Phê phán sự phê phán của HĐC với học giả Đảng
Hội Đồng Cừu phê phán học giả Đảng không hiểu triết học Marx bằng họ? Tôi không cho là như vậy!
Gần đây, tôi được giới thiệu một video với nội dung: "Học giả Đảng có hiểu sai "gia đình" trong triết học Marx" trên kênh youtube có tên Hội Đồng Cừu. Nhìn qua về các lượt tương tác, có vẻ như clip thu hút được rất nhiều ý kiến đồng thuận mang hàm ý kiểu như các học giả của chúng ta mang tiếng là Marxism mà chả có hiểu gì về Marx. Nhưng sự thật có phải như vậy hay không? Hãy cùng trietgiadota tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Trước hết, nếu như bạn đã xem qua phần trình bày của Hội đồng cừu rồi thì có thể thấy, lập luận chính của hội đồng cừu là nếu như chúng ta cố gắng bảo vệ các giá trị truyền thống của gia đình thì là phản Marxism vì Marx cũng như Engels là 2 triết gia chống đối lại mô hình gia đình truyền thống nhiều nhất và những gia đình này không hề có giá trị văn hóa, đạo đức nào cả.
Để xem xét sự phê phán này, chúng ta cần phải làm rõ các giá trị truyền thống mà Đảng đang muốn cố gắng giữ gìn trong sự so sánh với các tính chất của gia đình truyền thống theo cách hiểu của Marx. Nếu như 2 khái niệm trên hoàn toàn thuần nhất với nhau thì có lẽ Hội Đồng Cừu đã đúng. Tuy nhiên, nếu 2 khái niệm này hoàn toàn có những nội hàm khác nhau thì những phê phán của Hội Đồng Cừu dường như là không thỏa đáng.
Trước hết, chúng ta sẽ đến với khái niệm gia đình truyền thống của Marx và Engels. Trong tác phẩm bàn về nguồn gốc gia đình, tư hữu và nhà nước, Engels đã phác thảo ra 4 loại gia đình từng có mặt trong lịch sử bao gồm: Gia đình huyết tộc, gia đình quần hôn (punalua), gia đình đối ngẫu và gia đình cá thể (hay còn gọi là gia đình hạt nhân). Để tránh dài dòng, tác giả xin trình bày đúng cái loại gia đình mà chúng ta quan tâm ở đây, đó là gia đình cá thể. Theo Engels, gia đình cá thể tức gia đình 1 vợ 1 chồng được thoát thai từ các điều kiện kinh tế chứ không phải từ tình yêu hay văn hóa. Gia đình 1 vợ 1 chồng là cơ chế để duy trì tài sản, người cha cần phải biết chính xác người con là ai để truyền lại tài sản, việc thừa kế này rất quan trọng bởi nó đảm bảo cho sự tư hữu của mỗi gia đình. Song song với chuyện thừa kế, vai trò giữa người chồng và người vợ cũng được xét đến. Vì người chồng là người trực tiếp tạo ra của cải trong gia đình nên địa vị của anh ta ngày càng trở nên quan trọng hơn và điều đó trực tiếp kéo địa vị của người đàn bà xuống như Engels nói: “Đàn bà bị hạ xuống hàng nô lệ, phục vụ cho dục vọng của đàn ông, và là công cụ sinh đẻ đơn thuần.” Engels so sánh gia đình tư sản như là 1 sự phản ánh của xã hội tư sản, theo đó, người chồng là nhà tư sản và đang bóc lột người vợ như một người vô sản. Về khía cạnh văn hóa và đạo đức, thì Marx và Engels không đề cập tới quá nhiều, cái giá trị đạo đức nhất trong gia đình đó là cơ chế 1 vợ 1 chồng nhưng nó mới chỉ tồn tại như một vẻ bề ngoài chứ chưa chưa tồn tại một cách bản chất, chỉ sau này khi tiến tới xã hội cộng sản thì cơ chế 1 vợ 1 chồng mới thực sự trở thành một hành động mang tính đạo đức. Trong xã hội tư sản, cả 2 triết gia nhận thấy rằng cái tất yếu trong sự phát triển của gia đình ở hình thái kinh tế - xã hội này là hiện tượng “chồng tạp hôn bừa bãi, vợ ngoại tình lu bù” như một sự bảo lưu của gia đình quần hôn, cơ chế 1 vợ 1 chồng chỉ là cái vỏ bọc, cái công cụ để truyền tài sản từ đời này sang đời khác.
Như vậy, trong lý luận về gia đình của Marx và Engels thì gia đình cá thể là một sự tha hóa, biến dạng về bản chất so với gia đình cộng sản nguyên thủy. Sự tha hóa này bắt nguồn từ sự thắng thế của tư hữu tài sản với công hữu tài sản, nếu như trong gia đình cộng sản nguyên thủy, mọi của cải đều được công hữu, là tài sản chung của thị tộc nên các người chồng chẳng có uy quyền gì hơn so với các người vợ và lợi ích của gia đình là lợi ích chung của cả cộng đồng. Sự có mặt của tư hữu đã khiến quy mô gia đình ngày càng thu hẹp đi tới mức tối thiểu, từ đó cũng gây ra những hệ lụy bất công giữa nam và nữ. Sự tha hóa này khiến gia đình mất đi cái tính chất cộng đồng của nó, các gia đình chỉ còn quan tâm đến lợi ích của riêng mình hoặc cùng lắm là của gia tộc chứ không quan tâm tới lợi ích cộng đồng. Do đó, Engels nhận định gia đình sẽ có thêm bước chuyển trong lịch sử, đó là gia đình cộng sản. Theo đó, gia đình cộng sản là loại gia đình được giải phóng khỏi những điều kiện kinh tế, người cha không cần phải truyền lại tài sản cho người con nữa. Nhưng nói như vậy, thì phải chăng là không còn chế độ 1 vợ 1 chồng nữa hay sao? Bởi cơ sở của chế độ này là sự thừa kế, phải chăng chúng ta sẽ quay trở lại với chế độ quần hôn? Marx và Engels hoàn toàn không nghĩ như vậy, tiến trình biện chứng là bảo lưu những yếu tố hợp lý và đào thải những yếu tố không còn hợp lý nữa. Marx và Engels thấy được tính đạo đức trong mối quan hệ 1 vợ 1 chồng và động lực thay thế cho sự thừa kế để giữ gìn mối quan hệ 1-1 này là tình yêu và cũng chỉ khi gia đình được giải thoát khỏi các điều kiện kinh tế thì tình yêu đích thực mới thực sự xuất hiện.
Để tóm gọn lại thì Marx và Engels đưa ra những yêu cầu như sau: Thứ nhất là giải phóng các điều kiện kinh tế của gia đình có thể là bằng chế độ công hữu hoặc cho phép người vợ lao động kiếm tiền bình đẳng với người chồng để hạn chế sự thống trị của người chồng đối với người vợ. Thứ hai, giữ gìn mối quan hệ 1-1 trên cơ sở tình yêu và điều này chỉ có thể thực hiện nếu như điều kiện thứ nhất được thực hiện. Thứ ba, gia đình quay trở lại với tính cộng đồng của nó, lợi ích của gia đình là lợi ích của cả cộng đồng, công việc của gia đình là công việc chung của cả cộng đồng. Đỉnh cao của yêu sách này là ý tưởng nuôi dạy trẻ của Marx và Engels. Theo 2 ông, công việc nuôi dưỡng đứa trẻ là trách nhiệm của cả cộng đồng chứ không phải của từng gia đình. Cần lưu ý rằng, những đứa trẻ được sinh ra không được hiểu theo nghĩa là tài sản của cộng đồng bởi đứa trẻ không phải là tài sản. Marx và Engels ủng hộ công hữu công việc nuôi đứa trẻ chứ không phải là công hữu đứa trẻ như một món đồ, chúng ta không nên hiểu nhầm ở chỗ này.
Giờ chúng ta sẽ quay sang xem liệu những giá trị truyền thống mà Đảng ta đang muốn bảo vệ là gì? Và nó có phù hợp với lý luận của Marx và Engels hay không? Trong bài báo “Quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen về gia đình trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội mà Hội Đồng Cừu” đã phê phán, tác giả không có nói rõ ràng những giá trị này là gì? Mà chỉ nói rất chung chung dưới cụm từ “văn hóa truyền thống tốt đẹp”, đây là một hạn chế của bài báo nên việc bài báo bị Hội Đồng Cừu phê phán cũng không có gì là quá đáng cả nhưng nói rằng cái thông điệp mà bài báo muốn truyền tải là sai thì cần phải có những phân tích sâu hơn. Công việc của chúng ta là cần phải xác định xem “văn hóa truyền thống tốt đẹp” mà bài báo đề cập tới là cái gì? Thì cũng theo một bài báo khác trên tạp chí cộng sản có nói rõ hơn về các giá trị truyền thống tốt đẹp, bao gồm: Thứ nhất là tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng mà mình hiểu theo nghĩa là phi vụ lợi. Thứ hai là sự hiếu thảo giữa bề dưới với bề trên trong gia đình. Thứ ba, sự đùm bọc giữa anh chị em trong gia đình, không tranh giành lợi ích mà luôn hòa thuận với nhau. Thứ tư, là sự đề cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm với xã hội. Thứ năm là chú trọng tới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức.
Nếu so sánh 5 giá trị này với cái viễn kiến của Marx và Engels thì rõ ràng, không có một tiêu chí nào không phù hợp với tư tưởng của Marx và Engels cả. Thậm chí, giá trị thứ tư là đề cao ý thức cộng đồng gắn liền với văn hóa làng xã trong gia đình truyền thống Việt Nam lại rất gần với những gì mà Engels mong muốn.
Và những lo lắng của học giả Đảng về các truyền thống tốt đẹp này bị mai một cũng hoàn toàn có cơ sở. Như các bài giảng sơ đẳng về chủ nghĩa Marxism được đề cập tới trên khắp các giảng đường đại học tại Việt Nam thì khi áp dụng lý luận Marx và Engels vào thực tiễn, chúng ta cần chú trọng tới hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Việt Nam đang trong tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu tức chúng ta đang phải kinh qua hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa một cách gián tiếp, dù không thừa nhận sự thống trị toàn diện của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa về mọi mặt của đời sống nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận duy trì phương thức sản suất tư bản chủ nghĩa (có điều chỉnh) như là một tiến trình tất yếu để đạt tới các hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Và trong tiến trình đó với đặc trưng là sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì các gia đình của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng như những gia đình tư sản mà Engels đã từng mô tả. Đó là sự thống trị giữa người chồng với người vợ về mặt kinh tế. Và đặc biệt là sự tan rã khỏi cộng đồng để trở thành các gia đình độc tôn sự riêng tư. So với 5 giá trị truyền thống mà chúng ta đề cập ở trên thì rõ ràng nó là một sự băng hoại đạo đức đáng phải xem xét và cần phải có những tác động để kìm hãm sự băng hoại đó. Tiến trình biện chứng không phải là một sự phủ định sạch trơn theo kiểu muốn tiến lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là phải loại bỏ gia đình, gột sạch tất cả những gì được gọi là "truyền thống". Đấy là một cách hiểu ngây thơ trong chủ nghĩa Marx và nếu áp dụng cách nhìn đó, chúng ta sẽ phải trả những cái giá khá đắt do chủ quan duy ý chí. Đúng là Marx có viết một yêu sách gọi là "loại bỏ gia đình" - "abolition of the family" trong chương II của tuyên ngôn Đảng Cộng Sản. Nhưng cần lưu ý rằng, khái niệm "loại bỏ" - "abolition" trong tiếng Đức nguyên gốc là Aufhebung là một khái niệm Marx kế thừa từ Hegel và nên được dịch là "phủ định" - "sublate" thì sẽ sát nội hàm của nó hơn. Aufhebung là danh từ của động tự aufheben vốn có 2 nghĩa trái ngược nhau bao gồm: xóa bỏ và bảo tồn. Trong triết học Hegel cũng như Marx, phủ định không được hiểu như là sự xóa bỏ, hủy diệt một cách tuyệt đối mà là sự thống nhất giữa xóa bỏ và bảo lưu. Theo nghĩa đó, "sublation of the family" không phải là xóa bỏ hoàn toàn thể chế gia đình mà xóa bỏ những yếu tố không còn hợp lý trong thể chế gia đình, đồng thời, bảo lưu những giá trị vẫn còn phù hợp của nó. Do đó, hiểu Marx theo nghĩa xóa sạch tất cả những gì thuộc về truyền thống mới là không biết một nền tảng gì của triết học Marx.
Để đưa ra kết luận thì cần phải thừa nhận những thiếu sót của tác giả bài báo “Quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen về gia đình trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội” đã không diễn giải rõ những giá trị truyền thống mà chúng ta muốn bảo vệ là gì. Nhưng dựa theo những lý luận mà Đảng đang theo đuổi thì có thể thấy rằng, học giả Đảng không hề hiểu sai khái niệm “gia đình” trong triết học Marx như Hội Đồng Cừu phê phán. Các giá trị mà học giả Đảng muốn giữ gìn hoàn toàn phù hợp với gia đình cộng sản của Marx và Engels, đồng thời, các giá trị này có sự lệch pha tuyệt đối so với gia đình tư sản mà hai ông tổ chủ nghĩa Marxism từng phê phán. Đồng thời, quan điểm và cách hiểu về triết học Marx của Hội Đồng Cừu theo trietgiadota đánh giá là có phần kinh viện, bị khúc xạ và thiếu tính thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất