Psycho (1960)- 2 người hay 1 người?
“Một bộ phim của Alfred Hitchcock.” Tôi sẽ dùng duy nhất câu này để giới thiệu cho “Psycho”, bởi khán giả và giới phê bình đã tốn...
“Một bộ phim của Alfred Hitchcock.”
Tôi sẽ dùng duy nhất câu này để giới thiệu cho “Psycho”, bởi khán giả và giới phê bình đã tốn đủ nhiều giấy mực để làm điều này. Có thêm một đoạn văn ngắn nhét đầy các mĩ từ có lẽ là không cần thiết, và không đủ sức nặng để nói về một hiện tượng phòng vé năm 1960 và một vị đạo diễn làm thay đổi diện mạo của dòng phim kinh dị nói riêng, nền điện ảnh nói chung.
Tiếp sau tuyệt phẩm “Vertigo” (1958), “North by Northwest” (1959), Alfred Hitchcock cho ra rạp một phim đen trắng kinh phí thấp “Psycho”. 109 phút phim với các cảnh quay đầy tính dục, bạo lực, chết chóc đã giáng một đòn cực mạnh vào Hays Code quyền lực của Holywood. Hơn thế, kĩ thuật dựng phim chính là di sản mà Hitchcock để lại cho những nhà làm phim kinh dị về sau.
*Spoiler Alert*
Sự thay đổi nhân vật chính trong “Psycho” làm người xem khá bối rối với mở đầu là cô gái Marion Crane (Janet Leigh) trộm 40 nghìn đô của công ty, nhưng chỉ đến ⅓ phim, cái chết của cô đã nhường vai chính cho sát nhân Norman Bates (Anthony Perkins). Những mảnh tưởng chừng rời rạc, không liên quan, qua tư duy cắt dựng thiên tài của Hitchcock ghép thành toàn cảnh nội tâm những con người cuồng loạn.
Hai thân xác, một con người
Một người vô thức ăn trộm và một tên sát nhân có giống nhau không? Hitchcock bảo có. Ông đã gieo ý niệm này từ những cảnh đầu tiên Marion và Norman gặp nhau: luôn luôn có một tấm gương ở giữa, hay nói cách khác, hai người chính là hình ảnh phản chiếu của nhau. Rõ ràng hơn nữa là cuộc đối thoại tại phòng khách với sự đồng thuận của họ khi nhắc đến cái bẫy và sự điên rồ của con người.
Cảnh bỏ trốn , phi tang chứng cứ của hai nhân vật cũng được dựng giống nhau. Khi Marion đi ra từ chỗ mua bán xe cũ, cận cảnh mặt cô đang lái xe và cảnh con đường dài đầy xe cộ được chồng mờ, như cách cô hòa mình vào dòng xe, thoát khỏi ánh mắt viên cảnh sát. Với Norman, không có kĩ thuật chồng mờ này, anh chỉ lái chiếc ô tô chứa xác lẩn ra sau tòa nhà, thoát khỏi ánh mắt máy quay. Cùng với đó là các intercut trong suốt quá trình, cận cảnh khuôn mặt Marion, cắt sang cảnh con đường và bầu trời tối dần, cận cảnh biểu cảm của Norman, cắt sang chiếc xe chìm xuống vũng lầy. Tâm lý nhân vật từ lo lắng đến bình thản cùng diễn tiến phim lộ rõ qua nhát cắt mạnh bạo, chỉ trong 2 phút. 2 phút cho 40 ngàn đô biến mất, 2 phút cho một xác người chìm vào bùn đen.
Đến đây, tôi có chút liên tưởng về thuyết của S. Freud về bản năng, bản ngã và siêu ngã, tội lỗi của hai con người lúc này đơn giản xuất phát từ bản năng. Marion mưu cầu hạnh phúc với người tình trong cảnh thiếu thốn về kinh tế, còn chàng trai cô độc Norman bị hấp dẫn bởi cô gái tóc vàng này, ngay tức khắc “người mẹ” của anh đã ngăn cấm. Nhưng cách giải quyết của hai nhân vật lại khác nhau. Với Marion, cái siêu ngã không cho phép cô tiếp tục hành động sai trái của bản năng, và cô chọn quay về Phoenix, trả lại số tiền. Norman thì sao? Nhân cách người mẹ trong anh không kiểm soát được bản năng, thẳng tay giết chết Marion. Hitchcock đã rẽ hướng từ motif người xấu hoàn lương sang khai thác tâm lí một tên tội phạm đa nhân cách cuồng loạn bằng một cách không thể mượt mà hơn, và đây mới chỉ là bắt đầu cho câu chuyện kinh dị về Norman Bates.
Hai con người, một thân xác
Nếu chỉ đơn thuần liệt kê kĩ thuật được sử dụng trong phân cảnh giết Marion kinh điển thôi thì chưa đủ để bật lên cái hay của “Psycho”. Sự tài tình của Hitchcock còn thể hiện qua lối phát triển nhân vật trên từng shot phim, cách cắt.
Sau cuộc nói chuyện với Marion ở phòng khách, Norman Bates trở về căn nhà. Hãy xem căn nhà là ẩn dụ cho ba yếu tố chính của tính cách con người: tầng cao nhất là siêu ngã, tầng trệt là bản ngã, và hầm chứa hoa quả là bản năng, thì hành động của Bates chính là cuộc đấu tranh nội tâm. Đó chính là lúc bản ngã phải quyết định hành động tiếp theo. Một cú cắt đột ngột khi anh chuyển hướng từ cầu thang đi vào phòng ở tầng trệt cũng là sự thay đổi trong tâm lý. Góc máy từ sau lưng, không thấy mặt để bỏ qua nhân dạng của Norman Bates. Trên màn ảnh lúc này chỉ còn cuộc chiến giữa hai nhân cách: người mẹ hành động thuần bản năng, và người con trai cố níu lấy lẽ phải trong bản ngã của mình.
Giết Marion là tội ác đầu tiên Norman gây ra, với nhân cách của người mẹ. 78 shot và 52 cut, 45 giây đầy tiếng thét xen lẫn tiếng rít của violin, viola, cello đã chấn động không chỉ tâm trí người xem mà còn cả nền điện ảnh đương thời. Sự chậm rãi đến nghẹt thở khi cái bóng xuất hiện sau rèm tắm bị phá vỡ bởi hình ảnh con dao thô bạo đâm xuống, rồi lại bị cắt ngang bởi các khung hình đặc tả bộ phận cơ thể Marion, dòng máu hòa trong nước. Màn tra tấn đầu tiên của Hitchcock khép lại với hình ảnh bàn tay từ từ trượt xuống, nắm lấy chiếc rèm, dòng nước xoáy vào lỗ thoát, mờ dần chuyển sang cảnh đôi mắt mở to khiếp đảm của Marion. Quy tắc 180 độ biến mất, sự đan xen, hỗn loạn của các shot miêu tả xuất sắc giao tranh giữa tên giết người và nạn nhân. Ống kính 50mm không chỉ tạo cảm giác chân thực cho người xem, mà còn thể hiện điểm nhìn của Norman. Không chỉ có tác dụng tạo hiệu ứng, phân đoạn này còn là sự điên cuồng bộc phát của người mẹ. Chỉ cần xem tiếp trường đoạn Norman dọn dẹp sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Chậm rãi hơn, có tính toán hơn, khi cảnh giết người chỉ chiếm 45 giây, thì cảnh dọn dẹp là gần 6 phút. Máy quay di chuyển theo từng cử chỉ của nhân vật, jump cut cho thấy từng góc một của nhà tắm đều được dọn sạch sẽ, không sót lại chứng cứ nào trong căn phòng. Nhân cách của Norman lúc này đã trở lại, với hành động rửa sạch máu trên tay ngầm phủ nhận hành động giết người. Anh không nhận thức được rằng, dòng máu lại xoáy xuống lỗ thoát, tương đồng với cảnh dòng máu lúc “người mẹ” giết Marion, đó chính là cái bẫy dành cho anh, và anh chỉ đang xoáy sâu vào cái bẫy, không thể nào thoát ra, dù vũng lầy đã nuốt chửng chiếc xe ô tô.
Nhân cách người mẹ chiếm lĩnh con người Norman Bates ngày một nhanh hơn. Khi thám tử tư Arbogast đến tra hỏi Norman, sự căng thẳng trong cuộc hội thoại là sự căng thẳng của Norman, nhưng có vài chi tiết như một sự đe dọa từ người mẹ (hay bản ngã của Norman?): cuộc nói chuyện bị gián đoạn bởi chiếc bảng tên sáng đèn. Chỉ 1 giây, cú jump cut này làm ta không thể không liên tưởng đến lưỡi dao lấp lánh vung lên. Hay khi rướn người qua để xem cuốn sổ, low-angle shot được sử dụng thay vì over-the-shoulder phổ biến trong các cảnh đối thoại. Lại một lần nữa không thấy rõ khuôn mặt Norman, điều này vừa gây cảm giác nguy hiểm, vừa làm ta đặt ra câu hỏi: ai mới là người đang đứng trước Arbogast?
Cảnh Arbogast bị giết được sắp xếp hoàn toàn khác với phân cảnh trong nhà tắm. Chậm rãi với những góc máy tĩnh, máy quay chỉ di chuyển khi dõi theo Arbogast bước lên cầu thang, cắt sang cảnh cánh cửa từ từ hé mở. Vẫn là các cú jump cut, tiếng rít của đàn dây làm người xem nghẹt thở, nhưng lần này các shot dài hơn và số lượng ít hơn hẳn. Hình ảnh con dao lóe lên gợi nhớ lại shot bảng tên vụt sáng trước đó. Tiếng violin hoảng hốt tắt hẳn sau khi Arbogast ngã xuống, thay bằng trombone vang, trầm vừa là kết thúc một kế hoạch, vừa là độ điềm tĩnh của Norman. Các yếu tố này cho thấy có một sự tính toán, sắp đặt cho lần giết người thứ 2, đồng thời quyết liệt hơn. Đặc biệt, lần này người mẹ xuất hiện ở tầng 2 của ngôi nhà, chứng tỏ nhân cách người mẹ đã trỗi dậy mạnh mẽ, đi cùng với lý trí, dần dần kiểm soát con người Norman.
Nhân cách của Norman Bates cố gắng kháng cự một lần nữa. Sau khi nói chuyện với cảnh sát trưởng, anh đi lên nhà và đưa người mẹ xuống hầm. Sự kiên quyết của Norman được miêu tả ở cảnh bước vào nhà bị cắt, thay bằng một long take dõi theo cuộc hội thoại, và góc quay cao ở cuối take làm ta thấy rõ sự yếu ớt trong cách Norman khống chế người mẹ.
Nhưng, đưa “mẹ” xuống tầng hầm có làm cho nhân cách này trong Norman biến mất? Câu trả lời của Hitchcock được đặt ở trường đoạn Lila (Vera Miles) và Sam (John Gavin) đến nhà nghỉ Bates. Kĩ thuật dựng song song (cross cutting) được sử dụng cho thấy Lila đi vào căn nhà trong khi Sam đánh lạc hướng Norman. Khi xuống đến tầng hầm, các cảnh được chuyển theo phong cách truyền thống, dựa trên hướng nhìn của Lila. Lúc này, sự thật được Hitchcock phơi bày trước mắt khán giả theo cách vô cùng đơn giản, nhưng vẫn gây giật mình bởi cú cắt cận cảnh đầu lâu người mẹ xoay về ống kính. Norman không thể chiến thắng người mẹ bên trong anh, và anh bị Sam bắt trong bộ váy cùng mái tóc giả (hay “người mẹ” bị bắt?).
“Người mẹ” xuất hiện, rõ mồn một, với lý trí, toan tính là chương cuối hoàn hảo nhạc sĩ Alfred Hitchcock viết nên. Những người tham gia buổi hòa nhạc đã chịu quá đủ những cú cắt thót tim, sự nghẹt thở, cao trào trong chương 1 và 2 của bản giao hưởng về Norman Bates. Long take ghi lại nụ cười của Batesman chồng trên hình ảnh đầu lâu của người mẹ là dấu chấm hết cho cuộc đời Norman, và sự tiếp tục của cuộc đời người mẹ để trả giá cho chiếc xe ô tô được vớt lên từ vũng lầy.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất