Khi một người Bố Thí một vạn đồng, quay sang hỏi thầy rằng: Thầy ơi, con vừa bố thí một vạn đồng, con sẽ được công đức gì? Thầy nói: công đức có được vừa bị con tiêu sạch rồi!
Si trong tam độc của Phật giáo là si mê, lầm lạc và ảo tưởng và nó tạo ra Tham và Sân. Để tránh được điều này thì ta phải tu dưỡng kiến thức và Trí tuệ cùng với lòng Từ bi để biết đâu là điều đúng đắn và sai trái. Trong Khổng học, Nguyên tắc Trung dung nói về cách giữ cho hành động và lý trí luôn ở mức điều hòa, tránh sự thái quá.
Aristotle cũng nói về điều này để đạt được hạnh phúc thì cần phải có sự quân bình trong 12 đức hạnh, trong đó Quảng đại là đức hạnh về việc sử dụng tài sản. "Tính Quảng đại được thể hiện ở cách cho và nhận, nhất là vì cách cho của người ấy, là sự trung bình đúng mực về tiền bạc mà người ta cho và nhận, người quảng đại sẽ cho một cái gì thích đáng với một số lượng thích đáng cho người xứng đáng và luôn vui lòng, đó là sự trung dung giữa hoang phí và hà tiện". Khi hoang phí là người ta không hiểu giá trị thật của đồng tiền, hay vấn đề trong bài này là mọi người cúng dường với số tiền quá lớn dù không biết tiền sẽ đi về đâu và bố thí như vậy thì đã đúng đối tượng hay chưa?
Mẹ tôi là người Công giáo, bà ngày ngày đọc kinh cầu nguyện, lễ nào cũng bỏ quả cho nhà thờ, rồi mỗi khi nhà thờ cần xây mới thì bà đều góp một ít. Mỗi lần thêm cái tháp chuông, sơn lại cái cổng, tu sửa lại cung Thánh thì lại mất cả trăm triệu, tỉ này tỉ nọ, con số kêu gọi khá bất ngờ đối với một thằng nhóc vùng quê. Tôi thì có dịp được vào trong nhà tạm, nhà Cha xứ thì thấy rất đẹp, khang trang, và vượt xa mức tưởng tượng của tôi với một người tu hành. Một dấu hỏi đặt ra là tại sao ta không quyên góp cho người nghèo, những người đói ăn đói mặc đi xin từng nghìn lẻ trên đường, họ mới là những con người thực sự cần tiền.
Chúng ta đi chùa hay bỏ một chút ít tiền cúng dường để bố thí, giúp cho chùa trang trải những sinh hoạt và xây dựng cơ sở vật chất, xa hơn nữa là để tích đức, tích phước báu về sức khỏe, tài lộc với mong muốn có được an vui, hạnh phúc. Đi nhà thờ cũng vậy, mỗi lễ đều có bổng lễ cho mọi người bỏ vào, hay mỗi dịp nhà thờ cần tu sửa thì có thể xin giáo dân quyên góp thêm.
Tôi không phê phán điều đó là xấu và cũng không có quyền đó, bài viết này chỉ nêu ra một góc nhìn khác về việc “cho” theo quan điểm của riêng tôi. Bởi tiền là công sức lao động của mỗi người, họ sử dụng chúng ra sao và như thế nào thì chắc chắn không phải là việc của ai khác. Nhưng, một cái nhưng lớn, chúng ta cần biết tiền đó cho ai, đi về đâu, và được sử dụng như thế nào cho đúng với ý nghĩa của đồng tiền mình làm ra.
Tránh sự si mê, mù quáng như những Phật tử ở chùa Ba Vàng. Thông tin trên mạng về xá lợi tóc của Đức Phật liên quan đến chùa Ba Vàng rần rần trên khắp các mặt báo và mạng xã hội về sự lừa dối trắng trợn của các bậc trụ trì. Hay xa hơn nữa đã có rất nhiều bài báo, video lên án việc cúng dường phản cảm cũng chính tại ngôi chùa này. Và bằng một cách thần kì nào đó... vẫn chưa ai hiểu được.
Tại sao có người cúng dường rất nhiều tiền?
Dấu hỏi lớn đó là tại sao người càng giàu càng bố thí nhiều tiền, đặc biệt là cho các tổ chức tôn giáo. Có lẽ là do họ muốn được an ủi, muốn cho lòng mình nhẹ hơn, với suy nghĩ rằng cho càng nhiều thì phước đức nhận lại được càng lớn. Sau những bươn chải, ganh đua ngoài đời đem lại cho họ một lượng tài sản thì họ quay lại với Phật để xám hối, mong những đồng tiền bố thí có thể giúp họ thấy yên tâm hơn. Hay người suốt đời hơn thua, ghen ghét, giận hờn nhưng mà ngày nào cũng đi chùa, cũng bố thí, họ làm điều đó chỉ để thấy lòng nhẹ nhõng hơn và khi chết thì địa ngục sẽ nhẹ nhàng hơn với họ.
Đặc biệt hơn khi tận mắt tôi đã chứng kiến một người phải gọi là chăm đi chùa, sáng sớm dậy đọc sinh gõ mõ tụng kinh, tương tự vào buổi chiều và buổi tối, hay cúng dường cho chùa với số tiền khá lớn. Nhưng một nghịch lý là dù làm nhiều việc có hiếu với chùa, thành tâm với Phật nhưng bác ấy lại không yêu người khác. Thường xuyên gắt gỏng với hàng xóm, khuôn mặt thì không mấy thân thiện, trong nhà thường hay cằn nhằn những lỗi vụn vặt. Vậy thì ngày ngày đi chùa xem ra là vô ích (như người khác thấy). Có lẽ một tâm lý mà nhiều người mắc phải là thờ cúng bề trên nhưng lại chưa được bình an để yêu thương mọi người, và chắc chắn đó lại là cái nghiệp của họ trong kiếp sau khi mà vòng luân hồi ấy lại lăn bánh không ngừng.
Những người khốn khổ
Khi đi trên đường tôi thấy một thanh niên què hai chân đang bò lê lết trên đường với chiếc mũ lưỡi trai để xin tiền. Cũng khi đang đi trên đường tôi thấy người phụ nữ quần áo rách rưới với cọc vé số trên tay đẩy em bé trong chiếc nôi, em bé không khóc. Khi dừng đèn đỏ có một cậu bé đi ra giữa vạch trắng cho người đi bộ, ngậm một ngụm, châm tí lửa, phun ra một ngọn lửa lớn, tôi thấy thương hơn là ngưỡng mộ. Đi trong công viên tôi thấy bà cụ gầy nhom ngồi co ro với chiếc nón lá đựng vài đồng tiền lẻ. Tại một quán vỉa hè có một bé gái mặt mày nhem nhuốc chạy tới không nói không rằng và chìa mấy tờ vé số vào người tôi. Rất rất nhiều mảnh đời không may ấy vẫn lượn lờ xung quanh chúng ta. Nhưng cũng rất nhiều người xa lánh nếu họ nhìn xấu xí, dơ dáy, hôi thối và chỉ muốn đi thật nhanh để không chạm phải ánh mắt với những người ấy. Nếu xếp theo thứ tự ưu tiên và suy xét thì chắc chắn họ phải được sự “quảng đại” của chúng ta hướng đến trước những tổ chức tôn giáo rồi cuối cùng mới tới những người ăn xin trên mạng như bà cụ ở Phú Thọ.
Không phủ nhận trên dải đất hình chữ S này có rất nhiều người tốt, Cha xứ hết lòng vì giáo dân, xây dựng nhà thờ, tu viện, kí túc cho sinh viên nghèo, là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, Nhà sư được Phật tử yêu mến, viết sách, xây chùa, truyền cảm hứng, kêu gọi quỹ từ thiện. Vẫn còn rất nhiều tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người nghèo và điều ấy cần được củng cố và lan tỏa bằng những tấm lòng hảo tâm bằng công sức, tiền của hay là bằng truyền thông.
Lời kết
Cuối cùng, mong mọi người luôn giữ được sự an tĩnh và thông thái để tránh được sự si mê đối với những tiêu cực trong các tổ chức tôn giáo. Có một tấm lòng bao dung với những mảnh đời kém may mắn và sử dụng đồng tiền công sức của mình cho những điều mang lại ý nghĩa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất