"Văn học - nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Cách thưởng thức văn học nghệ thuật, thì lại phản ánh con người". Đã quá lâu, tôi chẳng thể nhớ được ai là người đã nói với tôi những câu trên. Cũng phải, chúng ta thường chỉ nhớ sự kiện, hình tượng, nhớ đến những gì gây cho mình ấn tượng mạnh, ít khi nào nhớ được những cái tên vô hồn.
Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn
(Ph.G. Lorca) 
Tôi chẳng thể biết được, mà có khi cũng không nên biết tác giả là ai. Tôi cũng chưa từng được gặp, chưa từng được kề vai sát cánh bên Ph.G.Lorca. Nhưng ...
Kể từ khi đọc bài thơ này, nó đã để lại một nỗi ám ảnh trong tôi. Thơ cái kiểu gì vậy, cái thứ này mà dám gọi là thơ à? Nhưng ...
Ph.G.Lorca là ai? Tại sao ông lại được miêu tả đẹp một cách kỳ diệu đến như vậy?
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt. "Áo choàng đỏ gắt". Ta chẳng cần biết Tây Ban Nha, ta cũng cảm giác được có một chàng hiệp sĩ đang đứng giữa một quảng trường lộng gió, dưới ánh mặt trời vĩ đại đang khiến vóc dáng của chàng to lớn hơn rất nhiều. Tại sao? Đỏ gắt vốn là một tính từ rất mạnh. Điều đặc biệt của nó là màu đỏ của vải không thể nào "gắt" lên được mà không đứng dưới ánh sáng. Biết thêm về Tây Ban Nha, hình ảnh chàng hiệp sĩ hiện ra dưới tiếng hò reo của mọi người, nổi bật cả một góc trời, sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù.
Nhưng, tại sao không phải đỏ rực một góc trời? Tại sao không phải là đỏ bừng một góc trời? Mà lại là đỏ gắt? Một màu sắc khiến người ta cảm thấy là nên đứng ngắm nhìn nó từ xa, và gần như khiến người đọc cảm nhận rằng nó chỉ đứng một mình?
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Chẳng có gì có thể thê thương hơn thế. Hóa ra chàng hiệp sĩ - kỵ sĩ của chúng ta đang đơn độc, áo đỏ đã thành xám xịt dưới ánh trăng. Chẳng phải sau ánh hào quang của sân khấu, của vũ đài lịch sử chàng mới đơn độc, mà hóa ra, chọn từ đỏ gắt như thế mô tả một con người đơn độc đến cùng cực, suốt từ lúc mặt trời còn huy hoàng, đến lúc trăng đã lên. Và ...
những tiếng đàn bọt nước                                                                                            li-la li-la li-la
Trong không gian đó, một không gian quạnh hưu chỉ có người hiệp sĩ, ánh trăng, con ngựa đang bước những bước chân thất thểu về hướng mặt trăng, còn có cây đàn Tây Ban Cầm. Nghệ thuật là đây! Dưới ánh trăng bàng bạc phủ lên vạn vật, "bọt nước" đó như ánh trăng chiếu lên cơn sóng bạc đầu, tạo thành muôn ngàn bọt nước, chóng hợp rồi chỉ tan trong khoảnh khắc. Tiếng đàn bọt nước, vừa mong manh, vừa khiến người ta cảm thấy lóng lánh bạc.

Đọc thêm:

Sự long lanh đó, cũng khiến cho ta đột nhiên có một cảm giác bất an, một cảm giác bất an khó tả, khi mọi thứ vốn đang tịch mịch, cô độc, nhưng như báo hiệu một điều gì...
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Lại một hình ảnh ngày đêm luân phiên khéo léo, không hề sử dụng bất kỳ một từ ngữ nào nói đến ngày hay đêm. Ban ngày, chàng lại bước trên đường rộng thênh thang lồng lộng gió, hát những câu ca yêu đời khắp miền Tây Ban Nha, tiếng đàn của chàng đem lại những hòa âm vang vọng đầy không gian.
Bỗng lặng ngắt.
Tác giả chọn từ "bỗng kinh hoàng" đối lập hoàn toàn với sắc thái của một người "hát nghêu ngao" khiến tim người đọc đột nhiên thắt lại, thấp thỏm, lo âu vì một điều đáng sợ sắp xẩy đến. Và không dông dài, lập tức được giải tỏa ở câu sau:"áo choàng bê bết đỏ".
Cái "ác" của tác giả nằm ở đây, màu đỏ của máu chỉ có thể nhìn thấy ở ban ngày, giữa vừng dương hừng sáng, ban đêm thì máu sẽ có màu đen, tiếng hát nghêu ngao cũng chỉ vui vẻ, bớt đơn độc khi được nghe vào ban ngày. Nhưng ngay khi ta nhận ra được mọi vật đang bừng sáng, đang đẹp đẽ như thế, cũng là lúc chàng hiệp sĩ không còn nữa. Áo choàng đỏ cũng không còn đỏ gắt, không còn hoàn hảo dưới ánh sáng nữa, mà bê bết, mệt mỏi, thảm hại.
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Từ đầu, dụng ý kể những hình ảnh theo cách đảo ngược đã tạo nên những ấn tượng rất khác nhau, ở đoạn hai, việc sử dụng hình ảnh đảo ngược không biết do ngẫu nhiên hay cố ý, đã đẩy cảm xúc người đọc lên cao trào, đúng với cảm xúc hỗn loạn khi bỗng nhiên thấy chàng hiệp sĩ vẫn hằng ngày "hàm hoằng quang đại" bỗng nhiên bị xử tử.
Nhưng tại sao, đồng chí Lorca không hiên ngang bước, không hô vang khẩu hiệu, lý tưởng sống mà chàng bảo vệ?
Lại một lần nữa, phép kể chuyện theo cách diễn dịch được tác giả sử dụng, để người đọc ngổn ngang trong cảm xúc.
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
Chưa bao giờ, tình yêu được khắc họa đẹp như thế. Chưa bao giờ, người chiến sĩ của chúng ta, chàng hiệp sĩ - kỵ sĩ của chúng ta lại người đến như thế.
Chúng ta đã hô vang khẩu hiệu nhiều năm trời, chúng ta đã làm theo đường lối, hy sinh tất cả để bảo vệ hạnh phúc cho con người. Nhưng, sâu thẳm trong mỗi chúng ta là một trái tim biết yêu.
Người lãng tử có thể gặp không biết bao nhiêu cô gái, nhưng hằng đêm, trước khi ngủ, anh chỉ nghĩ về một người duy nhất, người con gái định mệnh của đời anh! Và trước giấc ngủ Vĩnh Hằng, chàng hiệp sĩ cũng chỉ nghĩ đến một người con gái duy nhất. Thật đẹp làm sao.
Tiếng ghi-ta nâu. Thật kệch cỡm, giả tạo và tục tĩu khi rằng đây là màu nâu của cây đàn, màu nâu của đất đai, màu nâu của làn da rám nắng trên thân hình những vũ nữ Digan bốc lửa. Hiệp sĩ của chúng ta không tầm thường đến thế.
Nâu này là màu nâu của đôi mắt, khi chàng đàn cho người mình yêu nhất nghe, nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng, và hát cho nàng nghe những bản tình ca. Đôi mắt nâu, đôi mắt ám ảnh - lại dưới ánh nắng mặt trời - sâu thẳm như đại dương. Đôi mắt đấy, vốn nhìn chàng không biết bao lần, vào ngày hôm đó, ánh dương bao trùng khắp muôn nơi, đúng lúc chàng cất câu tình ca, đôi mắt đó bừng sáng khi có một tia nắng chiếu ngang qua bề mặt của thủy tinh thể - hình ảnh người con gái đó, như một nữ thần, mà chàng mang theo, đến tận lúc chuẩn bị xuống mồ.
"Bên anh đổ mưa lớn, bên em đã nắng chưa?"
"Bao lâu rồi chúng ta chưa ngắm trời xanh bao la"
Bầu trời cô gái ấy, bầu trời anh và em cùng ngắm nhìn hôm đấy, thật đẹp. Mỗi lần chàng ngắm nhìn bầu trời, chàng lại như nhìn thấy hình ảnh của nàng, đằng sau những "mặt trời chân lý"; "khẩu hiệu" mà cả đời chàng phải gánh vác.
Mãi về sau này, bầu trời vẫn vậy, nàng vẫn sẽ ngắm nhìn bầu trời, chỉ là, sẽ không bao giờ chàng và nàng cùng được ngắm nhìn bầu trời nữa rồi.
Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy. Đến đây bức tranh về quá khứ của Lorca mới hoàn thiện. Chàng đàn hát cho nàng dưới bầu trời xanh cao thẳm và bãi cỏ cũng xanh mơn mởn trải tới tận chân trời, cạnh một gốc cây um tùm, xum xuê, tỏa những tán lá xanh như ngọc của mình để che cho đôi tình nhân. Nơi mà ánh mắt đó khiến chàng nhớ mãi ...
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy
Lại một lần nữa, không hề có một từ mô tả âm thanh. Nhưng âm thanh kinh hoàng đấy vẫn vang vọng khắp không gian. Lorca đã mang những hoài niệm của mình đi mãi. Hoàn thành "điềm báo" về bọt nước đã được đưa ra ngay từ câu đầu tiên. Chàng đón nhận nhẹ nhàng, thể hiện phẩm chất của một chiến sĩ kiên trung, không vang vọng, không người biết. Thứ duy nhất biết, là tiếng đàn ... Và cũng lại một lần nữa, rất tài tình. Màu máu đấy không còn đỏ, không còn nóng hổi nữa, mà đen kịt lại dưới ánh tà dương.
Cảm xúc bất an đã hết, trong lòng người đọc đầy những tiếc nuối ...
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Không ai chôn tiếng đàn, phải thôi, mà cũng chẳng ai chôn được tiếng đàn. Chàng đã đi, nhưng âm hưởng của tiếng đàn còn mãi, như cỏ mọc hoang, không người nuôi nấng, nhưng cũng lan rộng khắp mọi nơi, len lỏi trong không gian báo hiệu về một điều gì đã xảy ra. "Như cỏ" chẳng ai biết là điều gì nữa.
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Hình ảnh "giếng nước" hiện lên một cách nhẹ nhàng, không đột ngột do đã có những dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng (trăng soi bóng nước), nhưng lại khiến người đọc căm phẫn cực độ. Phải chăng, những con người mọi rợ đã giết chết chàng, sau khi làm xong công việc, không chôn cất, không an táng mà đã "thoẳng" chàng xuống giếng? Ôi! Đúng là như vậy rồi, sự sắp xếp các hình ảnh, đảo từ của tác giả đã khiến người đọc cảm thấy căm phẫn xót xa, nhưng cũng lại rất nhẹ nhàng. 
Chỉ có người đã từng múc nước đêm trăng, mới có thể tin được rằng ở đây tác giả hoàn toàn không sử dụng hình ảnh ẩn dụ phúng dụ cho điều gì cả, mà là đang tả thực. Trăng tròn, ánh trăng đã cùng bầu bạn với Lorca trong suốt khổ thơ đầu, nay đã sà xuống nước, long lanh trong giếng. Ánh trăng tròn, như giọt nước mắt của bầu trời. Đến cuối cùng, cái chết này vẫn là không ai thương xót, có trời biết, đất biết, tiếng đàn buồn biết. Không ai nói, không ai đến viếng thăm. Trăng muốn soi được bóng nước, thì nước phải tĩnh, mặt nước phẳng lặng dưới đáy giếng một lần nữa nói lên sự tịch mịch, đơn độc của chàng. Sự hy sinh thầm lặng cả cuộc đời, phải rời xa người con gái mình yêu nhất, kết quả là cuối cùng cũng vẫn là làm bạn với sự cô đơn, khiến cho người đọc ám ảnh không dứt.
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc
Nghệ thuật chọn từ ngữ của tác giả đã đạt đến mức tối thượng, đến mức diễn tả được ý chí của con người bằng một từ, một tiếng. "Đã đứt" tại sao lại là "đã đứt" làm gì có đường chỉ tay của ai đang nhiên lại đứt được ra không? Tại sao tác giả không viết là "đứt đoạn". Đã đứt, tức là mới đó còn nguyên. Đường chỉ tay, trượng trưng vận mệnh, cuộc đời, những thứ được trời ban cho. Rõ ràng đường chỉ tay của chàng còn dài, nhưng vì sự nghiệp cách mạng, vì yêu thương con người mà chàng chọn cách hy sinh mọi thứ để đứng lên bảo vệ lẽ phải. Chàng cũng là con người, chàng có quyền chọn cuộc sống hạnh phúc bên người con gái mắt nâu chứ? Chỉ là việc chàng đã chọn. Đã đứt.
Nhưng chàng vẫn phải đi, vẫn phải bước tiếp cuộc phiêu lưu của mình. Cuộc sống sau cái chết, chẳng ai có thể biết điều gì sẽ diễn ra, bởi vì người biết, thì chết cả rồi. Chắc là phải đi tiếp, nhưng đi tiếp tới đâu, chẳng ai biết. Chẳng hề thấy bờ bên kia. Chàng hiệp sĩ của chúng ta không hề run sợ, không hề thấy bờ bên kia, nhưng chàng biết, chàng phải đi tiếp, vì chẳng có gì có thể cản được ý chí của chàng, kể cả cái chết. Nhưng ô kìa, cạnh chàng vẫn là chiếc đàn guitar, không ai khác. Vậy, hóa ra chuyến đi của chàng, được gọi tên là cuộc phiêu lưu về miền cô độc.
chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
Trên chuyến đi đó, chàng bỏ được hình ảnh cô gái gây ám ảnh cho chàng - ném lá bùa Di-gan vào xoáy nước, chàng cũng ném trái tim mình vào lặng yên. Đến đây, chẳng phải các em choai choai sẽ nói Lorca vô tình hay sao? Chẳng phải. Có một thứ tình yêu gọi là buông bỏ. Vẫn yêu cô gái, rồi sao? Làm ma về ám cô hay sao? Chàng hiểu rằng từ giờ, người có thể bình yên bên cô, vĩnh viễn không phải là mình nữa. Bằng cách ném lá bùa trở lại vòng xoay vận mệnh, chàng đặt một nguyện ước cuối cùng, mong rằng sẽ có người tiếp tục lá bùa đấy, đem lại bình an cho nàng.
Có người lại nói, thế là xong hết, nên bình an phải không? Nên tim mới lặng yên được? Thưa, không. Tác giả chọn động từ rất khéo. Tất cả đều là hành động mà chàng tự do quyết định. Khi ném lá bùa của cô gái vào xoáy nước, chàng đã yên tâm về cô gái rồi. Còn chàng chọn cách lặng im, là vì một triết lý mãi sau này người ta mới hiểu:"Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..."
Hai khổ cuối cùng, rất đặc biệt, nó dường như là một lời an ủi, một đoạn phân bua của tác giả dành cho Lorca. Nó đã hoàn thành kết cấu bài thơ một cách toàn hảo. Tác giả kể chuyện có hơi hướng huyễn hoặc. Nhưng lại giả làm một hiện tượng. Đấy là trước khi mất hẳn ý thức, thì vẫn còn khoảng 30 giây cuối cùng con người vẫn còn suy nghĩ. Và trước khi tiếp tục cuộc hành trình của mình, thì Lorca - chàng hiệp sĩ, đã buông được mọi thứ ... Khép lại câu chuyện hoàn hảo đến mức, không cần phải hoa mỹ, ai cũng hiểu rằng, sự im lặng này, sẽ là im lặng cuối cùng, vĩnh viễn không còn gì nữa ...
li-la li-la li-la...
Cái gì ?
A ha, một cách thể hiện thiên tài. Lila, lila, lila. Ba từ gây ức chế cho biết bao thế hệ học sinh, vì chẳng ai hiểu được, có người lại giải thích Lila, Lila, Lila là đoạn nhạc dạo. Ô vậy hóa ra đây là đoạn dạo cho Lorca Phục Sinh? Vậy bài thơ Lorca Phục sinh đâu rồi? Cũng có người cho rằng đây là tiếng báo hiệu chuyển đoạn? Vậy tại sao lại chuyển đoạn ở giữa những câu thơ. Vả chăng, tiếng guitar thì tác giả nên viết là
Tăng tăng tăng, tăng tăằngg
thì hay hơn nhiều? Tiếng guitar ở đây, vẫn luôn là tiếng guitar vang vọng khắp không gian, suốt từ khổ đầu, tiếng guitar cô độc, người hiệp sĩ cũng cô độc, hai người chỉ gặp nhau và bầu bạn. Đàn guitar thì đã đi theo chàng mãi, còn tiếng guitar, những bản tình ca chàng hát thì vẫn ở nơi đây, gieo mãi vào lòng người những tiếc nuối khôn nguôi.
Phải khi tất cả mọi thứ, tiếng súng, sự suy nghĩ, nỗi đau buồn đã dịu xuống rồi, thì người ta mới nghe thấy tiếng nhạc nền, vẫn còn văng đâu đây. Như một sự an ủi những người còn ở lại. Như nhắn gửi những đàn em phải tiếp tục sự nghiệp của mình. Cũng như tiếng an ủi người thân yêu đừng quá đau buồn.
Tại đây, ta mới có thể xuyên xuốt tiếng đàn toàn bài. Tiếng đàn từ đầu, nhẹ nhàng, tịch mịch, điệu flamenco cuồng nhiệt vào ban ngày. Tiếng đàn như tiếng giông bão lúc chàng bị điệu ra bãi bắn. Rồi lại kỹ thuật tremolo miên man khi chàng gặp nàng, điệu nocturne não lòng khi chàng đi tiếp dòng sông của đời mình. Hóa ra, suốt từ đầu, giai điệu du dương của nó vẫn luôn điểm suốt, nhưng chỉ khi im lặng rồi, chỉ khi không còn chàng nữa... Phải chăng, tiếng lila này ở trong tâm hồm mỗi chúng ta, chứ chẳng phải có thật? Chẳng ai biết được, thật, chẳng ai dám biết được.
Thơ thì có thể có vần, có luật. Có thơ lại là những giai điệu được phân cách bằng cách chọn từ ngữ, hình ảnh tuyệt hảo. Bài thơ tuy có thể gây "phản cảm" cho cả một thế hệ học sinh, nhưng nếu đã đọc, đã học, thì sự ám ảnh, nỗi khắc khoải, đơn độc nó để lại sẽ còn khiến người đọc trằn trọc nhiều đêm mãi về sau này.

Bài văn trên tác giả viết vào năm lớp 12, được chấm 2 điểm bảy mươi lăm, các bạn thấy thế nào, có thể chấm điểm bài viết này được không?
Ph.G.Lorca