10 tuổi, tôi dành phần lớn thời gian rảnh để chơi Gameboy và đọc Doremon. Đây là một trong những điều tuyệt vời của tuổi thơ mà tôi sẽ hào hứng kể: lang thang đâu đó trong thế giới Pokemon và Doremon, kinh ngạc về những câu chuyện đã xảy ra, và luôn tò mò về những cuộc hành trình phía trước. Ví dụ như một truyền thuyết trong Pokemon, rằng khúc xương của Cubone được lấy từ mẹ; Cubone chỉ trưởng thành và ra riêng khi mẹ nó chết. Hay tại sao trong một tập truyện dài của Doremon, thuỷ triều từ lòng đất trào lên. Những thắc mắc này vốn thường không có giải đáp, cũng giống như những truyền thuyết vốn thường không có giải đáp. Những khoảng trống trong câu chuyện được sinh ra để cất giữ trí tưởng tượng mỗi người.
Đó là thời chưa có internet và chưa có streamer. Mọi thứ tôi biết đều thông qua một lượng ít ỏi thông tin và mang tính truyền miệng. Ví dụ như muốn bắt Dratini thì phải bỏ qua con Dratini đầu tiên câu được trong Safazi Zone, chờ con thứ 2 cắn câu. Chờ đúng 100s mới tung Ball. Tại sao lại thế thì tôi không biết, lúc đó chưa có khái niệm Game Design. Tôi nghe một ông anh kể vậy: ở tuổi lên 10 thì những ông anh là thứ cool ngầu và luôn luôn đúng. Tôi bắt được Dratini nhưng không đếm đến 100. Những ông anh cũng có lúc sai, nhưng không sao, 15 năm đã qua và tôi đã tha thứ cho điều đó!
Tôi nhận ra bản thân thích lang thang trong những mong đoán của người khác nhiều hơn là tìm kiếm  nguồn thông tin thật sự. Những câu hỏi luôn ở đó, và kể cả khi tôi có thể tiếp cận google, wiki, website, tôi vẫn thích nghe và nói về những lời đồn đại hơn. Tôi thích nghe người khác kể về việc tại sao họ nghĩ thế, mong muốn thế, tin rằng thế, hơn là việc tìm kiếm một câu trả lời tối thượng cho mình. Bản thân những câu hỏi có giá trị hơn câu trả lời. Tôi tin rằng đây là cách để Pokemon hay Doremon sống mãi trong lòng tôi: những câu hỏi không phải để trả lời.
Tôi nghĩ rằng các sản phẩm văn hóa, ở khía cạnh nhất định là sự rút ngắn thời gian trong việc học hỏi các yếu tố văn hóa. Nền khoa học đã trải qua hàng nghìn năm thử sai, và khi một người khi học về bánh xe, động cơ hơi nước... thì sẽ rút ngắn thời gian học của mình, không cần tua lại vòng thử sai vốn nhiều mệt mỏi. Tương tự, một sản phẩm văn hóa là yếu tố giúp chúng ta “chạm” nhanh hơn các giá trị văn hóa, ví dụ chúng ta không cần phải đi qua nhiều cung bậc cảm xúc để hiểu những giá trị cơ bản về mặt xã hội. Như trong văn học, chúng ta có được sự đồng cảm khi hiểu được bối cảnh và chạm đến cảm xúc của nhân vật. Một người 50 tuổi khi đọc Chiến tranh và Hòa Bình sẽ khác với một người 20 tuổi. Nhưng khi nghĩ về điều này thì tôi tự hỏi mình: Điều gì làm một người ở tuổi 50 đọc lại Chiến tranh và Hòa Bình?
Khi tôi 25 và nghĩ về tuổi lên 10, tôi nhận ra điều giúp tôi giữ lại những kỉ niệm xưa: không có ai bảo tôi phải làm gì với nó cả. Nếu tôi có một ông anh, tôi sẽ lắng nghe và tin tưởng, tôi sẽ chấp nhận và ngoan ngoãn, và điều tuyệt vời nhất là tôi được chỉ cho phải làm gì. Muốn bắt Dratini thì phải chờ 100s. Muốn chế tạo Doremon thì phải giỏi toán. Muốn cứu thế giới thì phải học cách yêu con người (Đấy là ông anh tôi bảo vậy chứ tôi vẫn tin vào bom nguyên tử!).
Khi đọc một cuốn sách hay chơi một trò chơi, chúng ta thường hình dung cách câu chuyện diễn ra. Khi đọc Gatsby và nhìn thấy “đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa”, khi đọc Anna tóc đỏ và nhìn thấy “cây anh đào đáng yêu đến rạng ngời”, hay khi chơi Pokemon và nhìn thấy Mewtwo mạnh vô địch và rất mực cool ngầu, tôi thường liên tưởng đến một câu hỏi. Và cố gắng đi đến câu hỏi bằng cách tưởng tượng những câu trả lời. Rồi tôi đi vào những cuộc hành trình, là những biến cố, mất mát, bài học, để dẫn tôi vào lớp lang cảm xúc của nhân vật, để tôi kiên nhẫn lòng mình phiêu lưu. Để có thể dẫn dắt người đọc/người chơi qua suốt những trang sách/màn chơi (mà có thể có nhiều chi tiết “không hợp ý”) như vậy, những người kể chuyện phải điểm hóa một hình tượng mang tính liên tục. Đó là ánh sáng dẫn dắt người đọc qua những bất cập của ngôn từ, bố cục, tình tiết. Đó là câu hỏi mà tác giả đã bắt người đọc/người chơi phải tự đặt cho mình.
Ánh sáng xanh có thật không? Anna có trở về không? Bắt Mewtwo có phải là mục đích cuối cùng? Không ai biết. Tác giả có thể có câu trả lời của riêng mình, và họ giấu trong những tình tiết ẩn. Về sau tôi đọc lại và gặp những tình tiết ẩn đó, tôi nhớ ra là đã có người viết về chúng. Lúc nhận ra đã có người viết về chúng, suy nghĩ của tôi không còn đơn độc. Ở đi học tôi không hiểu một cái cây “nở bung như trải hết lòng mình” là như thế nào, hay gửi “một cái phong kì rỗng không với tất cả sự tôn trọng” là sao. Giờ thì tôi hiểu hơn một chút, đỡ ngu thôi chưa hẳn hết ngu. May mà hồi đó tôi còn tò mò, đọc xem thiên hạ sống thế nào, mặc dù thiên hạ cũng trăm đường: nhiều người tuyệt vời, có người thật đáng chán, nhưng điều may là tôi cố gắng đọc đủ. Giờ khi vướng vào những tình huống đáng ngạc nhiên tôi sẽ gặp lại những con người đó trong kí ức của tôi, và thầm cảm ơn là họ đã ở đó. Đó là những người anh người chị của tôi, và họ đã ở lại với tôi, trong im lặng.
Việc đó khác với hiện nay, khi tiếp nhận cái mới dần trở nên khó khăn, khi cái tôi đã lấn át mọi thứ khác, tôi thấy bản thân dần như không còn những câu hỏi.  Không còn kiên nhẫn để đi đến cùng câu chuyện, không còn đủ cảm thông khi kẹt mãi trong rắc rối, và dễ dàng tự thuyết phục mình bằng câu: chẳng để làm gì. Tôi hơi lo sợ câu này mắc kẹt trong đầu tôi, bởi vì hai mấy rồi mà chẳng-để-làm-gì thì sau này chắc chẳng-làm-được-gì thật.
Khi nghĩ về tác giả, tôi hay hỏi điều gì đã thôi thúc họ làm vậy. Giống như có một hộp đen kì bí, họ vừa bảo vệ vừa chỉ dẫn bằng những lớp lang ý tứ. Khi tiến đến tận cùng, tôi thường không tìm được cái hộp đen đó. Tôi chỉ biết rằng hình như đã có một cái hộp đen. Có thể nhiều năm sau, tôi mới nhận ra cái hộp đen đó. Một câu hỏi quan trọng mà sự vô phép của tôi đã bỏ qua? Hoặc tệ hơn, đã khinh nhờn? Tôi chịu, câu hỏi đẻ thêm câu hỏi, mà còn lạm phát nữa, thật như tế bào ung thư vậy.
Nói chung tôi viết chấm phẩy vậy thôi, không có ý gì cao siêu. Mục đích của bài viết này là để marketing cho trang web hiepsibaotap.comd176.co của ông anh tôi. Ông anh này hồi trước hay ngâm nga bài Jolene của Ray, rồi mới gần đây rủ tôi nghe nhạc Cuba. Ổng rủ tôi bằng cái giọng nhẹ nhàng thật dịu dàng, làm tôi nghĩ ổng bị ung thư tinh thần thật rồi. Rồi tôi phán, bệnh này chờ chết thôi, chẳng chữa được đâu thưa anh. Rồi tôi tặng ổng lá bài Phù Thuỷ Thời Gian bản gốc tiếng Nhật, hàng hiếm mà tôi lùng mãi mới được. Ông gật gù cảm ơn!

Thật không biết ổng hiểu ý tôi không?