Liệu Trung Quốc có tấn công Đài Loan?
Mục đích của bài viết này sẽ bàn luận về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, phân tích về bàn cờ Địa - Chính trị Đài Loan của các siêu cường, đồng thời lý luận về một số kịch bản xung đột có thể xảy ra.
Lời đầu tiên
Cũng như quý độc giả đã được thông tin trên các phương diện truyền thông đại chúng, mấy ngày trước, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã khiến tình hình căng thẳng hơn bao giờ hết. Nhiều bạn đọc đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích của chuyến đi của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nhất là trong bối cảnh Đại hội XX đang cận kề ở Trung Quốc, vốn là bàn đạp quyết định nhiệm kỳ thứ ba để củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình. Nhiều cuộc tranh luận diễn ra trên khắp các trang mạng xã hội, một phần chế giễu “cảnh báo cuối cùng” của Trung Quốc, một phần lo lắng viễn cảnh Đệ tam Thế chiến đang cận kề. Mục đích của bài viết này sẽ bàn luận về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, phân tích về bàn cờ Địa - Chính trị Đài Loan của các siêu cường, đồng thời lý luận về một số kịch bản xung đột có thể xảy ra.
Phần I: Nhận định về chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi
1. Mục đích thứ nhất.
Theo cơ cấu quyền lực Chính trị của nước Mỹ, Chủ tịch Hạ viện có lẽ là người đứng thứ ba sau Tổng thống và Phó Tổng thống. Quốc hội Mỹ bao gồm Thượng viện và Hạ viện, với Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện. Tuy nhiên, trên thực tế, căn cứ trên quá trình vận hành quyền lực, danh tính Chủ tịch Hạ viện kém quan trọng hơn nhiều so với danh tính của Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Sở dĩ điều này là vì Chủ tịch Hạ viện vốn cũng là một thành viên của Hạ viện. Hạ viện Mỹ được bầu lại hai năm một lần. Chủ tịch Hạ viện có thể vẫn còn giữ chức vụ như ngày hôm nay, tuy nhiên, nếu thua trong tổng tuyển cử hoặc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng của vị Chủ tịch Hạ viện đó sẽ mất đi đa số thành viên Hạ viện. Quyền lực mất đi, hoặc là trở thành lãnh đạo thiểu số trong Hạ viện, hoặc là trở lại thành viên bình thường, hoặc thậm chí bị khai trừ khỏi Quốc hội Mỹ.
Xét về vị thế Ngoại giao, thì tư cách “bán chính thức” đó của vị Chủ tịch Hạ viện khiến cho bà rất nhiều quyền tự do để thể hiện. Vì lĩnh vực Ngoại giao thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ do Ngoại trưởng dẫn đầu, nên nếu xét về tầm quan trọng của các chuyến thăm, quan trọng nhất là chuyến thăm của Tổng thống, tiếp đến là của Phó Tổng thống, rồi của Ngoại trưởng. Chuyến thăm của ba người quyền lực này tới một quốc gia hoặc một khu vực nào đó chính là dấu hiệu cho thấy chính sách của Mỹ hiện tại sẽ có thay đổi đáng kể. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hạ viện trong hệ thống quyền lực lập pháp, chưa kể Chủ tịch Hạ viện có thể phải thay đổi hai năm một lần. Chính vì Chủ tịch Hạ viện không có quyền lực ngoại giao, khi đến nơi, bà không thể thực sự thương thuyết với lãnh đạo nước đó về sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia.
Vì vậy, chuyến thăm của bà Nancy Pelosi thực sự chỉ là một cuộc phô diễn quyền lực, thậm chí không phải là một cuộc biểu diễn quốc gia, mà chỉ là một “live-show” cá nhân không hơn không kém của bà.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ hiện tại, bà Nancy Pelosi, 82 tuổi, dường như là một người rất thích “tận hưởng” tột cùng của quyền lực. Sau khi giành lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi 2018, bà Pelosi đã có hành động gây sốc là xé các văn bản trước mặt ông Trump, từng mắng ông Trump là “kẻ tồi tệ nhất”. Có thể nói rằng vị thế bấp bênh của Đảng Dân chủ trước tình hình bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đã khiến bà Nancy Pelosi phải tất tay “chơi trội” điên rồ, nhằm hướng sự chú ý của công chúng Mỹ từ hàng loạt vấn đề lạm phát, thất nghiệp, đại dịch,... trong nước sang một thứ khác nhằm có lợi cho Đảng của bà. Đặc biệt là năm nay, cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào tháng 11, bà Pelosi đã tuyên bố ứng cử. Và chính xác thì “bức bình phong” đó chính là Đài Loan. Chiêu bài này cũng không phải là hiếm gặp trong Lịch sử nhân loại, Tể tướng Vương An Thạch từng khuyên Hoàng đế Tống triều sai quân tấn công nước Đại Việt: “Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiềng nể”.
Nhóm Hạ viện do bà Pelosi dẫn đầu không phải chỉ duy nhất một mình bà Pelosi muốn có được lá phiếu này. Danh sách trong đoàn thăm ít nhất còn có các dân biểu như ông Gregory Meeks, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Điều này có nghĩa là chuyến đi thăm Đài Loan nằm trong kế hoạch của bà. Trong trường hợp này, động lực Chính trị cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi trong lộ trình sẽ rất lớn. Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã thuyết phục bà Pelosi hủy kế hoạch thăm Đài Loan giữa thời điểm rất nhạy cảm này (Đại hội XX ở Trung Quốc). Họ cho rằng động thái này của bà Pelosi có thể gây ra những rủi ro rất lớn cho tình hình eo biển Đài Loan. Cái khôn khéo trong lịch trình của bà là đến Singapore, Malaysia trước tiên, sau đó là Đài Loan, rồi cuối cùng là Hàn Quốc và hành trình đến Nhật Bản. Việc này giống như dành đủ không gian cho chuyến thăm Đài Loan của bà. Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ được lấp liếm bằng chuyến đi Nhật Bản hoặc Hàn Quốc để hạn chế sự căng thẳng ở một mức độ nhất định. Bà Pelosi ắt rõ rằng Trung Quốc sẽ phản ứng, nhưng sẽ không bao giờ đánh chặn chuyên cơ chở bà. Cho dù nếu Tổng thống Biden có ban hành khẩn cấp lệnh hủy bỏ cũng không hề có hiệu quả, bởi vì trong cơ cấu chính trị của Mỹ, các nhà lập pháp không nghe lời Tổng thống, nhưng các Tổng thống yếu kém thường xoay quanh ý chí của các nhà lập pháp trong Đảng của họ.
Khi bối cảnh quốc tế cho phép bà Nancy Pelosi thực hiện một “live-show” như thế này, đặc biệt là phản ứng của dư luận nước Mỹ có thể khiến bà cảm thấy rằng một “live-show” như vậy có lợi, bà chắc chắn sẽ làm điều đó. Nhất là khi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi gây ít tranh cãi hơn với việc bà công khai xé các tài liệu mà ông Trump đưa cho vài năm trước, hẳn nhiên bà Pelosi sẽ làm. Đó chính là bản chất của Chính trị.
Hẳn nhiên, chuyến thăm Đài Loan của bà sẽ gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân của bà Pelosi, chính Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken mới là người thực hiện công việc “chữa cháy” sau đó, không phải cá nhân bà. Trước khi bà Pelosi đến thăm Đài Loan, chính quyền ông Biden đã thực hiện tung hỏa mù cho chuyến đi của bà tới Đài Loan: một mặt nói chuyến đi này chỉ mang tính chất dự kiến, mặt khác lại nói dù bà có đi thì cũng đại diện cho cá nhân bà. Nếu bà không thăm Đài Loan, danh tiếng của bà sẽ bị huỷ hoại hoàn toàn. Hơn nữa, nếu bà không đi, sẽ đồng nghĩa với sự thể hiện yếu đuối trước Trung Quốc. Đây là điều mà cả dư luận nước Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận được.
Vào mùa hè năm 1997, ông Newt Gingrich, lúc đó là Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cũng đã đến thăm Đài Loan. Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ Lý Đăng Huy đã đích thân tiếp đón. Vào thời điểm đó, xét đến các yếu tố như sức mạnh quốc gia và sự trở lại của Hồng Kông, tuyên bố của Trung Quốc là hết sức kiềm chế và nhẫn nhịn. Tuy nhiên, sau chuyến đi ấy, xung đột có nguy cơ cao giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Vụ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999 và vụ va chạm ở Biển Đông vào tháng 4 năm 2001 đã đẩy Trung Quốc và Mỹ đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng quan hệ tương tự như thời kỳ khủng hoảng tên lửa Cuba.
Vụ khủng bố 11/09 năm 2001 làm thay đổi hoàn toàn định hướng chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ. Khi ấy lãnh đạo Trung Quốc đã tinh khôn nắm bắt cơ hội gọi điện chia buồn đầu tiên và bày tỏ đủ thiện chí. Không gian chiến lược giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ đã được mở rộng trở lại. Nếu không có sự kiện 11/09, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ? Liệu Trung Quốc có thể giành được thêm hai thập kỷ cho cả một thế hệ phát triển hòa bình và ổn định không? Sự cố 11/09 quả thực là một “cú hích bất ngờ” làm thay đổi số phận của tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt là người dân Trung Quốc và Mỹ. Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Gingrich đến thăm Đài Loan. Với chuyến thăm của bà Pelosi, liệu Lịch sử có lặp lại? Liệu đây có phải dấu mốc đánh dấu Chiến tranh Lạnh lần II giữa Mỹ và Trung Quốc? Tôi không biết trước được, có lẽ hậu thế vài chục năm sau đó sẽ ghi chép và lý luận về sự kiện này như là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh lần II, hoặc theo một chiều hướng khác, tiêu cực (hoặc là tích cực) hơn.
2. Mục đích thứ hai.
Ngay sau khi đặt chân tới Đài Loan tối 02/08, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ra tuyên bố cho hay chuyến thăm nhằm “thể hiện cam kết không lay chuyển của Mỹ trong ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo”. “Tinh thần đoàn kết của Mỹ với 23 triệu người Đài Loan hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết”, bà cho biết thêm.
Theo DW, trong chuyến công du Đài Loan mới đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gặp mặt Chủ tịch TSMC Mark Liu vào hôm 03/08. Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc quá lớn vào chất bán dẫn TSMC trong hầu hết các lĩnh vực, từ hàng không vũ trụ đến điện tử tiêu dùng. Bà Pelosi có lý do chính đáng để đưa sự kiện này vào danh sách rút gọn trong chuyến đi đến Đài Loan, khi TSMC là nhà sản xuất chất bán dẫn có giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường 426 tỷ USD. Công ty sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới, thành phần không thể thiếu trong nhiều sản phẩm công nghệ mà người Mỹ phụ thuộc hằng ngày như iPhone, thiết bị y tế và cả máy bay chiến đấu.
Cuộc họp giữa hai bên còn báo hiệu rằng TSMC và nền kinh tế lớn nhất đang tăng cường mối quan hệ vốn đã thân thiết. Mỹ là thị trường lớn nhất của TSMC, với lượng người mua ở Mỹ chiếm 64% tổng doanh số bán hàng của hãng bán dẫn Đài Loan trong năm ngoái, tăng từ 60% từ hai năm trước. Chỉ riêng doanh thu bán chip của TSMC cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple đã chiếm 1/4 doanh thu của TSMC vào năm 2021.
Nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới không có địa điểm sản xuất riêng mà ủy thác cho TSMC để sản xuất chip bán dẫn do họ thiết kế. Vì vậy, TSMC đã có một vị trí quan trọng về mặt hệ thống trên thị trường toàn cầu. Tình trạng thiếu chip toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã khiến việc sản xuất ô tô, ti vi và máy tính bị trì hoãn, đồng thời thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Hiện TSMC có vốn hóa thị trường khổng lồ, đứng vững vị trí công ty có giá trị nhất châu Á và là một trong những công ty giá trị nhất toàn cầu.
TSMC có tên đầy đủ là Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, chuyên sản xuất chip và các sản phẩm bán dẫn cung cấp cho toàn thế giới. Đây là công ty có tuổi đời không quá lớn (thành lập từ năm 1987), song đã có thị phần và doanh thu thuộc vào loại lớn nhất ngành công nghiệp bán dẫn. Thị phần sản xuất chất bán dẫn và chip của TSMC dẫn đầu toàn cầu trong nhiều năm, với con số 51% trong Quý 2 năm 2020. Điều này đồng nghĩa TSMC là nhà cung ứng quan trọng hàng đầu của các tập đoàn điện tử hàng đầu như AMD, Apple, NVIDIA, Broadcom,...
Sự tăng trưởng của tập đoàn TSMC tới từ việc họ tập trung nhiều vào việc phát triển các công nghệ chip mới có tốc độ xử lý tốt hơn. Kể từ năm 2019 tới nay, công ty tập trung chủ yếu vào sản xuất các loại chip nhớ theo công nghệ 7nm và 5nm. Hiện Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất được chip tiên tiến như Đài Loan. Trong khi đó, từ năm 2020, họ bắt đầu chuyển sang công nghệ 5nm nhiều hơn và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều đối tác. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng chip phần nào đó giúp cho TSMC tăng trưởng tốt hơn. Thế giới rất phụ thuộc vào các nguồn cung ứng chip từ Đài Loan.
Đầu tuần này, người đứng đầu TSMC đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn với CNN. Không chỉ đưa ra quan điểm về việc các yếu tố mâu thuẫn chính trị ảnh hưởng như thế nào đối với TSMC, ông Liu còn cho thấy TSMC dường như đang chuẩn bị cho một kịch bản mà ở đó sự trả đũa của Bắc Kinh vượt ra ngoài các lệnh cấm xuất khẩu.
Nếu bạn sử dụng lực lượng quân sự hoặc xâm lược, bạn sẽ không thể khiến nhà máy của TSMC hoạt động được vì đây là cơ sở sản xuất tinh vi. Nó phụ thuộc vào thời gian thực hiệu chỉnh với thế giới bên ngoài. Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực.
Trong cuộc họp giữa ông Liu và bà Pelosi, hai bên đã thảo luận về đạo luật chip vừa được thông qua ở Mỹ nhằm mục đích cải thiện chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Luật mới bao gồm gói hỗ trợ trị giá 52 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip ở Mỹ, và TSMC có thể được hưởng lợi từ chương trình do nhà máy chip trị giá 12 tỷ USD mà công ty đang lên kế hoạch xây dựng ở Arizona. Đây không phải là nhà máy đầu tiên của TSMC trên đất Mỹ bởi trước đó hãng đã xây dựng nhà máy sản xuất tấm silicon ở Bờ Tây Mỹ cùng một trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế chip ở Texas.
Chuyến thăm của bà Pelosi đã “bóp chết” nhiều năm cân nhắc lợi ích của Trung Quốc và Mỹ của các công ty Đài Loan, buộc họ phải lựa chọn một bên. Với những gì vừa diễn ra, không quá khó để thấy TSMC dường như đã có sự lựa chọn cuối cùng. TSMC ít phụ thuộc hơn vào doanh thu từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Thị trường đại lục chiếm 10% doanh thu của TSMC, giảm so với 20% của hai năm trước. Dù thị trường của TSMC tại Trung Quốc đã thu hẹp, nhưng cả hai vẫn phụ thuộc vào nhau. Trung Quốc có thể là thị trường tương đối nhỏ đối với chip của TSMC ở dạng thành phẩm, nhưng vẫn là nước tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới khi nói đến hàng hóa chưa hoàn thiện. [1]
Phần II: Đài Loan rất khác so với Ukraine
1. Chiến lược chuỗi đảo thứ nhất.
Trong bài viết “Mỹ - Trung tranh hùng: Tương quan và bàn cờ thế”, tôi đã từng nhắc đến Chiến lược chuỗi đảo của Mỹ nhằm kiềm toả Liên Xô và Trung Quốc [2]. Về cơ bản, Chiến lược chuỗi đảo là một chiến lược vây xung quanh Liên Xô và Trung Quốc bằng đường biển được đề cập bởi nhà bình luận chính sách đối ngoại Mỹ John Foster Dulles vào năm 1951 trong thời gian Chiến tranh Triều Tiên. Sau khi Liên Xô sụp đổ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mục tiêu chính của học thuyết là Trung Quốc.
Mỹ đã thiết lập ra một “Vạn Lý Trường Thành ngược” bao vây Trung Quốc khi nước này còn quá yếu thế so với Mỹ, vốn là hệ quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho đến quần đảo Philippines, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả Úc. Chuỗi đảo thứ hai được xem là các đảo là vùng lãnh thổ hoặc căn cứ quân sự Mỹ như Guam.
Nếu bạn là nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi nhìn ra biển lớn, Trung Quốc đã bị “cắt cụt” đường ra biển Nhật Bản ở Mãn Châu, là hệ quả của lịch sử khi phải nhượng lại cho Đế quốc Nga hơn 1 triệu km vuông đất thời nhà Thanh. Nhiều nhà phân tích xem bản đồ Địa lí Trung Quốc tựa như một con gà trống, với bán đảo Triều Tiên là “cái mỏ”, và Việt Nam là “cái chân”. Tiếp đến là hàng vạn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,... rồi Hạm đội 7 của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương vốn có thể triển khai quân sự lên Trung Quốc nhanh chóng khi có chiến tranh với Mỹ. Mối đe dọa vây quanh như vậy khiến Trung Quốc khó lòng vươn ảnh hưởng ra biển lớn và Mỹ hoàn toàn có thể phong tỏa, cô lập hoàn toàn nước này khi có biến.
Nếu muốn truất ngôi bá chủ thế giới, siêu cường độc tôn của nước Mỹ, Trung Quốc buộc phải thôn tính Đài Loan, từ đó vươn mình ra biển lớn.
Robert Blackwill, cựu trợ lý an ninh quốc gia của George W. Bush và là đồng tác giả của bài phân tích mới của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR): The United States, China and Taiwan: A Strategy to Prevent War (Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan: Chiến lược ngăn chặn chiến tranh), muốn Mỹ tạo ra “khả năng răn đe địa - kinh tế đáng tin cậy”, cũng như củng cố sự răn đe về mặt quân sự. Ông cho rằng Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản nên nói rõ rằng Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi các hệ thống tài chính và thương mại dựa trên đồng đô la nếu nước này tấn công Đài Loan. Blackwill nói nếu các chỉ huy Trung Quốc thúc giục chiến tranh, “chúng ta muốn các lãnh đạo kinh tế có mặt trong phòng” để chỉ ra các chi phí kinh tế của hành động đó. [3]
Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ràng buộc Đài Loan với đại lục về mặt kinh tế. Họ cũng đã cố gắng lôi cuốn công chúng Đài Loan bằng những lời hứa về quyền tự chủ nếu họ chấp nhận sự cai trị từ Bắc Kinh, theo tiêu chuẩn “một quốc gia, hai chế độ”. Năm ngoái, nhận thức về khái niệm đó đã được chuyển từ ngờ vực thành bác bỏ bởi sự phá hủy các quyền tự do công dân ở Hồng Kông, một lãnh thổ được trao những lời hứa tương tự. Nhưng Trung Quốc đang mất kiên nhẫn với việc “tái thống nhất bằng biện pháp hòa bình”, và những tính toán lạnh lùng hơn luôn quan trọng hơn. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn e ngại vì sợ rằng quân đội Đài Loan có thể sẽ cầm cự được cho đến khi lực lượng Mỹ đến ứng cứu.
Trên thực tế, khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn một cuộc xâm lược Đài Loan đang suy yếu dần. Lý do chính là vì Trung Quốc trong hơn 20 năm đã theo đuổi mục tiêu duy nhất là các vũ khí tiên tiến và các kỹ năng cần thiết để ngăn chặn sự can thiệp của các lực lượng Mỹ. Một yếu tố khác là ý thức về vận mệnh lịch sử của ông Tập và việc ông sử dụng chủ nghĩa dân tộc dân túy để củng cố quyền lực của mình, mặc dù chủ nghĩa dân tộc cũng làm tăng chi phí của một cuộc tấn công bất thành. Trên một số diễn đàn, các học giả Mỹ và các quan chức cấp cao nghỉ hưu đã ca ngợi chính quyền của ông Trump vì đã thông qua giao dịch bán vũ khí cho Đài Loan trị giá hơn 17 tỷ USD.
Tuy nhiên, phần khó nhất của việc ngăn chặn Trung Quốc là việc xây dựng các liên minh vững mạnh sẵn sàng thách thức sự xâm lược của Trung Quốc. Các so sánh với thời Chiến tranh lạnh không phù hợp với vấn đề Đài Loan. Sự sống còn của Tây Berlin được coi là lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ và các đồng minh NATO, những người đã lên kế hoạch chiến tranh để ngăn chặn việc Liên Xô phong tỏa thành phố. Nhưng điều quan trọng là Liên Xô là đối thủ yếu về kinh tế. Ngày nay, không có sự đồng thuận nào giữa các đồng minh khu vực của Mỹ rằng sự sống còn của Đài Loan là một lợi ích quan trọng đáng để họ phải chọc giận Trung Quốc, vốn thường là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt tính dễ bị tổn thương của đất nước trước áp lực kinh tế bên ngoài. Trong một bài phỏng vấn vào tháng 5 năm 2020, Qiao Liang, một thiếu tướng không quân đã nghỉ hưu, dự đoán rằng nếu chiến tranh xoay quanh Đài Loan nổ ra, Mỹ và các đồng minh sẽ chặn các tuyến đường biển chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường vốn của Trung Quốc. Tướng Qiao ủng hộ các động thái của ông Tập nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu kinh tế bên ngoài. Ông nói thêm rằng chìa khóa cho câu hỏi Đài Loan sẽ là kết quả của cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa Trung Quốc với Mỹ. Vị tướng này là một kẻ khiêu khích theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, nhưng những bình luận của ông phản ánh quan điểm của nhiều người ở Trung Quốc ngày nay. Điều đó sẽ khiến các đồng minh của Mỹ phải suy nghĩ. Đối với nhiều người Trung Quốc, việc thu hồi Đài Loan không chỉ là một sứ mệnh quốc gia thiêng liêng. Việc hoàn thành sứ mệnh này cũng sẽ báo hiệu rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sắp kết thúc. Nếu Trung Quốc tin rằng họ có thể hoàn thành sứ mệnh đó với chi phí có thể chấp nhận được, họ sẽ ra tay.
Theo nhà Sử học Niall Ferguson, nhìn vào lịch sử hiện đại, khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, hoặc bị bao vây chiến lược, thì những cường quốc “trước đây từng trỗi dậy” và nay bắt đầu trì trệ sẽ trở nên hung hăng hơn nhiều. Các ví dụ có thể kể đến là, Đế quốc Nhật Bản trong những năm 1930, sau khi phải hứng chịu cả hai (suy thoái kinh tế và bao vây chiến lược) đã quyết định tham gia Thế chiến II. Hoặc Đế quốc Đức trong giai đoạn trước năm 1914, vì lo sợ về vị thế suy giảm so với Nga và Pháp, cuối cùng đã phát động Thế chiến I. Như những trường hợp này đã chứng minh, khi quyền lực của các quốc gia đang trỗi dậy đạt đỉnh, họ có xu hướng chấp nhận rủi ro. Trung Quốc có vẻ như đã đi đúng theo con đường đó. Khi quyền lực của Trung Quốc đạt đỉnh, điều đó thực ra có nghĩa là sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên gay gắt hơn trong tương lai gần. [4]
“Theo cảm nhận của tôi, với chính quyền Biden, họ có thể thực sự bước vào chiến tranh, bởi vì lựa chọn còn lại là từ bỏ ưu thế của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nó sẽ giống như cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez, nếu họ không bảo vệ Đài Loan. Vì vậy, có thể người Trung Quốc sẽ sai. Họ đánh cược rằng Hoa Kỳ không hành động, nhưng sau đó Hoa Kỳ sẽ hành động, và rồi chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh thực sự lớn. Đối với một nhà Sử học, đó không phải là một chuỗi sự kiện đáng ngạc nhiên; đó sẽ là một trong những mẫu hình thực sự quen thuộc.” - Nhà Sử học Niall Ferguson nói với Nikkei Asia. [5]
Quyền lực của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào cuối những năm 2020 đến đầu những năm 2030, sau đó bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng kể từ thời điểm đó. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải việc này:
Thứ nhất, ngay cả khi không đề cập đến các vấn đề khác, chỉ riêng vấn đề Nhân khẩu học cũng đủ làm tê liệt sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất hơn 70 triệu người trong độ tuổi lao động và sẽ có hơn 100 triệu người cao tuổi ngay từ đầu thập niên 2030.
Thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bước sang tuổi 80 vào năm 2033. Chắc chắn một cuộc khủng hoảng kế vị sẽ xuất hiện, bất kể ông ấy có tự xác lập mình là nhà lãnh đạo suốt đời hay không.
Thứ ba, trong số các khoản vay mà Trung Quốc đã cho vay thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, có rất nhiều khoản sẽ đáo hạn vào đầu những năm 2030. Đòi nợ là một công việc khó chịu. Tất cả những sự ủng hộ mà Trung Quốc đã giành được thông qua cung cấp các khoản vay này thực sự lúc đó có thể không còn, và sẽ có những phản ứng bất lợi cho nước này.
Chỉ cần Mỹ cho nhập cư tài năng, đem tài năng vào, và nếu vẫn có tài năng đến Mỹ, thì nước này sẽ thắng. Mỹ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trí tuệ nhân tạo, nó sẽ thắng cuộc chiến điện toán lượng tử, Mỹ chiến thắng vì có tài năng, có nguồn tài năng trên toàn cầu, còn Trung Quốc chỉ có đội ngũ nhân tài của Trung Quốc.
2. Bàn cờ Địa - Chính trị của Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, Giáo sư Micheal Beckley của Đại học Tufts khi được hỏi về tại sao quyền lực của Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ, ông đã trả lời rằng:
Có hai lý do chính: Lý do thứ nhất, khoảng cách kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết chúng ta. Đó là bởi vì hầu hết chúng ta lựa chọn đo lường khoảng cách đó bằng các chỉ số như GDP hoặc chi tiêu quân sự. Những chỉ số này phóng đại sức mạnh của các quốc gia sở hữu dân số lớn. Tuy nhiên, anh cần phải tính đến cả mặt trái của việc sở hữu một dân số lớn. Khi trừ đi tất cả các chi phí cho lương thực, trật tự trị an, trong lúc bảo vệ 1,4 tỷ người, rất nhiều của cải và sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ hao hụt đi. Lý do thứ hai, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong tương lai và chúng nghiêm trọng hơn các vấn đề mà Mỹ gặp phải. Trung Quốc sẽ có dân số già hơn nhiều, đồng thời sẽ mất đi một lượng lớn người trong độ tuổi lao động trong vòng 30 năm tới. Trung Quốc đang phải chịu cảnh khan hiếm trầm trọng các nguồn tài nguyên như nước, năng lượng, và lương thực, … Môi trường quốc tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt cũng thù địch hơn nhiều so với 40 năm trước. Ở Đông và Đông Nam Á, các quốc gia như Nhật Bản, thậm chí cả Việt Nam và Philippines, đã bắt đầu rất nghi ngờ, e sợ Trung Quốc, và tìm cách đối trọng lại sức mạnh của họ. Tất cả những điều này sẽ chống lại Trung Quốc trong dài hạn. Trong khi đó, nước Mỹ không gặp phải nhiều vấn đề trong số này. [6]
Tình hình của Đài Loan theo nhiều cách thì rất tương đồng với Ukraine nhưng nó cũng rất khác biệt. Trước hết, Ukraine được kết nối trực tiếp với Nga bằng đường bộ dọc theo biên giới trải dài 2000 km trên hầu hết bằng phẳng và trống trải khó phòng thủ trong khi quân đội Nga vẫn phải vật lộn với việc tấn công Ukraine. Trong khi đó, Đài Loan là một hòn đảo, từ Trung Quốc qua eo biển Đài Loan một vùng nước mà nơi hẹp nhất vẫn rộng khoảng 130 km, khoảng cách tương tự như từ bang Florida của Mỹ đến Cuba. Trong nhiều thập kỷ, thế hệ trẻ của Đài Loan cũng đã nở rộ tinh thần độc lập và tách biệt với Trung Quốc đại lục. Bản sắc Đài Loan đã nở rộ theo hướng dân chủ toàn cầu hoá kiểu phương Tây được toàn cầu hóa rất phát triển, trong khi Trung Quốc đại lục cũng đã liên tục tuyên bố kể từ đó rằng Đài Loan là một tỉnh thuộc Trung Quốc.
Chiến tranh Nga - Ukraine đã chứng minh rằng một cuộc tấn công toàn diện lên một nước láng giềng vẫn có khả năng xảy ra, và Bắc Kinh chưa bao giờ loại bỏ phương án sử dụng vũ lực. Đài Loan chắc chắn là hòn đảo có vị trí Địa - Kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới. Như tôi đã phân tích ở trên, TSMC hiện đang nắm giữ hơn một nửa thị phần chip với công nghệ tiên tiến nhất và thế giới vẫn đang phụ thuộc vào họ. Thông qua Đài Loan là một mắt xích quan trọng, Mỹ và phương Tây từ đó có khả năng đảm bảo ưu thế về công nghệ và quân sự đối với Trung Quốc. Nếu như Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh, điều này có nghĩa là Trung Quốc đảm bảo được nguồn lực công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời nắm thóp nguồn cung chip của toàn thế giới. Mỹ có thể đột nhiên hoàn toàn bị phong tỏa khỏi nguồn cung các chip bán dẫn tiên tiến nhất, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung như hiện tại. Đây thực sự là một thảm họa không chỉ với Mỹ và Phương Tây, mà còn với các nước như Nhật Bản và Đài Loan.
Mặc dù TSMC đã và sắp xây dựng thêm các nhà máy đúc chip bán dẫn (semiconductor fabrication plant) ở Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, phần lớn hoạt động sản xuất chip tiến trình hiện đại nhất vẫn nằm ở Đài Loan. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra và diễn ra theo chiều hướng tồi tệ, Đài Loan có thể phá huỷ hàng loạt các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chip tồi tệ nhất lịch sử có thể làm chao đảo thế giới. Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất là con người vẫn còn, và Trung Quốc sẽ tận dụng điều này sau đó để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Đây là điều mà Mỹ không bao giờ mong muốn.
Các chuyên gia chính sách đối ngoại đã gợi ý rằng khả năng Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Loan theo cách này hay cách khác vào năm 2027, chỉ trong vòng 5 năm tới. Ngay cả trước khi người Nga phát động Chiến tranh Nga - Ukraine, thập kỷ 2020 đã được mong đợi là thập kỷ nguy hiểm nhất của thế kỷ XXI cho đến nay. Bắc Kinh đã và đang đều đặn thăm dò khả năng phòng thủ của Đài Loan và vào năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện 380 chuyến bay quân sự này qua các trợ lý của Đài Loan và sau đó vào năm 2021, con số này đã tăng lên 961 chuyến bay thực hiện trung bình gần ba lần mỗi ngày trong suốt cả năm.
Khi thời cơ đến, nếu Bắc Kinh nhận thấy các biện pháp ngoại giao không có tác dụng, họ sẽ dùng vũ lực. Bắc Kinh có thể tìm cách loại bỏ hoặc chiếm đóng trong một cuộc phô trương lực lượng hạn chế hơn ở các đảo nhỏ chỉ cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc khoảng 9 km, nơi sinh sống của khoảng 13,5 nghìn người Đài Loan. Nếu những cuộc chiến hạn chế này không mang lại kết quả, Bắc Kinh có thể vẫn sử dụng hải quân của họ để thực hiện một số hình thức phong tỏa Đài Loan nhằm cố gắng gây áp lực với họ trước đây, dẫn đến lựa chọn tấn công quy mô lớn. Tuy nhiên, nó vẫn có thể làm gia tăng căng thẳng quốc tế và đưa các quốc gia vào một cuộc chiến chống lại họ, do đó Bắc Kinh có thể kết luận rằng tất cả các lựa chọn được cho là hạn chế này đều có rủi ro tương đương với quy mô đầy đủ.
Xâm chiếm Đài Loan không dễ dàng như tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh. Ước tính Trung Quốc phải cần đến hơn 600.000 quân trong tổng số 2 triệu quân đang sẵn sàng. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ cần rất nhiều tàu đổ bộ và không quân để yểm trợ. Để so sánh, đây sẽ là cuộc đổ bộ quy mô lớn nhất lịch sử, vượt qua Cuộc đổ bộ Normandy (D-Day) của quân Đồng minh với 156.000 quân.
Các nhà quan sát đã dựa vào các bình luận của Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh đã mãn nhiệm tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, vốn rõ ràng ám chỉ dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2027 có thể là một sự kiện mà Trung Quốc muốn kỷ niệm bằng cách chinh phục Đài Loan, để ủng hộ quan điểm của họ về việc Bắc Kinh có sớm thực hiện một bước đi nguy hiểm hay không. [7]
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng đang tìm mọi cách khiến Đài Loan phải khuất phục, và bằng vũ lực nếu cần, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy “tái thống nhất hòa bình” như là phương thức ưa thích của Bắc Kinh. Đến giờ ông Tập có thể đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ hơn nếu ông nghĩ rằng chiến tranh là một khả năng thực sự. Thay vào đó, ông Tập đã đưa ra các biện pháp nhằm dập tắt các suy đoán về một cuộc tấn công tiềm tàng bằng cách kiểm duyệt các tin đồn trên mạng xã hội Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã huy động lực lượng quân dự bị và hướng dẫn người dân tích trữ lương thực.
Ông Tập cũng phải lo lắng về khả năng thành công của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nếu tiến hành một cuộc đổ bộ vào Đài Loan. Các cuộc tấn công đổ bộ bằng đường biển nổi tiếng là khó thành công, hãy xem trường hợp của Anh trong chiến tranh Quần đảo Falklands là một ví dụ, và PLA trong quá khứ đã thể hiện những khiếm khuyết trong các lĩnh vực quan trọng như không vận chiến lược, hậu cần và chiến tranh chống tàu ngầm, bên cạnh những vấn đề khác.
Có thể việc Trung Quốc tái cơ cấu quân đội vào năm 2016 theo một khái niệm chung về hợp đồng tác chiến, đồng thời mở rộng và hiện đại hóa mạnh mẽ các lực lượng để phù hợp với lời kêu gọi của ông Tập là đạt được vị thế quân sự “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049, đã nâng cao hiệu quả của các lực lượng này. Nhưng nếu chỉ cải thiện năng lực thì không nhất thiết sẽ dẫn tới mức độ hiệu quả cao hơn trên chiến trường, đặc biệt là đối với một quân đội đã không tham chiến lần nào kể từ cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979.
Tuy vậy, nhiều điều vẫn có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027, và chúng ta nên hạn chế đưa ra những kết luận dễ dãi. Trong thời gian đó, Đài Loan cũng sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ bổ sung của Hoa Kỳ để tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc. Đài Bắc sẽ được hưởng lợi hơn nữa nếu Mỹ cam đoan với Trung Quốc rằng Washington không có kế hoạch khuyến khích hoặc công nhận một Đài Loan độc lập.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 04/08/2022, hoàn thành vào 07/08/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/cuoc-hop-mao-hiem-giua-ba-nancy-pelosi-va-chu-tich-tsmc-mark-liu-post1484745.html
[2] “Mỹ - Trung tranh hùng: Tương quan và bàn cờ thế”, trantuanst22, Spiderum.
[5] Mikio Sugeno, “Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson”, Nikkei Asia, 10/09/2021.
[6] Ryotaro Yamada (phỏng vấn), China to become more aggressive before peaking: Michael Beckley, Nikkei Asia, 20/03/2022.
[7] Derek Grossman, “Taiwan is safe until at least 2027, but with one big caveat”, Nikkei Asia, 10/11/2021.
Ngày 07 tháng 08 năm 2022,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất