào thời đó, các cô con gái chỉ nên giỏi trong việc chăm lo nhà cửa, bếp núc và con trai mới là trụ cột chính, người mà sẽ đem lại nền kinh tế chính cho gia đình trong tương lai.
Đến thời cô, mọi việc đã khác hơn trước rất nhiều, và cô được dạy dỗ để tin rằng cô có thể làm được bất kỳ điều gì mà con trai làm được. Thế nhưng sau khi cô tốt nghiệp và đi làm, cô nhận ra rằng mọi thứ vẫn chưa thay đổi theo cái cách mà cô mong muốn đối với quyền lợi của người phụ nữ. Những khó khăn, thức thách của cô trở nên khủng hoảng hơn khi cô lập gia đình và có con. Người bạn đời cô không chia sẻ với cô những công việc chăm sóc con cái hay dọn dẹp nhà cửa, khiến cả hai luôn trong tình trạng quá tải vì đảm đương nhiều lúc 2 -3 công việc. Những tham vọng thành đạt trong nghề nghiệp ở nam giới được xem là hiển nhiên, trong khi đó đối với nữ giới là không mấy chú trọng, có thể nói là xem nhẹ những thành quả đạt được. Thành công của phụ nữ đều đi kèm với mức giá phải trả, và cái giá đó chính là cuộc hôn nhân của cô tan vỡ. 
Chính vì thế, phụ nữ luôn phải chịu áp lực trước hôn nhân, con cái và sự nghiệp. Nhiều phụ nữ trên thế giới đã hình thành một quan điểm cố hữu từ những thế hệ đi trước truyền lại, đó là sau khi kết hôn, người phụ nữ có trách nhiệm phải quán xuyến nhà cửa, chăm lo cho con cái nhưng đồng thời vẫn phải đi làm kiếm tiền trong xã hội hiện đại ngày nay. Việc phát triển dưới tư duy nửa cố hữu, nửa hiện đại đã tạo áp lực rất lớn cho phụ nữ khi phải lựa chọn cách thức để cân bằng cuộc sống và sự nghiệp của bản thân. Họ được định nghĩa hành vi thế nào là cho phù hợp với những truyền thống từ xa xưa và từ đó buộc mình phải im lặng khi có những vấn đề xảy ra. Khuôn mẫu về giới được bắt đầu trong giai đoạn tuổi thơ và trở thành một quan điểm được mặc định là đúng.
Ngoài ra, vấn đề lương bổng cũng là một trong nguyên nhân khiến phụ nữ gặp những khó khăn. Sẽ như thế nào nếu phụ nữ giỏi hơn và kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông, đặc biệt là đối với người bạn đời của họ? Không chỉ thế, phụ nữ khi thành công trong sự nghiệp lại có phần kém hấp dẫn hơn trong mắt mọi người, phải chăng khi phụ nữ thành công trong sự nghiệp, họ có sự quyết đoán, cứng rắn và bản lĩnh đã khiến cho nhiều người cảm thấy e dè, sợ sệt. Cho dù là thế nào, chính những định kiến, tư duy và cách thức tiếp nhận đã khiến cho phần lớn nữ giới cảm thấy sợ hãi khi muốn thay đổi bản thân hay phải chịu áp lực rất lớn trong việc lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình. Đồng thời, trong Chương 3, THÀNH CÔNG VÀ YÊU QUÝ cũng là nguyên nhân lớn khiến họ càng thêm lo lắng và sợ hãi.
Nếu như ở nam giới, sự thành công được định nghĩa cho họ là sự bản lĩnh, quyết đoán và sự kiên định trong mục tiêu sự nghiệp, thì đối với nữ giới hoàn toàn ngược lại. Họ phải là người dịu dàng, chăm lo con cái và gia đình, biết quán xuyến việc nhà cửa thật tốt. Vô tình những quan điểm đó lại có sự bất công với những phụ nữ khi muốn phát triển sự nghiệp, nó như là sự kiềm hãm dành cho họ thay vì để họ tự do có thể phát huy khả năng tối đa của mình. Trong chương 1, họ lo lắng khi bản thân kém hấp dẫn trong mắt người khác, thì trong chương 3 điều đó được thể hiện cụ thể hơn. Trong công việc họ quyết đoán, hành động nhanh chóng, giải quyết các vấn đề được đưa ra gọn gàng, chỉnh chu và nếu chỉ quan tâm đến các kết quả sau cùng hơn là sự làm hài lòng người khác, thì đa số người khác sẽ ghét điều đó ở phụ nữ. Giữa sự dễ thương, dịu dàng, hấp dẫn ở phụ nữ sẽ luôn được mọi người đánh giá cao hơn năng lực của họ trong công việc, và giảm đi số lượng người ta yêu quý mình hơn. 
Ở nam giới, những yêu cầu đòi hỏi trong công việc không phải là vấn đề to tát nếu như đúng thực lực của mình. Nhưng phụ nữ thì khác, họ được kỳ vọng vừa phải hoàn thành tốt công việc, vừa biết quan tâm chăm sóc người khác, nên khi họ chỉ ra những giá trị của mình hoặc những yêu cầu họ cho là xứng đáng thì các nhiều mặt tiêu cực xảy ra. Đồng nghiệp cả hai giới đều ngần ngại không muốn làm việc với một phụ nữ đã yêu cầu được mức lương cao hơn và họ sẽ cho rằng cô ta quá đòi hỏi ở vị trí của mình. Chưa kể, sau khi kết hôn, người phụ nữ thường không được nhiều nhà tuyển dụng chấp nhận bởi lẽ họ sẽ có con, sẽ phải chăm lo gia đình và sẽ không dành nhiều thời gian cho công việc công ty, họ dễ dàng bị chi phối và phạm phải sai lầm. Chính vì thế, giữa thành công và yêu quý họ thường phải đắn đo để lựa chọn. Thế nhưng, tất cả những điều đó nếu như được bạn đời của mình chia sẻ và gánh vác phân nửa trọng trách của phụ nữ thì như thế nào? Liệu có tốt hơn hay tệ hơn đối với cả hai?
Chương 8, BẠN ĐỜI PHẢI THỰC SỰ LÀ BẠN ĐỜI, Trước đó, cô Sheryl Sandberg chia sẻ với độc giả rằng, cô rất vui sướng khi được kết hôn một lần nữa với người chồng Dave Goldberg. Vì người bạn đời này đã giúp cô rất nhiều trong việc ủng hộ và gánh vác một phần công việc của gia đình, từ chăm sóc bé đến việc nhà cửa. Cô kể rằng, việc làm mẹ luôn là những trải nghiệm tuyệt vời, khi cô sinh nở lần đầu tiên và khó sinh khiến bác sĩ phải can thiệp. Vào sáng ngày hôm sau khi bước chân xuống giường cô đã ngã quỵ và phải mang nạng suốt tuần liền sau đó. Người chồng cô, Dave Goldberg là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc bé và gia đình thay cô. Nhưng chính bản thân người chồng và cô không làm chung trong một thành phố, vì thế khiến cho việc chăm sóc cũng như việc đi làm gặp khó khăn hơn. Thay vì anh sẽ cằn nhằn, thì người chồng sẵn sàng chấp nhận hy sinh công việc và trở về thành phố làm việc. Điều đó, khiến cô thấy vô cùng tuyệt vời và hạnh phúc khi người bạn đời mình cùng mình chia sẻ những trách nhiệm cùng nhau. Việc được chồng ủng hộ sự nghiệp và công việc cá nhân, đã khiến cô có thêm động lực lớn để phát triển sự nghiệp và gia đình một cách tốt nhất. 
Khi có người hỏi cô vì sao có thể làm được điều đó, cô đáp rằng đừng để cho anh ta xem những việc đó chỉ là một sự giúp đỡ cho vợ hơn là một sự trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong một gia đình. Hãy để anh ta tự do làm theo cách mà anh cho là đúng hơn là áp đặt anh vào trong cái việc mình nghĩ nó là tốt hơn, khi mình cằn nhằn anh làm sai thì khi đó anh sẽ rút lui và không làm nữa. Một người phụ nữ thành công chính là tìm cho mình một người sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ và gánh vác một phần trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc gia đình. Và tôi luôn đồng ý quan điểm này, vì trong gia đình, mỗi thành viên hay một cá thể điều phải có trách nhiệm, san sẻ cùng nhau mọi thứ như: từ chồng thì nhặt rau, vợ thì nấu cơm hay vợ chăm con thì chồng phụ giúp quét dọn nhà cửa cho đến việc ủng hộ nhau trong các quyết định công việc. Sự tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe lẫn nhau sẽ giúp cho một gia đình hạnh phúc và thành công hơn. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, phần lớn phụ nữ đã gánh vác rất nhiều trọng trách trên vai, vừa phải phát triển sự nghiệp nhưng lại phải có trách nhiệm với gia đình. Điều đó đang gây những áp lực không đáng có hoặc dã phải chăng tính hy sinh thiên phú của phụ nữ khiến họ sẵn sàng chấp nhận mọi thứ. Nhưng một tín hiệu tốt là những nam giới trẻ hiện nay mong muốn được làm người bạn đời bình đẳng nhiều hơn so với những thế hệ trước. 
Là một người theo chủ nghĩa công bằng và bình đẳng giới, tôi luôn hy vọng sự bình đẳng và công bằng đối với phụ nữ. Tôi hy vọng nam giới nên quan tâm, ủng hộ và chia sẻ những công việc và áp lực gia đình của phụ nữ. Đồng thời, phụ nữ cũng cần thay đổi những quan niệm, tư duy để có thể cân bằng giữa lựa chọn phát triển tối đa trong sự nghiệp và gia đình. 
***Mục lục chương trong cuốn sách Dấn Thân tác giả Sheryl Sandberg
Chương 1: Khoảng trống tham vọng lãnh đạo – Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?
Chương 2: Ngồi vào bàn
Chương 3: Thành công và yêu quý
Chương 4: Khung leo trèo thay thế chiếc thang
Chương 5: Bạn có phải là cố vấn của tôi
Chương 6: Tìm sự thật và nói lên sự thật
Chương 7: Đừng từ bỏ trước khi chính thức rút lui
Chương 8: Bạn đời phải thật sự là bạn đời
Chương 9: Hoang tưởng về người đa năng
Chương 10: Hãy bắt đầu thảo luận
Chương 11: Chung tay vì một thế giới bình đẳng