Mình đã rước ''em'' này về nhà khá lâu, nhưng vẫn chưa có dịp nào để thưởng thức "em"một cách trọn vẹn. Thế là vừa rồi khi hay tin tác phẩm sắp được chuyển thể thành phim và công chiếu tại rạp thì mình mới tranh thủ lấy ra đọc, với hy vọng là có thể đọc sách trước khi xem phim. Cơ mà hôm nay sẽ review sách nhé, chứ phim thì đến giờ vẫn chưa xem được :)) 
Lấy bối cảnh của vùng Bắc Carolina nước Mỹ trong những năm 1950 - 1970. Hiện lên ngay từ những trang viết đầu tiên không phải khung cảnh những vùng đồng quê rộng lớn thường xuất hiện trong các cuốn tiểu thuyết cùng thời. Thay vào đó, tác giả chào đón độc giả bằng bức tranh về một vùng đồng lầy đầy hoang sơ và bí ẩn. Chỉ bằng vài nét phác họa, tác giả đã vẽ nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời trong trí tưởng tượng của người đọc. Nơi rừng rậm, nơi những con sông, nơi tồn tại của những loài động thực vật đặc trưng của vùng sóng nước, tất cả tạo nên một không gian vừa mang tính hoang dã nhưng cũng vô cùng đậm chất thơ. Chính cái không gian bí ẩn của vùng đồng lầy ấy là chìa khóa quan trọng để tạo nên màu sắc bí ẩn, và u ám cho cả câu truyện.
Và rồi, ngay tại nơi hoang dã này của thiên nhiên, Kya - nhân vật chính của câu truyện đã được sinh ra và lớn lên. Phải xa rời sự bảo bọc, yêu thương của những người thân ngay từ khi còn bé, cô một mình chật vật, tìm mọi cách để có thể ''sinh tồn''. Mình gọi là ''sinh tồn'', chứ không phải ''sống''. Bởi lẽ, những ngày tháng trong tuổi thơ của cô đều xoay quanh việc làm thế nào để có thể tiếp tục tồn tại. Cô đã không được hưởng những quyền lợi bé nhỏ mà một đứa trẻ xứng đáng được nhận lấy. Thay vào đó, cô còn phải chịu đối diện với việc bị bỏ rơi, hắt hủi, và bị người đời xa lánh. Chính những năm tháng của sự cô đơn ấy đã tạo nên một Kya vô cùng mạnh mẽ, tự lập nhưng sâu thẳm bên trong, cô vẫn là một thiếu nữ ngây ngô, trong sáng với khát khao về một tình yêu, một gia đình hạnh phúc và hơn hết là sự chấp nhận từ xã hội. 
Thế nhưng, nếu tác phẩm chỉ dừng lại ở việc kể về cuộc đời của một cô gái vượt qua mọi nghịch cảnh để rồi tìm thấy tình yêu và hạnh phúc thì có lẽ bấy nhiêu đó thôi chưa đủ để khiến Xa ngoài kia nơi loài tôm hát trở thành một hiện tượng và nhiều tuần liền lọt vào danh sách best-seller của New York Times. 
Không dừng lại ở một cuốn tiểu thuyết về cuộc sống, tình yêu, tác phẩm còn có sự xuất hiện của những tình tiết trinh thám để gieo rắt cho mạch truyện những phút giây hồi hộp, hấp dẫn. Rắc rối của Kya không chỉ đơn giản đơn giản là việc bị vướng vào ''tam giác tình yêu'' mà cao trào xuất hiện khi bản thân cô bị liên quan đến một vụ án mạng. Và rồi, những uẩn khúc, bí ẩn cũng từ đó được dấy lên để đòi lời giải đáp.
Chính cách hòa quyện độc đáo của nhiều yếu tố trong một tác phẩm như thế đã khiến ngòi bút của tác giả biến chuyển vô cùng đa dạng. Không khó để bắt gặp những câu văn nhẹ nhàng, bay bổng về thiên nhiên, không ít những từ ngữ ngọt ngào để tô vẽ nên câu truyện tình lãng mạn và chắc chắn không thể không nhắc đến sự bí ẩn trong lời viết khi kể về các tình tiết xoay quanh vụ án. Chính những yếu tố đa dạng này đã đem đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi thưởng thức quyển sách.
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn ảnh: Pinterest
Một điều mình rất thích ở tác phẩm đó chính là quyển sách còn mang đến nhiều kiến thức và thông tin thú vị về các loài sinh vật trong tự nhiên. Bởi lẽ, tác giả của cuốn sách - Delia Owens, một nhà động vật học nổi tiếng. Bà có vốn hiểu biết rất sâu rộng về lĩnh vực này. Vậy nên bà đã có những mô tả về các đặc tính của động vật như là về việc đi kiếm ăn, hay sự tương tác giữa con mẹ và con con thậm chí là về các tập tính giao phối của một số loài động vật.
Có lẽ nếu không đọc tác phẩm mình có thể không biết được việc một con bọ ngựa cái có thể nhai ngấu nghiến đầu của bạn tình khi đang giao phối hay việc một cô nàng đom đóm có thể vờ ra tín hiệu để dẫn dụ con đực và rồi cắn phập, ăn thịt một cách ngon lành. Tất cả tình tiết trên tưởng chừng như không liên quan nhưng lại được tác giả sử dụng khéo léo để trở thành những hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho câu chuyện. 
Thêm vào đó, tác phẩm còn là một bức tranh hiện thực đầy sống động miêu tả về nhiều vấn nạn xã hội, từ phân biệt chủng tộc, giàu nghèo, tính nam độc hại hay việc phê phán những hành động ''gây hấn'' của con người dành cho thiên nhiên. Tác giải dường như đã tận dụng hết mọi chi tiết, nhân vật để có thể nói lên những thực trạng tối màu ấy ở nước Mỹ. 
Hầu như xuyên suốt tác phẩm, Delia Owens đã lựa chọn lối viết theo kiểu đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Phương pháp này không quá mới lạ, nhưng đây chắc chắn là một trong những lối kể phù hợp nhất với tác phẩm. Sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ là cách để tạo cho người đọc cảm giác không hề nhàm chán khi theo dõi câu truyện. Ngoài ra vì tác phẩm có chứa có yếu tố trinh thám, nên lối viết này càng có thể kích thích thêm trí tò mò, muốn khám phá ở độc giả 
Tuy nhiên, có một điểm mình không thích ở tác phẩm này. Đó là mình nhận thấy tác giả dường như quá thương nhân vật Kya. Theo mình suy đoán thì nguyên nhân có lẽ vì một phần cả 2 đều là nữ, và rồi mình có tìm hiểu thêm thì tác giả lựa chọn xây dựng nhân vật Kya dựa trên những chi tiết khá giống với các sự kiện trong cuộc đời của bà. Và rồi mình tự hỏi liệu đó có phải là lý do mà bà thương Kya quá nhiều hay không, mình thấy có nhiều sự ưu ái đặc biệt dành cho Kya, điều đó thể hiện rõ rệt ở ngay cái kết của câu truyện.
Mình đọc vài ý kiến thì thấy nhiều người khá thích cái kết nhưng mình lại không thấy thỏa mãn cho lắm, mình tự hỏi liệu tác giả lựa chọn một kết cục như thế có phải vì đang quá mến nhân vật hay nói cách khác có phải bà đang thương cho chính cuộc đời của bà? Có thể cái kết chính là một điều gì đó bà thật sự mong muốn có được trong hiện thực nhưng vẫn chưa thể đạt được, và rồi bà dành điều đặc biệt đó cho Kya.
Nhưng dù sao, đó có thể không phải cái kết mình thấy phù hợp với logic của mạch truyện nhưng lại là một cái kết xứng đáng với 1 nhân vật như Kya. Mình sẽ không nói sâu quá về cái kết thế nào đâu ^^ nếu bạn chưa đọc thì hãy đọc thử ngay để tự tìm hiểu nhé. Bật mí thêm là nếu đọc xong thì hãy thử khám phá về cuộc đời của tác giả, bạn sẽ tìm thấy những điểm giao nhau thú vị giữa bà và Kya đấy.
Cuối cùng, bàn một chút về tên tác phẩm ''Xa ngoài kia nơi loài tôm hát'', ban đầu mình cũng chả hiểu gì lắm về tiêu đề. Sau khi đọc xong tác phẩm rồi thì mình nhận ra là chả có con tôm nào hát trong tác phẩm cả, và thực tế thì tôm cũng chả biết hát. Nhưng về sau khi tìm hiểu, mình mới biết rằng đây là một câu nói mà mẹ của tác giả thường nói với bà, và rồi bà lại để cho mẹ của Kya cũng nói với Kya như thế. Theo mình hiểu ý của câu này là mẹ của Kya đã khuyên cô nên khám phá sâu vào thiên nhiên, cụ thể hãy tiến sâu vào nơi đồng lầy hoang dã, hãy đắm mình và ngập tràn trong không gian riêng tư ấy, và rồi cô sẽ có thể tìm thấy và chạm đến cái nội tâm sâu thẳm chính mình, cô sẽ dám bộc bạch những bí mật thầm kín cô không thể chia sẻ với ai ngoài. Để rồi đồng lầy hoang dã ấy sẽ chôn lấy những bí mật của cô một cách vĩnh viễn.
Cảm ơn mọi người đã đọc ^^.