Bóng đá Hà Lan và những cầu thủ đến từ vùng đất thấp luôn có nét gì đó rất riêng biệt, tạo nên thứ gia vị đặc trưng không thể thiếu cho môn thể thao Vua. Và cựu tiền đạo của Arsenal, Robin Van Persie rõ ràng là một trong số những nhân tố đặc sắc nhất của mảnh đất đã sản sinh ra đầy rẫy những tinh hoa cho bóng đá. Chính bản thân chân sút người Rotterdam cũng tự tạo nên cho mình một sự nghiệp lẫy lừng bằng những chiến công tuyệt vời. Từ chấn thương dai dẳng trong những ngày đầu thi đấu cho Pháo Thủ phía Bắc London, gặp rắc rối với BLĐ để rồi sau đó là vụ chuyển nhượng gây tranh cãi đến Man United, mở đường cho chức vô địch Premier League đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Tất cả những nốt thăng trầm kia tuy có gập ghềnh trắc trở, nhưng chúng đều là những điểm nhấn tạo nên sự hào hoa nơi chàng trung phong điển hình mà một thời chúng ta cùng thần tượng.
Thành tựu lớn nhất của chàng tiền đạo cắm người Hà Lan đó là duy trì được phong độ vô giá của mình. Arsene Wenger có lẽ phải cảm ơn và trân trọng Van Persie nhiều lắm. Bởi trong giai đoạn Arsenal trở nên khó khăn sau dự án xây sân Emirates, chỉ nhờ khả năng ghi bàn siêu phàm của cầu thủ người Hà Lan mà Pháo thủ London ít ra vẫn là một trong bốn đại diện mạnh nhất của bóng đá Anh. Chàng Robin với liên tục những màn trình diễn chói sáng luôn giữ vững tỷ lệ ghi bàn rất cao, và điều đó giúp anh trở thành một sát thủ thực sự xứ sương mù.
Van Persie trẻ tuổi cập bến Pháo Thủ ngay thời điểm Arsenal vừa gặt hái được vinh quang chói lọi nhất lịch sử CLB. Đội quân Invincibles chinh phục hoàn toàn mọi đối thủ để đạt được kỳ tích mà chưa từng có đội bóng nào trước đó lẫn sau này làm được. Mùa giải bất bại 2003/04 trứ danh khép lại, giờ đây tiền đạo măng sữa người Hà Lan đã có vẻ sẵn sàng để thi đấu cùng những huyền thoại.
Robin van Persie sinh ra tại Rotterdam, Hà Lan vào ngày 6/8/1983, Van Persie là CĐV trung thành của Feyenoord và luôn khát khao được khoác áo đội bóng này. Cựu tiền đạo của Man United được thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ từ một gia đình làm nghệ thuật. Mẹ anh, Josee Ras, là một họa sĩ và nhà thiết kế đồ trang sức trong khi cha anh , Bob, là một điêu khắc gia. Bố của Van Persie kể rằng một bà thầy bói phán sau này anh sẽ là thành viên của tuyển Hà Lan và trở thành một “vị vua” trên sân cỏ.
Năm 13 tuổi, Van Persie được gia nhập Feyenoord để theo đuổi giấc mơ bóng đá. Mặc dù nhanh chóng chứng tỏ được khả năng nhưng tính ích kỷ và kiêu ngạo khiến tài năng này ít nhiều bị đồng đội không ưa. Van Persie theo học tại Trường Trung học Thorbecke Voortgezet Onderwijs và đây cũng là nơi mà các cầu thủ trẻ của CLB Feyenoord được đào tạo kiến thức. Tuy vậy, ảnh hưởng tiêu cực từ việc cha mẹ ly hôn khiến anh luôn có thái độ ngược ngạo và thường xuyên bị giáo viên đuổi ra khỏi lớp.
Người ta biết đến Van Persie ở quê nhà phần nhiều bởi những lùm xùm ở ngay chính CLB thuở thiếu thời của mình. Chàng cầu thủ người Rotterdam chuyển đến Feyenoord khi dính phải những mối bất hòa với CLB cũ SBV Excelsior sau chỉ vỏn vẹn 16 lần ra sân.
HLV của Feyenoord khi đó là Bert van Markwijk lập tức trao cơ hội thể hiện ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp cho cậu sát thủ tiềm năng, đúng vào thời điểm người ta đang đồn đoán về một lứa “Thế hệ Vàng” mới của bóng đá Hà Lan. Van Persie thậm chí còn có suất đá chính ở trận Chung kết UEFA Cup 2002, khi Feyenoord giành chiến thắng 3-2 nghẹt thở trước gã khổng lồ nước Đức Borussia Dortmund. Đó là lần cuối cùng người ta được thấy một đại diện Hà Lan đăng quang ở đấu trường châu Âu.
Tuy vậy, mối quan hệ giữa vị HLV và "gã lính mới" nhanh chóng sụp đổ. Bị bỏ lại trước thềm trận tranh Siêu cúp châu Âu gặp Real Madrid chỉ là một phần của “tảng băng trôi”, là những gì người ta có thể thấy được khi đằng sau đó là cả chuỗi những bất đồng trong giao tiếp và niềm tin. Từ ngồi dự bị đến bị trục xuất, Van Persie giờ đây có lẽ sẽ phải chuyển đến chơi ở Premier League trong kỳ chuyển nhượng tháng giêng năm 2004. Thế nhưng, hợp đồng giữa anh và CLB mới Arsenal không thể được thông qua vào thời điểm mùa đông.
Trước khi đặt chân đến bờ biển nước Anh vào mùa hè cùng năm, tài năng trẻ gặp phải một biến động mà sau đó, chính điều này đã giúp anh cải thiện được tính khí nóng nảy của mình trên sân bóng. Đó là lúc anh thi đấu ở đội dự bị, trong trận đấu gặp kẻ thù của Feyenoord, Ajax Amsterdam.
Bản thân trận đấu chẳng phải quá đáng để quan tâm, bởi nó vẫn thuộc khuôn khổ các cầu thủ lứa U-21, nhưng sự kình địch mà NHM hai đội tạo ra vẫn đủ sức để hâm nóng bầu không khí. Những CĐV quá khích của Ajax đã lao xuống sân Toekomst, tấn công Van Persie cùng những đồng đội khác của anh. “Chúng tôi chạy thục mạng để bảo vệ mạng sống. Trở vào phòng thay đồ, tất cả đều bật khóc. Chúng tôi khi ấy vẫn còn rất trẻ, ở cái lứa tuổi 18, 19, 20 mà bị đánh đập không thương tiếc, trong số có cả tôi nữa. Điều ấy thực sự gây ám ảnh.” Van Persie hồi tưởng lại.
Hành động anh hùng của HLV đội trẻ Ajax khi đó là Marco Van Basten có lẽ phần nào giảm thiểu những chấn thương về tâm lý lẫn thể chất, thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu những cậu bé kia phải đổ máu trên sân. "Đây có lẽ là điều tồi tệ nhất tôi từng trải qua." Một câu nói cũng đủ để cho thấy rằng ngôi sao sáng giá nhất Hà Lan sợ hãi và muốn ra đi như thế nào. Măng non sáng giá người Hà Lan chính thức bật đèn xanh. Và động thái của Arsenal như là một câu trả lời được sắp đặt sẵn.
Thời gian ở Van Persie ở Hà Lan đã khép lại, và ngôi sao mới nổi ấy cùng những người đồng hương khác là Arjen Robben, Wesley Sneijder và Rafael van der Vaart đồng loạt chấp nhận thử thách ở một môi trường lạ lẫm hơn, nhiều khó khăn hơn, nhưng cũng danh giá hơn. “Thế hệ vàng” bắt đầu hành trình chinh phục trên toàn cõi Âu châu, nhưng chuyến tàu dành cho Van Persie có vẻ lại chông gai hơn cả.
Arsenal cuối cùng cũng có được người mình cần, một kẻ có đủ khả năng kế thừa di sản mà người đồng hương Dennis Bergkamp vĩ đại để lại. Nhưng như đã nói, không khác gì người tiền bối của mình, mọi thứ với Van Persie ở đất Anh không hề suôn sẻ. Ngay bản thân Bergkamp lúc mới chuyển đến từ Inter cũng đã gặp phải không ít hoài nghi về khả năng thi đấu chuyên nghiệp ở đẳng cấp cao của mình.
Một năm sau, tất cả những suy nghĩ tiêu cực kia nhanh chóng tan biến nhờ vào những màn trình diễn đầy thuyết phục của Dennis. Nhưng khoảng thời gian ấy dành cho Persie vẫn còn chật vật lắm. Việc trở thành một siêu sao gian truân hơn thế nhiều. Thật vậy, dù có chảy trong huyết quản Van Persie là tài năng bóng đá thiên bẩm, nhưng NHM Arsenal vẫn chưa hề thấu được điều ấy suốt 6 năm đầu khoác áo Pháo thủ. Sự ổn định và tính nhất quán trong lối chơi vẫn không phải là sở trường của Van Persie từ những ngày chập chững làm quen với môi trường mới.
Tin xấu liên tục bủa vây lấy chàng tiền đạo trẻ. Năm 2005, scandal đầu tiên tìm đến cầu thủ người Hà Lan, xuất phát từ các cáo buộc hiếp dâm nhằm vào Van Persie khi anh đang tập trung cùng ĐT Hà Lan ở Rotterdam. Anh bị cảnh sát giam giữ trong 14 ngày, nhưng rồi sau đó không phải nhận bản án nào. Tuy vậy, không phải không còn những nghi ngờ vẫn đang nhắm về phía Van Persie.
Đến tháng 2 năm 2006, khi anh dần hòa nhập với cuộc sống tại Anh và bóng đá Premier League, những lời chỉ trích kia chính thức bị xóa bỏ. Tuy vậy, Persie cũng vẫn thừa nhận mình từng không chung thủy và léng phéng ngoại tình. Mặt khác, anh vẫn khẳng định mình chưa hề đi quá giới hạn và không hề có va chạm tình dục với bất kỳ “chân dài” nào. Cầu thủ Hà Lan một lần nữa có cơ hội tập trung vào sự nghiệp thi đấu, nhưng những năm tháng vàng son của anh ở vùng Bắc London còn phải vài năm nữa mới tới.
Dù gặp nhiều chấn thương và dường như rất khó giữ được vị trí chính thức nơi đội hình xuất phát, Van Persie vẫn cố gắng thể hiện được bản thân và khiến người ta loáng thoáng cảm nhận được những phẩm chất của riêng mình. Chân sút người Hà Lan trở thành cầu thủ ghi bàn hàng đầu của CLB trong mùa giải 2006/07, ngay cả khi Thierry Henry vẫn còn gắn bó với Arsenal mà chưa chuyển đến Barcelona. Đến mùa giải 2008/09, Van Persie lập kỷ lục cá nhân khi ghi được đến 20 bàn thắng, đồng thời ẵm luôn giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của CLB.
Mùa giải tiếp theo chứng kiến bản hợp đồng mới được ký kết giữa chàng tiền đạo và câu lạc bộ chủ quản. Nhưng một lần nữa, chấn thương lại tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với anh cho đến tận giữa mùa giải 2010/11. Tuy nhiên, đây có thể là khoảng thời gian cuối cùng mà những tiếng chỉ trích ngoài đường biên dành cho Van Persie vang lên. Thay vào đó, một năm rưỡi trôi qua, và sự tỏa sáng của Van Persie đã chứng minh cho tất cả thấy được sự kiên nhẫn của Arsene Wenger dành cho anh là hoàn toàn có cơ sở.
Ngày 1 tháng 1 năm 2011, một ngày đặc biệt trong cuốn sách về sự nghiệp của Van Persie. Nó nên được nhắc đến như là sự khởi đầu cho chuỗi thành tích ghi bàn chưa từng xuất hiện trong lịch sử giải đấu cạnh tranh nhất hành tinh. Anh ghi bàn trong trận thắng 3 – 0 của Arsenal trước Birmingham City. Mặc dù bàn thắng đó không mang tính chất quan trọng cũng như không thể hiện được đẳng cấp của anh, nhưng nó có lẽ là nền tảng cho chuỗi thành tích đáng kinh ngạc tiếp theo.
Những kỷ lục liên tục đến với Van Persie trong phần còn lại của mùa giải. Anh trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong hai tháng đầu năm tại Premier League, là cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong 7 trận sân khách liên tiếp và san bằng kỷ lục số bàn thắng ghi được nhiều nhất sau khi nửa mùa giải đầu tiên kết thúc với tổng cộng 18 pha lập công.
Mặc dù chỉ thi đấu được nửa mùa bóng, nhưng Van Persie đã cho mọi người thấy những gì tốt nhất của bản thân, và bàn thắng không tưởng trước Barcelona tại Champions League có thể coi là khoảnh khắc đáng tự hào nhất của anh trong màu áo Arsenal. Nhưng thật không may cho chân sút người Hà Lan, anh đã phải nhận một tấm thẻ đỏ đầy tranh cãi trong trận lượt về nhưng dường như mọi thứ từ đây mới bắt đầu.
Van Persie trở thành đội trưởng ở mùa giải kế tiếp, và với một đội hình gồm những cầu thủ còn non kinh nghiệm sau sự ra đi của Cesc Fabregas, trách nhiệm giờ đây được đặt lên vai cầu thủ biểu tượng của CLB. Đội hình của The Gunners trong khoảng thời gian đó thiếu đi những cái tên đẳng cấp thế giới, đặc biệt là ở hàng phòng ngự.
Van Persie trở thành đầu tàu của đội bóng và anh bắt tay vào thực hiện một “nhiệm vụ một người” để bảo vệ tầm vóc cũng như danh tiếng cho CLB. Giai đoạn mở đầu của chiến dịch chinh phục ngai vàng Premier League chứng kiến thất bại 2 – 8 trước Manchester United, một sự sỉ nhục không thể chấp nhận được đối với Pháo thủ.
Chàng tiền đạo người Hà Lan mặc dù vẫn điền tên trên bảng tỷ số sau trận đấu, nhưng pha lập công đó của anh không còn ý nghĩa gì khi tham vọng và niềm kiêu hãnh của Arsenal đã bị hủy hoại hoàn toàn. Một bước ngoặt xảy đến với vận may của đội bóng, và người đội trưởng của họ lại một lần nữa cứu lấy màn trình diễn thất vọng của đội nhà ngay tại Emirates, trước một Sunderland thi đấu đầy khó chịu.
Van Persie ghi bàn khi trận đấu mới chỉ bắt đầu được 30 giây, nhưng cú sút phạt thần sầu của Sebastian Larsson đã đưa trận đấu trở về vạch xuất phát. Ba điểm là rất quan trọng vào thời điểm đó. Một trận đấu rất khó khăn mặc dù đối thủ của Arsenal trên lý thuyết là yếu hơn họ về mọi mặt, nhưng một hàng phòng ngự lỳ lợm và chắc chắn đã có thể khiến Arsenal phải thất vọng.
Khi trận đấu gần đi đến hồi kết, Arsenal được hưởng một quả đá phạt trực tiếp rất thuận lợi cho cái chân trái của Van Persie. Anh đưa bóng vượt qua hàng rào và thủ môn, giúp đám đông cổ động viên trải qua sự phấn khích tột cùng. Bàn thắng đó đã đem về 3 điểm quan trọng cho Pháo thủ và là liều thuốc tinh thần cho một Arsenal đang rệu rã.
Trên đà chiến thắng, tiền đạo người Hà Lan tiếp tục gánh vác trọng trách ghi bàn cho Arsenal và giúp họ vượt qua một mùa giải Premier League đầy dữ dội. Hai bàn thắng trước Stoke, một cú hat-trick vào lưới Chelsea và cú đúp trong trận đấu gặp Borrusia Dortmund dường như đã trở thành điều bình thường đối với anh. Những cầu thủ còn lại trong đội hình của Arsenal dành sự tôn trọng rất lớn cho người đội trưởng của mình, người luôn luôn giải cứu đội bóng trong những tình thế khó khăn nhất. Mỗi khi quả bóng đến chân, họ luôn tìm ra con đường nhanh nhất để đưa bóng đến cầu thủ quan trọng nhất.
Năm dương lịch 2011 chứng kiến việc Van Persie ghi được 35 bàn thắng tại giải vô địch quốc gia, nhiều nhất đối với một cầu thủ trong mùa giải có 38 trận đấu, chỉ thiếu đúng 1 bàn so với thành tích 36 pha lập công trong mùa giải có 42 trận đấu của Alan Shearer. Một kỳ tích mà thực sự không cần phải nói quá nhiều về độ nổi bật của nó. Cú vô lê đáng nhớ vào lưới Everton, bàn thắng cuối cùng của một năm đầy kinh ngạc, sẽ là bàn thắng mà sân Emirates mãi mãi không thể nào quên.
Alex Song nhận bóng ở khu vực giữa sân và thực hiện đường chuyền bổng vượt qua hàng phòng ngự của The Toffees. Van Persie nhìn trái bóng từ từ rơi xuống qua vai trước khi tung ra cú vô lê nhanh như tia laze hướng quả bóng vào góc dưới khung thành. Đó là pha bóng thể hiện kỹ thuật lạ thường nhất của anh, và anh bắt đầu cho mọi người thấy rằng anh không chỉ có khả năng gánh vác Arsenal, mà còn có thể làm việc đó ở đẳng cấp cao nhất.
Trong năm tiếp theo, cầu thủ sinh ra tại Rotterdam vẫn là tiêu điểm của Premier League. Anh dần trở thành một biểu tượng trên khắp lãnh thổ nước Anh nhờ những lời ca ngợi mà mọi người dành cho mình. Bàn thắng cứ thế liên tục đến, nhưng Arsenal vẫn thường xuyên phung phí những cơ hội khi phần còn lại của đội bóng không thể chuyển hóa chúng thành bàn thắng.
“Đội bóng một người” với người dẫn đầu ở đẳng cấp cao nhất, những bàn thắng của anh giữ Arsenal ở lại trong cuộc đua với gã hàng xóm khó ưa Tottenham Hotspur. Nhưng ngay cả Van Persie cũng dường như không thể giúp CLB tránh khỏi việc bị vượt mặt lần đầu tiên trong suốt kỷ nguyên Premier League. Những điểm số liên tục bị đánh rơi đã làm lu mờ đi sự hiệu quả của Van Persie trong khoảng thời gian đó của mùa giải, nhưng vào ngày 26 tháng 2, một trong những màn trình diễn chói sáng của cầu thủ người Hà Lan đã thổi bùng ngọn lửa trong đội bóng được dẫn dắt bởi Arsene Wenger, tiếp thêm năng lượng cần thiết để họ có thể sửa sai, cứu vãn một mùa bóng cho đến thời điểm hiện tại, được coi là chưa thực sự tốt.
Bị dẫn 2 – 0 trước kình địch đến từ Bắc London, Arsenal đơn giản cần phải lấy lại thế trận, và người đội trưởng một lần nữa sắm vai người hùng. Sau pha đánh đầu xuất sắc của Bacary Sagna, Van Persie đã ghi một trong những bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp thi đấu tại Arsenal. Anh có một pha xoay người điệu nghệ trước vòng cấm của Spurs rồi tung ra cú cứa lòng chân trái đánh bại thủ thành Brad Friedel. 5 – 2 nghiêng về Arsenal là tỷ số cuối cùng, và không thể phủ nhận rằng bàn thắng của Van Persie chính là tình huống bản lề, tình huống then chốt quyết định trận đấu.
Bàn thắng cực kỳ đẹp mắt này giúp Pháo thủ đánh bại kình địch của họ trong cuộc đua giành vé dự Champions League khi họ có màn nước rút ngoạn mục vào cuối mùa giải. Và tất nhiên, Van Persie là nhân tố quan trọng của sự hồi sinh này. Hai bàn thắng tại Anfield giúp Arsenal giành chiến thắng 2 – 1 lại là một màn trình diễn cá nhân xuất sắc nữa của Van Persie.
Kết thúc mùa giải với 30 pha lập công, cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình Arsenal đã giúp họ cán đích an toàn. Nếu thiếu đi sự ổn định của anh trong một năm rưỡi, chúng ta đã có thể phải chứng kiến một Arsenal hoàn toàn khác với những gì chúng ta thấy ngày hôm nay, giống như Arsenal khi không có Wenger vậy.
Vụ chuyển nhượng đình đám đến kình địch Manchester United là một lời chia tay buồn của Van Persie dành cho Arsenal, nhưng trong thâm tâm, anh đã hoàn thành nhiệm vụ giúp đội bóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Kể từ khi anh ra đi, đội bóng của Arsene Wenger đã có những sự khởi sắc rất đáng kể, và họ nợ Van Persie rất nhiều, người đã giải cứu họ trong quãng thời gian có thể nói là đen tối nhất của Arsenal trong lịch sử Premier League.
Danh hiệu VĐQG ngay mùa giải đầu tiên tại Old Trafford, cùng với đó là danh hiệu Vua phá lưới là phần thưởng cho cầu thủ mặc dù chưa bao giờ đạt được sự ổn định tốt nhất, nhưng vẫn luôn thể hiện được những phẩm chất săn bàn của mình. Điều này giúp anh đứng ngang hàng với những chân sút vĩ đại nhất Premier League.
Bàn thắng của Van Persie giúp Sir Alex Ferguson có được danh hiêu VĐQG cuối cùng cũng gần tương tự như khoảnh khắc trong trận đấu gặp Everton hồi anh còn thi đấu cho Arsenal. Nhận đường chuyền dài hoàn hảo từ Wayne Rooney trước khi tung ra cú volley khiến cho thủ môn đối phương phải đứng chôn chân nhìn bóng bay vào lưới.
Mùa giải đầu tiên trong màu áo Manchester United sẽ luôn là mùa giải ổn định nhất của anh tại đội bóng phía Bắc nước Anh, và cái giá 24 triệu bảng là quá lời sau mùa bóng cực kỳ thành công này. David Moyes chật vật trong việc tìm cách khai thác khả năng của anh. Tương tự là trường hợp của Louis van Gaal, mặc dù vị HLV này đã làm việc cùng Van Persie ở ĐTQG.
Năm 2015, anh chuyển đến Fenerbahce – một đội bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, báo hiệu sự kết thúc của một trong những sự nghiệp đáng nhớ nhất Premier League. Là một phần của thế hệ vàng những cầu thủ Hà Lan lẽ ra đã phải có một danh hiệu quốc tế, Van Persie vượt qua được nỗi ám ảnh về chấn thương để trở thành một tiền đạo có phẩm chất tuyệt vời. Kỹ thuật của anh đặt anh lên hàng đầu trong số những tài năng mà châu Âu từng sản sinh.
Sau 2 năm rưỡi gắn bó với gã khổng lồ Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không giành được thêm danh hiệu nhưng Van Persie vẫn ghi được đến 36 bàn thắng sau 87 lần ra sân. Điểm đến tiếp theo của Van Persie, là nơi dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp cũng lại là nơi đã ươm mầm nên danh tiếng của huyền thoại này, đội bóng thuở thiếu thời Feyenoord Rotterdam.
Thật viên mãn khi huyền thoại trứ danh của đội bóng trở về và giúp CLB của mình gặt hái thêm những thành tựu mới, tô điểm cho phòng truyền thống thêm phần lộng lẫy. 1 mùa rưỡi nữa, và Van Persie có thêm 2 danh hiệu. Cúp Quốc gia Hà Lan 2017/18 và Siêu cúp Hà Lan năm 2018 có lẽ là lời chào tạm biệt đầy sâu sắc của bản thân Van Persie dành tặng thế giới bóng đá, những CĐV từng luôn và sẽ mãi ủng hộ bước chân anh.
Trong sự nghiệp thi đấu Quốc tế, Van Persie được đá chính thức cho The Oranje từ năm 2004. Sau 102 lần ra sân, anh ghi được 50 bàn thắng và là chân sút tốt nhất trong lịch sử bóng đá nước này. Thành tích tốt nhất mà Van Persie có được cùng Cơn lốc màu da cam là ngôi Á quân World Cup 2010, bên cạnh tấm huy chương đồng cũng tại giải đấu này 4 năm sau trên đất Brazil. Làm sao có ai quên được cú tung người đánh đầu vào lưới đội tuyển TBN ngay ở trận khai màn World Cup 2014, khiến một huyền thoại khác là thủ thành Iker Casillas chỉ còn biết chôn chân ngoái nhìn.
31 tuổi, đội trưởng ĐT Hà Lan, Van Persie, đã làm “Cơn lốc màu da cam” rực sáng lần cuối cùng ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới bằng một pha làm bàn chưa từng có trong lịch sử World Cup.
Daley Blind có bóng ở khu vực sân nhà. Bóng được rót vào khu vực cấm địa Tây Ban Nha, Van Persie thoát xuống, với tốc độ lúc ấy việc anh tung cú volley một chạm quả thực không tưởng, “Percy” buộc phải chơi đầu. Anh bay người đánh đầu, bóng vút qua Iker Casillas làm tung lưới Tây Ban Nha.
Cú đánh đầu ấy không mạnh như bất kỳ siêu phẩm một chạm nào trước đây của Van Persie, nhưng tính sáng tạo là không tưởng. Bằng cách nào Van Persie có thể tính toán tốc độ, điểm rơi, lẫn khoảng cách với Casillas để dứt điểm bóng vút qua đầu thủ thành đối phương?
Casillas đã chủ động băng ra đón bóng, nhưng tất cả trở nên vô nghĩa với siêu phẩm mà Louis Van Gaal sau này gọi đó là “khoảnh khắc của người Hà Lan bay”. Hà Lan thắng 5-1 Tây Ban Nha trận đó, và sau cùng kết thúc World Cup 2014 với vị trí thứ 3, điều rất ít CĐV Hà Lan dám mơ tới trước khi giải đấu trên đất Brazil bắt đầu.
Sau những giây phút huy hoàng ở World Cup 2014, Van Persie bước vào nửa sau sự nghiệp với Fernebahce và Feyenoord. Những ánh đèn không còn coi Van Persie là trung tâm.
Sir Alex Ferguson từng miêu tả Van Persie là “cầu thủ chạy không bóng và dứt điểm một chạm hay nhất thế giới.” Lionel Messi cũng bày tỏ sự cảm phục người đàn anh và ca ngợi Van Persie là một trong những tiền đạo toàn diện nhất. Đó không hoàn toàn là những câu nói xã giao, bởi cả Sir Alex và Messi đều là những nhân cách lớn. Những nhận xét của họ không hề xáo rỗng mà chứa đựng biết bao sự ngưỡng mộ dành cho tiền đạo sinh năm 1983.
Trên thực tế, rất hiếm những trung phong thuận chân trái trong lịch sử bóng đá để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ, và Van Persie là một trong số ít ỏi đó. Sự nghiệp của anh khó có thể coi là trọn vẹn, bởi sự vô duyên với các danh hiệu lớn cả ở cấp CLB lẫn ĐTQG. Nhưng tài năng, hiệu suất ghi bàn, những bàn thắng ghi được và khả năng lãnh đạo của Robin Van Persie sẽ không thể nào xuất hiện một sớm một chiều tại mọi đội bóng anh đặt chân qua. Hãy nhìn Arsenal và cả Man United đã phải chật vật thế nào trong việc tìm kiếm một chân ghi bàn thượng hạng có khả năng vực dậy cả một đội bóng chỉ trong một mùa giải, chứ đừng nói là suốt thời gian dài.
Robin Van Persie hãy có thể tự hào với những gì anh và các đồng đội cùng trang lứa như Robben hay Sneijder đã làm cho bóng đá Hà Lan nói riêng, và thế giới túc cầu nói chung. Sự nghiệp của anh thật đẹp, dù cũng không ít khoảnh khắc gây tranh cãi và sự vấp ngã như lúc ăn mừng điên cuồng khi ghi ghi bàn vào lưới Arsenal, tranh đá phạt với người đàn anh Pierre van Hooijdonk ở Feyenoord. Nhưng tựu chung lại, đó vẫn là những thành tích khiến nhiều người sẽ phải ao ước. Các khán giả sẽ nhớ những cái giang tay ăn mừng đầy ngạo nghễ như một hình đẹp ở mỗi đội bóng anh kinh qua.
Xin cảm ơn vì những năm tháng đẹp đẽ anh đã dành cho bóng đá. Tạm biệt anh, “người Hà Lan bay” cuối cùng Robin van Persie!
__________
Biên tập: Kinh Luân, KDNX và Minh Đức.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 16/03/2016 với title: “ROBIN VAN PERSIE: A STRIKER OF ASTOUNDING FLAIR AND CAPABILITY.”
Link gốc: https://bit.ly/2JM86el