BURNLEY 1-1 TOTTENHAM
Tottenham Hotspur đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn nhất mà họ từng phải đối mặt trong những năm gần đây. Khủng hoảng về lực lượng do cơn bão chấn thương cũng như sự kém cỏi về phong độ và tâm lý thi đấu đang đẩy Tottenham tới gần hơn với việc bị hụt hơi trong cuộc đua giành lấy một tấm vé dự UEFA Champions League. Trong khi đó, đội chủ sân Turf Moor lại đang có một phong độ tốt trước trận đấu này và đã giữ vững phong độ ấy để có được một trận hoà kém may mắn trước đội bóng được đánh giá cao hơn. Bài phân tích này sẽ nói về cách mà hai đội đã thi đấu với nhau tại SVĐ Turf Moor, đặc biệt là những sai lầm ở hiệp đấu đầu tiên và những thay đổi trong hiệp đấu thứ hai của đội khách Tottenham Hotspur.
ĐỘI HÌNH THI ĐẤU
Đội khách ra sân với đội hình 3-4-2-1. Trong đó chúng ta tiếp tục được thấy Eric Dier thi đấu ở trung tâm hàng phòng ngự 3 người, còn Jan Vertonghen và Japhet Tanganga thi đấu ở vị trí của hai tiền vệ cánh. Cầu thủ trẻ Oliver Skipp được tin tưởng để đá cặp với Ndombele ở vị trí tiền vệ trung tâm. Ở phía trên, họ có Dele Alli chơi cao nhất trên hàng công với sự hỗ trợ của Lamela và Steven Bergwijn. Nhìn chung, đây chỉ là một biến thể của đội hình 3 trung vệ mà HLV Jose Mourinho thường xuyên sử dụng trong quãng thời gian đối đầu với cơn bão chấn thương. Với hình dạng đội hình này, ý tưởng cơ bản của Mourinho là xây dựng một đội hình hẹp với lượng nhân sự tối đa ở khu vực giữa sân nhằm tạo ra những tình huống chơi hơn người trước những cầu thủ trung tâm của đội chủ nhà. Lần này, Steven Bergwijn sẽ là người duy nhất cung cấp một lựa chọn đi bóng tốc độ trong những tình huống tấn công của Tottenham, còn hai hậu vệ cánh sẽ là người tận dụng những vùng không gian rộng hơn mà đội hình của Burnley bỏ lại.
Về phía Burnley, họ sử dụng đội hình 4-4-2 giăng ngang để đối đầu với đối thủ trực tiếp trên BXH của mình. Đội hình của Burnley có thể coi là đại diện cho lối chơi cổ điển của người Anh trong bóng đá hiện đại với việc sử dụng những tiền đạo cao to, giỏi làm tường và tạo cơ hội cho đồng đội dứt điểm. Với đội hình này, đội bóng của HLV Sean Dyche sẽ muốn chủ động thu hẹp chiều rộng đội hình nhằm hạn chế không gian chơi bóng của những cầu thủ tấn công bên phía Spurs. Họ chắc chắn cũng hiểu rằng, mối đe doạ đến từ hai hậu vệ cánh của Tottenham là không có nhiều, cũng như việc duy trì một đội hình hẹp và thống nhất sẽ giúp cho họ có thể che giấu đi điểm yếu là sự vụng về và xoay trở kém cũng như tối đa hoá điểm mạnh ở khả năng chống bóng bổng của mình trước những tiền đạo nhỏ con bên phía đối thủ.
KHỞI ĐẦU BẤT NGỜ
Thực ra trái ngược với tiêu đề, cách khởi đầu trong trận đấu này của Tottenham có lẽ không còn bất ngờ với phần lớn khán giả khi họ nhìn thấy đội hình xuất phát của đội bóng. Mourinho, với những khó khăn chồng chất và mục đích giữ sức cho cuộc đối đầu với Leipzig ở lượt đi vòng loại trực tiếp UEFA Champions League, tiếp tục phải sử dụng một cách tiếp cận vô cùng bị động và nhường quả bóng lại cho đối thủ. Đây có lẽ cũng là chủ đích của một chuyên gia phân tích đối thủ như Mourinho, bởi lẽ Burnley không phải là một đội bóng chơi tốt khi được cầm bóng nhiều và chủ động tấn công. Khi phòng ngự, đội hình của Tottenham có dạng 5-4-1 với hai tiền vệ tấn công lùi xuống hợp với bộ đôi tiền vệ trung tâm. Đội khách phòng ngự với một khối phòng ngự trung bình – thấp và gần như không chủ động gây áp lực lên hàng phòng ngự của Burnley mà chỉ sử dụng Alli và cầu thủ chạy cánh ở khu vực gần bóng nhất để kèm sát những tiền vệ của đối thủ. Với lối chơi này, chúng ta có thể thấy rõ rằng Mourinho đang muốn những học trò của mình chủ động phòng ngự và hạ gục Burnley trong những tình huống phản công. Tuy nhiên, những toan tính của HLV người Bồ Đào Nha đã bị phá sản bởi những bài đánh rất đơn giản, rất cổ điển, rất Anh quốc của Sean Dyche - những tình huống tấn công biên của McNeil và những cú dứt điểm từ xa sau khi thắng bóng hai.
Sau khi bị thủng lưới sớm, Tottenham gặp phải một khó khăn thực sự khi họ ngay lập tức phải đổi kế hoạch và trở thành đội bóng cần tấn công. Đội bóng thành London chủ động xây dựng những tình huống lên bóng từ tuyến dưới. Tuy nhiên, Burnley đã khôn khéo làm phá sản kế hoạch này và ép đội khách phải chơi bóng theo cách mà họ muốn. Trong những ví dụ dưới đây, chúng ta có thể thấy cách mà bộ đôi tiền đạo của Burnley cùng với hàng tiền vệ ngăn chặn mọi lựa chọn lên bóng ngắn của Spurs. Với việc chỉ có hai tiền vệ trung tâm, trong đó Tanguy Ndombele được chủ động dâng cao hơn thay vì phải lùi xuống nhận bóng và sử dụng khả năng đi bóng của mình để kéo bóng lên tuyến trên, tuyến giữa của Tottenham luôn luôn bị Burnley đặt vào tình thế lấy ít đánh nhiều, và thậm chí bị những tiền đạo của Burnley ngắt hoàn toàn kết nối với hàng phòng ngự. Điều này, cùng với việc không có những hậu vệ cánh đích thực hỗ trợ đã khiến những lựa chọn lên bóng của Tottenham phải đặt cả lên vai của các trung vệ. Burnley biết điều đó, và họ cũng chủ động thực hiện điều đó, bởi khả năng chơi bóng bổng của họ là vượt trội hoàn toàn so với bộ ba tấn công của Tottenham – Alli, Bergwijn và Lamela.



Trong những tình huống có thể lên bóng hiếm hoi trong hiệp 1, Dele Alli đóng vai trò như một số 9 ảo, di chuyển rộng và thấp hơn nhằm tham gia vào quá trình triển khai bóng, còn Bergwijn và Lamela sẽ là hai mũi tấn công chính. Bộ ba tấn công này cùng với Ndombele thường chủ động tấn công bằng những đường chuyền ngắn, nhanh và đảo vị trí liên tục. Tuy nhiên, một lần nữa điểm yếu cố hữu của Tottenham mỗi khi chơi với sơ đồ 3 trung vệ lại xuất hiện và làm khó chính họ. Việc có tới 3 cầu thủ tấn công thi đấu gần vòng cấm nhưng không có một bộ đôi hậu vệ cánh tấn công đích thực đã khiến không gian chơi bóng của họ hẹp đi quá nhiều. Trong ví dụ này, chúng ta có thể thấy khối phòng ngự của Burnley chật chội đến thế nào. Bộ ba tấn công của Gà trống gần như không có một cơ hội nào để được nhận bóng từ những đồng đội ở tuyến dưới. Không có Aurier hay Davies – những chân tạt bóng tốt nhất ở hai cánh, Tottenham gần như chỉ liên tục thực hiện những pha đập nhả tốc độ cao ở giữa sân một cách vô nghĩa khi không thể xuyên phá được khối phòng ngự quá vững chắc của đội chủ nhà.


NHỮNG THAY ĐỔI Ở HIỆP 2
Ngay đầu hiệp 2, Mourinho đã quyết định thay đổi hoàn toàn hệ thống với hai sự thay đổi người cùng lúc. Skipp và Ndombele sau một hiệp đấu mờ nhạt đã phải rời sân nhường chỗ cho Lucas Moura và Lo Celso. Eric Dier được trả lại với vị trí của một tiền vệ trung tâm để đá cặp với Lo Celso. Như vậy, Tottenham đã trở về với đội hình mà Mourinho yêu thích trước thời điểm cơn bão chấn thương ập đến, đội hình 4-2-3-1.
Trong hiệp đấu thứ 2, Tottenham đã chủ động gây áp lực nhiều hơn ở 1/3 sân cuối cùng, đồng thời đẩy tuyến phòng ngự lên khá cao khi so sánh với hiệp đấu đầu tiên. Việc sử dụng đội hình 4-2-3-1 với lực lượng dàn trải đồng đều trên khắp mặt sân đã giúp Tottenham mạnh hơn trong những pha tranh chấp và làm chủ được thời lượng cầm bóng. Đồng thời, việc chơi với 2 tiền vệ phòng ngự, trong đó có Lo Celso là một người có tốc độ và kỹ thuật tốt đã khiến cách lên bóng từ tuyến dưới của Spurs trở nên khả thi hơn rất nhiều. Với nhân lực dồi dào trong những pha tấn công, những tình huống chuyền bóng nhanh ở cự lỵ gần so với hiệp một rõ ràng là dễ dàng hơn. Trong tình huống này, chúng ta được thấy cách triển khai phản công của Tottenham đã khác đi so với những gì mà họ đã làm trong hiệp một. Với việc khai thác tốt khoảng trống giữa các tuyến của đối thủ và để Steven Bergwijn và Lucas Moura di chuyển rộng hơn nhằm thu hút sự theo kèm của hai hậu vệ cánh, hàng phòng ngự 4 người của Burnley đã bị kéo dãn. Điều đó tạo ra thêm cho Dele Alli nhiều lựa chọn chuyền bóng, cũng như khoảng không gian cho chính cầu thủ người Anh được tự do xử lý bóng.


Tuy nhiên, khi làm chủ thế trận, Tottenham vẫn gặp phải những rắc rối nhất định. Việc hai hậu vệ biên dâng cao vốn dĩ là những trung vệ đã khiến Tottenham không thể khai thác tối đa khoảng trống ở hai cánh của đội hình rất hẹp bên phía Burnley. Cách đánh rất nguy hiểm với những đội đá với một khối phòng ngự hẹp là đảo cánh nhanh bằng những đường chuyền ngang gần như không được xuất hiện, thay vào đó là những quả tạt mà chắc chắn các trung vệ của Burnley không hề e ngại. Bên cạnh đó, cảm quan vị trí và khả năng quan sát cực kỳ khó hiểu của Lamela, cùng với khả năng sử dụng chân phải rất tệ cũng khiến đội bóng đến từ London bỏ lỡ không ít những cơ hội ngon ăn trong hiệp đấu thứ hai. Ở mặt trận phòng ngự, dù tuyến phòng ngự không dâng quá cao, những cái tên như Sanchez hay Alderweireld vẫn dễ dàng bị những tiền đạo của Burnley vượt qua trong những tình huống bóng dài – thứ khiến cho Tottenham đã suýt chút nữa đánh rơi 1 điểm.
KẾT LUẬN
Một hiệp một tệ, và một hiệp hai không quá tốt của Tottenham. Khi những vấn đề cũ vẫn còn đó và chỉ được giải quyết khi các trụ cột trở lại, thì những vấn đề mới lại tiếp tục xuất hiện với đội bóng của Jose Mourinho. Đây có lẽ là thời điểm mà những cổ động viên của Tottenham, đặc biệt là những cổ động viên mới, đang vô cùng mất kiên nhẫn với đội bóng con cưng của mình. Tuy nhiên, có lẽ họ sẽ còn phải kiên nhẫn thêm một khoảng thời gian nữa, bởi thứ mà họ cần tập trung lúc này không phải là những thất bại đã qua, mà là trận đấu quan trọng với RB Leipzig giữa tuần sau trong khuôn khổ UEFA Champions League.