Thịnh Thế Tài là một nhân vật khét tiếng những năm 1930s ở Trung Hoa. Với tư cách thủ lĩnh quân sự, thống lĩnh vùng Tân Cương, ông từng hợp tác với rất nhiều lực lượng, từ Quốc Dân Đảng, Cộng sản, các quân phiệt thậm chí tới cả Liên Xô. Nhưng sau tất cả, người Trung Quốc nhìn nhận ông là một ''nhân vật hàng đầu trong làng trở mặt''. Còn riêng với người dân Tân Cương, ông được nhớ tới là tay bạo chúa tham tàn.

Thịnh Thế Tài
1/ Thân thế buổi đầu binh nghiệp.
Thịnh Thế Tài sinh năm 1897 tại Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, là người có gốc Mãn Châu. Từ sớm đã định theo binh nghiệp, nhưng do thời thế hỗn loạn ở Trung Hoa, ông bị gia đình bắt sang Nhật Bản học, đúng lúc chủ nghĩa Marx xâm nhập Nhật Bản. Thịnh tiếp cận các tài liệu cánh tả và hình thành tinh thần chống đế quốc. Năm 1919, Thịnh về nước tham gia ''Phong trào Ngũ Tứ''.

Sau khi quay lại Nhật một thời gian, Thịnh Thế Tài chính thức về Trung Quốc gia nhập quân đội, phục vụ thủ lĩnh quân phiệt Đông Bắc là Trương Tác Lâm và được thăng đến Trung Tá. Tuy nhiên, khi quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tiến hành Bắc Phạt nhằm thống nhất Trung Hoa, Thịnh đã ngấm ngầm ủng hộ. Thịnh đã câu kết với người Nhật và Tưởng Giới Thạch để ủng hộ cuộc Bắc Tiến, trong lúc thường xuyên đi lại giữa Mãn Châu và Nhật Bản. Năm 1927, Thịnh Thế Tài từ Nhật về, đã gia nhập đoàn quân Bắc Tiến của Tưởng Giới Thạch. 1 năm sau thì Trương Tác Lâm bị ám sát. Con trai của ông là Trương Học Lương mang quân hàng Tưởng Giới Thạch, kết thúc cuộc Bắc Phạt thắng lợi.

Vào năm 1928, ở khu vực Tân Cương xa xôi phía Tây Trung Quốc xảy ra biến cố. Thống đốc được lòng dân lúc đó là Dương Tăng Tân bị ám sát. Viên thống đốc kế nhiệm là Kim Thụ Nhân lại thù ghét người thiểu số, vơ vét tài sản và tập trung quyền lực vào tay người Hán. Điều này làm dân chúng Tân Cương , nhất là người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo, oán hận và chống đối Kim Thụ Nhân. Lúc đó, Tân Cương chưa có lực lượng quân đội nào của chính quyền Quốc Dân Đảng. Kim Thụ Nhân phải dựa vào một lực lượng đặc biệt, đó là khoảng 1 vạn tàn quân Bạch vệ Nga từ thời Nội chiến Nga (1917-1921) đang định cư ở Tân Cương. Số quân Bạch Vệ này được trả lương để bảo vệ chính quyền Tân Cương, mà số tiền thực tế do Liên Xô cung cấp cho Tân Cương để giữ số tàn quân này không chống phá Liên Xô.

Nhưng đến năm 1930, nhận thấy tình hình căng thẳng, Kim Thụ Nhân gửi thư đến Nam Kinh, nhờ Tưởng Giới Thạch phái quân đội đến bảo vệ. Cuối năm 1930, Tưởng cử Thịnh Thế Tài mang quân đến Tân Cương, đi qua đường Liên Xô để bảo vệ chính quyền địa phương của Kim Thụ Nhân.
Kim Thụ Nhân - thống đốc Tân Cương từ năm 1928.
2/Lãnh chúa Tân Cương và cuộc đấu đá quyền lực.
Càng tăng cường quân đội của Kim Thụ Nhân, dân chúng Tân Cương càng thêm oán giận. Năm 1931, những người Hồi Giáo nổi dậy vũ trang ở Kumul (Cáp Mật). Lúc đó, chính quyền Tưởng Giới Thạch cho rằng phải loại bỏ Kim Thụ Nhân mới có thể yên được Tân Cương. Vì vậy khi nổi dậy Cáp Mật nổ ra, Tưởng đã phái lãnh chúa vùng Cam Túc lúc đó là Mã Trọng Anh sang Tân Cương đánh dẹp. Mã Trọng Anh đã mang đội quân thiện chiến của mình là ''Sư đoàn 36'', hay gọi là ''Mã Gia Quân'' vào Tân Cương, nhưng cũng đồng thời chiếm đóng luôn vùng này. Lực lượng này có đặc điểm là đại đa số binh lính người dân tộc Hồi (Hui - không phải Hồi giáo).
Mã Trọng Anh - thủ lĩnh quân phiệt Cam Túc.
Một người lính dân tộc Hồi (Hui) trong Sư đoàn 36 của Mã Trọng Anh
Cùng lúc đó, Thịnh Thế Tài tận dụng thời cơ, được Liên Xô hỗ trợ đã lật Kim Thụ Nhân, trở thành thống đốc Tân Cương, trong lúc quân của Mã Trọng Anh cũng đang ở Tân Cương. Dù cùng là tướng Quốc Dân Đảng và đang dập tắt nổi loạn, nhưng Thịnh Thế Tài không muốn sự xuất hiện của quân Cam Túc trong lãnh thổ của mình. Thịnh Thế Tài đã ra lệnh đuổi quân của Mã Trọng Anh khỏi Tân Cương.

Đến lúc này, với sự hỗ trợ của Liên Xô, Thịnh Thế Tài vươn lên thành thủ lĩnh lớn nhất ở Tân Cương. Để hỗ trợ tại chỗ cho Thịnh, Liên Xô đã thuyết phục một lực lượng hàng nghìn tàn quân Bạch Vệ từ thời Nội chiến Nga đang định cư ở Tân Cương, sẵn sàng giúp đỡ Thịnh khi cần. Lúc này, tình hình ở Tân Cương như một mớ hỗn độn, có cùng lúc các lực lượng của Thịnh Thế Tài, Mã Trọng Anh, quân nổi dậy Hồi Giáo, Liên Xô, quân Bạch Vệ,... trong khi chính phủ Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch hoàn toàn mất kiểm soát.
Hoạt hình Trung Quốc mô tả các thế lực trong và ngoài nước xâu xé Tân Cương năm 1933: trong khi 2 tướng quân Thịnh - Mã đánh nhau, 3 bàn tay của các đế quốc Anh-Liên Xô-Nhật Bản nhăm nhe thâu tóm các tài nguyên của vùng này như vàng, ngựa, gia súc,... trong sự bất lực của người dân Tân Cương.
Năm 1933, lấy lý do Thịnh Thế Tài là con rối của Liên Xô, Mã Trọng Anh đem quân thảo phạt lần 1. Họ tiến đến cửa ngõ Dihua (tức thủ phủ Urumqi của Tân Cương ngày nay) và chuẩn bị chiếm thành phố. Để ứng cứu, 1800 quân Bạch Vệ Nga của tướng Pavel Pappengut đã đến chiến đấu bảo vệ Dihua. Trận chiến diễn ra vô cùng đẫm máu làm 6.000 người chết gồm nhiều dân thường. Dihua bị tàn phá nặng nề bao gồm cả những khu phố cổ hàng nghìn năm tuổi. Nhưng kết quả là quân Bạch Vệ đã giúp bảo vệ chính quyền của Thịnh Thế Tài thành công.

Mùa xuân năm 1934, quân của Mã Trọng Anh thảo phạt lần 2. Lần này thì quân Bạch Vệ cũng không cứu nổi Thịnh Thế Tài nữa. Dihua bị bao vây lần 2, và ở Nam Kinh Tưởng Giới Thạch cũng sẵn sàng gửi 15 vạn quân lên Tân Cương chinh phạt Thịnh Thế Tài. Nhưng vào lúc hiểm nghèo nhất, ông lớn đỡ đầu cho Thịnh - Liên Xô - đã ra tay. Sự kiện sau đó được biết tới với tên gọi ''Cuộc can thiệp của Liên Xô vào Tân Cương năm 1934''. (tùy nhu cầu sẽ có bài cụ thể sau).

7000 quân Liên Xô cùng xe tăng, máy bay, trọng pháo,... vượt qua biên giới Tân Cương đầu năm 1934, kéo theo vài nghìn quân Bạch Vệ. Họ tiến vào Tân Cương dưới tên gọi ''tình nguyện viên Altai''. Dù vũ khí vượt trội nhưng do không quen địa hình, quân Liên Xô đã hứng chịu nhiều thương vong lớn. Họ bị Mã Hổ Sơn, phó tướng của Sư đoàn 36, cầm chân trong 1 tháng. Dù sau đó, quân đội Liên Xô đã chuyển hướng tấn công và đánh thắng quân của Mã Trọng Anh đang đóng bên bờ sông băng Tutung, thì đến trận chặn đánh quân Mã Trọng Anh trên đèo Dawan Cheng, họ lại thất bại. Hậu quả là gần 100 lính Liên Xô bị quân của Mã Trọng Anh giết bằng cách ném xuống hẻm núi dưới chân đèo Dawan Cheng, mà sau này chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tìm lại được 79 hài cốt về an táng.

Dù vậy, cuối cùng thì Liên Xô cũng chiến thắng, đẩy được quân của Mã Trọng Anh khỏi Tân Cương. Bản thân Mã Trọng Anh sau đó cũng mất tích và số phận của ông thế nào vẫn là một bí ẩn lớn của lịch sử Trung Quốc. Phần lớn tin rằng Mã Trọng Anh đã bị bắt sang Liên Xô và chết vào khoảng Chiến tranh thế giới thứ 2 hoặc Đại thanh trừng ở Liên Xô khoảng năm 1937.
Câu chuyện trên được chép bởi Sven Hedin, một nhà thám hiểm người Thụy Điển, trong lúc thám hiểm bồn đại Tarim ở Tân Cương đã vô tình bị Sư đoàn 36 của Mã Trọng Anh bắt trên đường họ rút lui. Lý do được giải thích là quân của Sư đoàn 36 thường xuyên cướp những chiếc xe tải họ gặp trên đường đi. Sven Hedin sau đó rơi vào tay quân Liên Xô, khi họ chiếm thành phố Korla lớn thứ 2 ở Tân Cương vào ngày 16/3/1934. Tại đây, Hedin được gặp trực tiếp tướng Yevgeny Borisovitch Volgin, chỉ huy lực lượng Liên Xô ở Tân Cương. Chính vì vậy, Sven Hedin được coi là nhân chứng sống lớn nhất về cuộc chiến ở Tân Cương năm 1934.

Cố vấn Liên Xô phát biểu trước người dân Tân Cương - ảnh chụp bởi nhà thám hiểm Thụy Điển Sven Hedin.

Còn với Thịnh Thế Tài, sự chống lưng mạnh mẽ của Liên Xô đảm bảo cho ông quyền lực vững chắc. Liên Xô rút quân vào tháng 3 năm 1934 nhưng vẫn để lại 1.000 lính cùng xe tăng, máy bay. Viên đại sứ Liên Xô tại Urumqi đóng vai trò liên lạc, mọi quyết định của Thịnh Thế Tài đều phải qua ý kiến của người Nga. Nhiều nhân vật cộng sản Trung Quốc cũng chọn Tân Cương làm nơi trú chân. Tân Cương trên thực tế trở thành quốc gia vệ tinh của Liên Xô. Năm 1938, Thịnh Thế Tài đến thăm Moscow và gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô.

Từ đó cho đến khi Thế chiến 2 bùng nổ, không có chuyển biến lớn gì ở Tân Cương. Thịnh Thế Tài áp dụng tương tự các chính sách của Liên Xô vào Tân Cương, thậm chí cả cuộc ''thanh trừng'' ở Tân Cương năm 1937 cũng học theo Stalin. Liên Xô giúp đỡ Thịnh Thế Tài nhiều vũ khí, vật chất, nhân lực,...Tân Cương thậm chí phát triển được cả ngân hàng, phát hành trái phiếu riêng. Trong lúc đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đang phải gò lưng chống Nhật, hoàn toàn mất kiểm soát khu vực này.
Cờ của ''chính phủ Tân Cương'' của Thịnh Thế Tài
''Trái phiếu chính phủ'' của chính quyền Thịnh Thế Tài, viết bằng chữ Hán, chữ Mãn và chữ Duy Ngô Nhĩ.
3/ Trở mặt trong thế chiến 2.
Cho đến năm 1942, mối quan hệ của Thịnh Thế Tài với Liên Xô vẫn rất tốt đẹp. Nhưng đến mùa hè năm 1942, khi Đức Quốc Xã tấn công Liên Xô tiến như vũ bão, Thịnh Thế Tài nghĩ rằng ngày tàn của Liên Xô đã điểm, và y đã trở mặt về quy hàng chính phủ Trung Hoa dân quốc.

Để tỏ lòng ''trung thành'', Thịnh Thế Tài đã cho treo cờ Dân Quốc thay cờ Liên Xô, trục xuất các cố vấn Liên Xô, và đáng kể nhất là cho bắt giết em trai Mao Trạch Đông - Mao Trạch Dân đang lánh nạn ở Tân Cương. Năm 1943, quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tiến vào chuẩn bị tiếp quản Tân Cương. Để tránh xung đột trực tiếp với quân Tưởng lúc này đang cùng thuộc khối Đồng minh, Stalin ra lệnh cho các cố vấn Liên Xô chủ động rút về nước, nhường lại Tân Cương cho Quốc Dân Đảng.
Một lớp học ''tư tưởng'' do chính quyền Quốc Dân Đảng tổ chức tại Tân Cương năm 1942.
Mao Trạch Dân - em trai Mao Trạch Đông - người Cộng sản bị Thịnh Thế Tài sát hại năm 1943.
Nhưng đến năm 1944, khi tình thế chuyển sang có lợi cho Liên Xô, Thịnh Thế Tài lại tính chuyện quay sang Liên Xô một lần. Cũng năm đó, Quân Tưởng vẫn bị Nhật đánh thua liểng xiểng. Thịnh coi đây là cơ hội tốt để đẩy quân của Tưởng Giới Thạch khỏi Tân Cương. Thịnh Thế Tài viết thư cho Stalin bày tỏ sự ''trung thành'' với Liên Xô. Nhưng lần này, Stalin đã biết rõ bản chất của Thịnh. Stalin đã chuyển trực tiếp bức điện tín của Thịnh cho Tưởng Giới Thạch, khiến cho Tưởng giận dữ vì cho rằng Thịnh Thế Tài phản bội Quốc Dân Đảng.

Tháng 8/1944, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ra lệnh điều chuyển Thịnh Thế Tài khỏi Tân Cương, về nhậm chức Bộ trưởng nông nghiệp ở chính phủ trung ương. Khi rời khỏi Tân Cương, người ta nhìn thấy Thịnh mang theo 150 xe tải và 3.000 con lạc đà, chở số tài sản vơ vét sau 10 năm làm lãnh chúa Tân Cương. Người dân Dihua ngày hôm đó đổ ra đường ăn mừng. Nhưng gia đình cha vợ của Thịnh là Khâu Tông Tuấn vẫn ở lại.

4/ Cuối đời và di sản.
Thịnh Thế Tài giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp đến khi Thế chiến 2 kết thúc và sau đó đến Nội chiến Quốc - Cộng lần 2. Đến năm 1947, ông bị cách chức để điều tra tội tham nhũng và giết người trong thời gian làm lãnh chúa Tân Cương.

Nhưng tình hình chiến sự khốc liệt ngăn cản cuộc điều tra. Đến năm 1949, Quốc Dân Đảng thua trận, bị đẩy khỏi Đại Lục. Lo sợ bị trả thù do đã giết em trai Mao Trạch Đông năm xưa, Thịnh Thế Tài đã gạt qua nỗi sợ Tưởng Giới Thạch để di tản ra Đài Loan cùng Tưởng. Ở Đài Loan, Thịnh sống như dân thường và qua đời năm 1970 ở Đài Bắc.

Tuy nhiên, gia đình cha vợ của Thịnh ở lại Trung Hoa chịu một kết cục thảm khốc. Một ngày tháng 5 năm 1949 tại thành phố Lan Châu tỉnh Cam Túc, toàn bộ gia đình 11 người của Khâu Tông Tuấn, cha vợ Thịnh Thế Tài (người nhỏ nhất mới 5 tuổi), đã bị sát hại dã man. Toàn bộ tài sản bị cướp sạch. Người ta nghi ngờ những người dân oán hận Thịnh Thế Tài trong thời gian y nắm quyền ở Tân Cương, đã quay ra giết hại và cướp bóc gia đình vợ của Thịnh. Vụ án gây chấn động Trung Quốc lúc bấy giờ.

Chính quyền Quốc Dân Đảng đã bắt và tử hình một số người, nhưng sau đó quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa chiếm được Lan Châu, ân xá cho những tù nhân còn lại.

Thịnh Thế Tài ngày nay là nhân vật thường không được nói tới nhiều ở CHND Trung Hoa. Dù là một nhân vật cánh tả,  từng hợp tác với Liên Xô, nhưng những người Cộng sản Trung Quốc không đánh giá cao vai trò của Thịnh Thế Tài, hơn nữa sau đó Thịnh còn trở mặt sát hại nhiều người Cộng sản. Bản thân những người Cộng sản Trung Quốc cũng coi cuộc can thiệp của Liên Xô vào Tân Cương năm 1934 là ''xâm lược'', đe dọa sự thống nhất của Trung Quốc. Vì vậy, những người lính Liên Xô chết năm 1934 ở Tân Cương thường không được coi là anh hùng.

Tuy vậy đến năm 2011, sau thỏa thuận với chính phủ Nga, chính quyền khu tự trị Tân Cương đã đồng ý xây đài tưởng niệm cho lính Liên Xô tử trận năm 1934 tại Công viên sinh thái Đông Sơn. Đây là nơi chôn cất 79 hài cốt lính Liên Xô, là có những người bị quân của Mã Trọng Anh ném xuống hẻm núi dưới chân đèo Dawan Cheng năm xưa.

Tham khảo: Các bạn có thể tìm tư liệu về đề tài này qua các ghi chép của nhà thám hiểm người Thụy Điển Sven Hedin. Ví dụ như cuốn ''Big Horse Flight'' ghi chép riêng về tướng Mã Trọng Anh trong cuộc viễn chinh vào Tân Cương năm 1933.