Ngày 10/12/2021, giới đầu tư và truyền thông cả nước rầm rộ với tin tức tập đoàn Tân Hoàng Minh (THM) đã thành công mua 1 lô đất ở Thủ Thiêm với giá 2,45 tỷ đồng/m2, cao hơn thậm chí cả những khu vực đắt đỏ hàng đầu trên thế giới. Cứ ngỡ 1 kỷ lục mới của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được xác lập, tuy nhiên, vào ngày 5/1/2022, cũng chính tập đoàn này lại xin bỏ cọc lô đất đó với lý do “bảo đảm ổn định thị trường kinh doanh bất động sản…”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lúc đó nhận định: "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường". Và vụ việc Thủ Thiêm cũng không phải sai phạm lần đầu tiên của doanh nghiệp này. 
Thế nhưng điều mà THM không thể ngờ là, bắt đầu từ đây, hàng loạt sai phạm của tập đoàn bắt đầu bị điều tra và đưa ra ngoài ánh sáng. Nghiêm trọng nhất là hành động phát hành 9 lô trái phiếu trái pháp luật với tổng giá trị 10.000 tỉ đồng đã khiến 6600 nhà đầu tư bị lừa và chủ tịch tập đoàn ngay sau đó cũng đã bị khởi tố vì sự kiện này. 
Vậy thì, những sai phạm đã diễn ra như thế nào, ai hay tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé.

1, Lịch sử hình thành tập đoàn bất động sản nghìn tỷ  

Tập đoàn Tân Hoàng Minh được ông Đỗ Anh Dũng sáng lập từ năm 1993. Để hoạt động theo mô hình tập đoàn, ông Dũng cho thành lập hoặc mua lại cổ phần của 45 công ty rồi chỉ định người đứng tên pháp nhân. Ông Dũng sau đó làm chủ tịch tập đoàn và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các công ty trên.
Ở thời điểm mới thành lập, cũng giống như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, THM cũng từng có thời gian khó khăn đi tìm chỗ đứng trên thị trường. Công ty từng kinh doanh trong lĩnh vực mây tre đan và taxi trước khi tập trung vào đầu tư bất động sản kể từ năm 2006. Lĩnh vực này sau đó trở thành chủ chốt cho tập đoàn khi công ty tạo sự khác biệt so với các tên tuổi khác trong các sản phẩm và dịch vụ. Tính tới thời điểm trước sai phạm, THM nổi tiếng với các dự án bds thuộc phân khúc cao cấp và là chủ sở hữu của nhiều khu “đất vàng” tại trung tâm các thành phố lớn. 
Cho đến năm 2021, do vay nợ lớn và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khi THM bắt đầu gặp khó khăn về tài chính, nợ vay lúc này gần 20.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ 10.000 tỷ, Ông Dũng đã chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt lên kế hoạch sử dụng các công ty con để phát hành trái phiếu sai quy định nhằm huy động tiền cho tập đoàn. 
Số lượng trái phiếu được tập đoàn THM phát hành trong năm 2021 là rất lớn, với mức lãi suất từ 11-12%, tức cao gấp 2 lần so với gửi ngân hàng, nhờ đó mà có thể thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Và lúc này, bức tường xây bằng những viên gạch gian dối bắt đầu có “vết nứt” …

2, Các sai phạm 

Theo cáo trạng, tính từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo sử dụng pháp nhân 3 công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị 10.000 tỉ đồng để huy động gần 14.000 tỷ cho tập đoàn THM. 

Cách thức cụ thể bao gồm: 

- Bước 1: “Làm đẹp” báo cáo tài chính để phát hành trái phiếu 

(Chú thích: Trái phiếu là hình thức vay nợ của doanh nghiệp, người mua trái phiếu sẽ trở thành chủ nợ của doanh nghiệp, phân biệt với người mua cổ phiếu sẽ trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp)
Mọi chuyện bắt đầu từ khi Covid 19 ập đến và THM cũng giống như các doanh nghiệp bất động sản khác phải chịu cảnh “1 cổ 2 tròng” (dự án thì đóng băng không có nguồn thu, nhưng các khoản lãi vay vẫn phải trả đều đặn). Cho đến 2021 khi nợ vay gần 20.000 tỷ đồng và nhiều khoản bắt đầu đến hạn nhưng không thể xoay xở được dòng tiền, THM đã thông đồng với nhóm Công ty Kiểm toán Nam Việt và Công ty CPA Hà Nội làm giả số liệu báo cáo tài chính năm 2020 - 2021, để từ đó điều kiện phát hành trái phiếu giúp công ty có dòng tiền thanh toán các khoản nợ. 
Tuy nhiên đó mới là cánh cửa số 1, cánh cửa số 2 là cần sự tham gia từ các bên thứ 3 như: ngân hàng, thẩm định giá, thì trái phiếu mới đủ điều kiện phát hành. Và bằng cách thần kỳ nào đó, các ngân hàng lớn như VietinBank, VietcomBank, SHB, và các công ty thẩm định giá cũng chấp thuận giấy tờ THM cung cấp mà không kiểm tra thực tế. Nên mặc dù số liệu trên giấy và thực tế khác xa nhau, nhiều tài sản của THM không đủ điều kiện pháp lý nhưng vẫn được cho phép phát hành trái phiếu.
Có 5 công ty chứng khoán cũng tham gia vào hoạt động tư vấn phát hành cho THM là: An Bình, Bảo Việt (BVS), Agriseco (AGR), Everest (EVS) và KIS. 
5 công ty chứng khoán sau đó bị phạt từ 310 triệu đồng đến 400 triệu đồng và lập biên bản nhắc nhở. Tuy nhiên các ngân hàng thì theo như cơ quan điều tra là không có dấu hiệu thông đồng với THM nên không bị xử phạt mà chỉ bị nhắc nhở. 

- Bước 2: Phát hành trái phiếu sai quy định 

Đến bước này thì có 1 vấn đề là, theo luật chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu riêng lẻ, nên THM đã phải lách luật này bằng cách bán trái phiếu cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu (tức là nhà đầu tư đưa tiền cho THM để công ty mua trái phiếu chứ không phải là nhà đầu tư tự mua nên sẽ không cần là nhà đầu tư chuyên nghiệp). 
(Chú thích: "Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" là những người có giá trị danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Quy định này nhằm giới hạn chỉ những nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm mới nên tham gia mua trái phiếu riêng lẻ, để hạn chế bớt các rủi ro.)
Lúc này, ông Dũng sẽ lấy tiền trong tài khoản công ty THM (khoảng 70 tỷ) để mua trái phiếu từ các công ty con rồi bán lại cho nhà đầu tư. 
Tuy nhiên THM chỉ có 70 tỷ thì không thể mua 9 lô trái phiếu cả mấy nghìn tỷ từ các công ty con được, nên ông Dũng đã dùng 1 thủ thuật đó là sau mua trái phiếu các cty con xong, các cty con sẽ rút tiền rồi đưa lại cho THM bằng 1 giao dịch ngầm nào đó. THM lại lấy tiền đó quay vòng lại mua trái phiếu tiếp. Cứ lặp đi lặp lại như thế, và chỉ với 70 tỷ, THM đã mua được các lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ từ công ty với chi phí chỉ bằng 0, sau đó bán lại cho 6600 nhà đầu tư và thu về số tiền 14000 tỷ đồng.

- Bước 3: Chiếm đoạt tiền nhà đầu tư và sử dụng sai mục đích 

Trong 14000 tỷ huy động từ nhà đầu tư, THM đã không đầu tư như theo hồ sơ phát hành trái phiếu mà lấy hơn 5000 tỷ để trả tiền trái phiếu cho các nhà đầu tư đến hạn trước (1 kiểu lấy tiền người mua trước để trả tiền cho người mua sau), trả nợ ngân hàng 2000 tỷ, thanh toán các cho các dự án gần 5000 tỷ, đặt cọc 600 tỷ cho mảnh đất vàng tại Thủ Thiêm từng khiến dư luận xôn xao 1 thời, thú vị là ông còn làm từ thiện 62 tỷ và thua lỗ 153 tỷ khi đầu tư mã chứng khoán VPB (ngoài lề tý nhưng mà cái này cho thấy không phải cứ tay to là đầu tư dễ thắng ^^), và phần còn lại thì dùng để trả các chi phí cho tập đoàn THM cũng như các chi tiêu cá nhân của ông Dũng. 
Đến thời điểm khởi tố vụ án, toàn bộ số dư nợ gốc còn lại là hơn 8.600 tỉ đồng của 6.600 nhà đầu tư được xác định là tiền chiếm đoạt. Số dư còn lại trên tài khoản công ty THM tại thời điểm khởi tố vụ án chỉ còn hơn 214 tỷ đồng.

3, Lời kết

Ngày 3/4/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định huỷ bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của tập đoàn THM. Ngay sau đó ngày 5/4/2022, Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng để điều tra. 
Trước sự việc đó, tập đoàn THM đã có thông báo gửi khách hàng, cam kết sẽ thanh toán đầy đủ cho các trái chủ. Trong quá trình điều tra, ông Dũng cũng đã giao nộp lại đủ 8600 tỷ để trả lại cho các bị hại, thậm chí nộp thừa thêm 1 tỷ để khắc phục hậu quả của vụ án. Chủ tịch THM được đánh giá đã thành khẩn khai báo và tích cực phối hợp điều tra.
Trước đó, cơ quan tố tụng cũng nhận được hơn 1200 đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo của các nhà đầu tư, đều là những bị hại trong vụ án. Nhờ đó mà ông Dũng cùng các bị can khác hiện đang được Cơ quan điều tra xem xét 1 số chính sách khoan hồng khi thi hành xét xử.
Có thể nói, đây là 1 trong số cực ít các vụ án lừa đảo mà số tiền chiếm đoạt được hoàn trả đầy đủ. Tuy nhiên những hậu quả mà nó gây ra thì không một số tiền nào có thể xóa nhòa được. 
Một doanh nghiệp top đầu thị trường, với hơn 30 năm tuổi và tài sản hàng chục nghìn tỷ vẫn sẵn sàng đi lừa đảo cả chục nghìn tỷ mà vẫn qua mắt được các cơ quan chức năng cùng với các tổ chức tài chính lớn. Sự kiện này đã giáng 1 đòn cực mạnh lên niềm tin của nhà đầu tư về thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường đầu tư, cũng như uy tín của các doanh nghiệp nói chung.
Thực tế cũng chứng minh điều này khi mà sau vụ việc của THM thì đã có 1 cuộc khủng hoảng diện rộng trên thị trường trái phiếu vào cuối năm 2022. Nhà đầu tư không còn niềm tin nên bằng mọi giá phải rút tiền từ kênh đầu tư trái phiếu. Người sau nhìn thấy người trước rút thì cũng rút theo tạo nên 1 làn sóng không có điểm dừng, từng lớp từng lớp vùi dập các quỹ đầu tư trái phiếu trên thị trường. Và cho đến hiện tại những ảnh hưởng tiêu cực vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. 
Và câu hỏi cần đặt ra hiện tại có lẽ là: Sau những vụ việc như Vạn Thịnh Phát, THM, những nhà điều hành sẽ cần làm gì và làm trong bao lâu để có thể xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư về thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường đầu tư nói chung, đặc biệt là với những nhà đầu tư đã chịu quá nhiều mất mát trong các sự kiện kể trên?
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả: https://tinyurl.com/6p7ndj6r