về đâu đâu cũng là đâu đó
đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
(Nguyễn Bắc Sơn, Một ngày nhàn rỗi)
Trước khi tự kết liễu, Kiều Phong nói mình mang cái chết ra để tạ tội với nghĩa huynh là Gia Luật Hồng Cơ vì đã ép ông suốt đời không được mang quân đánh Trung Nguyên, để đổi lấy bình yên cho hai nước Liêu Tống. 
Nhưng hai câu thơ trên của Nguyễn Bắc Sơn dẫn đến một cách hiểu mới rằng, rất có thể Kiều Phong từng có một suy nghĩ về tình cảnh của mình: Không thể trở lại làm người Hán, bởi vì oán thù quá sâu đậm, nhưng cũng không thể nhập vào với người Khiết Đan, bởi vì ý chí của người Khiết Đan là xâm lược và nô dịch người Hán, dân tộc đã cưu mang nuôi lớn mình.
Chỉ còn một giấc mộng duy nhất là gác kiếm, tìm nơi hẻo lánh dựng túp lều tranh, sống những tháng ngày thôn dã yên bình cùng A Châu. Thế nhưng chính A Châu, vì sợi dây oan nghiệt, cũng chết dưới chưởng của Kiều Phong. Nghĩa là, khả năng cuối cùng của một mái nhà để trở về đã không còn. Kiều Phong lạc lõng hoàn toàn giữa thế giới. Và trong cái khoảnh khắc định mệnh ở Nhạn Môn Quan, cái suy nghĩ đó trở lại, khiến Kiều Phong quyết liệt hơn với lựa chọn cái chết.
Không thể nói cuộc đời của một đại anh hùng như thế là vô nghĩa. Trái lại, Kiều Phong luôn nỗ lực làm cho nó có nghĩa. Nhưng đứng ngoài vòng cương tỏa của luân lý, sự có nghĩa của cuộc đời Kiều Phong cũng không hơn gì sự có nghĩa của cuộc đời một con thiêu thân.
Nguyễn Bắc Sơn, với một cách hiểu truyện Kim Dung như thế, là một người như thế nào? Ở phía sau trang bìa của Chiến tranh Việt Nam và tôi ghi: “Năm 1963 chào vĩnh biệt nhà trường vì không có vị giáo sư nào biết đích xác con người sinh ra để làm gì. Nếu con người không biết mình sinh ra để làm gì cả, con người muốn làm gì thì làm. Nên nghỉ học.”
Ông gọi cái thời của ông sống là thời Xuân-Thu-Việt, hiển nhiên vì chính ông ở bên này vĩ tuyến 17 đang cầm súng bắn vào hàng ngũ phía bên kia mà rất có thể trong đó có cha ruột của ông. 
Các vị thánh hiền thời xưa
Bảo thế giới loài người
Giống như chiếc đuôi cong
Của loài chó
Chúng ta là những đứa trẻ con
Chổng khu vuốt chiếc đuôi này cho thẳng
Vuốt cho thẳng rồi
Thả tay ra là nó cong trở lại
Nếu mỗi chúng ta có làm điều gì tốt đẹp
Chẳng qua là để phát huy một tấm lòng son
Còn trái đất cứ ngày đêm sáng tối
Thịnh đã rồi suy
Suy rồi lại thịnh
Bố ơi bố đã ra về
Con ở lại làm thơ và chữa bệnh
Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
Thành hay bại chỉ là chuyện vặt
(Nguyễn Bắc Sơn, Chuyện hai bố con tôi)
Và một lần nữa, thái độ đó bị quy vào một chữ mà người ta đã chụp vào Nguyễn Tuân: “ngông”. Phê bình không thể nào tệ hại hơn nếu cứ lựa chọn những gì dễ dãi hay vừa tầm với.
The gods may throw a dice; their minds as cold as ice.
Trong mấy nghìn chuyến đi về của tôi, luôn thường trực một cảm giác không thuộc về bất cứ nơi nào và không biết nên đi đâu tiếp. Trong những bận rộn, đôi khi tôi quên mất rằng cái cảm giác đó còn đáng sợ hơn việc thất nghiệp ở tuổi 30. Vì phần lớn những người có một công việc lương cao và một gia đình êm ấm, nếu may mắn, trong một buổi chiều ném ánh nhìn bâng quơ vào khoảng không, sẽ nhận ra rằng họ cũng chỉ là một kiểu thiêu thân khác.