Lần đầu tiên, Nguyễn Kế Nhơn trải lòng về sự khốc liệt và những giây phút yếu đuối của anh trong sự nghiệp.
Hơn 10 năm gắn bó với hạng cân 51kg và cuối cùng, Nguyễn Kế Nhơn đã quyết định tăng cân để giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, anh cũng chỉ chuyển sang thi đấu ở hạng 52kg, nghĩa là tăng 1 kg cân nặng so với ban đầu.
Dù vậy, đối với Nguyễn Kế Nhơn, đây vẫn là một sự thay đổi đáng kể cho sự nghiệp của anh. Chia sẻ với webthethao, Nguyễn Kế Nhơn cho biết: "Tôi chỉ lên 1 cân thôi, nhưng mọi việc nó nhẹ nhàng đi nhiều lắm. Trước giờ tôi cắt cân rất sâu, và thường những gram cuối cùng trong cân nặng chính là thử thách mệt nhọc nhất bởi cơ thể đã không còn gì để cắt nữa rồi."
Chia sẻ thêm về sự khốc liệt của cắt cân, vợ Nguyễn Kế Nhơn, chị Trần Ánh Huỳnh cũng từng bộc bạch: "Anh nhà mình bình thường vui vẻ, giỡn nhây lắm. Nhưng mỗi khi đến kỳ cắt cân là ổng sẽ khóc. Đánh đài đau vậy mà không khóc chứ mỗi lần cắt cân là mỗi lần ảnh khóc."
"Đánh đài đau vậy mà không khóc chứ mỗi lần cắt cân là mỗi lần ổng khóc." (Ảnh: Khôi Nguyên)
Thông thường, để giữ vững hình ảnh, các võ sĩ rất hiếm khi để lộ những chi tiết trong quá trình cắt cân của họ bởi đây thực sự là những hình ảnh rất xấu xí. Thể hình, sắc thái thì xanh xao, da bọc xương, tinh thần và cơ thể thì rệu rã chỉ chực chờ đổ gục bất cứ lúc nào. 
Nhưng nhà vô địch Nguyễn Kế Nhơn cho rằng, nếu anh không công khai những hình ảnh xấu xí như thế này, có lẽ đa phần mọi người sẽ không hình dung được những gian khổ mà một nhà vô địch phải trải qua.
Theo như Kế Nhơn chia sẻ, khoảng thời gian trong clip là lúc anh cắt cân quá sâu dẫn đến kiệt sức và suýt ngất. Đồng đội phải dìu vào nghỉ ngơi. HLV của Kế Nhơn lúc đó cũng quyết định dừng ngay buổi tập luyện để Nguyễn Kế Nhơn hồi sức. Nhận thấy Nguyễn Kế Nhơn gần như lả đi vì mệt, cả nhóm đã quyết định giúp anh tắm rửa, hạ nhiệt để giữ Kế Nhơn tỉnh táo.
Nỗi sợ chết từ những ngày kiệt sức
Nhiều hôm do cắt cân quá sâu, Kế Nhơn cũng tự sợ hãi, anh kể: "Có dạo tôi cắt cân sâu quá, tôi không biết mình sẽ sống chết thế nào. Nằm lả người đi vì kiệt sức, tôi phải dặn HLV của mình rằng "Bây giờ tôi đi ngủ đây, tôi mệt quá, nhưng ông chịu khó theo dõi xem tôi ngủ có còn thở không nhé. Nếu có vấn đề gì thì đánh thức tôi dậy ngay hoặc xử lý ngay."."
"Thú thật, những lúc đó, tinh thần mình rất yếu, rất dễ nghĩ đến những điều không tốt." Kế Nhơn chia sẻ. Tuy vậy, vì đam mê và vì những mục tiêu lớn, nhà vô địch vẫn bám trụ với hạng cân 51kg này hơn 13 năm trời trước khi quyết định đôn cân lên 1kg để bảo đảm sức khỏe.
Khoảng thời gian tập luyện cao độ có thể được coi là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất nhưng cũng quen thuộc nhất đối với mọi võ sĩ. Cũng trong khoảng thời gian này, những võ sĩ chuyên nghiệp phải kiêng khem đủ điều, cắt cân, liên tục vượt qua giới hạn bản thân... Có thể nói rằng đây là khoảng thời gian võ sĩ gần như đốt cháy mọi thứ mình có để đạt được mục đích cuối cùng. 
"Bây giờ tôi đi ngủ đây, tôi mệt quá, nhưng ông chịu khó theo dõi xem tôi ngủ có còn thở không nhé."(Ảnh: Khôi Nguyên)
Cũng bởi phải vừa kiêng cữ đủ điều, vừa phải tự vắt kiệt sức bản thân, khoảng thời gian này là khoảng thời gian các võ sĩ trở nên "mong manh" nhất. Và phòng tắm cùng những giọt nước mắt lặng thầm là điều gần như mọi võ sĩ đỉnh cao đều từng trải qua một lần.
Khi bước lên sàn đấu, các võ sĩ thường chịu áp lực tâm lý lớn hơn là thể chất. Do adrenaline trong máu được bơm đến mức tuyệt đối, các võ sĩ ít cảm nhận được cơn đau hay sự mệt mỏi, thậm chí Jon Jones từng thi đấu mà không biết... mình đã gãy ngón chân. Thế nhưng, áp lực tâm lý vẫn tồn tại từng giây phút. Khán giả chỉ nhìn thấy trận đấu, còn võ sĩ đối mặt với áp lực tâm lý suốt quá trình dài tập luyện.
Không như nhiều người vẫn nghĩ, võ sĩ chuyên nghiệp không phải những gã điên vô cảm hay chỉ lầm lì lao đầu vào tập. Môi trường chịu áp lực và hi sinh khủng khiếp, cũng như việc adrenaline trong máu liên tục đè nén cảm giác cơ thể đã tạo nên một khoảng trống to lớn cho sự phát triển tinh thần võ sĩ. 
Adrenaline trong máu liên tục đè nén cảm giác cơ thể đã tạo nên một khoảng trống to lớn cho sự phát triển tinh thần võ sĩ. (Ảnh: Khôi Nguyên)
Vẫn có những võ sĩ “vô cảm” trong làng đối kháng, nhưng họ thường không đến được đẳng cấp cao vì chỉ cần một trận thua... "hên xui" là đủ khiến họ “tỉnh táo” mà nhận ra sự khốc liệt của võ thuật. Họ không đủ "mù quáng" để chuyên tâm theo đuổi bộ môn khốc liệt này.
Trong đối với những võ sĩ dạt dào cảm xúc, những thất bại, những tổn thương giữ lửa để họ càng tập luyện điên cuồng hơn, kỷ luật hơn nữa, càng khắt khe hơn với bản thân để có thể chuẩn bị tốt nhất cho một trận đấu. Tuy nhiên, cũng vì những điều trên, các võ sĩ tuy mạnh mẽ đến vậy họ vẫn rất dễ dàng đổ nước mắt, thậm chí có nhiều giọt nước mắt yếu đuối đến vô lý.
Khôi Nguyên