TÌNH YÊU BÌNH ĐẲNG, MỘT VÀI VÍ DỤ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM
Liệu, tình yêu có phải một cuộc thi xem ai đúng hơn, ai hét to hơn hay ai bỏ cuộc sớm hơn?
Vào cuối những năm 1900, khi cha mẹ GenZ hay Millennials chúng mình còn đương tuổi cập kê, nhà thơ Xuân Quỳnh đã dành tặng cả thế hệ ấy những vần thơ sau,
“Con gái chúng mình mang tiếng nhỏ nhen chật hẹp
Nhưng hơn bọn con trai cái đức biết hy sinh
…
Chúng ta cam lòng với việc tần tảo nuôi con
việc đồng ruộng hậu phương là việc phụ
Con trai cho rằng ra mặt trận, làm thơ...
là việc chính của đời kia”
Những vần thơ này từng biểu trưng cho cách yêu của cả một thế hệ. Đối với cha mẹ chúng mình, đâu mấy ai có cơ hội được lựa chọn hay tìm hiểu đối phương tới từng chân tơ kẽ tóc trước khi cưới? Khi về ở chung một nhà lại bị “trói chân” bởi những định kiến xã hội và nỗi sợ vô hình trước bà con họ hàng hay hàng xóm láng giềng. Vì vậy, mặc dù không có những nghiên cứu chính xác nhưng việc ly hôn trong giai đoạn này không dễ bắt gặp.
Cùng những năm đó, tỉ lệ ly hôn sau Chiến tranh Thế giới thứ II ở Hoa Kỳ đã nhanh chóng đạt ngưỡng 50%. Một số nguyên nhân giải nghĩa cho hiện tượng này được các nghiên cứu tâm lý học và xã hội học vào thời kỳ đó đưa ra là: sự gia tăng của tính tự chủ và sự bình đẳng giới tính, sự thay đổi về vai trò xã hội trong gia đình và trong công sở; sự tự do trong việc tìm bạn tình từ nhiều nơi trên thế giới, sự bất đồng về giá trị và quan điểm sống ngày càng gia tăng trong khi việc ly hôn hay chia tay ngày càng được chấp nhận.
Việt Nam những năm gần đây cũng đang trải qua sự chuyển mình tương tự. Tuy mới chỉ bắt đầu nhưng phong trào nữ quyền hay tư tưởng bình đẳng giới cũng đã bắt đầu tạo được sức ảnh hưởng không nhỏ. Kèm theo đó, GenZ liên tục được tiếp cận với các tin tức về những ngôi sao thay người yêu trong chớp nhoáng, các vụ ngoại tình công khai hay những quan điểm cực kỳ đột phá như câu nói của Châu Bùi - một biểu tượng của sự độc lập cho phái nữ - “Dừng lại không phải là khổ đau mà để bắt đầu cuộc sống mới". Dường như GenZ đang bước vào một biển trời mông lung khi vừa mới bắt đầu khám phá thế giới của các mối quan hệ, đồng thời lại vừa phải cân bằng mối quan hệ với các trách nhiệm khác trong cuộc sống. Mặt khác, phần lớn cha mẹ, những người thuộc thế hệ đi trước, cùng với những định kiến xưa cũ và bộ công cụ xử lý vấn đề tình cảm gia đình đã hoen gỉ và không hợp thời, lại khó có thể đưa ra một định hướng phù hợp cho GenZ. Vì vậy, việc bỏ đi một cuộc tình dang dở trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Một trong những khó khăn GenZ đang phải đối mặt đó là sự bất đồng về tư tưởng trong tình yêu và cách yêu khi một người đâu đó vẫn còn mang trong mình những tư tưởng truyền thống còn một người lại hướng tới sự bình đẳng ở mọi mặt. Một bạn nữ cũng có thể vừa rất cá tính, rất bất cần nhưng lại cảm thấy yếu đuối và cần được quan tâm hơn khi mùa dâu tới, hay một bạn nam cũng vừa có thể rất yêu thương bạn gái mình và tôn trọng nữ quyền nhưng cũng đồng thời vẫn chưa thể vượt qua được sự ngại ngùng khi bạn gái nhờ mua băng vệ sinh. Sự ngại ngùng này xuất phát tử khi bạn nam ấy còn là một đứa trẻ, bắt đầu khám phá tính dục của bản thân và sẵn sàng thu nhận mọi ý kiến xã hội. Khi ấy, nếu như bạn nam này chạm vào con búp bê hay nghịch ngợm những đồ dùng có tính nữ cao như đồ màu hồng, áo váy, đồ trang điểm hay đồ trang sức hay băng vệ sinh của mẹ thì cha mẹ, hay thậm chí là họ hàng sẽ cùng chê bai dè bỉu.
Tương tự, khi việc mỗi cá nhân cần phải tự chuẩn bị cho mình những phương pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục là vô cùng cần thiết thì trong xã hội Việt Nam, việc quan hệ tình dục vẫn còn được cho là một chủ đề nhạy cảm và phụ nữ không nên đem ra bàn tán. Đặc biệt, những bạn nữ quan hệ tình dục trước khi kết hôn hoàn toàn có thể gắn với những danh từ hay tính từ hạ thấp nhân phẩm và giá trị của cả một con người. Trái lại, đàn ông lại có thể thoải mái trao đổi và bông đùa về vấn đề này. Trước tình trạng này, một số bạn nữ chắc chắn sẽ vẫn mang tâm trạng mặc cảm khi phải tự mình đi mua bao cao su. Càng ngại ngùng hơn nếu như gặp phải một người dược sĩ là nam. Trớ trêu thay, nếu như trong một mối quan hệ, khi người bạn nam đã có những tư tưởng rất tiến bộ nhưng lại vô tình quên mất những định kiến giới còn tồn tại trong xã hội và đang đè nặng nên phái nữ thì rất có thể, bạn nam đó sẽ bỏ lỡ đứng lên hỗ trợ và bảo vệ người yêu mình trước các định kiến đó.
Một khó khăn khác GenZ sẽ thường gặp phải khi xây dựng một mối quan hệ bình đẳng đó là cách đồng cảm và hỗ trợ cho cảm xúc của người còn lại. Trong trường hợp một bạn nữ thường xuyên gắt gỏng khi đến kỳ kinh nguyệt và bạn nam lại không sẵn sàng để làm chỗ dựa về mặt tâm lý thì việc phân định ai đúng ai sai theo tiêu chuẩn bình đẳng giới gần như là vô nghĩa. Nhà Phân tâm học Harry S. Sullivan từng nói, “tình yêu chỉ tồn tại khi một người coi trọng sự thỏa mãn và sự an toàn của người kia như chính sự thỏa mãn và sự an toàn của bản thân mình".
Để xây dựng được tình yêu đúng nghĩa, GenZ cần cấp thiết trang bị cho bản thân những năng lực trí tuệ cảm xúc phù hợp. Theo nhà tâm lý học Daniel Goleman, các kỹ năng này bao gồm: năng lực tự nhận thức và điều hoà cảm xúc của bản thân cũng như nhận thức được cảm xúc của người khác, từ đó mới có thể xây dựng và quản lý mối quan hệ. Việc hiểu về cảm xúc và nhu cầu của bản thân mình là chưa đủ để một cá nhân có thể xây dựng một mối quan hệ vững vàng. Ta cần biết cách trao đổi các nhu cầu và cảm xúc này một cách phù hợp cũng như biết cách lắng nghe tâm sự của đối phương, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho cả đôi bên.
Đứng trước thực trạng tương tự, vào năm 1956, nhà Triết học và Phân tâm học người Đức “Erich Fromm cũng đã có những tư tưởng cực kỳ tân tiến về tình yêu như sau: “ sự bất đồng chân chính giữa hai cá thể sẽ không diễn ra nhằm che đậy một vấn đề nào đó, mà với mục tiêu mang tính chất xây dựng, nó sẽ chạm tới được những trải nghiệm sâu thẳm nhất ở mỗi cá nhân, đem lại sự minh bạch, sự vỡ oà, nơi cả hai người trở nên hiểu biết hơn và mạnh mẽ hơn.” Những triết lý này đang ngày càng được thể hiện rõ nét thông qua một series phim bộ nổi tiếng với GenZ gần đây như “Sex Education”, khi mà mọi khó khăn trong các mối quan hệ đều được giải quyết bằng những tranh luận phi bạo lực mang tính xây dựng hay bằng cách tới chuyên gia tham vấn tâm lý để khám phá bản thân trước khi đưa ra một quyết định quan trọng nào đó.
Kết lại, bình đẳng trong tình yêu nên được hiểu là sự công bằng trong việc đáp ứng mong muốn và nhu cầu của các nhân trong cùng một mối quan hệ. Mỗi cá nhân lại đem đến một mối quan hệ những mong muốn và nhu cầu khác nhau. Do vậy “bình đẳng" ở mỗi mối quan hệ cũng có hình dáng khác nhau. Mỗi cặp đôi cần tự định nghĩa và xây dựng khái niệm bình đẳng trong từng lĩnh vực hay hoạt động của riêng mình dựa trên nền tảng của việc đồng cảm, chia sẻ và lắng nghe.
Tác giả: Keira Ngo
Ảnh: “AAA-AAA” - Marina Abramovic & Ulay (1978). Tác phẩm trình diễn nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Marina Abramovic và người tình của bà khi ấy - nghệ sĩ Ulay. Hai người quỳ gối trước mặt nhau, mặt đối mặt. Ban đầu, họ cùng nhau phát ra một âm thanh đều và nhỏ. Dần dần, âm thanh đó ngày một lớn. Dường như, càng ngày, cả hai đều cố gắng hét to hơn và dài hơn người còn lại. Cuối cùng, Ulay bỏ cuộc. Liệu, tình yêu có phải một cuộc thi xem ai đúng hơn, ai hét to hơn hay ai bỏ cuộc sớm hơn?
Tham khảo: Bài viết được hoàn thành dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân mình có được trong quãng thời gian nghiên cứu và làm việc trong ngành Tâm lý & Giáo dục. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, bạn có thể tìm đọc các bài viết với từ khóa “gender equality in romantic relationship"
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất