Đây là những bức ảnh mà chỉ cần một cú click chuột là ai trong mỗi chúng ta cũng có thể nhìn thấy. Thế nhưng, để có được những bức ảnh phơi bày hiện thực tàn khốc của chiến tranh như thế này, những người phóng viên hiện trường đã phải trải qua biết bao khó khăn, sự nguy hiểm của đạn bom, súng bắn,... nhằm đem đến cho độc giả những cái nhìn vô cùng chân thật.
Bức ảnh Em bé Napalm do phóng viên ảnh Nick Ut chụp trong chiến tranh Việt Nam.
Bức ảnh Em bé Napalm do phóng viên ảnh Nick Ut chụp trong chiến tranh Việt Nam.
Bà mẹ cùng các con ở Quy Nhơn (Bình Định) vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. Bức ảnh trong bộ Hồi niệm đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1966. Ảnh: Kyoichi Sawada.
Bà mẹ cùng các con ở Quy Nhơn (Bình Định) vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. Bức ảnh trong bộ Hồi niệm đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1966. Ảnh: Kyoichi Sawada.
Gian nan, khó khăn, nhọc nhằn và nguy hiểm có lẽ là những tính từ miêu tả chân thật nhất về phóng viên chiến trường - về những người bất chấp đối mặt với tử thần để ghi lại những khoảnh khắc hiện thực sống động đầy khốc liệt của chiến tranh. Là một trong những loại hình “danh giá” nhất của báo chí và được coi là “người kể sử”, là “nhân chứng chiến tranh”, những phóng viên chiến trường thực sự là ai, họ làm việc như thế nào và phải đương đầu với những điều gì? 
Sắp tới, hân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm tri ân những thế hệ nhà báo đi trước đã có công gây dựng lên sự nghiệp báo chí nước nhà và để tìm hiểu sâu hơn về hoạt động của họ, hôm nay hãy cùng mình khám phá về phóng viên chiến trường - nghề nghiệp được cho là đặc trưng và nguy hiểm nhất của báo chí cũng như thế giới này nhé!

Phóng viên chiến trường thực sự là ai?

Phóng viên chiến trường là nghề đã xuất hiện từ lâu đời, thậm chí có trước khi hình thành và phát triển của ngành báo chí hiện đại. Nhiều học giả cho rằng, phóng viên chiến trường là một bước phát triển tương đối mới của lịch sử nhân loại. Theo đó, ở thời cổ xưa, các bài báo, câu chuyện dài sẽ được viết ra khi xung đột hoặc cuộc chiến đã kết thúc. Những người viết lại chúng sẽ được xem là phóng viên chiến trường khi tận mắt chứng kiến cuộc chiến xảy ra. Những phóng viên chiến trường đầu tiên xuất hiện có thể kể đến như: Thucydides - người đã viết về Chiến tranh Peloponnisos vào năm 424 TCN, hoàng đế La Mã Julius Caesar - người đã mô tả cuộc chinh phục Gaul của ông vào năm 55 TCN….
Ở thời hiện đại, để có thể đưa tin về chiến trường một cách chân thực và sống động đến độc giả các phóng viên đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm để có được những hình ảnh và các thước phim quay thực tế. Bởi vậy, họ phải là những người có mặt tại chiến trường và thực sự chứng kiến xung đột nổ ra. Phóng viên chiến trường theo kiểu hiện đại đầu tiên được cho là họa sĩ người Hà Lan, Willem van de Velde khi năm 1653 ông đã trực tiếp tới vùng biển để quan sát trận hải chiến giữa người Hà Lan và người Anh.
Trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), sự xuất hiện của phóng viên chiến trường với vai trò đưa tin về các sự kiện chiến tranh đã trở thành một phần không thể thiếu của ngành báo chí. Những phóng viên đầu tiên được gọi là phóng viên chiến trường thường là những nhà báo và nhà văn có kinh nghiệm, có khả năng tìm hiểu và ghi lại những thông tin quan trọng trong chiến tranh.
Một trong những phóng viên chiến trường hiện đại đầu tiên có thể kể đến là Ernest Hemingway, nhà văn nổi tiếng của Mỹ, ông đã tham gia làm phóng viên cho báo Kansas City Star và sau đó cho báo Toronto Star. Hemingway đã đến châu Âu và đưa tin về cuộc chiến tranh thế giới đầu tiên. Đặc biệt, những trải nghiệm này của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nổi tiếng của Hemingway sau này.
Ernest Hemingway - một trong những phóng viên chiến trường hiện đại đầu tiên.
Ernest Hemingway - một trong những phóng viên chiến trường hiện đại đầu tiên.
Ngoài Hemingway còn có John Reed, nhà báo người Mỹ và tác giả của cuốn "Ten Days That Shook the World", tài liệu về Cách mạng Nga; William Beach Thomas, một phóng viên người Anh đưa tin về cuộc chiến tranh thế giới đầu tiên cho tờ báo Daily Mail…
Khi nhắc đến phóng viên chiến trường, chúng ta thường nghĩ tới hình ảnh của những phóng viên đang đứng giữa chiến trường bom đạn, nơi cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra và đưa tin đến công chúng. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn và nỗ lực không ngừng nghỉ của những phóng viên này. 
Trong thế giới báo chí, phóng viên chiến trường là những người đặc biệt, vì họ phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm và áp lực về thời gian để đưa tin chính xác và đầy đủ về những sự kiện quan trọng. Họ phải đi đến những khu vực chiến tranh, thường là những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, để tìm hiểu và ghi lại những thông tin cần thiết về những cuộc chiến đang diễn ra.
Không chỉ là người đưa tin, phóng viên chiến trường còn là những nhân chứng quan trọng của lịch sử. Những bài báo và những hình ảnh mà họ ghi lại có thể làm thay đổi cách nhìn của thế giới về những cuộc chiến tranh và những người tham gia vào cuộc chiến.
Đặc biệt, khi phải đối mặt với những cảnh tượng đau lòng và những mất mát lớn trong các khu chiến sự sẽ tác động đến cảm xúc của họ, để lại trong họ những nỗi đau và kí ức khó quên, thậm chí đôi khi còn tác động tiêu cực đến chính công việc và cuộc sống cá nhân của những phóng viên này.
Vậy nên, phóng viên chiến trường không chỉ đơn thuần là những người đưa tin, mà còn là những nhân vật quan trọng của lịch sử. Họ đáng được tôn trọng và đánh giá cao vì sự cống hiến cho ngành báo chí và cho xã hội.

Làm phóng viên chiến trường không phải chuyện dễ

Với tình yêu nghề và sự nhiệt huyết, những phóng viên chiến trường đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, bám trụ ở những mảnh đất máu lửa, truyền đi những thông tin “nóng bỏng” để cả thế giới có thể hiểu rõ về bản chất của chiến tranh, để mọi người có thể thấu cảm được sự đau khổ và bất hạnh của người dân ở những khu chiến sự căng thẳng. 
Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp ngoài chiến trường, phần lớn các phóng viên lại đều không được trang bị các phương tiện che chắn, bảo vệ như mũ, áo chống đạn... Họ cũng không được đào tạo bài bản về cách đối phó với những tình huống có thể đe dọa mạng sống. Những trang thiết bị mà phóng viên có trong tay là chiếc máy ảnh, cây bút, quyển sổ, hay với chiếc máy quay phim cùng với niềm tin về việc sự thật được phơi bày sau những thước phim, bài viết. 
Vì lẽ đó, các phóng viên chiến trường thường là mục tiêu bị bắt cóc của khủng bố, phải chịu áp lực rất lớn về thể chất và tinh thần, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Đơn cử có thể kể đến nhà báo người Mỹ James Foley thuộc hãng tin AFP hay người đồng hương Steven Sotloff làm cho tờ Time đã bị IS bắt cóc và hành hình khi họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp….
Nhà báo được cho là James Foley trước khi bị hành quyết. Ảnh: Reuters.
Nhà báo được cho là James Foley trước khi bị hành quyết. Ảnh: Reuters.
Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ mang sự thật về, phóng viên phải trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trước hết, phóng viên cần có những hiểu biết nhất định về nơi chiến sự xảy ra, môi trường, khí hậu cũng như lịch sử, truyền thống của vùng đất, con người ở đó. Phóng viên phải có hiểu biết nhất định về tâm lý, các phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương, tâm lý của những binh sĩ đang chiến đấu tại chiến trường, từ đó mới có các đánh giá khách quan, sâu sắc hơn về cuộc chiến đang diễn ra.
Để làm một phóng viên chiến trường theo Viện An toàn Tin tức Quốc tế (INSI) cần phải chuẩn bị chu đáo toàn diện bao gồm cả mặt vật thể chất lẫn tinh thần. Đối mặt với những nơi diễn ra xung đột hoặc chiến tranh yêu cầu phóng viên phải có khả năng ít nhất là chạy, trốn và chịu đựng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Chính vì thế, phóng viên nên tham gia một khóa học trong môi trường thù địch bao gồm những bài học huấn luyện an ninh và cứu thương cơ bản trước khi dấn thân vào thực địa. Đây là điều cần thiết và INSI cũng cung cấp những khóa đào tạo như vậy cho các hãng tin tức.
INSI đưa ra lời khuyên các phóng viên chiến trường nên mang theo những công cụ phòng thân hợp lý cùng một bộ đồ sơ cứu cơ bản. Bên cạnh đó, phóng viên chiến trường nhất thiết phải đeo một chiếc vòng tay nhận diện quốc tế với y hiệu (biểu tượng hai con rắn quấn vào nhau trong y học) cũng như có một số thông tin về tiền sử dị ứng và nhóm máu.
Nên mặc các trang phục thường dân và tối màu, không đeo trang sức hay mang theo các vật dụng đắt tiền là lời khuyên đắt giá của INSI cho các phóng viên chiến trường khi tham gia tác nghiệp. Ngoài ra, các phóng viên chiến trường cũng cần chuẩn bị những trang thiết bị thiết yếu như:  áo chống đạn, áo giáp, mũ bảo hiểm và mặt nạ chống độc… để bảo vệ chính mình trong những trường hợp bất chắc. 
Thêm một vấn đề nữa mà INSI cảnh báo, đó là cần phải hợp tác với lực lượng quân đội từ trước khi tác nghiệp. Rất nhiều binh lính ở chiến trường không được huấn luyện tốt, thiếu kinh nghiệm và rất dễ sợ hãi. Họ sẽ bắn ngay khi họ cảm thấy bất an. Đừng cho là họ có thể nhận ra phóng viên chiến trường nhất là trong tình trạng chiến đấu dày đặc. Ngoài ra, nên có sự đồng ý của quân đội trước khi chụp hình hay quay phim và nắm rõ tính nhạy cảm địa phương trong mỗi bức hình của mình.
Có thể thấy, để làm một phóng viên chiến trường thực thụ hoàn toàn không hề dễ dàng và bắt buộc phải có yêu cần cao về nghiệp vụ cũng như khả năng chịu đựng. Đây chắc chắn sẽ không phải công việc mà bất kì ai cũng có thể làm được. 

Sinh nghề - tử nghiệp, muôn nỗi gian truân

Theo Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (Committee to Protect Journalists - CPJ), tính đến tháng 5 năm 2023, có ít nhất 1.499 phóng viên đã thiệt mạng trong khi đang làm nhiệm vụ kể từ năm 1992, trong đó phần nhiều là các phóng viên chiến trường. Điều chua xót hơn là con số thương vong của các nhà báo chiến trường không ngừng gia tăng theo từng năm.
Đặc trưng của nhiều cuộc xung đột trong thời đại này khiến cho người phóng viên chỉ có thể hành nghề một mình và thường phải bám theo phía quân nổi dậy. Chính vì vậy họ dễ bị tổn thương và rơi vào nguy hiểm hơn.
Đơn cử nhất có thể kể đến cuộc nội chiến ở Syria, khi bước sang năm thứ 3 đã có hơn 100.000 người chết (theo thống kê của Liên Hiệp Quốc), chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại nước mình. Họ chỉ cấp visa cho nhà báo trong những trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép các phóng viên nước ngoài đi theo các tour do nhà cầm quyền hướng dẫn. Vì thế, để có thể đưa tin về cuộc xung đột này, phóng viên nước ngoài chỉ còn có một lựa chọn khả dĩ hơn là đi theo quân nổi dậy. Các phóng viên nước ngoài ở Syria cho biết khi đi theo quân nổi dậy, họ mặc sức muốn đi đâu, làm gì tùy ý. Nhưng điều này có nghĩa là họ phải rơi vào thế đối đầu không mong muốn với quân đội chính phủ và hứng chịu mọi vũ khí hạng nặng của quân chính phủ trút xuống, từ tên lửa đến bom sát thương cao. Đó là chưa kể tới việc họ phải sống giữa các nhóm phiến quân vốn đầy bất trắc lẫn điều kiện sống thiếu thốn.
Bị tấn công bởi lực lượng quân địch, sát thương cả về vật chất lẫn tinh thần hay thậm chí là phải hy sinh bằng tính mạng của mình là những khó khăn mà không một phóng viên hiện trường nào là không gặp phải. Năm 2002, cả thế giới bàng hoàng khi Daniel Pearl, phóng viên Wall Street Journal bị bắt cóc và giết hại tại Pakistan. Các băng nhóm cực đoan sau đó đăng tải đoạn video ghi lại vụ hành quyết lên mạng khiến cả thế giới sốc bởi sự dã man của tội ác cũng như mức độ nguy hiểm trong công việc của nạn nhân. Vào năm 2014, phóng viên chiến trường Foley cũng bị bắt cóc và hành quyết… Tất cả đã cho thấy hiện thực đầy khắc nghiệt mà các phóng viên chiến trường đang  phải đấu tranh để đem đến những nguồn tin quý giá cho độc giả.
Daniel Pearl, phóng viên Wall Street Journal bị bắt cóc và giết hại tại Pakistan.
Daniel Pearl, phóng viên Wall Street Journal bị bắt cóc và giết hại tại Pakistan.
Bên cạnh đó, CPJ cũng ghi nhận công việc của phóng viên chiến trường ngày nay nguy hiểm hơn xưa. Họ ngày càng phải đối mặt với quá nhiều hiểm họa khác nhau chứ không đơn thuần là mũi tên hòn đạn nơi chiến trường. Một trong số những khó khăn có thể kể đến là tình trạng ám ảnh tinh thần sau các cuộc chiến. Với tình thế tính mạng đang ở hoàn cảnh  “ngàn cân treo sợi tóc” khi tham gia chiến sự, phóng viên chiến trường còn thường xuyên phải chứng kiến những cảnh tượng rùng rợn, phải trải qua những năm tháng khổ đau tột cùng nếu bị bắt hoặc bị bắt cóc, bị giam hãm bởi các thế lực khác nhau trong các cuộc chiến tranh. Điều này vô hình chung đã tạo nên nỗi ám ảnh và sự khiếp sợ của các phóng viên chiến trường sau khi tham gia cuộc chiến. 
Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường người Italia từng bị bắn vào đầu gối khi tác nghiệp ở Syria cho biết, cô đến căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Aleppo và điều ám ảnh cô nhất chính là việc các thành viên của lực lượng nổi dậy, theo lời kể của Francesca Borri, sẵn sàng sát hại đứa bé chưa đầy 1 tuổi nếu bố mẹ chúng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad hoặc cưỡng hiếp phụ nữ, không phân biệt già hay trẻ. Điều này đã làm dấy lên một suy nghĩ mà có lẽ phóng viên chiến trường nào trải qua những hoàn cảnh như thế cũng phải lưu tâm rằng: “Có lẽ, chiến tranh đã làm cho con người ta dần mất đi nhân tính”.
Ám ảnh về tinh thần chưa đủ, nhiều phóng viên chiến trường còn phải đối mặt với nỗi khó khăn về mức lương bèo bọt không đủ sống trong khi họ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy cả về thể chất lẫn tinh thần khi đem tác phẩm của mình về. Một nhà báo từng tác nghiệp tại chiến trường Syria chua chát kể: Tác nghiệp ở Syria vô cùng khắc nghiệt: trước khi đi phải đóng tiền bảo hiểm nhân mạng khoảng 1.000 USD/tháng, phải ngủ ở căn cứ phe nổi dậy, dưới làn đạn pháo và trên cái chiếu trải ở sàn với giá thuê 50 USD/ đêm, thuê một chiếc xe tốn 250 USD/ngày, rất khó kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch, nỗi lo sợ hằng đêm bị cưỡng hiếp hay phân biệt giới tính, và đặc biệt là nếu bị thương nặng thì thà chết quách đi còn hơn vì bạn sẽ không đủ tiền trả cho việc cứu chữa. Nhưng rốt cuộc, cuối cùng được cái gì: một bài viết với mức nhuận bút “bèo” 70 USD.
Tuy phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách thậm chí phải trả giá cả bằng tính mạng của chính mình, song, những phóng viên, nhà báo chiến trường vẫn chưa bao giờ lùi bước trước công việc của họ. Bởi thực chất, họ là những nhân vật lịch sử sống, họ tin vào chính mình, vào nghĩa vụ là phải đem chiến tranh, sự tàn khốc của chiến trường ra ngoài ánh sáng. 

Phóng viên chiến trường - Một nghề đáng trân quý

Nghề báo được xem là một trong những nghề nguy hiểm và tổn thọ nhất. Đứng đầu “danh sách diêm vương” của nghề tổn thọ đó, có lẽ chính là phóng viên chiến trường. Khi viết về những con người cầm bút hay máy ảnh để chiến đấu trong các chiến sự ấy, tác giả Greg Myre đã phải thốt lên rằng “Đó là những người mà những đại lý bán bảo hiểm nhân thọ luôn né tránh”. Nguy hiểm, khó khăn, nhọc nhằn là vậy, thế nhưng trên các chiến trường rải rác từ Trung Đông sang châu Á đến châu Phi, ngày đêm vẫn đang có hàng trăm phóng viên chiến trường đang lăn xả, thách thức họng súng để mang lại thước phim quay chậm về sự tàn nhẫn, vô nghĩa của những cuộc chiến. Một số tấm gương sáng của phóng viên chiến trường quốc tế có thể kể đến như: Arwa Damon (CNN), Michael Ware (CNN), Robert Fisk ( The Independent),...
Ở Việt Nam cũng không thiếu những phóng viên chiến trường đã “vào sinh ra tử” và mang đến những tác phẩm cách mạng phơi bày nỗi đau chiến tranh và sự phi lý, ác độc của đế quốc. Tiêu biểu có thể kể đến: Trần Mai Hưởng, là một trong những phóng viên chiến trường tiêu biểu của Việt Nam, anh đã đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam trong suốt hơn 20 năm; Phạm Vũ Tâm, là một phóng viên chiến trường đã đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1965 đến 1975 hay các phóng viên chiến trường khác như: Vũ Ngọc Đỉnh, Đặng Vũ Đức, Nguyễn Quang Thắng, Xuân Phượng,... đều là những phóng viên, nhà báo đã hết mình đóng góp cho cách cách mạng báo chí nước nhà. 
Các phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam: Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng, Mai Văn Minh. (Ảnh: TTXVN)
Các phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam: Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng, Mai Văn Minh. (Ảnh: TTXVN)
Chia sẻ về những tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn gian nan, nguy hiểm với đạn bay bom giáng ngay trên đỉnh đầu để đưa tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà báo Đinh Thị Minh Huệ, nguyên Trưởng Phòng Biên tập Tổng hợp, Ban Biên tập tin Trong nước của Thông tấn xã Việt Nam, nhớ lại: "Không như các nam sinh, các nữ sinh viên được tuyển chọn về Việt Nam thông tấn xã ngày ấy nếu có lý do như vướng chuyện gia đình, có người yêu... sẽ không cần phải ra mặt trận. Thế nhưng, chúng tôi không một chút đắn đo, sẵn sàng làm "phóng viên chiến trường," góp sức nhỏ bé cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh huyền thoại thử thách ý chí, bản lĩnh của mỗi con người. Dù trên đường hành quân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai, đôi dép cao su và chiếc gậy Trường Sơn, tôi và đồng đội đã đi bộ ngày này qua ngày khác, càng đi càng dẻo dai, bền chí hơn."
Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Nguồn: TTXVN)
Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Nguồn: TTXVN)
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên tòa soạn tiền phương, Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ (1953-1954) đã tóm tắt ngắn gọn: "Phóng viên tác nghiệp độc lập, một thân một mình lo mọi thứ. Biết được hướng đơn vị đóng quân, tên cán bộ chỉ huy, ký hiệu liên lạc, cứ thế mà đi tìm. Càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; ít khi ăn đến hai bữa ở một bếp, ngủ đến hai lần ở một nơi. Viết nhanh gọn, súc tích, nhiều khi viết đêm với đèn cơ động bỏ túi bằng lọ mực hay ống tiêm cũ...".
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp với Thượng tá Phạm Quang Minh - người từng tham gia trận đánh bốt La Tiến năm 1954.
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp với Thượng tá Phạm Quang Minh - người từng tham gia trận đánh bốt La Tiến năm 1954.
Cũng không lạ khi những năm chống Mỹ, các nhà báo đạp xe vào tuyến lửa viết về bộ đội, nữ dân quân, lão dân quân ở các trọng điểm đánh giặc từ Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Bình, Quảng Trị... Ngoài việc vượt đường xa, vượt bom đạn để đến tận nơi, cách thu thập thông tin của phóng viên chiến trường cũng rất sáng tạo. Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, phóng viên chiến trường những năm chống Mỹ cho biết: "Điều kiện thu thập thông tin trong chiến tranh vô cùng khó khăn nên nhiều bài viết phải có sự đóng góp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều người. Phóng viên có mặt ở một góc trận đánh kết hợp với phóng viên ở Sở chỉ huy trận đánh hoặc chiến dịch. Ngoài ra còn kết hợp thông tin từ Tổng hành dinh, Cục Tác chiến, báo chí nước ngoài...". Cũng trong chiến tranh mới có những loạt bài ghi chép đăng hàng chục số báo mà viết đến đâu in đến đó...
Các nhà báo chiến trường đã ở tuyến đầu sự kiện với tinh thần thực sự của người trong cuộc. Tiếp cận thông tin càng khó khăn thì thông tin càng quý giá... Mỗi trang viết, mỗi dòng tin không phải đổi bằng mồ hôi mà có khi bằng cả tính mạng. Nhưng đó cũng là lẽ sống của những người cầm bút một thời hoa lửa.
Có thể nói, phóng viên chiến trường là những người dũng cảm và kiên trì, họ bất chấp nhiều khó khăn, gian nan thậm chí là tính mạng để mang đến cái nhìn chân thật nhất cho độc giả về chiến tranh. Đây cũng được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới mà chỉ có những người thật sự đam mê, can đảm, dày dặn kinh nghiệm mới có thể theo đuổi. 
Với mỗi bức ảnh, câu chuyện được viết lên, chụp lại bằng máu, nước mắt hay thậm chí là tính mạng,  các phóng viên chiến trường thực sự là những chứng nhân lịch sử, là những người lưu giữ ký ức kiến tạo thế giới từ đống đổ nát của chiến tranh, một nghề nghiệp đáng được tôn trọng và trân quý. 
Nguồn tham khảo: