[REVIEW] THE PIANIST và LIFE IS BEAUTIFUL - số phận của những người Do Thái trong cuộc chiến mà họ không được chọn
Hồi mình còn nhỏ, mình rất hay tự suy luận ra ý nghĩa của những từ vựng mà mình mới gặp. Kiểu, khi đọc truyện cổ tích ấy, mình sẽ chạy...
Hồi mình còn nhỏ, mình rất hay tự suy luận ra ý nghĩa của những từ vựng mà mình mới gặp. Kiểu, khi đọc truyện cổ tích ấy, mình sẽ chạy lại hỏi “Mẹ ơi, ‘băng hà’ là chi rứa mẹ?”, xong mẹ mình sẽ giải thích, vậy là mai mốt mình gặp từ mới nằm chung trường từ vựng với từ “băng hà”, mình sẽ tự suy ra luôn, vì mình quá lười chạy lại hỏi. Nhưng mà có lần, mình đã nghe loáng thoáng những cụm từ lạ lùng không có nằm chung trong một cái trường từ vựng nào mà mình đã biết sẵn. Mình nhớ mình hỏi ba “Ba ơi, ‘phát xít’ là chi ba? ‘Người Do Thái’ là người chi ba? Vì răng người Do Thái bị diệt chủng? Bây giờ trên thế giới hết người Do Thái rồi à?”, lúc đó hình như mình học lớp 1. Ba mình nói là “Tại người Đức ghét người Do Thái, nên họ giết hết người Do Thái”. Mình nghe rồi cũng ậm ừ cho qua, tại mình không hiểu nhiều lắm, ba mình nói về những cái gì xa xôi lắm, mà đối với đầu óc non nớt của mình lúc đó, mình nghe không hiểu, nhưng mình cũng ngại nói với ba là ba giảng con chẳng hiểu chi hết, sợ ba mất hứng. Nên thôi cũng im lặng cho qua không nghĩ gì nhiều.
Cho tới khi mình học cấp 2, mình đã đọc được một cuốn sách tựa là “Hai Số Phận”, của tác giả Jeffrey Archer, sau này là cuốn sách yêu thích nhất của mình. Cuốn sách miêu tả về cuộc đời của một người đàn ông Ba Lan, từ khi ông sinh ra đến khi ông chết đi, chẳng phải là một cuốn sách kiểu giật gân lắm đâu, nhưng có một đoạn trong sách đã khiến mình phải thảng thốt bụm miệng không tin được. Đó là khi quân đội Đức tràn vào Ba Lan và biến nhân vật chính, từ một người đang có một cuộc đời đầy hứa hẹn, thành một kẻ khốn khổ, mất hết tất cả. Tất cả, nghĩa là người thân, cha mẹ, anh em của anh ta, tất cả đều bị giết hết. Mình còn nhớ mình đã thật sự bất ngờ, và cảm thấy ghê rợn, khi đọc đến đoạn đó. Mình không thể tin nổi trên đời này, con người lại có thể tàn nhẫn với nhau đến mức như vậy. Một đứa trẻ thơ cũng bị giết không nương tay. Mình lần đầu tiên cảm nhận nỗi buồn to lớn và uất ức đến thế. Đó cũng là lúc mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về tội ác diệt chủng mà quân đội Phát xít đã làm với người Do Thái.
Cảnh trong phim "The Pianist" (2002)
Mình nhớ là mình đã research nhiều lắm, mình hiểu rõ hơn nguyên nhân, và hậu quả mà cuộc diệt chủng để lại. Nhưng thật ra, những con số thì cũng chỉ là những con số, con số không thể khiến cho người ta hiểu được những nỗi đau và sự tuyệt vọng mà từng cá thể con người Do Thái đã phải chịu đựng, và trải qua trong cuộc diệt chủng ấy. Nhưng phim ảnh và sách báo thì có thể. Đó cũng là lí do mà mình phải viết bài viết dài ngoằng này. Bởi vì mình đã bị choáng ngợp bởi những gì mà mình vừa xem được. Đúng vậy, mình vừa xem liên tục 2 bộ phim đề tài chiến tranh, “The Pianist” và “Life Is Beautiful”. Mình thấy mọi người recommend 2 phim này rất nhiều, rất rất nhiều, vì vậy nên mình đã lưu nó vào list, nhưng phải lâu lắm mình mới thực sự mở ra xem, và khi mà mình xem, mình mới hiểu tại sao mọi người lại recommend nó nhiều đến vậy.
Một cảnh rất đẹp và mang tính biểu tượng trong phim "Life Is Beautiful" (1997)
Có những cảnh phim khiến mình ám ảnh kinh khủng. Như cảnh lính Đức xông vào nhà của một gia đình đang ăn tối và hét ra lệnh cho họ đứng lên, nhưng người ông của gia đình, đang ngồi xe lăn, không thể đứng được. Thế là bọn lính đã bưng cả xe lăn và người đàn ông lên, đi ra ban công, và vứt cả xe lẫn người xuống, chết tươi. Chết tươi. Trước mắt cả gia đình, và họ đã không thể làm gì cả, không thể kháng cự, không thể làm gì cả. Khi mình xem xong 2 bộ phim, mình đã tự hỏi rất nhiều về cái gọi là “tính người”. Những người Do Thái cũng là con người mà? Trời ơi mình cứ luôn tự đặt mình vào họ, rồi tưởng tượng tự nhiên một ngày, mình đi ra đường, những người hàng xóm tóc vàng hôm trước còn là những người ngang hàng, đi đứng chào hỏi với mình, vậy mà hôm nay họ là một chủng tộc thượng đẳng, họ đi trên lề đường, còn mình phải đi dưới lòng đường, gặp lính Đức phải khúm núm dạ thưa, không làm gì cũng bị ăn đấm, các cửa hàng ghi “Cấm chó và người Do Thái”, nhà của mình bị vẽ chữ “Do Thái” bằng sơn xanh, mình phải tự phân biệt mình ra, biến mình thành chủng loại thấp hèn bằng cách đeo trên tay một ngôi sao David, biểu tượng của niềm tin tôn giáo của chính dân tộc mình. Trời ơi nhục nhã và đau đớn và uất ức biết bao nhiêu. Những người Do Thái bị đối xử như rác rưởi đó, sống chui sống nhủi, bị đem đi đốt hàng loạt, như rác đó, họ vẫn là con người mà? Họ vẫn là một nghệ sĩ dương cầm tài hoa, họ vẫn là một nhà văn lãng mạn, họ vẫn là một người mẹ, người cha. Ấy vậy mà quân Phát xít xem họ như lũ chó, làm sai là bị đem ra bắt đứng xếp hàng ngang, rồi bắn “rạttttttt”, giết sạch một hàng người. Những cảnh phim như thế lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tàn nhẫn kình khủng, mình tự hỏi là họ thực sự tin họ thượng đẳng đến thế ư? Thượng đẳng đến mức giết đi con người mà như giết con kiến, con ong, không chút chùn tay, không chút thương xót vậy sao?
Người nghệ sĩ dương cầm không buông bỏ đam mê, người cha làm đủ mọi cách để bảo vệ con trai, tuy cả 2 bộ phim đều có kết thúc tươi sáng, nhưng những gì các nhân vật phải trải qua, đặc biệt là trong “Life Is Beautiful”, một bộ phim chiến tranh nhưng lại thông qua góc nhìn của trẻ thơ, tàn bạo đến mức ta không dám tin nó đã từng có thật. Những điều kinh khủng mà người cha phải gánh chịu, chúng ta không được thấy. Chúng ta chỉ có thể tự hiểu, qua cái cách anh vừa thở hổn hển vừa giải thích cho con trai về cuộc sống tươi đẹp của hai bố con, qua cách anh bước những bước chân thật cường điệu và nháy mắt với con, sau lưng là họng súng chĩa vào anh và tiếng quát của tên lính Phát xít. Ta không thấy được máu, ta chỉ thấy được nụ cười, đó là tất cả những gì mà cậu con trai nhỏ bé thấy được, dưới sự chở che của cha. Và sẽ đến lúc cậu bé ấy lớn và nhận ra những gì mà cha đã làm, lúc ấy người xem chỉ có thể khóc òa.
Well, sau khi mình xem xong 2 bộ phim, mình mới cảm thấy, việc mỗi ngày mình chỉ phải lo lắng về công việc, về học hành, chứ không phải lo giữ lấy cái mạng mình, thật sự là một may mắn mà mình đã xem nó là quá hiển nhiên. Vậy mình mới hiểu tại sao ba mẹ, tại sao Ngoại ngày xưa lại hay coi những phim chiến tranh như “Biệt động Sài Gòn” rồi “Mùi Cỏ Cháy” như vậy. Nói cho cùng thì phim ảnh cũng chỉ là một góc nhìn lãng mạn của một sự kiện đã xảy ra, thế nhưng mình cũng rất cảm kích những nhà làm phim đã tạo ra những bộ phim như vậy, để mình có thể đặt bản thân mình, đặt cảm xúc của mình vào nhân vật, thấu hiểu những nỗi đau của con người đã trải qua, sống trong thời đại chiến tranh, loạn lạc. Thiệt sự chưa bao giờ xem 1 bộ phim nào mà khiến mình suy nghĩ nhiều như khi mình xem mấy cái phim chiến tranh lịch sử ni. Nếu mà mọi người có tính kiếm phim xem thì mình recommend là xem phim một mình, và nhớ chuẩn bị khăn giấy nữa nha.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất