Sẽ ra sao nếu Ethereum ngã ngựa ?
Ngày Ethereum sập có phải là sự lụi tàn của thị trường tiền điện tử ?
Chẳng có gì lạ khi nhắc đến sự tác động của tin tức lên các thị trường tài chính. Thần chú “Sell the news, buy the rumour” hay “Mua vào khi có tin đồn, và bán ra khi tin đồn trở thành tin tức” là minh chứng hoàn hảo cho điều này.
Tin tức có thể được chia làm 2 loại: Good và bad news (bad news hay còn gọi là FUD), mật độ cả 2 loại tin tức trên ứng với 2 trạng thái của thị trường. Khi chart các đồng coin bay, tin tức tốt được tung ra rất nhiều với vai trò bơm thêm hi vọng, sự hưng phấn cho đám đông. Ngược lại chart cắm đầu, thì các tin xấu chẳng khác gì những gáo dầu đang được tạt thêm vào lửa để làm cho đám đông thêm hoảng loạn.
Năm 2022 quả là một năm tồi tệ một cách điên rồ. Những thế lực mà chúng ta từng tin tưởng, và cho rằng sẽ tồn tại, định hình hay tạo nên tương lai của crypto sau này đã lũ lượt kéo nhau ra đi. Đó là Luna, một gã khổng lồ trong giới tài chính phi tập trung, là một trong 10 hệ sinh thái lớn nhất. Hay mới nhất là Sam với FTX, sàn giao dịch tiền điện tử top 3 toàn cầu, được định giá 38 tỷ Biden hồi đầu năm. Chưa kể đến là hàng loạt vụ phá sản liên đới theo sau.
Thế, còn chuyện gì tồi tệ hơn có thể xảy ra thêm không. Câu trả lời là có đấy. Gần đây, bỗng nhiên rộ lên tin đồn Ethereum sẽ có biến lớn. Chính người tạo ra blockchain này, Vitalik đã lên tiếng về một lời đồn về một sự kiện quan trọng sắp xảy ra. Hãy hi vọng rằng Ethereum sẽ đứng vững, nhưng nếu trong một tương lai, crypto sẽ trông như thế nào nếu ETH bị Sam kéo xuống mồ chung ?
Vị trí của Ethereum ở đâu trong thế giới crypto ?
Ai cũng có cho mình một nàng thơ, và crypto có cho mình Ether. Nếu nói Bitcoin là king of crypto, thì Ethereum phải được xem là queen của thế giới phi tập trung này. Gọi Bitcoin là kẻ tiên phong, thì Ether là người đã phát triển, và nhiều lần nâng tầm blockchain.
Cùng mình lược qua một lịch sử phát triển của nàng hậu này:
Năm 2011, một chàng lập trình viên trẻ tuổi (17 tuổi) có tên Vitalik Buterin đã biết đến và dành sự quan tâm cho Bitcoin. Sau đó, vào năm 2013, anh và những người bạn đã lập ra trang Bitcoin Megazine, một trang media lớn về crypto, Bitcoin cho đến hiện tại.
Nhưng Vitalik cũng đã sớm nhận ra vấn đề của chuỗi khối Bitcoin, đó là khả năng tương tác. Bitcoin chỉ là một blockchain độc lập, không có khả năng mở rộng. (Nguyên văn câu nói của Vitalik: “I thought [those in the Bitcoin community] weren’t approaching the problem in the right way. I thought they were going after individual applications; they were trying to kind of explicitly support each [use case] in a sort of Swiss Army knife protocol.”).
Do đó, Vitalik đã nung nấu tạo nên một blockchain khác, có nhiều chức năng hơn, mang khả năng tương tác và vượt ra khỏi chức năng duy nhất là để mua bán như Bitcoin. Đó chính là Ethereum.
Tại sự kiện Bitcoin Miami 2014, Vitalik đã có lần đầu giới thiệu Ethereum với cộng đồng. (Xem video buổi giới thiệu của anh tại đây). Sau đó, Vitalik và đội ngũ đã gọi vốn được 18 triệu USD từ cộng đồng. Theo lời của Vitalik, số lượng người chấp nhận Bitcoin hay tiền điện tử trên toàn cầu vào năm 2015 này chỉ rơi vào khoảng 100 nghìn người, do đó, số tiền gọi vốn trên là hết sức ấn tượng.
18 tháng sau khi gọi vốn, mạng lưới Ethereum chính thức đi vào hoạt động. Tuy không phải là người phát minh ra smart-contract, nhưng Vitalik đã nhìn ra được tiềm năng ứng dụng của nó. Ethereum trở thành blockchain smart-contract đầu tiên, mở ra cơ hội để các nhà phát triển xây dựng ứng dụng trên chuỗi khối này.
Phiên bản đầu tiên Ethereum Frontier
Sau 7 năm, ETH đã trở thành một phần quan trọng của cả thị trường tiền điện tử với hơn 2700 ứng dụng, 450k người dùng hằng ngày. Cũng từ Ethereum, các trend mới như Defi, NFT, Blockchain game mới bùng nổ và lan sang các nền tảng khác. Hiện tại, Ether không còn chỉ là một blockchain 1 layer đơn thuần, nó còn là lớp nền tảng để các blockchain khác phát triển lên (layer-2) nhằm mở rộng mạng lưới.
Mặc dù đứa con Ethereum đã vươn lên vị trí thứ 2 bảng xếp hạng các đồng coin theo độ lớn vốn hóa thị trường, chỉ sau duy nhất Bitcoin. Song, người cha Vitalik thể hiện sự khiêm tốn so với vị thế của anh. Vitalik từng nói “Nhìn tui zậy chứ làm gì có đến 1 tỷ đô đâu” khi drama FTX nổ ra vài mọi người bàn tán về khối tài sản 18 tỷ đô của Sam.
Vitalik đã được Forbes ghi tên vào 2 danh sách 30 under 30 - Finance (2018) và Forbes under 30 - Hall of fame (2022). Tờ Time cũng gọi tên Vitalik trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2021. Thành tích trên mặt trận truyền thông của anh trông có vẻ chẳng ấn tượng gì mấy, nhưng Vitalik lại là một người rất năng nổ ở giới crypto. Anh là một người rất chăm đi sự kiện và có những chia sẻ rất sâu, rất hay về tầm nhìn và những gì Ether đang làm. (Ethereum foundation có chuỗi sự kiện về blockchain, hackathon trên toàn thế giới. Tháng 11 vừa qua, sự kiện ETH Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh)
Kể từ khi tham gia crypto biz, Vitalik vẫn chưa có vết dơ nào. Cái lần ta thấy Vitalik bị tấn công nghiêm trọng là vào thời điểm 2018, khi anh phát ngôn:”Crypto sẽ hiếm có các cơ hội 1000x nữa” nhưng bị truyền thông bóp méo thành “Crypto không còn cơ hội phát triển”. Cả CZ hay Justin Sun đều nhảy vào đấu mõm với Vitalik, trước khi nhận ra đây là quả drama lãng xẹt.
Vitalik cũng đã hai lần tự mình ủng hộ một khoảng tiền rất lớn, với mục đích nhân đạo chứ không phải chính trị như anh bạn tên S kia. Khoảng $1 tỷ đô (500 $ETH và 50 nghìn tỷ token $SHIB) đã được anh gửi cho Quỹ trợ tiền điện tử COVID Ấn Độ (India COVID-crypto relief fund) (tweet). Hồi đầu năm, khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, Vitalik đã lên tiếng ủng hộ về một phương án hòa bình. Khi súng nổ, anh đã gửi $5 triệu USD đến quỹ cứu trợ của Ukraine để hỗ trợ cho người dân nơi đây.
Không cần quá hào nhoáng, chàng trai người Nga, yêu màu hồng và thích mặc áo kì lân này đã chiếm được sự tin tưởng của gần như toàn bộ con dân crypto.
Nhìn vào Ethereum, ta cũng cảm nhận được sự hiện diện của chính Vitalik trong này. Đó là sự khiêm tốn, không phô trương, phát triển chậm mà chắc chắn. Quan trọng hơn, Vitalik vẫn đang kiên định với các mục tiêu mình đã đặt ra. “Một blockchain có khả năng tương tác tốt” nghe giống bánh vẽ vào năm 2015, nhưng Ethereum đã làm được chỉ sau hơn 5 năm phát triển. Nhưng nhìn về phía trước Ethereum, Vitalik và đội ngũ vẫn còn một chặng đường rất dài để đi, một con đường chắc chắn không hề bằng phẳng.
Lộ trình phát triển của ETH (https://twitter.com/VitalikButerin/status/1588669782471368704)
Ethereum có thể sập hay không ?
Vị thế hiện tại của ETH không kém cạnh gì Bitcoin, có thể xem là trung tâm của cả thị trường crypto, blockchain. Nhưng trong 1 năm quá điên rồ như 2022, một việc tưởng chừng như vô lý nhất cũng có thể xảy ra. Do đó, không thể xét đến một tương lai, nơi mà chúng ta sẽ mất đi Ether vì một lý do nào đó.
Ngày 21 tháng 11 vừa qua, Vitalik bỗng đăng một dòng tweet gây hoang mang cho con dân tiền điện tử. Đại khái, Vitalik nói rằng: “Tôi có nghe về một tin đồn, một điều gì đó quan trọng sắp xảy đến. Nhưng hãy nhớ một sự thật rằng, các mối quan hệ xã hội gần gũi với những người biết tôi từ sớm sẽ xác minh được tôi là người như thế nào, và hãy giúp tôi xác thực điều đó nhé” Sau sự kiện của Sam và FTX, cộng đồng đang cực kì nhạy cảm với tin tức. Do đó, tin đồn về sự bất ổn của Ethereum bắt đầu được lan truyền.
Hiện vẫn chưa có thêm thông tin gì về dòng tweet trên, mọi thứ bỗng nhiên bị ngắt lại và không ai bàn tán nữa. Có một sự việc có liên quan đến Ether, đó là sàn FTX, sau khi nộp đơn phá sản, đã bị hacker “lỏm” mất hơn 300 triệu USD $ETH cuối cùng. Có lẽ Vitalik đã lo sợ kẻ này sẽ xả thằng $300 triệu Biden $ETH kia ra thị trường, làm crash giá của Ether.
Chuyện gì xảy ra nếu giá $ETH lao dốc?
Ôi, chắc chắn nó sẽ rất kinh khủng. Và hậu quả sẽ hơn gấp nhiều lần đống hỗn độn mà Sam và FTX tạo nên đấy. $ETH đang đứng ở top 2 bảng xếp hạng vốn hóa với market cap 158 tỷ Biden, chiếm 17.95% tổng giá trị thị trường tiền điện tử (chỉ sau Bitcoin với 38.34%). Tổng tài sản khóa (total value locked) trên Ethereum chễm chệ top đầu với 24.32 tỷ Đô, cắn 57.77% chiếc bánh tổng tài sản khóa toàn thị trường (42.28 tỷ USD).
Biểu đồ thể hiện phần trăm Total value locked của các blockchain nền tảng
Nếu giá của $ETH rơi mạnh, sẽ có một cú “thanh lý khổng lồ” ở các nền tảng cho vay Defi. Đây là các nền tảng cho vay theo hợp đồng thông minh, nếu mức giá của tài sản thế chấp (ở đây là ETH) giảm về mức thanh lý, ngay lập tức đống ETH được thế chấp kia sẽ được bán thẳng ra thị trường nhằm thu hồi vốn cho giao thức.
Mức thanh lý mạnh nhất là ở khoảng giá $700, sau đó là ở $500 và $400. Nếu không có sự can thiệp ở mức giá $700, chắc chắn giá của ETH sẽ bị giảm rất sâu và rất nhanh, xuống dưới mức $400. Có thể bạn đang tự hỏi: “Từ từ đã, tại sao lại là những cột mốc này?”
Để mình trả lời nhé. Theo biểu đồ dưới đây từ DefiLlama, đang có 225K $ETH thanh lý nếu giá rơi về $720, 156K $ETH khác đang chực chờ ở mức giá $530 và chốt hạ bằng 192.2K khi ETH đi thang máy xuống mức giá $442. Đó chỉ là 3 mốc thanh lý lớn. Nếu trong viễn cảnh ác mộng, giá của $ETH thực sự về mốc $400, cú margin call này sẽ đưa tổng tài sản 1.35 tỷ Biden, tương đương với khoảng 2 triệu đồng coin được bán thẳng ra market.
Theo Defillama: https://defillama.com/liquidations/eth
Trong quá khứ, từng có một trường hợp khá giống viễn cảnh chúng ta đang hình dung. Vào tháng 6 năm 2022, một cá voi trên mạng lưới Solana đã đem khóa một lượng coin $SOL khổng lồ (5.7 triệu $SOL ~ $170 triệu USD) vào nền tảng cho vay Solend (chiếm 95% tổng tài sản khóa của giao thức), sau đó, anh chàng này đã vay ra $108 triệu USD tương đương 88% giá trị tổng tài sản cho vay của nền tảng.
Đúng thời gian này, giá $SOL lại cắm đầu, và nếu $SOL cắm xuống mốc $22.3, khoảng $20 triệu USD bằng $SOL sẽ được thanh lý để bảo toàn vốn cho Solend. Nếu lượng coin trên bán ra, hiệu ứng domino sẽ xảy đến và hàng loạt hợp đồng của người dùng khác sẽ bị thanh lý theo (do giá $SOL giảm mạnh), tương tự với viễn cảnh ETH $400.
Đương nhiên là không ai muốn điều này xảy ra, do đó, một đề xuất (proposal) đã được chính Solend đưa ra. Cụ thể, Solend muốn “xin phép” cộng đồng có thể thanh lý khoản vay này qua hình thức OTC, tránh làm ảnh hưởng giá trên thị trường. Proposal này đã được cộng đồng thông qua, nhưng may mắn thay, giá SOL đã bật lên ngay sau đó và không có cú margin call nào cả.
Proposal được Solend đưa ra
Các người xác thực - validator cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Validators là một phần quan trọng của mạng lưới, họ là những người chịu trách nhiệm theo dõi các giao dịch, kiểm tra, xác thực và đưa chúng vào một khối. Hãy hình dung blockchain như một đại lộ và mỗi validator là một chốt kiểm tra. Nếu số lượng xe (các transactions) vượt quá khả năng xử lý của lượng validator, chuyện gì sẽ xảy ra ?
Để được “thông chốt” người dùng sẽ phải bỏ ra một mức phí (gas fee) cao hơn. Trước khi bước qua phiên bản 2.0, dù có đến hơn 400.000 validator, phí giao dịch (gas fee) của ETH đã có những thời điểm đạt cả 2-300$ cho một lệnh. Sau sự kiện The Merge, Ether chuyển mình qua giai đoạn 2.0, gas fee đã giảm về mức khá dễ chịu ở ~2$, nhưng những ngày thị trường có biến gần đây, phí giao dịch đã vượt ngưỡng 5$ trở lại. Chưa cần hình dùng đến viễn cảnh mọi validator trên Ether “tắt điện”, chỉ cần ½ số đó bay màu, gas fee sẽ lại là rào cản để người dùng tiếp cận ETH, hay thậm chí sẽ rời bỏ ETH.
$7 cho 1 giao dịch là mức phí quá cao
Tại sao ư?
Để trở thành validator của Ethereum, bạn cần stake (khóa) vào mạng lưới 32 đồng ETH (khoảng 41.000 Biden với mức giá 1k2 hiện tại), và phần thưởng bạn sẽ nhận được là mức lãi suất năm (APR-không tính lãi kép) giao động từ 5.3-7.3% (hiện tại đang là 6.1% và lãi suất này sẽ thay đổi 6 tháng 1 lần). Nếu giá ETH giảm mạnh, làm cho lượng tài sản bị khóa của người dùng và cả phần thưởng đều bị giảm theo. Tiền mất, vậy thì có lí do nào để bạn tiếp tục vị trí validator này nữa? Trong trường hợp xấu, có thể xảy ra trường hợp các validator đồng loạt rút khỏi mạng lưới. Nếu chuyện này xảy ra, ETH sẽ chết.
Hơn thế, các dự án NFT lớn (như BAYC, CryptoPunks, Azuki,...) đều được giao dịch trên ETH (neo giá theo $ETH). Nếu giá ETH giảm cũng sẽ làm cho giá trị của các NFT giảm đi phần nào trên thị trường giao dịch.
Nhưng trên tất cả là vấn đề niềm tin, Ethereum và Vitalik đã là biểu tượng cho thị trường crypto. Nếu mất đi Ether, cộng đồng sẽ mất một thời gian rất rất lâu nữa mới có thể đặt thêm niềm tin vào thị trường này.
Nếu như bạn nhớ, thị trường tiền điện tử bị điều khiển bởi những câu chuyện (narrative) rất nhiều. Đồng nghĩa, hi vọng hay niềm tin là vật liệu cần thiết để làm cho bánh xe công nghệ phát triển. Nếu như một kẻ dẫn đầu như Ether gục ngã, chẳng biết được liệu crypto có còn cơ hội để đứng dậy hay không.
Tương lai của Ethereum sẽ đi đến đâu?
Tuy bài viết mang hơi hướng FUD, nhưng mình vẫn tin tưởng về một tương lai sáng cho Vitalik và Ethereum. Những gì Ether đã làm, đang làm đã chứng minh Vitalik không hề đùa giỡn với roadmap anh đã đưa ra.
Thậm chí, nhiều người đã cho rằng, một ngày nào đó, ETH sẽ thay thế BTC để dẫn dắt thị trường crypto này. Thực tế, Ethereum đã từng có được quyền lực này vào những ngày trước sự kiện The Merge, rất nhiều người đã đặt niềm tin vào ETH 2.0, hi vọng duy nhất của thị trường. Lúc đấy, ETH bay vọt lên mức $2k, giúp cho thị trường có một cú hồi nhẹ.
Theo Trading view
Bối cảnh chung của market có tác động lên lên mảng tài chính của mạng lưới layer-1 lớn nhất này. Nhưng tài chính sẽ không phải là một vấn đề quá lớn với team ETH để phát triển. Một chỉ số tích cực khác là số lượng người dùng hằng ngày - daily active user cũng tăng trưởng tích cực, thậm chí là tốt hơn nhiều so với các chain khác như Near, PolkaDot, Avalanche.
Theo Token Terminal
The Merge là sự kiện quan trọng của ETH không chỉ trong năm 2022 mà cả trong kế hoạch phát triển. Đây là sự kiện đánh dấu ETH thay đổi phương thức đồng thuận từ Proof-of-work sang Proof-of-stake. Nói dễ hiểu, để đào được ETH, trước đây các validator phải dùng phần cứng (như các trại card chuyên cày) để nhận được phần thưởng (đây chính là đào coin). Sau The Merge, phương thức đào phần cứng đã chuyển sang khóa token, để trở thành validator, người dùng cần khóa 32 ETH và nhận phần thưởng là lãi suất 5.3%-7.3% / 1 năm.
Điều này đã làm giảm áp lực xả ETH ra thị trường khi mỗi tháng chỉ có khoảng 2000 ETH được trả thưởng (giảm 80% so với phiên bản proof-of-work cũ). Đồng thời, cơ chế đốt EIP-1559 phương thức thanh đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình để đưa ETH trở thành một trong những token ít lạm phát nhất.
Đồng thời, các giải pháp mở rộng mạng lưới cho Ethereum như Optimistic roll-up hay Zero-knowledge roll-up cũng đang được nghiên cứu rất nhiều. Một vài layer-2 (mạng lưới mở rộng) như Optimism, Arbitrum hay Zksync đang dần khẳng định được mình với lượng TVL (Total value locked - tổng tài sản được khóa) lớn, dự án tốt và người dùng ổn định.
Nhường ấy điều trên là đủ để mình đặt niềm tin vào Ethereum. Vitalik và đồng sự đang làm những điều tốt nhất có thể cho ETH. Những cập nhật tuy không mang vẻ “hào nhoáng”, nhưng là quan trọng và có tác động lên cả blockchain.
Đối với mình, ngày mà Ethereum sập sẽ chính là ngày tàn của crypto.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất