Địa chính trị (Geopolytics) là gì?

Nhìn vào cấu tạo của từ này chúng ta có thể thấy đó là từ ghép giữa chính trị và địa lý, là một môn khoa học tương đối mới lai giữa 2 lĩnh vực họat động chuyên biệt. Theo Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế – Đại học KHXH&NV TPHCM xuất bản năm 2013: Địa-chính trị  là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lý tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế. Cụ thể, địa chính trị xem xét việc các yếu tố như vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, hay địa hình tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của một quốc gia và vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế.
Trong thời hiện đại, yếu tố địa lý dần không được nhắc đến quá nhiều nữa, mà được các nhà phân tích ngầm hiểu là địa lý là động lực chính ảnh hưởng đến ý thức hệ của một quốc gia, một dân tộc và qua đó định hình lại chiến lược kinh tế, đối ngoại, quốc phòng của một quốc gia. Ví dụ như tại sao Nga gây chiến với Ukraine (tạo khoảng đệm địa lý chiến lược cho Moscow với đồng bằng Trung Âu), tại sao Trung Quốc phải xây dựng Sáng kiếnVành đai – con đường (mở ra con đường tơ lụa trên bộ và trên biển để Trung Quốc mở rộng hướng tiếp cận với Thế giới mà không bị giới hạn bởi các đồng minh của Mỹ trong khu vực)…
Vậy rủi ro địa chính trị (Geopolitical Risk – GPR) lại là gì? đó là những biến động liên quan đến sự căng thẳng giữa các quốc gia, các mối đe dọa chiến tranh, xung đột nội bộ liên quan đến quân sự và các hành động khủng bố (Caldara & Iacoviello, 2018). Những rủi ro gần đây có thể điểm mặt chỉ tên trên thế giới là chiến sự Nga – Ukraine, hoạt động quân sự của Israel tại dải Gaza với mục đích tiêu diệt Hamas, hay gần nhất là sự kiện tổ chức Hồi giáo cực đoan IS tấn công khủng bố tại Moscow. Tất cả những yếu tố này đều có tác động nhiều chiều lên chính sách kinh tế, đối ngoại và quân sự của một hoặc nhiều quốc gia có liên quan đến sự kiện. Và trên bình diện lớn hơn, những rủi ro này cũng tác động lên các chủ thể khác, các đồng minh hoặc kẻ thù của các quốc gia này và tái định hình lại những tiến trình, dòng chảy kinh tế, thương mại và ngoại giao của Thế giới.
Các nhà phân tích kinh tế những năm gần đây đã có kinh nghiệm hơn và luôn xem xét kỹ lượng cũng như dự báo những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn để dự phòng cho những biến động lớn, phục vụ cho hoạt đông đầu tư và phân bổ tài sản. Một trong những tổ chức quản lý tài sản lớn nhất trên toàn cầu cực kỳ nghiêm túc khi xem xét và dự báo rủi ro địa chính trị là BlackRock. Tổng khối lượng tài sản mà BlackRock quản lý lên đến 10 nghìn tỷ USD, con số này bằng tổng giá trị tài sản của các quỹ tư nhân và các quỹ đầu cơ toàn cầu.
Kể từ năm 2017, BlackRock đã tạo ra và vận hành liên tục 1 chỉ báo gọi là chỉ báo rủi ro địa chính trị của BlackRock( BlackRock Geopolitical Risk Indicator – BGRI). Mô hình chỉ báo này phản ánh sự chú ý của thị trường tài sản đối với 10 rủi ro địa chính trị , thay vì khả năng xảy ra hoặc tác động tiềm tàng. 
BlackRock Geopolitical Risk Indicator – BGRI
BlackRock Geopolitical Risk Indicator – BGRI
BlackRock cũng chỉ định khả năng xảy ra cho từng rủi ro. Mười rủi ro chính và khả năng xảy ra của chúng hiện nay như sau:
- Cao: Các cuộc tấn công trên không gian mạng cỡ lớn, tấn công khủng bố cỡ lớn, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, xu thế tách rời công nghệ toàn cầu, xung đột Nga-NATO, căng thẳng vùng Vịnh.
- Trung bình: Khủng hoảng chính trị tại các thị trường mới nổi, xung đột Triều Tiên, bế tắc chính sách khí hậu.
- Thấp: Sự phân mảnh ở châu Âu.
Những rủi ro trên đều đã tồn tại được một khoảng thời gian không ngắn. Và với năm 2024, các nhà kinh tế và nhà đầu tư tập trung hơn vào những vấn đề nổi cộm sau:

Chiến sự Nga – Ukraine (khối NATO)

Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine còn tiếp diễn, khả năng đối đầu trực tiếp giữa Nga với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là hiện hữu. Đặc biệt là sau phát biểu của Tổng thống Pháp Macron về khả năng NATO đưa quân đến chiến trường Nga – Ukraine. Viễn cảnh một cuộc chiến tranh lan rộng ra toàn Châu Âu rõ ràng sẽ mang lại những hậu quả tàn khốc cho không chỉ cho “lục địa già” mà còn là cả nền kinh tế toàn cầu.
Những tác động có thể xảy ra ngay lập tức sẽ là: giá lương thực và năng lượng toàn cầu sẽ tăng phi mã, tâm lý e ngại rủi ro gia tăng có thể làm giảm tính thanh khoản và niềm tin của các thị trường tài sản trên toàn cầu. Khi đó, nguy cơ lạm phát đình trệ (lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn) là rất thực tế.

Chiến loạn ở Trung Đông

Kịch bản dự phòng cho một cuộc chiến tranh lan rộng ở Trung Đông chưa bao giờ được gác lại kể từ sau khi Hamas tấn công Israel đã kích động lại tâm lý trả thù của quốc gia này lên dải Gaza (nhìn theo cách mà chiến loạn đang xảy ra ở Gaza thì mục tiêu diệt trừ Hamas không được Israel bám sát như đã thông cáo). Đã có 1 số xung đột ủy nhiệm xảy ra sau đó giữa các đồng minh của Israel với các bên tài trợ cho tổ chức Hamas, trong khi đó toàn thế giới chìm sâu trong chia rẽ giữa các bên ủng hộ cho Israel và ủng hộ cho người Palestine. Rủi ro chính yếu của chiến loạn ở khu vực này là đứt gãy các tuyến cung cấp dầu và vận chuyển trong khu vực.
Một cuộc xung đột rộng hơn có thể sẽ dẫn đến giá dầu cao hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Nhưng có một số yếu tố có thể ngăn nó duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Thứ nhất, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa – OPEC+ có công suất dự phòng đến từ việc cắt giảm sản lượng hiện đang diễn ra và Mỹ ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu dầu so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.Ngoài ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến nhu cầu dầu thấp hơn.
Đã có một số vụ tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, khiến các tàu chở hàng phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Châu Phi. Điều này làm tăng thêm thời gian vận chuyển và chi phí nhiên liệu bổ sung lên tới 14 ngày, tuy nhiên, tác động được hạn chế bởi thực tế là chi phí vận chuyển hàng hóa đã giảm xuống mức thấp so với đỉnh gần nhất.
Sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng trong khu vực Trung Đông có thể sẽ dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn, dẫn đến lạm phát tăng lên – mặc dù tác động này có thể được bù đắp bằng sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng khi niềm tin về triển vọng kinh tế bị ảnh hưởng.

Trung Quốc giảm tốc.

Vấn đề đang diễn ra ở Trung Quốc rõ ràng hiện nay là nền kinh tế đang chậm lại. Nếu điều này tiếp diễn, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn dự kiến. Điều này sẽ tác động mạnh tới các thị trường mới nổi vốn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Rủi ro thứ hai của Trung Quốc liên quan đến mối quan hệ của nước này với phương Tây (đặc biệt là Mỹ).
Những lần ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc với Mỹ có vẻ đã ít hơn trước đây khi nước này đang phải vật lộn với những thách thức nội bộ. Nhưng không thể phủ nhận, Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden chưa bao giờ ngừng việc làm suy yếu Trung Quốc, đặc biệt là ban hành loạt biện pháp hạn chế lĩnh vực công nghệ đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mặt khác, EU cũng đã đề xuất thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại khác. Trung Quốc rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng pin và năng lượng mặt trời của phương Tây. Nếu họ sử dụng lợi thế này như một con bài thương lượng, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các công ty trong ngành công nghiệp xe điện và năng lượng mặt trời mà còn ảnh hưởng đến các mục tiêu năng lượng sạch của phương Tây.
Rủi ro có tính ảnh hưởng lớn hơn nhưng ít có khả năng xảy ra hơn liên quan đến Trung Quốc là ý định của nước này xung quanh đảo Đài Loan, nơi sản xuất hầu hết các chất bán dẫn trên thế giới. Nguy cơ Trung Quốc thực sự xâm chiếm Đài Loan có thể thấp nhưng nguy cơ xảy ra xung đột trên biển và leo thang chiến sự là rất cao.

Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ và tái tổ chức thương mại theo hướng Friend-shoring

Khoảng một nửa dân số thế giới đã hoặc sẽ bỏ phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử năm nay. Đài Loan và Pakistan đã tổ chức bầu cử, Ấn Độ, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác sẽ tham gia bầu cử lựa chọn người dẫn dắt quốc gia trong phần còn lại của năm 2024.
Những cuộc bầu cử này có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế riêng lẻ, nhưng từ quan điểm địa chính trị, kết quả của các cuộc bầu cử này có thể tái định hình chiến lược đối ngoại, thương mại của các quốc gia, và đó là những yếu tố sẽ tác động lên các nước đồng minh nhiều hơn là chính nước sở tại. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến các ứng viên luôn đề cao chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy vì đây là 2 làn sóng đang gia tăng rất mạnh trong thời kỳ kinh tế khó khăn và bất định như hiện nay, dù các lãnh đạo sau này có thực sự hành động như những cam kết khi tranh cử hay không thì kết quả của các cuộc bầu cử này đều sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác.
Không thể không nhắc đến một chủ nghĩa nổi lên thời gian gần đây với chính thể đại diện là Mỹ có thể kể đến Friend-shoring, khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi những nước mà Mỹ coi là đối thủ và chuyển sang các quốc gia đồng minh. Mục tiêu của Washington là ngăn một số nước lợi dụng lợi thế thị trường trong các vật liệu và sản phẩm quan trọng (như đất hiếm và năng lượng) để gây gián đoạn cho nền kinh tế Mỹ. Friend-shoring có thể được coi là phiên bản bớt cực đoan hơn của “reshoring” – đưa hoạt động sản xuất thiết yếu quay về chính quốc gia đó. Khi các mối quan hệ thương mại lịch sử đang được sắp xếp lại, một số nền kinh tế đang nổi lên là những người được hưởng lợi. Các quốc gia này đang tham gia vào chuỗi cung ứng và thu hẹp khoảng cách giữa các đối tác thương mại lịch sử một cách hiệu quả. Bloomberg xác định Việt Nam, Ba Lan, Mexico, Maroc và Indonesia là những quốc gia kết nối đóng vai trò này.
Nhìn theo khía cạnh tích cực, các sự kiện địa chính trị thường không diễn ra như kịch bản tồi tệ nhất được dự báo và giá tài sản thường đạt mức thấp nhất khi sự kiện bắt đầu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là trường hợp xấu nhất sẽ không bao giờ xảy ra và sự biến động ngắn hạn của các loại tài sản vẫn có thể khiến nhà đầu tư “mất ăn mất ngủ”. Vì vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng của những rủi ro địa chính trị có thể xảy ra, chúng ta nên nghiên cứu để đa dạng hóa tài sản đầu tư, dành một phần danh mục cho các tài sản có tính rủi ro thấp như (tiền mặt, vàng, trái phiếu chính phủ), và nếu liều lĩnh hơn, có thể cân nhắc đầu tư vào các cổ phiếu được hưởng lợi từ các sự kiện rủi ro địa chính trị.
Minh Hiếu
27/03/2024
Nguồn: