Ngày Mẹ Làm Dâu
Đầu năm 1995, Mẹ tôi kết hôn, với Ba tôi, cũng là người chồng duy nhất tính đến hiện tại của Mẹ. Vậy mà cũng gần 25 năm kể từ giây...
Đầu năm 1995, Mẹ tôi kết hôn, với Ba tôi, cũng là người chồng duy nhất tính đến hiện tại của Mẹ. Vậy mà cũng gần 25 năm kể từ giây phút Mẹ nguyện ý cùng Ba xây dựng gia đình, mấy hôm nữa là kỷ niệm ngày cưới của Ba Mẹ rồi, tự nhiên tôi muốn viết về Mẹ quá.
Mẹ tôi có cái tên rất bình dị: NGÔ THỊ VÂN.
Mẹ lấy Ba khi Mẹ chỉ vừa 18 tuổi. Nhà bà ngoại nghèo, và lấy chồng là sự lựa chọn duy nhất lúc ấy để Mẹ có thể giảm bớt đi gánh nặng nhọc nhằn, đông con của một gia đình làm nông, xa xứ, di dân từ Hà Tĩnh vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Mong ước duy nhất của Mẹ là lấy được một người đàn ông đủ cha đủ mẹ, sống gần nhà để tiện phụ giúp gia đình và các em. Rồi Mẹ chọn Ba, như mối duyện nợ đã định từ kiếp trước. Năm đó, Ba tôi 21 tuổi. Bà ngoại chỉ dặn Mẹ một điều:"Lấy nó, rồi mày sẽ khổ lắm. Nó nóng tính quá!"
Rồi những chuỗi ngày khổ cực nhất Mẹ cũng được nếm trải...
Nhà ông nội chê nhà ngoại nghèo, chê Mẹ tôi không xứng. Chưa kể tuổi Ba Mẹ xung khắc, nên ông nội càng chẳng ưa. Các bác, các cô cũng gây khó dễ, lời ra tiếng vào. Chỉ có duy nhất Ba tôi nhất quyết đòi cưới Mẹ tôi về bằng được, đâm ra ông nội cũng đành xuôi.
Mẹ mang thai tôi cực khổ gấp trăm vạn lần những gì tôi có thể tưởng tượng. Mẹ đói không có gì ăn, ngoài vài con cá khô với cơm trắng. Lúc nghén, đói quá, chỉ biết lục cơm nguội. Tủi nhục là thế nhưng Mẹ kiên cường lạ.
19 tuổi, Mẹ sinh ra tôi. Ngày còn xuân, khi chưa chồng, Mẹ phụ bà ngoại bán rau, bán giá, khi thì đôi ba củ khoai, lúc dăm quả cà chua ngoài chợ. Mẹ đẹp, nước da trắng nõn nà như gái vùng Tây Bắc. Ai cũng trêu mẹ là "dân tộc Cao Bằng" là vì thế. Ông nội tôi không thích cháu gái. Ông gia trưởng và tư tưởng cổ hủ. Lúc tôi sinh ra là con gái, lại rơi vào ngày 13 tháng Chạp năm 1995 Âm lịch, ông càng bực bội. Tuổi tôi và Ba Mẹ xung khắc. Ông đem tôi gửi lên chùa cho dễ nuôi. Nghe Mẹ kể đâu đó 500.000 VNĐ, gần một chỉ vàng lúc đó.
Cô Uyên - chị gái kế trên Ba tôi cũng sống gần đó. Người ta có câu "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" cũng chẳng sai. Cô Uyên không ưa Mẹ, cũng chẳng biết vì sao. Chắc phận Mẹ tôi làm dâu, nên muốn lấy le cho nhà chồng. Tôi đoán vậy, vì thực sự bản chất cô tốt, chỉ hơi có chút "tiểu thư". Đến giờ, cô vẫn còn giữ nguyên cái sự yếu đuối và thích được người khác chăm lo cho từng tí. Cô Uyên hay làm khó làm dễ Mẹ tôi. Cô nói với ông nội "Nó đẻ chả chịu làm gì, lấy gì cho con ăn?". Mẹ tôi uất ức lắm. Thử hỏi, 18 tuổi lấy chồng, 19 tuổi sinh con, nứt mắt ra đời lấy thời gian đâu mà kiếm tiền. Công việc chẳng có, học hành đứt gánh. Nhưng Mẹ tôi không trách cô, đó là động lực để sau này Mẹ vươn lên và chứng minh cho mọi người thấy. Bốn năm sau, khi bầu thằng Lịch em trai tôi, Mẹ để Ba ở nhà chăm, Mẹ một mình đi chợ xa cách đó cả 15 cây số. Em tôi vì thế mà cai sữa sớm, nhưng bù lại cả tôi và em đều rất khoẻ, chưa một lần phải lên viện vì ốm đau. Mẹ tôi nói đó là một niềm may mắn trong đời Mẹ.
Bà nội tôi có sạp bán đồ giấy vàng (đồ vàng mã) và cau trầu ngoài chợ huyện. Từ ngày về làm dâu, Mẹ tôi cũng học bà để sau có cái nghề nuôi thân; đến nay Mẹ tôi vẫn giữ cái nghiệp này. Bà nội tôi thương Mẹ lắm. Duy chỉ có ông nội là khó tính, khắt khe xưa giờ. Mà đó là bản tính của ông từ ngày xửa ngày xưa, ông "khét tiếng" ở quê, đến nỗi năm 22 tuổi, lần đầu về thăm quê nội, mọi người kể lại vẫn không hết bàng hoàng. Ông nội tôi giỏi giang, làm ở Hợp tác xã, nhà cũng nhiều của ăn của để; nhưng ông khái tính vô cùng. Sau này bán hết đất đai vào trong Đắc Lắc làm kinh tế mới, ai cũng tiếc, cũng vì thế mà gia cảnh nhà nội cũng cũng sa sút đi nhiều. Ngoài bà nội, chẳng ai ở được với ông, người ngoài nhìn bà đều khâm phục. Có điều, bà khổ quá. Nhắc đến bà, ai cũng thương. Phải chăng vì lẽ đó mà bà luôn dành tình cảm đặc biệt cho Mẹ.
Có lần nhà ông có thức ăn còn thừa, bà lén mang sang cho Mẹ tôi. Nực cười nhỉ, mẹ chồng cho con dâu đồ ăn mà còn phải lén lén lút lút. Ông nội tôi biết chuyện, đập tan tành chén bát. Ông thà cho chó ăn, thay vì cho con dâu. Đến giờ tôi vẫn không hiểu, vì sao ông đáng sợ đến vậy! Từ đó, bà mang gì sang bà cũng trút cái rụp vào tô dĩa của Mẹ, rồi vội vã mang chén bát của bà về, tránh để ông nhìn thấy. Ông hỏi thì bà bảo đổ sau vườn cho chó ăn. Nếu là bạn, nghe được câu đó, bạn có đau lòng không? Còn tôi, mỗi lần nghe lại câu chuyện này, mắt tôi đều rơm rớm, tôi thương Mẹ một, tôi thương bà nội tôi mười.
Bác Quế và vợ bác cũng chẳng ưa gì Mẹ. Chê nhà Mẹ nghèo nên hay khích bác với ông rằng Mẹ lén lấy đồ mang về cho bên ngoại. Mẹ uất quá cũng chẳng làm gì được. Bác còn khuyên Ba tôi đưa mẹ con tôi ra sống cùng nhà bác cho vui, còn mảnh đất hiện tại ông bà nội cắt cho Ba Mẹ thì để lại cho bác. Mẹ tôi đương nhiên không chịu, vì Mẹ hiểu sự toan tính sau lòng-tốt của bác. Ngày ông nội còn sống, thú thực Mẹ chẳng giúp gì được cho ông bà ngoại. Mẹ khổ cũng cắn răng chịu được suốt 10 năm trời chẳng dám kể với ai vì sợ làm bà ngoại phiền lòng. Cũng vì thế mà bây giờ Mẹ không bao giờ thúc ép chuyện tôi kết hôn. Mẹ sợ tôi khổ sớm.
Ba tôi cũng là một người mang đến cho Mẹ nhiều nỗi khổ. Ngày trẻ, nhà ông nội giàu có, Ba là công tử, con thứ 5 trong nhà, dưới còn chú A là út, nên được nuông chiều. Ba được đi học hết Phổ thông, ăn uống chẳng bao giờ sợ thiếu. Nhưng Ba mang trong mình dòng máu gia trưởng, ngỗ nghịch và nóng nảy của ông nội. Không có thứ gì Ba không thử, không thể loại nào ba chưa chơi qua. Nhớ ngày còn ở Nghệ An (quê nội), Ba bị ông nội đánh, bơi vượt sông Lam trốn sang Hà Tĩnh rồi lẩn sang tận Thanh Hoá biệt tích. Chưa kể Ba còn bỏ sang Trung Quốc, lên Tây Bắc, phiêu bạt tứ phương. Ba tính thương người, nhân hậu nhưng không bao giờ kiểm soát được sự nóng nảy của bản thân, đó là cái làm Mẹ tôi khổ. Chưa kể ba không biết cách chi tiêu tiền bạc, không giỏi tính toán kinh tế, cái đó càng làm Mẹ tôi thiệt thòi.
Tôi còn nhớ, tuổi thơ tôi ngoài những nụ cười là những kỉ niệm cười ra nước mắt khi đêm nào bà nội và Mẹ cũng bế tôi đi bộ dọc khắp huyện tìm Ba đang đánh bài. Ba đánh từ sòng này sang sòng nọ, nay chỗ này mai chỗ khác khiến Mẹ tôi khóc rất nhiều. Một đêm khi tôi đang ngủ trong căn nhà gỗ ọp ẹp trên miếng đất ông nội cắt ra cho Ba Mẹ, thì nghe tiếng Mẹ tôi gào khóc. Tỉnh dậy, tôi thấy Mẹ đang nhét quần áo vào một cái bao đựng gạo, vừa nhét vừa khóc giàn giụa. Mẹ hỏi tôi "Lê, giờ mày theo mẹ, hay theo ba?". Mãi sau này tôi mới hiểu, do lúc đó Mẹ giận Ba vì mê bài bạc quá, nên Mẹ doạ bỏ để Ba sửa đổi. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Phải mãi sau nhiều năm sau, Ba tôi mới dứt hẳn cái tật xấu ấy. May mắn là đến nay đã chẳng còn.
Ba hay đánh Mẹ. Cũng như ông nội thường đánh bà. Có lần tôi nhớ, trong một lần ông cự cãi với bác Quế, bà nội ra can ngăn, kết quả lại làm bà bị gãy tay. Mãi tới sau này bà mất, bác Quế vẫn còn trách ông nội mãi. Năm tôi lớp 6, Ba tôi bị tai nạn, gãy chân. Lúc đó, nhà không có tiền, Mẹ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền cho Ba mổ. Bác Quế tôi lúc ấy thì giàu lắm, thời đó bác đã đi con xe Wave Alpha hơn 20 triệu, còn nhà tôi thì vẫn lẹt đẹt. Vậy mà, bác không hề giúp lấy đứa em trai của mình đang nằm trên viện. Bác và vợ còn đặt điều nói Mẹ tôi đi theo trai khi Ba tôi ở viện, nghe có chua xót không cơ chứ? Ông nội cho Mẹ vay ít tiền, nhưng sau đó qua nhà siết ti vi vì Mẹ tôi chưa kịp trả. Chẳng hiểu còn cay đắng nào Mẹ chưa từng nếm trải?
Mẹ tôi vay bất kỳ ai có thể. Lúc đó, Lịch em trai tôi cũng còn nhỏ. Chúng tôi được gửi lên nhà cô Uyên để Mẹ có thời gian chăm sóc Ba. Chắc đó là những tháng ngày cay đắng chẳng kém gì hồi mới về làm dâu của Mẹ. Bà nội lúc đó cũng mất rồi, Mẹ chẳng còn ai để san sẻ. Đến bây giờ, ai cho Mẹ vay đồng nào, Mẹ vẫn khắc cốt ghi tâm. Hồi Ba gãy chân, Mẹ đang mang thai. Nhưng hoàn cảnh lúc đó không cho phép, nên Mẹ bỏ em. Tự nhiên viết tới đây, tôi không kiềm được nước mắt.
Ba được xuất viện về. Chăm Ba cực lắm. Ba đau chân, đâm ra Ba càng khó ở. Ba cau có và thường xuyên nổi giận với Mẹ. Có một lần Ba tức tối, Ba ném thẳng cái cốc thuỷ tinh lên tường, tất cả mảnh vỡ rớt xuống người Mẹ. Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cảnh tượng hãi hùng đó. Tôi sợ quá, chạy ra thềm. Cảm giác lúc đó đau lòng lắm.
Mẹ tôi không còn yêu Ba, đó là tình thương, tình nghĩa và cũng là cái nợ từ kiếp trước mà Mẹ tôi cần trả. Mẹ thường nói với tôi vậy khi tôi lớn. Suốt 25 năm lấy chồng, Ba chưa mua nổi cho Mẹ một bộ quần áo hay cái băng vệ sinh (Mẹ tôi mỗi khi khóc lên uất ức thường nói như thế).
Người ta lấy chồng nhờ chồng, Mẹ tôi lấy chồng khổ vì chồng.
Có những lúc Ba chửi mẹ, Ba lôi cả ông bà ngoại, anh chị em rồi tổ tiên dòng họ bên ngoại lên để xúc phạm. Riêng Mẹ, dù có chuyện gì xảy ra, Mẹ chưa một lời thiếu tôn trọng Ba hay gia đình bên nội. Có lần, Ba tôi chửi và đánh Mẹ, khi đó tôi đã học đại học, Mẹ buồn quá chạy ra mộ ông bà nội tôi khóc nức nở. Cuộc đời Mẹ, đắng cay sao mà nhiều quá!
Ngày bà tôi mất, người bà lo nhất chính là Mẹ tôi. Bà sợ Mẹ không có tiền góp với anh chị em bên chồng chuyện lo toan hậu sự cho bà, nên bà dúi riêng cho Mẹ 1 triệu bảy trăm ngàn, dặn "cất cho kỹ, sau mẹ mất thì góp với chúng nó không chúng nó lại coi thường". Mẹ tôi đem gửi bên nhà ngoại, sau này lo chuyện hậu sự cho bà nội mới lấy về.
Lúc còn học phổ thông, tôi sợ nhất là cảm giác xin tiền học. Vì chỉ cần xin tiền, Ba Mẹ tôi sẽ lại cãi nhau. Ba tôi không có tiền, chẳng biết vì Ba không đi làm hay vì Ba tiêu xài hết, chỉ biết trong nhà từ cơm nước, tiền điện, tiền cáp, tiền ăn uống và tiền học của chúng tôi đều một tay Mẹ lo. Còn Mẹ tôi thì ... bạn hiểu đó, khi phụ nữ họ khổ cực và gánh gồng nhiều quá thì chẳng biết làm gì ngoài sự cáu giận nhất thời với con cái. Tôi hiểu, nên tôi thương Mẹ. Ngoài tiền học trên lớp, tiền học thêm tôi đều xin cô miễn cho hoặc vì cô giáo quý nên tôi chẳng phải đóng đồng nào. Cũng là một cái may mắn và biết ơn, tôi ghi nhớ mãi đến giờ!
Lần đầu tiên tôi có quà sinh nhật ... đó là một chiếc bánh bao. Tôi ít khi được ăn bánh bao lắm, dù chỉ có 500đ hay 1.000đ nhưng thú thực Mẹ tôi không đủ khả năng để chăm lo thêm những khoản chi tiêu vặt ấy cho tôi được nữa. Mình Mẹ gồng gánh cả gia đình 4 người đã là quá đủ mệt mỏi rồi.
Khi tôi thoát ly năm 17 tuổi ra Thủ đô học Đại học, đó cũng là quãng thời gian Mẹ bắt đầu được thảnh thơi. Gia đình chúng tôi khấm khá hơn, Ba tôi cũng bớt cọc cằn. Ông nội tôi mất năm tôi cuối lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp. Trước khi ông nhắm mắt xuôi tay, khoé mắt ông nước mắt vẫn còn chảy. Chắc có lẽ ông nhìn lại những năm tháng còn sống, ông hiểu ra được nhiều điều. Giây phút khi lìa xa cuộc đời, ai trong chúng ta cũng đều có những cảm xúc đặc biệt. Mẹ tôi cũng chưa bao giờ trách cứ ông nội tôi điều gì. Bác Quế cũng mất năm tôi học năm hai Đại học, sau ông nội tầm 1 năm. Những ngày cuối cuộc đời, bác xin lỗi Mẹ tôi, gọi Mẹ tôi một tiếng Thím sau suốt gần 20 chục qua. Bác mất vì ung thư gan. Nghĩ lại mới thấy cuộc đời này, cứ sống tốt, mọi sự ông trời đều đã an bài ...
Bàn tay Mẹ gồ ghề, sần sùi và nhăn nheo. Nắm đôi bàn tay khô ráp ấy, tôi thương mà tự hào về Mẹ tôi khôn tả. Tôi ngưỡng mộ Mẹ về sự đức hạnh và ngay thẳng. Cuộc đời này tôi chỉ mong giữ được cái tâm sáng ngời như của Mẹ tôi là đủ đầy. Mẹ luôn bảo tôi và Lịch là tài sản lớn lao nhất mà Mẹ có được ở kiếp này! Nên tôi không thể phụ lại những gì Mẹ hy sinh và dành tặng cho chúng tôi ...
Giờ tôi đã lớn, đã độc lập và tự đi trên đôi chân mình ngót nghét 7 năm rồi. Tôi muốn chăm sóc và bù đắp cho Mẹ nhiều nhất có thể. Trong đói khổ và cơ cực, Mẹ luôn giữ được sự tử tế và bao dung nên chẳng có lẽ gì tôi cho phép mình mất đi điều đó; nhìn tấm gương Mẹ như một sự nhắc nhở chính bản thân tôi giữa cuộc sống bộn bề này.
Lời cuối trước khi dừng bút, tôi chỉ muốn nói là: Cảm ơn Mẹ vì đã sinh ra con, càng cảm ơn vì Mẹ là Mẹ của con!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất