Lưu ý
Bài viết là góp nhặt từ kinh nghiệm chủ quan của FME Blog về soạn thảo và rà soát hợp đồng. Bài viết sử dụng và tham chiếu đến tài liệu của Luật Sư Huỳnh Trung Hiếu trên trang web https://contracts-vn.com. Các tài liệu đính kèm chỉ mang tính chất tham khảo. Việc soạn thảo và rà soát hợp đồng nên được tham vấn với luật sư. Mong nhận được góp ý, bổ sung từ mọi người. Mọi thông tin xin gửi đến [email protected]. Xin cảm ơn!
Chắc bạn đã từng rất lúng túng khi được yêu cầu đọc hoặc ký vào 1 hợp đồng. Bạn sẽ bắt đầu đọc từ đầu cho đến điều 4, 5 thì bắt đầu rơi vào mê cung không biết mình đang đọc gì và có gì cần sửa không. Rồi bạn quyết định là “thôi, mình chỉ đọc chỗ nào quan trọng” (thuờng là chỗ có số tiền) và sau đó đồng ý, ký vào hợp đồng cho xong.
Tưởng rằng đã thoát khỏi việc đọc hợp đồng, yên tâm về một cuộc đời tươi đẹp phía trước khi không phải cần biết hợp đồng là gì nữa, thì một ngày đẹp trời khi bạn đang đi làm, bạn nhận được yêu cầu đọc và kiểm tra 1 hợp đồng của công ty với đối tác. Bạn đi hỏi đồng nghiệp để kiếm bộ phận pháp lý để thảy hợp đồng đó qua cho họ xem. Trong một thế giới tươi đẹp, công ty sẽ có bộ phận pháp lý và họ sẵng lòng giúp bạn. Trong một thế giới thực tế hơn, không có bộ phận pháp lý nào ở công ty cả. Bạn chỉ còn 1 đường là cố gắng tự đọc, sửa và thương thảo với đối tác trước khi gửi lên cấp trên!
Nếu bạn rớt vào tình huống này và cần hiểu sơ khởi soạn và đọc hợp đồng như thế nào, có thủ thuật nào, checklist nào để “đỡ đau khổ” hơn không, thì bài viết này có thể giúp bạn chút ít. Bắt đầu nào!

LÝ THUYẾT

Bạn có thể xem/tải về file giới thiệu chung về hợp đồng (gần 30 trang) theo đường link ở cuối bài viết. Ở phần này FME Blog xin giới thiệu tổng quan về hợp đồng và các điều quan trọng.

1. Quan tâm điều gì ở 1 hợp đồng

Hợp đồng là việc hiện thực hóa các trao đổi, hợp tác giữa các bên. Cho nên có 3 quan tâm lớn nhất khi xem xét hợp đồng:
a. Mục tiêu thương mại: trong việc ký kết hợp đồng: việc tham gia vào hợp đồng với công ty có mục tiêu thương mại là gì? Làm sao để hợp đồng có thể đảm bảo các mục tiêu thương mại này của công tyb
b. Điều khoản pháp lý: các điều khoản pháp lý nên được soạn thảo như thế nào để nhằm đảm bảo mục tiêu thương mại và kiểm soát rủi ro cho công ty.
c. Kiểm soát rủi ro: cân nhắc đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc hợp đồng bị phá vớ, các dự báo, tiên liệu, thỏa hiệp giữa vấn đề thương mại và pháp lý

2. Yêu cầu với người đọc và kiểm tra hợp đồng

Để đảm bảo các yếu tố quan trọng nhất của hợp đồng được xem xét cẩn trọng, người đọc, kiểm tra hợp đồng cần có:
a. Am hiểu về ngành nghề và thông lệ thương mại của ngành. Các am hiểu này sẽ giúp đảm bảo các mục tiêu thương mại được cân nhắc đầy đủ trong quá trình soạn thảo, thương thảo
b. Hiểu biết về các hợp đồng tương tự đã từng giao dịch. Việc đọc lại và tham chiếu hợp đồng tương tự sẽ giúp người đọc có tham chiếu để không bỏ sót điều khoản quan trọng
c. Hiểu biết về văn bản luật cụ thể cho ngành nghề. Ví dụ các hợp đồng liên quan đến ngành bảo hiểm cần xem xét đến các quy định riêng của ngân hàng nhà nước, bộ tài chính về bảo hiểm.

3. Cấu trúc hợp đồng

Tùy theo mức độ phức tạp, nhu cầu cụ thể, hợp đồng có thể có cấu trúc khác nhau. Các Một hợp đồng sẽ bao gồm các thành phần sau:
a. Bối cảnh. Nêu nhu cầu, quá trình hình thành quan hệ thương mại, pháp lý. Một bối cảnh rõ ràng sẽ cho phép người đọc hình dung nội nội dung hợp đồng và thỏa thuận các bên.
b. Định nghĩa. Định nghĩa phục vụ 2 mục đích là tránh suy diễn, và tránh lập lại cụm từ nhiều lần.
c. Mục tiêu, đối tượng thương mại. Nêu rõ đối tượng thương mại, ví dụ thông tin về hàng hóa, chất lượng, số lượng, giao hàng, nghiệm thu…
d. Điều khoản thanh toán. Các thông tin về giá trị hợp đồng, thuế phí, thời điểm, phương thức thanh toán, các quyền hoãn thực hiện hợp đồng nếu chưa được thanh toán…
e. Điều khoản quyền, nghĩa vụ, cam đoan, cam kết. Các điều khoản quy định về quyền, nghĩa vụ, các cam kết khác của mỗi bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
f. Điều khoản vi phạm và chế tài. Các điều khoản liên quan đến việc các bên vi phạm thỏa thuận, bao gồm các điều khoản về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, đơn phương chấm dứt, hoãn thi hành, miễn trừ trách nhiệm.
g. Điều khoản kỹ thuật. Là các điều khoản thường có trong hợp đồng bao gồm: Luật tài phán, ngôn ngữ ưu tiên, hiệu lực, chuyển giao, kế thừa, hiệu lực từng phần, sự kiện bất khả kháng, ưu tiên giá trị pháp lý, thư từ, bảo mật…

Checklist đọc và kiểm tra hợp đồng

FME Blog dựa trên kinh nghiệm đã soạn sẵn một danh sách checklist để giúp bạn rà soát hợp đồng thuận tiện hơn. Mời bạn xem và tải về theo link bên dưới.

BONUS: Các thủ thuật rà soát và đàm phán hợp đồng

Đôi khi một chút “thủ đoạn” (một chút thôi nha), sẽ tạo ra một ít lợi thế khi đàm phán hợp đồng. FME Blog xin chia sẻ một vài thủ thuật nhỏ từ kinh nghiệm rà soát hợp đồng. Hy vọng bạn sẽ có thể tận dụng trong lúc rà soát và đàm phán hợp đồng. Nếu bạn có thủ thuật nào hay, mời bạn chia sẻ cùng FME Blog nha.
1. Nên chọn là bên soạn hợp đồng để kiểm soát rủi ro từ đầu.
2. Luôn dùng tính năng Track changes để người đọc biết bạn đã sửa gì và thể hiện sự chuyên nghiệp
3. Nên sửa trực tiếp, hạn chế comment (đối phương sẽ lười sửa đi sửa lại vì có thể phải gửi cho bên pháp lý của họ review lại).
4. Áp dụng nguyên tắc công bằng (nếu anh áp dụng điều này thì tôi cũng được áp dụng tương ứng)
5. Tập trung sửa phần nội dung hợp tác, quyền và nghĩa vụ,  hạn chế sửa lỗi chính tả hoặc các điểm không quan trọng, để đối tác không có cảm giác mình chi li.
6. Cố gắng hạn chế sửa từ ngữ, ngôn ngữ pháp lý nếu không trọng yếu (ngoại trừ muốn thể hiện mức độ ưu việt của bộ phận pháp lý nhằm áp chế đối tác)
7. Thêm vào điều khoản bảo vệ quá mức quyền lợi của mình để đối tác tập trung vào điểm đó và làm lợi thế khi đàm phán các điều khoản khác
8. Áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” khi đàm phán (tôi chấp nhận đề xuất của anh, anh chấp nhận đề xuất của tôi)
9. Tùy theo vị thế trong hợp đồng, có thể thể hiện việc sẵn sàng từ bỏ hợp tác (như một cách đe dọa)
10. Sử dụng điều khoản thời hạn hợp đồng khéo léo để cố tình tăng thời gian hoặc giảm thời gian đàm phán tái ký để mở ra hoặc đóng lại cơ hội tái ký về sau.
11. Sử dụng bộ phận legal và bộ phận kế toán như rào cản đối với việc thay đổi điều khoản pháp lý và thanh toán.
Mời bạn truy cập bài viết gốc bên dưới để xem và tải file giới thiệu chung về hợp đồng. Cảm ơn đã đọc hết bài viết. Nếu có góp ý hoặc có câu hỏi cho FME Blog, xin liên hệ [email protected]