Trước khi mua cuốn sách này, mình thật sự không rõ thế giới truyền thông là gì? Sáng tạo ra sao? Ngành quảng cáo hào nhoáng như thế nào. Dưới đây mình sẽ chia sẻ cảm nhận của cá nhân mình trước khi định bước vào ngưỡng cửa sáng tạo.
Tại sao tiêu đề bài viết mình lại đặt là “lời thủ thỉ”? Vì trong bài chia sẻ này, mình tạm gác lại các kỹ năng viết quảng cáo (nhóm ý, số lượng, chơi chữ,...) mà sẽ chia sẻ nhiều về những lần “vỡ lòng” về mặt cảm xúc, nhận thức hơn. Nếu muốn nếm thử “đặc sản” ngôn từ, câu chữ của anh Sơn thì mọi người hãy tìm đọc cụ thể trong cuốn sách nhé!

1. Đôi nét về cuốn sách

Tác giả: Huỳnh Vĩnh Sơn hay còn được gọi với nickname là Sói Ăn Chay, một Senior Copywriter đã gắn bó với nghề “làm chữ” suốt hơn 10 năm, một “lão tướng” dày dặn kinh nghiệm. Nói vui một chút thì anh không hình thành nên chữ mà… chữ hình thành nên anh, chữ nó ngấm vào máu thịt của anh rồi.Về cuốn sách: “90-20-30” xoay quanh câu chuyện 90 ngày (tương ứng với 90 đầu mục) của cô bé Intern 20 dưới sự “chăn dắt” của lão Senior Copywriter 30 trong agency No-Eye-Deer. 
90 - 20 - 30 - 90 Bài Học Vỡ Lòng Về Ý Tưởng Và Câu Chữ ebook pdf - Hay Đọc


Ngoài ra còn có tuyến nhân vật phụ 
Chú 44: Creative Director aka “trùm cuối” trong agency
Chị 32: Art Director (bà này ít xuất hiện quá nên cũng chả biết nói gì ^^)
Chị 29: Account Manager aka con dâu trăm họ của agency, client
Thay vì cấu trúc văn xuôi thông thường, anh Sơn diễn đạt nó dưới dạng cuộc đối thoại giữa các nhân vật. Không cần đao to búa lớn, từ ngữ chuyên ngành, tác giả đã đơn giản hóa kiến thức tối đa trước khi đến với người đọc. Với cách kể chuyện độc đáo này, ta còn có thể dễ dàng hình dung được thái độ, cảm xúc của nhân vật khi phải đối mặt với những khó khăn trong ngành sáng tạo.
REVIEW] 90–20–30 — BEST BOOK FOR INTERN/JUNIOR COPYWRITER | Sách hay, Chơi  chữ


Cuốn sách được trình bày với mạch cảm xúc rất trôi chảy, đưa cung bậc cảm xúc của mình lên xuống như đồ thị hình sin. Có những tình huống trong ngành lồng ghép cùng kiến thức, case study được anh Sói viết rất “tếu” khiến mình cười ra nước mắt cũng có những trang dài toàn chữ anh viết với một giọng văn thủ thỉ, đồng cảm với "mầm non mới nhú" trong ngành và thứ đọng lại trong mình nhiều nhất chính là những dòng văn đó. Dưới đây là đôi dòng mình đọng lại từ những trang “dày đặc” chữ.

2. Viết quảng cáo là gì?

Ngày xưa, mình nghĩ quảng cáo là thứ gì đó cao siêu lắm, nhìn thấy campaign nào độc đáo là lại mắt chữ O, mồm chữ A bái phục mấy ông “đầu có sạn” đào ra được cái ý tưởng “quái thai”, nhồi nhét được cả câu chuyện trong vài chữ thế này. Thật ra không phải vậy. Advertising saves the world? Creativity saves the world? Không, không, quên mấy khái niệm đó đi! Thật ra quảng cáo, sáng tạo đời thường lắm. 

“Viết văn quảng cáo mệt quá. Nhưng làm báo thì mệt, viết văn thì hơi xa vời, đành…”

“Quảng cáo cuối cùng cũng chỉ là quảng cáo, chỉ là một nghề văn phòng. Quảng cáo chỉ là một phần bé tẹo tèo teo trong cuộc sống mà thôi”

Vậy chính xác, viết quảng cáo là gì?
Là chất vấn bản thân: Là cái ngành làm con sen trăm họ. Để một cái big idea, 1 cái print ads hay 1 câu copy ra đời là nó phải trải qua bao nhiêu “giông tố”, đắng cay ngọt bùi. Vòng 1 là khi brainstorm với team creative, vòng 2 thì qua tay Account, MD rồi mới bắt đầu đến với Brand Team, duyệt xong thì mới được đưa ra mắt khách hàng. Ngành này chẳng có đúng, cũng chẳng có sai, ngôn ngữ có sự CẢM TÍNH nhất định. Trên bàn họp, marketer phải gồng để luôn là người chuyên nghiệp, họ buộc phải có những comment có-vẻ-như-là hiểu biết, rành mạch. Nhưng thật ra, chẳng có ai là chuyên gia ngôn từ cả, từ ông CD, senior cho tới bé intern mới chập chững vào ngành. Mỗi người đều có lớn lên, trưởng thành bằng một cách khác nhau, xem những bộ phim khác nhau, đọc những quyển sách khác nhau, học trường đại học khác nhau. Mỗi cuộc “chia ly” với ý tưởng, con chữ lại là một lần chất vấn bản thân, dù chẳng biết ai đúng, ai sai. Cũng đơn giản thôi, thương hiệu của người ta mà, họ muốn viết gì là quyền của người ta.

“Câu chữ là thứ đánh thẳng vào sĩ diện. Tàn khốc lắm.”

Là hiểu mình: “Sáng tạo là connect the dots, vậy thôi”. Mỗi “dots” là một trải nghiệm, một kiến thức, một quá khứ riêng mình có được. Người giỏi là người HIỂU được chính mình, “connect” được toàn bộ “dots” đó và biến nó thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

“Anh đặc biệt thích cảm giác chợt nhớ đến một chuyện từng xảy ra trong đời mình, bưng vô làm idea. Anh thấy đó là khoảnh khắc đẹp nhất của Creative”

Là “hành nghề trong muôn người”: Viết quảng cáo mà, đâu phải viết cho mình đâu. mình phải đặt mình vào vị trí khách hàng mà viết, viết ra thứ họ biết nhưng họ lại “không biết rằng mình biết”. Người làm sáng tạo phải có đôi mắt nhìn thấu Insight, đôi tay viết lên tiếng lòng. Đôi lúc phải đặt mình vào góc nhìn của người khác, mình còn không dám tin vào góc nhìn của chính mình nữa kìa. Ngành này yêu cầu độ linh hoạt cao lắm. Mình vẫn còn nhớ câu của anh Sói: “Ngành này không dành cho thanh niên nghiêm túc”. Câu này gây trăn trở cho mình nhiều lắm, nghe xong cũng chả dám ôm khư khư cái tôi của mình luôn.
Thật ra dân quảng cáo chẳng hơn ai cả, họ cũng là những người bình thường, ăn nói bình thường. Họ chỉ viết những thứ người thường không muốn nghe thành những thứ gần gũi, thú vị hơn thôi. Không biết có thứ sáng tạo nào “save the world” không nhưng mình vẫn nhớ câu nói của bố 20.

“Người lớn như ba ngày lo trăm chuyện, hơi đâu để ý mấy cái quảng cáo chạy rầm rà này. Ra siêu thị thấy gì tiện tay thì mua thôi”

3. “Cơm áo không đùa với khách thơ” - Xuân Diệu

Hóa ra nghề sáng tạo không hào nhoáng như mọi người nghĩ đâu, cũng chả có chuyện lên-văn-phòng, nghĩ-vu-vơ, lĩnh-tiền-tỉ. Cái ngành này đào thải ghê gớm lắm bởi tiền là thứ chi phối người làm sáng tạo ghê gớm.
Gia đình, xã hội: Hiếm khi có cha mẹ, người thân nào hiểu những thứ bạn đang làm cũng chả có bậc phụ huynh nào yên tâm khi con theo nghề sáng tạo. Nhất là nghề “viết” nghe là đã thấy mùi “nghèo” đi cùng rồi. Cũng chả có cách nào lý giải được giờ giấc đi làm, sinh hoạt, áp lực từ phía đồng nghiệp, khách hàng với người thân. Làm trong công ty thì bận, không có thời gian làm thêm ngoài mà làm freelance thì mối quan hệ không có biết kiếm đâu ra khách. Ba mẹ sốt sắng khi con ở trong nghề lâu, chỉ muốn con học cao hơn lên cao học, thạc sĩ, tiến sĩ kiếm lấy cái công việc ổn định, tích lũy lấy đồng vốn cho có của ăn của để.

“Chọn Creative là em đã rời khỏi đàn cừu”

Tiền “nuôi dưỡng” thế giới tâm hồn: “Trải nghiệm là gã copywriter cừ khôi” mà. Bên trên mình cũng có nói về “connect the dots” nên trước khi muốn “connect” thì phải có “dots” đã. Người làm sáng tạo luôn liên tục phải “nạp” vốn sống và vốn nghề. Đầu vào tốt thì mới có thể ra idea “xịn” được chứ. Đâu có chuyện anh nhân viên bàn giấy ngày ngày đi làm rồi hết giờ làm, về nhà chực chờ ngày lĩnh lương mà ra được ý tưởng, con chữ chứ. Về khoản này thì đúng là “hào nhoáng” thật. 

Ba mẹ sẽ thắc mắc tột độ khi anh mua tranh về treo, thử kiểu tóc mới, bỏ tiền đi ra nước ngoài tham gia các ngày hội quảng cáo….

“Sao con không để dành tiền. Thằng cháu bác Tư làm lương vậy mà để dành tiền mua được miếng đất rồi đó.”

Đây là những cảm nhận của cá nhân mình khi đọc xong cuốn 90-20-30 --- 90 BÀI HỌC VỠ LÒNG VỀ Ý TƯỞNG CÂU CHỮ của tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn (dù vẫn còn nhiều điều muốn nói lắm). Có thể mình chưa đủ trải nghiệm trong ngành hoặc còn nhiều thiếu sót trong nội dung mọi người góp ý bên dưới nhé!