Ngày 19 tháng 6 là sinh nhật Dazai Osamu, cũng là ngày người ta phát hiện ra ông tự tử (1948) tại một hồ nước ngọt của sông Tamagawa.
Chợt không biết nên chúc mừng sinh nhật như thế nào... Dù cả đời ông đã tự tử đến 5 lần, nhưng thật khó để nói ông không muốn sống. Sau mỗi lần tự tử bất thành, có thể thấy Dazai đều cố lội ngược dòng và cho ra đời những tác phẩm kinh điển. Cho đến nay, Dazai vẫn là một trong những tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại Nhật Bản với những tác phẩm như: Nữ sinh, Tà Dương, Thất lạc cõi người...
Là một trong những nhân vật chủ chốt của trường phái vô lại, một nhóm nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy sau chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đời và văn nghiệp của Dazai minh chứng cho sự bế tắc thời hậu chiến và bi kịch cá nhân không thể giãi bày cuối cùng đi đến vứt bỏ cuộc đời (misute). Hầu hết những tác phẩm thành công của ông đều ít nhiều mang tính chất tự thuật với một văn phong hài hước, nhưng là một kiểu hài hước đen.
Ảnh: Chuyện Đọc
Dazai Osamu, tên thật là Tsushima Shuuji, sinh ngày 19/6/1909 trong một gia đình đại địa chủ. Cha là một danh sĩ được tôn kính trong vùng. Năm 17 tuổi Dazai đã cùng bạn bè phát hành tạp chí văn học, nuôi mộng trở thành nhà văn.
Thế nhưng, cuộc đời của anh chàng điển trai, con nhà giàu, học giỏi như Dazai lại bị cuốn vào những biến động thời cuộc và sự lạc lối từ trong nội tại. 
Cái bi kịch của Dazai ngay từ khi còn nhỏ là thấy mình khác với nhân gian, không thể nào hiểu được suy nghĩ của người khác, thêm vào đó là không có khả năng lựa chọn, không có khả năng từ chối yêu cầu của nhân gian từ đó mà hình thành tâm lý hãi sợ nhân gian và thế gian đến cùng cực.
rong Thất lạc cõi người (nguyên tác “nhân gian thất cách”) có nghĩa là “mất tư cách làm người”, một kẻ từ nỗi hãi sợ con người đi đến tự hủy cuối cùng làm một kẻ bên lề xã hội, làm một phạm nhân, một cuồng nhân và cuối cùng là một phế nhân. Ngay câu đầu tác phẩm, để tổng kết cuộc đời mình, nhân vật Yozo đã viết “tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn”. Cuộc đời đầy hổ thẹn đó đi qua những ngộ nhận trong việc tìm hiểu về thế gian và nhân gian.
Đó là hành động tìm kiếm tình yêu cuối cùng của tôi đối với con người. Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người. Vì vậy tôi gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi vì thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thử ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không. - Dazai Osamu
Trong truyện “Biển”, người cha nhớ lại một trong những kỷ niệm yêu quý nhất của mình đó là lần đầu tiên được nhìn thấy biển vào năm mười tuổi. Và Nhật Bản trong thời chiến, bị không tập phải đi sơ tán liên miên, không biết sống chết lúc nào nên người cha muốn cho con gái năm tuổi được nhìn thấy biển một lần trong đời. Cũng may trên đường sơ tán bằng xe lửa về quê đi ngang qua biển. Sự háo hức của anh bị dội một gáo nước lạnh khi đứa con gái thản nhiên mà cho đó chỉ là sông thôi, người mẹ cũng ngái ngủ mà rằng ừ con sông đấy nhỉ. Cuối cùng “lòng bực bội, chán ngán, tôi lặng ngắm biển trong hoàng hôn, một mình”. Cái sự vỡ mộng với tha nhân của Dazai luôn phảng phất ít nhiều trong các tác phẩm của ông. Không chỉ đối với người lớn mà cả trẻ em nhiều lần cũng làm Dazai sửng sốt. 
Cuộc đời của Dazai có thể tóm gọn trong hai từ là đau thương và vỡ mộng. Tác phẩm của ông mang tính phản kháng mà nhân văn, hầu hết lấy cảm hứng từ chính những kinh nghiệm bản thân với một văn phong hài hước u mặc. Một cách chân thành, Dazai khắc họa rất thành thực sự yếu đuối và tuyệt vọng rất con người, không lên gân giả tạo. Và chính sự thành thật, thành thật đến mức bi đát này là một điểm son chói sáng trong tác phẩm của Dazai Osamu, khiến ông được độc giả yêu mến mãi đến tận sau này.
Sách tham khảo: Thất lạc cõi người | Dazai Osamu (Hoàng Long dịch)
.
.
Đọc thêm các bài viết tại FB Chuyện Đọc