Phật giáo trong tôi phần 1 - Vài điều cơ bản về đạo phật
Trong bài viết này, mình xin cung cấp 1 vài thông tin về nguồn gốc đạo phật. Quy y Tam Bảo có nghĩa là gì? Tam Tạng Kinh trong phật giáo gồm những gì? Lý và Sự trong phật giáo là gì?
1. Ai khai sáng ra Ðạo Phật?
Người đã khai sáng ra Ðạo Phật, tức là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, nguyên là Thái Tử nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) xứ Trung Ấn Ðộ, Phụ hoàng tên Tịnh Phạn Vương Ðầu Ðà Nà (Sudhodana); Mẫu hoàng tên là Ma Da (Maya).
Họ Ngài là Kiều Ðáp Ma, xưa dịch là Cù Ðàm, tên Ngài là Tất Ðạt Ða (Shidartha).
Còn chữ Thích Ca (Sakya), Hán ngữ dịch là Năng Nhơn: Năng là năng lực, Nhơn là từ bi. Mâu Ni (Muni) nghĩa là Tịch Mặc: Tịch là yên lặng, không bị khổ vui làm động tâm; Mặc là lặng lẽ, không bị phiền não khuấy rối, độ mình độ người, công đức đầy đủ.
Lúc nhỏ Ngài có trí tuệ sáng suốt và tài năng phi thường. Lớn lên nhìn thấy nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên Ngài cương quyết xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát cho mình và cho người, ngõ hầu đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác ngộ.
Sau sáu năm tu khổ hạnh trong núi Tuyết (Hymalaya), Ngài thấy tu khổ hạnh ép xác như thế, không thể đạt được chân lý, nên Ngài đi qua núi Koda, ngồi dưới gốc cây Bồ Ðề và thề rằng: "Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này". Với chí hùng dũng cương quyết ấy, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấy rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh và chứng đạo Bồ Ðề.
Sau khi thành đạo, Ngài chu du khắp xứ, thuyết pháp độ sinh, để chúng sanh chuyển mê thành ngộ, lìa khổ được vui. Suốt thời gian 49 năm, như một vị lương y đại tài, xem bệnh cho thuốc, Ngài đã dắt dẫn chúng sanh lên đường hạnh phúc và vạch cho mọi người con đường giác ngộ giải thoát.
Ðến 80 tuổi, Ngài nhập Niết Bàn ở thành Câu Thi Na, trong rừng Ta La. Lúc bấy giờ, nhằm ngày Rằm tháng 2 âm lịch.
2. Quy y Tam Bảo nghĩa là gì?
* Quy y nghĩa là gì?
+ Quy là trở về
+ Y là nương tựa.
Quy y là trở về nương tựa
* Tam bảo nghĩa là gì?
Tam Bảo là ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.
+ PHẬT: là những bậc đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Trong đó:
- Tự giác: Có nghĩa tự giác ngộ hoàn toàn cho chính mình.
- Giác tha: có nghĩa là mình đã giác ngộ, lại đem những phương pháp giác ngộ ấy dạy cho những người tu hành khác (tha nhân khác) được giác ngộ như mình.
- Giác hạnh viên mãn: Có nghĩa là giác ngộ hoàn toàn cho mình và cho người. Nếu còn người nào chưa được giác ngộ hoàn toàn thì có nghĩa chưa đạt được giác hạnh viên mãn (thành bậc Chánh Giác).
+ PHÁP: Là phương pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba Tạng Kinh Điển đều gọi chung là Pháp.
Tam Tạng Kinh Điển bao gồm: Kinh, Luật, Luận
- Kinh: những lời của đức Phật Thích Ca đã nói khi còn tại thế, để dạy chúng sinh dứt trừ phiền não.
- Luật: là những giới luật mà Phật đề ra cho các để tử để răn chừa điều dữ, tu tập điều lành, trau dồi thân tâm.
- Luận: Những sách do các đệ tử Phật viết ra để bàn luận rõ ràng hơn Kinh và Luật.
+ TĂNG: Là 1 đoàn thể những người cùng nhau tu hành từ 4 người trở lên. Cùng sống chung 1 chỗ, cùng giữ giới luật của Phật, cùng chia sẻ với nhau từ vật chất đến tinh thần.
* Nói gọn lại cho dễ nhớ này: Quy y là quay về nương nhờ
Tam Bảo gồm: Phật, Pháp, Tăng
Phật: là những bậc đã giác ngộ
Pháp: là những pháp để tu hành, thường dưới dạng văn bản, sách. Hiện giờ có cả những bản thu mp3, những bản video thuyết pháp của các sư,...
Tăng: là đoàn thể những người tu hành cùng ở với nhau và chia sẻ, cùng nhau tu tập, từ 4 người trở lên.
* Quy Y Tam Bảo có nghĩa là: Quay về nương nhờ Phật, Pháp, Tăng để tìm được sự giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Còn đối với bản thân mình thì giáo lý nhà Phật rất tốt cho việc tu tâm dưỡng tính, làm chủ cảm xúc, nâng cao chỉ số EQ.
2. Lý và Sự trong phật giáo:
Lý và Sự là 2 thứ không thể tách rời khi tu tập.
+ Sự là những cái bên ngoài bản thể.
+ Lý là những cái bên trong bản thể
+ Sự là hình thức mà chúng ta làm
+ Lý là ý nghĩa của việc đó.
Ví dụ: Khi 1 người xuất gia thì phải cạo đầu. Cạo đầu đó là sự, là hành động bên ngoài.
Tuy nhiên, dựa vào cái sự đó để nói cái lý là: gạt bỏ phiền não, khiến cuộc sống đơn giản hơn, thoải mái hơn (không có tóc, khỏi phải lo nghĩ cắt kiểu nào cho đẹp, nhuộm mầu nào cho sang? Có tóc bạc hay không? Với bạn nữ thì phải nghĩ xem lịch gội đầu ra sao cho thuận lợi?....)
Hay như việc làm cơm cúng tổ tiên: Mâm cơm cúng tổ tiên là sự. Nhờ cái sự đó để nói cái Lý là luôn tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn về tổ tiên cội nguồn, cha ông, từ đó dạy con cháu phải biết tôn trọng những bậc trưởng bối trong gia đình.
Trong cuộc sống phải làm sao cho lý sự viên dung, không thể giữ lý bỏ sự, không thể giữ sự bỏ lý.
Ví dụ: Tặng quà cho vợ đó là sự. Lý bên trong chính là việc thể hiện sự quan tâm, tình cảm của chồng dành cho vợ.
Giờ giữ Lý bỏ Sự, có nghĩa chồng mồm nói rằng “chồng yêu vợ nhiều lắm”, nhưng cả năm không mua được 1 món gì đó cho vợ dù là rất nhỏ thì tình cảm sẽ không bền được. (Nếu gia đình khó khăn thì sao? Sửa hộ vợ thứ này thứ kia đó cũng là 1 cách biểu hiện của sự rồi).
Nếu giữ Sự bỏ Lý thì sao? Có nghĩa mua rất nhiều đồ cho vợ, thích gì mua đó nhưng bản thân chồng lại không có tình cảm với vợ, thậm chí còn mua cho những cô gái khác. Vậy thì mối quan hệ giữa vợ chồng cũng không thể hạnh phúc.

Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

An lang thang
tôi đánh giá cao tinh thần, mục đích của tác giả, đồng thời có chút góp ý như sau:
- Trong bài đang dùng song song, lẫn lộn cả 2 cụm từ "đạo Phật" và "Phật giáo", nên thống nhất về 1 cụm từ.
- 1 điều rất cơ bản là từ "Phật giáo" không phản ánh đúng bản chất và dễ gây hiểu lầm. Trong Đạo Phật, tăng đoàn chỉ là một cộng đồng tự nguyện tu học và hỗ trợ hàng cư sĩ, không phải là 1 thể chế để cai quản con chiên, cũng không có Giáo chủ áp đặt các tư tưởng. Các Tôn giáo đều nhấn mạnh tín ngưỡng, niềm tin, cứu cánh của các tôn giáo là Niềm tin vào Chúa, Thánh Alah...., còn Tam học của Đạo Phật là: Giới Định Tuệ, có Tuệ mới có thể giác ngộ, còn chỉ có niềm tin thì không thể giác ngộ được, như thế đạo Phật cũng rất khác một tín ngưỡng.
Tác giả có thể tham khảo thêm:
https://thuvienhoasen.org/a27229/nhung-hieu-lam-ve-dao-phat
- Báo cáo

Lum's House
cảm ơn bác đã góp ý ạ!
- Báo cáo