Tôi đọc xong Rừng Na Uy vào một buổi sáng trời se se lạnh, cuộn tròn trong chiếc chăn và lắng nghe tiếng sột soạt phát ra khi tôi lật giở từng trang giấy, tôi biết rằng mình sắp đi đến đoạn kết của một câu chuyện… biết nói sao bây giờ nhỉ, một thiên truyện tuyệt vời nhưng khiến tôi dường như phải trải qua một cú sốc cực kì lớn trong tinh thần và phải tạm dừng nghĩ về nó một thời gian trước khi có thể viết được những dòng này.

Tôi đã từng được nghe cô giáo dạy Văn của mình giới thiệu câu chuyện này từ những năm cấp 3, nhưng đến bây giờ tôi mới có thể đọc xong trọn vẹn sau nhiều lần đứt quãng giữa chừng rồi lại trở lại bắt đầu. Tôi đã từng không đủ can đảm để có thể đọc hết quyển sách ấy…
Một câu chuyện về một chàng sinh viên sống giữa đời sống Nhật Bản những năm 60 đầy biến động, điều đó đã làm ảnh hưởng đến lối sống, tính cách và cả những quyết định của chính cậu và những người xung quanh cậu. Watanabe phải lần lượt chứng kiến những sự kiện đau buồn, những biến động tâm lý đến từ những niềm đau sâu thẳm, thân xác và tâm hồn tuổi mới lớn bị dày vò cùng cực, phải lặng lẽ chống chọi và khao khát niềm hạnh phúc nhỏ bé một cách điên cuồng.
Tác giả Haruki Murakami thực sự là một kỳ tài về nghệ thuật miêu tả. Dưới ngòi bút của ông, hiện thực xã hội Nhật Bản những năm 1960-1970 được phơi bày một cách trần trụi nhất, những hình ảnh nhơ nhuốc của những cuộc bạo động sinh viên, phản đối chính trị, những tụ điểm ăn chơi, rồi thì rượu bia và gái gú, những thứ tưởng chừng đã hủy hoại cả một dân tộc kiên cường nhất trên thế giới. Murakami đưa người đọc thực sự bước vào thế giới ấy một cách tài tình, từng câu từng chữ tôi đọc trên trang sách của ông, kỳ thực mở ra trước mắt tôi những hình ảnh của một nước Nhật cực kì tăm tối và phải nói là đáng sợ, không phải sợ vì kinh dị, nỗi sợ ấy là thứ vô hình không thể nắm bắt, chỉ cảm nhận được rằng, nhỡ may sảy chân vào xã hội ấy, biết đâu chừng, ta cũng chẳng thể thoát khỏi số phận của những Watanabe, Naoko, Kizuki, Hatsumi, Midori, Reiko hay thậm chí là Nagasawa. Những con người đáng thương và đáng trân trọng.
Đọc thêm:
Murakami miêu tả mọi thứ tỉ mỉ đến mức chỉ cần đọc một vài chữ, ta đã có thể hình dung được việc gì đang xảy đến, có thể thấy trước mắt ta ''Nằm trong một khu vườn nhỏ đằng sau dãy sân bóng quần, nhà nuôi chim có đủ loại trong đó, từ gà và bồ câu cho đến công với vẹt, và xung quanh nhà là những luống hoa, bụi cây và ghế băng để ngồi chơi.'' Rồi thì ''Hoa bướm đang nở rộ trên luống, và những bụi cây đều được xén tỉa rất chu đáo. Vừa nhác thấy Reiko, lũ chim đã kêu lên ríu rít và bay chao chát ở trong chuồng.''
Tài năng của Murakami là vậy đấy, ông viết như đang vẽ, hay đang điệu nghệ cầm một chiếc máy quay, lia nhẹ nhàng qua từng khung cảnh và không bỏ sót một giây nào trong nhịp sống của các nhân vật. Qua lăng kính kể chuyện của nhân vật Watanabe, các nhân vật khác được xây dựng  với tính cách, cuộc đời và những bí mật riêng biệt. Tựa hồ như khi tôi đọc Rừng Na Uy, tôi có thể nhận biết được nhân vật nào đang nói chỉ qua một lời thoại ngắn, thậm chí tôi cũng đã từng tưởng tượng ra giọng nói của từng người (đương nhiên là họ sẽ nói tiếng Việt vì tôi không biết tiếng Nhật đâu :P).
Nghệ thuật miêu tả của Murakami đạt đến đỉnh cao khi ông chấm phá nét bút của mình vào tâm lý của các nhân vật, vì kể câu chuyện dưới ngôi thứ nhất, nên tâm lý của nhân vật Watanabe được bộc lộ sâu sắc nhất, và thông qua đó, người đọc dễ dàng nắm bắt được tâm lý của những nhân vật còn lại từ cách nhìn nhận và thấu hiểu người khác của chàng ''mọt sách'' Watanabe.
Đọc thêm:
Văn phong nhẹ nhàng, không vồ vập, cũng không dùng những ngôn từ mạnh bạo, nhưng giọng văn của ông khiến người đọc day dứt khôn nguôi trước những gì cảm nhận được. Với Rừng Na Uy, không một giây phút nào trái tim bạn có thể ngừng thổn thức và không một khoảnh khắc nào bạn dừng suy nghĩ về số phận và cuộc đời. Âu cũng thật lạ, vì mỗi người đều có quyền được sống, được hạnh phúc, nhưng sâu thẳm trong lòng, chúng ta biết rằng hạnh phúc ấy thật xa vời, nhất là hạnh phúc phải đào bới tìm kiếm trong hằng hà sa số những tạp nham của xã hội đương thời. Như những gì Naoko từng khổ sở nói:

''Bởi vì bọn mình sẽ phải trả lại cho thế giới này những gì vẫn mắc nợ nó. Nỗi đau của sự trưởng thành. Bọn mình đã không trả cái giá đó đúng lúc, và bây giờ thì giấy đòi nợ đã đến rồi.''

(Naoko – Rừng Na Uy)

Nỗi đau của sự trưởng thành hiện diện xuyên suốt tác phẩm, như một lời cảnh tỉnh cho những người trẻ và lời nuối tiếc cho những người đã qua cái tuổi xuân xanh. Những người trẻ trong câu chuyện ấy, đại diện cho tầng lớp trí thức và thanh niên thời đại mới, vậy mà những biến động trong cuộc sống đã cướp mất đi hơn nửa phần người trong họ, họ chỉ sống như những món đồ chơi, cứ mỗi ngày đều phải lên dây cót và lặp lại những quy trình tẻ nhạt.
Có ba hình tượng khiến tôi ám ảnh suốt từ lúc giở trang sách đầu tiên. Đó chính là: Rượu, Tình Dục và Cái Chết. Tôi thật sự cảm thấy may mắn vì mình không đọc quyển sách này khi còn cấp ba, vì khi ấy, thứ nhất, về tính chất, đây có thể là những tiêu chí để quyển tiểu thuyết này được dán nhãn R, và thứ hai, về tinh thần, chẳng cần nói, những điều trên đều quá với bất kì người Việt Nam nào dưới 18 tuổi.
Những loại whisky, cocktail hay vodka, rượu sake được lặp đi lặp lại không ngừng trong tác phẩm, và chính nhân vật chính của chúng ta – Watanabe là người thưởng thức chúng. Cậu ấy uống rượu như một thứ nước giải khát thông thường. Không chỉ Watanabe, bạn bè cậu, người thân cậu và cả một xã hội Nhật Bản ngập tràn trong chất men say độc hại ấy. Cũng giống như cách mà người Việt Nam chúng ta đang dành sự ưu ái cho trà sữa vậy đó.
Họ uống rượu vào ban ngày, vào bữa trưa và ‘‘Lùa mọi thứ vào bằng bia” ở bữa tối. Nhưng cách họ thưởng thức thứ men say ấy thật dễ chịu biết chừng nào, họ cảm thấy dễ chịu và dường như được thư giãn mình những lúc như thế. Xét về mặt tinh thần, có phần nào tốt đấy nhỉ, nhưng kì thực họ là những người ‘‘bất toàn’‘ theo cách mà Reiko đã từng nói với Watanabe:

''Tất cả chúng ta (tôi muốn nói là tất cả chúng ta ấy, cả bình thường lẫn không bình thường) đều là những con người bất toàn trong một thế giới bất toàn. Chúng ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng hoặc bằng cách đo đắn mọi đường nét và góc cạnh của chúng ta với thước dây và máy ngắm.'' (Reiko – Rừng Na Uy)

Nhưng có lẽ, nếu không có rượu, họ sẽ không là họ và chúng ta chẳng thể nào có một câu chuyện hay để tiếp tục mong chờ đoạn kế tiếp.
Sự hiện hữu của tình dục còn nhiều hơn thế, những miêu tả của Murakami về những cuộc làm tình dường như mang đến cho tác phẩm một sắc màu mới. Không có gì là thô thiển hay dung tục ở đây cả, với tôi, đó là một trong những yếu tố rất đẹp, đẹp đến lạ kỳ, đẹp đến độ có thể nhìn thấy trong ánh mắt họ những nỗi niềm: hạnh phúc, tuyệt vọng, và lời cầu cứu không thành tiếng.
Khát khao nhục dục từ trong mỗi người là điều tự nhiên không tránh khỏi, và Murakami đã phô diễn sự quyến rũ của mình thông qua nó,  để từ đó, ông đẩy tâm lý nhân vật lên những tầm mới, một nét vẽ huênh hoang của chính ông vào trang sách nhưng để lại những đường nét rất đời… Tình dục là khởi nguồn của mọi bi kịch trong tác phẩm, nhưng cũng là cánh cửa giải thoát cho những kiếp người đó, trong cái xã hội đầy căm phẫn đó.
Tôi như rợn người khi đọc đến những đoạn miêu tả cảnh làm tình, nhưng rồi chợt nhận ra cái đẹp ẩn chứa bên trong những khao khát ấy, là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà những người như họ, như chúng ta đáng được nhận.
Tôi rất thích một đoạn mà Midori thủ thỉ với Watanabe về niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy:

''Cậu không thấy là sẽ rất tuyệt nếu vứt bỏ hết mọi thứ và mọi người để đến một nơi mà mình không biết một ma nào cả ư? Nhiều lúc mình chỉ thích làm như thế. Thực sự là nhiều lúc mình đã muốn, rất muốn làm như thế. Đấy, giả dụ như tự nhiên cậu tốc tớ đến một nơi xa, thật xa, và tớ sẽ sản xuất cho cậu một lũ con khỏe như trâu, và từ ấy chúng mình sẽ mãi sống hạnh phúc, cứ việc lăn lộn dưới sàn nhà.''

(Rừng Na Uy)

Và rồi trên tất cả, khủng khiếp nhất đối với con người đó chính là cái chết. Và trong tác phẩm này, từng người từng người chết đi theo cách của họ mà chẳng ai ngờ tới được. Nhưng đa phần trong số đó là tự kết liễu đời mình…
Cái chết hiện diện như phản ánh sự tuyệt vọng đến tột cùng và mong muốn tìm lối giải thoát cho riêng mình. Nhưng mà đau lắm và sợ lắm… Cứ mỗi lần giở sang trang tiếp theo, tôi lại nơm nớp lo sợ rằng sẽ có ai đó phải chết, và điều ấy thật khó khăn để chấp nhận biết chừng nào.
Đã có lúc tôi hét toáng lên: ''Gì vậy, lại chết nữa sao!!!'' trong phòng mình mặc kệ những ánh nhìn của bạn cùng phòng. Thật không gì có thể sốc hơn chuyện ấy, những người đó họ ra đi quá vội vàng, như phải theo một lời chỉ thị hay một sai khiến nào đấy, lập tức tuân lệnh mà rời bỏ thế gian này.

''Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống. Bằng cách sống cuộc đời của mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết''

Tôi đọc dòng này mà không khỏi chạnh lòng. Và xin phép không bàn luận thêm về điều này nữa. Chỉ kết lại hình tượng cái chết trong lòng tôi bằng những trăn trở của Watanabe:

''Không có chân lý nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lí nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào''

***
Phải nói rằng thật may mắn khi Thượng đế cho tôi đọc Rừng Na Uy trong những ngày cô đơn nhất. Những ngày chỉ lặng lẽ làm những việc thường ngày và chờ mong những điều mới mẻ. Đã có lúc tôi thấy mình sao giống Watanabe đến thế: thích đọc sách, nghe nhạc cổ điển và hay ở một mình, Watanabe và tôi đều không thích ở một mình, chẳng ai thích ở một mình cả, nhưng sự cô đơn làm nên cái đẹp tâm hồn của mỗi người, bằng một cách nào đó…
Và trong những ngày cô đơn ấy, tôi đọc những trang sách của Murakami vào những buổi sáng tinh sương, khi vừa thức dậy, cuộn tròn trong chăn và nghe nhạc giao hưởng trong tiết trời se lạnh, và đọc tiếp một, hai chương trước khi đi ngủ. Tôi không thể đọc thêm một quyển sách nào khác mà không bị sao nhãng, tôi cứ nghĩ mãi về nó, về Rừng Na Uy đầy quyễn rũ và cô độc.
Quyển sách đã cho tôi những bài học cực kỳ lớn về cách nhìn nhận cuộc sống này, về cách chúng ta yêu thương một ai đó, về những điều ý nghĩa tưởng chừng nhỏ bé nhưng cả đời ta cứ mãi kiếm tìm.
Rừng Na Uy day dứt và ám ảnh, nhưng suy cho cùng, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó theo cách riêng nào đó. Hãy đọc và cảm nhận những vẻ đẹp đó nhé.
Và nhớ đừng quên xem bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển này. Một bộ phim được chính Murakami tin tưởng lựa chọn đạo diễn, một đạo diễn tài năng gốc Việt – Trần Anh Hùng. Bộ phim sẽ mở ra cho bạn những hình ảnh chân thực mà bạn dày công tưởng tượng khi đọc sách, nhưng chắc chắn rồi, cảm giác tưởng tượng ấy thú vị hơn nhiều nhỉ?
Kết lại bằng một đoạn thơ mà tôi rất thích, như cởi mở thêm niềm hy vọng cho những gì quyển sách mang lại, niềm hy vọng vào hạnh phúc và tương lai:

''Hope is the thing with feathers
That perches in the soul
And sings the tune without the words
And never stops at all''

***
''Hy vọng là một chú chim
Trú ngụ ở trong linh hồn
Hót lên giai điệu không lời
Và không bao giờ nghỉ ngơi''

Emily Dickinson

Note: Tôi viết những dòng này khi trời đã về khuya và bên tai tôi văng vẳng bài hát Rừng Na Uy của nhóm The Beatles…