Phép màu là có thật. Và tớ cần thú tội. Tớ muốn nói thế.
Phép màu là, bà tớ tỉnh lại, và bà lại nói (chuyện) được. Đó là phép màu, với riêng tớ. Việc ngày xưa bà nội nằm trên giường, mắt nhìn mà không- thể- nói- một- lời- nào trước khi tớ biết rằng trên đời có sự thực đó, cái sự thực là người thủ thỉ với mình cả tuổi thơ sẽ có ngày không nói được với mình một từ nào nữa ấy, vẫn là một hố đen mất mát lớn. Điều đó khiến sự việc bà ngoại đang nằm mê man không nói lời nào tự dưng tỉnh lại, và nói chuyện, thật sự là một phép màu..
Thứ hai là, tớ cần thú tội. Phải thành tâm thú thực là khi nhận được những lời chúc từ mọi người, những người quen ngoài đời hay chỉ biết nhau qua mấy bài viết, rằng chúc bà mau khỏe lại, chóng bình phục, tớ đã thật biết ơn tấm lòng của họ. Nhưng trong lòng tớ lại tự nhủ Không thể được đâu. Điều ấy không thể xảy ra đâu. Đương nhiên tớ không (dám) thẳng thắn và dài dòng để nói lời này với họ. Tớ chỉ gửi lời cảm ơn và trong lòng biết ơn điều đó. Để mấy hôm nay khi nhìn bà như thế, tớ thấy Ồ những lời chúc kia đã hiệu nghiệm. Tớ thấy áy náy với những tấm lòng đó. Và thấy bản thân đã không hề thằng thớm. Rồi tớ tự mừng vì có le lói hi vọng rằng những nguyện cầu và lời chúc của tớ, kể cả được nói ra, viết ta hay chỉ giữ trong lòng, chắc rằng cũng có hiệu nghiệm như thế. Tự mỉm cười tự hào khen bản thân vì xưa nay vẫn đã luôn vững tin và thành tâm ở những lời chúc nguyện cầu như thế.
Mấy ngày này thi thoảng bà ngồi dậy. Lại điệu ngồi bó gối quen thuộc. Bà nhìn loanh quanh không định hướng, ánh nhìn mơ màng của người mới ngủ dậy. Cái giọng cũng của người mới ngủ dậy, và bị cảm. Nhưng nhờ thế mà nghe rõ ràng hơn. 
Tháng trước mẹ cắt ngắn một đoạn cho đỡ vướng víu mà bà đã buồn thảm buồn thê. Cả tuần trời bà cứ nói với Hạnh Ai đời mẹ Liễu nhà mi cắt tóc của bà đi như thế. Bà xót tóc. Cách đây chừng nửa tháng, mẹ lấy kéo, cắt ngắn tóc thêm vì đa phần bà đã nằm bất tỉnh, lúc tỉnh thì lại không cho con cháu gội đầu. Bà cứ yếu ớt bảo Mai mốt khỏe dậy tao tự tắm gội. Mái tóc bạc chừng có mấy chục cây nhưng dài quá lưng vì bà hết lòng gìn giữ nay còn có nửa gang tay, và bà không biết. Lạ kỳ là, bà lần này tỉnh dậy cũng không có hành động đầu tiên là cuốn tóc như thường lệ nữa. Vậy nên bà cũng không có ý kiến gì về mái tóc ngắn củn đó cả. Lúc bà mới dậy, mái tóc ngắn bằng nửa gang tay dựng đứng lên. Bầu mặt nhăn nheo thì bị sưng phù rồi kéo rủ xuống. Mắt bà kiểu ngái ngủ. Giọng thì phụng phịu như một đứa con nít. Đáng yêu không thể tả. Tớ cứ ngồi nhìn bà mà cười không ngậm được miệng. Nói mẹ "May mà cái tủ để góc đường kia. Chứ cánh tủ có gương mà để cạnh đây thì bà shock mất". Mẹ cười bảo "Bà mà soi gương thì lại hỏi ai đây?" Hai mẹ con tớ cười. Mấy bác gái khách vào thăm không cười. Chắc họ ái ngại con cháu kiểu gì mà những lúc bà như thế này còn cười đùa được. Họ có lý do riêng khi ái ngại như thế. Cũng như tớ không tìm ra được lý do tại sao những lúc này tớ lại có thể cười.
Mấy tối nay bà hay ngồi dậy, tiếp khách. Mô típ chung là mọi người đến thăm, rồi hỏi bà: Mự, mự có biết tui là ai nữa không? Một mô típ chán ngắt nhưng thân thương. Giống như những thứ "quê mùa" ấy, thi thoảng ta vừa thương vừa bực. Bà tớ sẽ gật đầu nói tên họ. Họ mừng rõ vì được nhận ra. Nhưng rồi bà tớ lại nói chuyện một mình. Ai hỏi gì thì bà cũng trả lời bằng những dòng suy nghĩ đang chạy ở trong đầu bà, chỉ riêng bà thấy. Những dòng suy nghĩ đó gồm và xoay quanh các keywords: Đau bụng. Cái cục. Hai cái cục ở bụng. Mấy ngày rồi.

Từ hồi mới bệnh, bà luôn trăn trở trở trăn về "cái cục". Bà sờ nó lúc tỉnh và cả lúc ngủ mê. Bà nói Hạnh ơi cái cục này hôm trước bằng quả cà mà bây giờ to dần lên Hạnh ạ. Có hôm ngủ dậy bà bảo: Lúc nãy mệt quá bà ngủ quên. Tỉnh dậy sờ vẫn thấy cái cục vẫn ở đây. Mẹ tớ bật cười. "Trăn trở của bà vẫn là cái cục. Dù đau hay không thì bà vẫn muốn cái cục đó biến mất. Chúng con đang cố gắng cho bà không đau mà đang thấy khó lắm rồi. Bà yêu cầu cao quá". Đương nhiên bà bị điếc nên đâu nghe thấy. Những lúc hơ ngải tớ đều chạm tay vào đó và cầu nguyện, thầm truyền sự bình an dễ chịu. Tớ nói dối theo cách mọi người thống nhất: Do bị tắc khí đó bà ạ. Mà không dám nói thật ra đó là hạch ung thư di căn. Tớ không muốn nói dối. Không ai muốn cả. Nhưng nếu nghe được hai chữ "ung thư" đó, bà tớ sẽ chết ngay lúc đó. Tính bà là thế. Mọi người hiểu. Và mọi người chọn không nói thật.

Bây giờ, sau gần 4 tháng, quả cà đã sưng to bằng cái bụng. Bà ngồi phụng phịu thỏ thẻ: Tui đau bụng mấy ngày nay rồi. Cứ nằm chứ có làm được gì đâu. Bà nhắc đi nhắc lại như thế. Lúc thì là mấy ngày, lúc thì là ba ngày. Âu cũng mừng cho bà. Khi những nỗi đau được co lại ngắn củn. Có lần bà nói. Bà nằm đau không làm được gì. Con Hạnh á... Nó cứ cầm... Tớ và mẹ đoán là Hạnh cầm que ngải hơ cho bà. Ai ngờ kết quả là: Con Hạnh nó cứ cầm túi hạt đỗ đen chạy lòng vòng. Mọi người cười ngất. Trong lúc cười tớ vẫn thầm biết ơn trong tiềm thức của bà, trong cuộc sống đang chạy trong đầu bà ở hiện tại, có hình ảnh Con Hạnh.
Tối qua. Đến tối qua thì tớ không cười nữa. Lúc 6h chiều, bà dậy bảo Lạnh quá con ạ. Bà mặc thêm cái áo. Đương nhiên là nhiệt độ trong phòng đang không lạnh. Bà đang lạnh/ nóng trong chính cuộc sống đang xảy ra trong đầu mình. Tớ hiểu thế nhưng vẫn đưa chiếc áo dài tay cho bà mặc. Giúp bà lồng áo và tớ cài những chiếc cúc nhựa nhỏ màu trắng. Không nhìn bàn tay mình nhiều, tớ nhìn kỹ và vuốt vuốt tấm áo cũ đấy. Lúc bà mặc áo xong, ngồi bó gối, tớ tự dưng òa khóc. Thật sự là tớ rất ghét phải kể rằng mình đang khóc. Nhưng tớ không hiểu sao, hình ảnh bà mặc chiếc áo lụa cũ, màu tím nhạt, dài tay, không có cổ đó, làm tớ lại khẳng định mình vẫn là một cây khóc còn chút năng lực. Tớ cứ tưởng rằng không bao giờ được thấy hình ảnh bà mặc chiếc áo đó mà ngồi bó gối như thế nữa. Đó là chiếc áo bà hay mặc mỗi dịp đi đâu không cần quá trang trọng. Như những lần tớ lên chở ông bà xuống nhà tớ ăn cơm, chở bà từ nhà dì về hay chở bà ghé qua tiệm tạp hóa... Tớ, tự dưng muốn hỏi bà có muốn Hạnh chở đi đâu không. Tớ muốn nhìn lại một lần nữa hình ảnh đấy. Hình ảnh bà mặc chiếc áo này cùng chiếc quần lụa đen, cả chiếc nón nữa, ngồi sau xe ôm eo Hạnh, lúc xuống tiệm tạp hóa thì hỏi đi hỏi lại mấy lần Hạnh có mua gì ăn không con? Tớ ước mình đã lấy đại một thứ gì đó thay vì nói Con không, để bà không phải lầm bẩm M không chịu ăn gì cả sao mà khỏe được.
Thật buồn cười.
Tớ, những đã tưởng mình đã chuẩn bị tinh thần hết rồi. Những đã thở phào nhẹ lòng vì mình không còn là một cây khóc có tiếng. 
Nhưng đến lúc tối qua, cả lúc này ngồi viết lại nữa, tớ thấy năng lực của mình vẫn còn mạnh quá.
Và tớ không hài hước như tớ tưởng.

Điều này, nó vừa là một phép màu. Vừa là một thời thú tội.