Phân loại Pressing (theo vị trí)
Như đã hứa, hôm nay mình sẽ tiếp tục chủ đề pressing bằng một bài viết về các loại pressing phổ biến. Bài này tập trung vào việc phân...
Như đã hứa, hôm nay mình sẽ tiếp tục chủ đề pressing bằng một bài viết về các loại pressing phổ biến. Bài này tập trung vào việc phân loại pressing dựa trên vị trí trên sân. Sau đây sẽ có thêm bài về các loại pressing dựa trên mục đích và trường phái.
Bài gốc trên blog Việt Cường của mình (https://vietcuongbongda.wordpress.com/2016/03/14/phan-loai-pressing-theo-vi-tri/)
Xem lại bài Một lược sử về Pressing
Trên phương diện chiến thuật, mặt sân thường được chia làm 3 phần: 1/3 đầu sân, 1/3 giữa sân và 1/3 cuối sân. Tùy thuộc vào khu vực mà các đội bóng chọn để bắt đầu pressing, người ta chia ra 3 loại pressing tương ứng. High-pressure hay forechecking diễn ra ở khu vực gần cầu môn của đối phương. Low-pressure diễn ra ở khu vực gần cầu môn của đội nhà. Và midfield pressing là pressing từ giữa sân; đây là loại pressing phổ biến nhất.
MIDFIELD PRESSURE
Hãy nói về loại phổ biến nhất trước. Đồ họa trên cho thấy vị trí trung bình của các cầu thủ khi họ bắt đầu midfield pressing. Vị trí này có thể dịch lên trên hay xuống dưới một chút, tùy vào triết lý của từng HLV.
Ưu điểm của phương pháp này là khoảng cách tới khung thành đối phương đủ gần để có thể tạo ra cơ hội nguy hiểm ngay khi đoạt được bóng, trong khi khoảng cách tới khung thành đội nhà vẫn đủ xa để phòng ngự.
Ngoài ra, tùy thuộc vào diễn biến trên sân, một đội bóng có thể ép cho đối thủ không lên được bóng, liên tục tiếp cận khung thành của họ và hạn chế gần như tất cả khả năng gây nguy hiểm của cầu thủ tấn công bên phía đối phương.
Nhưng phương pháp này có nhược điểm là nếu đối phương đủ thông minh để thay đổi cách chơi, hoặc thực hiện những đường chuyền chéo sân chính xác thì khung thành rất dễ bị tổn thương, do khoảng trống phía sau lưng đội hình là khá lớn. Với phương pháp này, cầu thủ có bóng của đối phương thường không phải chịu áp lực tức thì. Do vậy, đội pressing sẽ phải phản ứng với các đường chuyền nhiều hơn, kéo theo việc không thể làm chủ thế trận như mong muốn.
HIGH PRESSURE
Hai đồ họa trên cho ta thấy bước chuẩn bị (bên trái) và bước kết thúc của High-pressure, hay còn gọi là pressing ở khu vực 1/3 sân cuối cùng.
Ở giai đoạn chuẩn bị, hệ thống phòng ngự sẽ ở trạng thái midfield pressing, chờ cho đối phương bắt đầu thực hiện một đường chuyền để kích hoạt bộ máy pressing. Ngay khi đối phương chuyền bóng, toàn đội sẽ lập tức dâng cao và áp sát đối phương ngay trên phần sân của họ.
Ưu điểm của phương pháp này là đội pressing luôn có thể phòng ngự một cách chủ động. Ngoài ra, nếu họ cướp được bóng, thì cơ hội gây sát thương cũng cao hơn hẳn do khoảng cách tới khung thành là ngắn nhất.
Nhưng phương pháp này cũng có rất nhiều nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất là khoảng cách từ hệ thống phòng ngự tới khung thành đội nhà rất xa, một quả chuyền vượt tuyến chính xác cho một cầu thủ tấn công có tốc độ có thể tạo nên sức phá hoại ghê gớm.
Ngoài ra, nếu pressing theo cách này, chỉ cần một cầu thủ trong hệ thống tỏ ra sao nhãng hay phán đoán sai lầm, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều so với các phương pháp khác.
LOW PRESSURE
Như trong đồ họa trên, khi áp dụng low pressure, gần như toàn bộ đội hình sẽ dồn hết về 1/3 sân của mình để tạo nên một hệ thống phòng ngự chặt chẽ ngay trước mặt khung thành.
Ưu điểm của phương pháp này là tính chặt chẽ trong đội hình. Những tình huống chọc khe sẽ trở nên vô dụng khi mà đội phòng ngự chơi sát với khung thành của mình, với số lượng các cầu thủ đông, đồng nghĩa với khoảng trống ít.
Khi một đội phòng ngự kiểm này, đối phương sẽ buộc phải dâng cao hơn, do đó để lại rất nhiều khoảng trống sau lưng. Nếu cướp được bóng, cơ hội để tổ chức một pha phản công nhanh nguy hiểm là rất sáng sủa.
Nhưng nhược điểm của phương pháp này là tính thụ động; đội phòng ngự buộc phải chờ xem đối thủ làm gì trước khi có thể tiến hành bước tiếp theo. Các cầu thủ, đặc biệt là các tiền đạo, sẽ mất nhiều thời gian và sức lực hơn để có thể về được vị trí yêu cầu.
Để đối phó với phương pháp này, đối thủ có thể chuyển sang sử dụng những pha treo bóng dài vào vòng cấm. Nếu các cầu thủ phòng ngự không thể kiểm soát bóng ngay, hậu quả là đối phương có thể thắng trong cuộc chiến giành “second ball”* (bóng hai, là trái bóng bật ra sau một pha tranh chấp sau một quả tạt, một quả ném biên...) khi họ đã ở một vị trí rất nguy hiểm gần khung thành.
Tóm lại, phương pháp nào cũng nhiều cái hay và không ít cái dở. Điềm mấu chốt là bạn phải xác định được đúng tình huống (tình huống ở đây có thể là đối thủ, là chất lượng của cầu thủ mình có, là điều kiện sân bãi…) để đưa ra lựa chọn thích hợp.
Trong các bài tiếp theo, mình sẽ đi sâu hơn về chủ đề này, với các bài phân loại pressing theo mục đích/tình huống (không điều kiện, có điều kiện, rời rạc…) và theo trường phái (trường phái Bielsa – Guardiola, Pochettino…, trường phái Mourinho – Mourinho, Simeone, hay trường phái Đức – Klopp, Roger Schmidt).
/the-thao
- Hot nhất
- Mới nhất