Vừa qua, tác giả Tornad đã đăng bài viết "Học giải ngụy biện chỉ làm rác cuộc tranh luận & 4 quy tắc logic" để chứng minh cho quan điểm rằng học giải ngụy biện chỉ làm rác cuộc tranh luận, và rằng mọi người chỉ nên học 4 quy tắc logic là đủ để cho một cuộc tranh luận. Các bạn có thể tìm đọc bài viết qua link sau đây: https://spiderum.com/bai-dang/Hoc-giai-nguy-bien-chi-lam-rac-cuoc-tranh-luan-and-4-quy-tac-logic-5sb 
Tôi xin phép được phản biện lại quan điểm nêu trên với các quan điểm sau:

1. Đối với một bài viết, một quan điểm mà các luận cứ đưa ra đầy những ngụy biện và không đủ cơ sở khoa học để chứng minh, người nghe có quyền bác bỏ những luận cứ đó và đòi hỏi luận cứ đúng đắn hơn.


Các bạn nên nhớ rằng khi tranh luận, người đưa ra quan điểm phải có những luận cứ xác đáng để chứng minh cho quan điểm của mình là đúng, là hợp lý. Hay nói một cách khác, chứng minh chính là nhiệm vụ của người đưa ra quan điểm. Và đúng như 1 trong 4 quy tắc Logic mà tôi xin trích trong bài của tác giả Tornad:
Nếu một sự vật là chính nó, nó không thể là cái gì khác


Và ngụy biện, vẫn chính là ngụy biện! Chúng ta vẫn sẽ phải dùng phương pháp bắt lỗi ngụy biện để bác bỏ luận cứ đó. Tôi xin đưa ra một ví dụ như sau: 
Trong một hội đồng bảo vệ luận án tốt nghiệp, sinh viên đang phải chứng minh cho quan điểm rằng "Quy hoạch thấp tầng tại khu vực ven biển đô thị du lịch Nha Trang là một điều xác đáng". Anh ta đưa ra các luận cứ sau: 
_Xác định tầng cao trên 35 tầng tại khu vực ven biển gây chắn gió biển, tạo khe gió và che khuất ánh sáng của khu vực dân cư lân cận. 
_Quy định tầng cao vượt mức tạo nên một sự tập trung dân cư, làm giảm các chỉ tiêu về sử dụng đất và tạo nên sự quá tải cho dịch vụ công. 
_Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng việc xây dựng các "bức tường" chắn ven biển là không nên. 
Hội đồng ngay lập tức bác bỏ luận cứ cuối cùng: "Các nhà khoa học nghiên cứu là các nhà khoa học nào? Và nghiên cứu là nghiên cứu nào với tên gọi gì, nội dung ra sao, dựa trên các luận cứ như thế nào? Em vừa đưa ra một luận cứ với lỗi ngụy biện nặc danh "các nhà khoa học A, các nhà khoa học B" mà không ai có thể tìm, so sánh và đối chiếu tính xác thực của nó được".
Chính vì vậy, ngay lập tức, sinh viên này phải bổ sung: "Thưa hội đồng, nghiên cứu này của các nhà khoa học tại nước A, với tên gọi đầy đủ là B thực hiện nghiên cứu khảo sát trên số lượng C đô thị ven biển, với số lượng người dân đóng góp ý kiến là D người. Trong đó các quan điểm đưa ra là ..."
Vậy liệu việc giải ngụy biện nêu trên có phải là rác? Hội đồng chưa hề nhắc đến cái quan điểm cuối cùng, mà vẫn chăm chăm vào lỗi ngụy biện ở luận cứ nêu trên đấy chứ.

2. Không phải giải ngụy biện làm rác cuộc tranh luận, mà chính là những kẻ học giải ngụy biện không đến nơi đến chốn mới làm rác cuộc tranh luận.

Đúng như tác giả Tornad đã trình bày, trào lưu giải ngụy biện khởi nguồn từ loạt bài viết Thói ngụy biện ở người Việt của Gs. Nguyễn Văn Tuấn vào những năm 2010 đã len lỏi vào trong từng ngóc ngách xã hội và có những hệ lụy cả tích cực lẫn tiêu cực lên văn hóa tranh luận tại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi xin phép được đính chính lại, rằng chỉ những kẻ học không đến nơi đến chốn mới làm rác các cuộc tranh luận. Tại vì sao? Vì họ luôn chực chờ cơ hội, đợi đến một luận cứ dính lỗi ngụy biện trong 1001 các luận cứ mà người khác đã đưa ra để bắt bẻ. Và chính hành động bắt bẻ này, nếu như họ học đến nơi đến chốn, họ sẽ nhận ra rằng chính họ đang mắc các lỗi ngụy biện mà bản thân vẫn rêu rao cả ngày: 
_Ngụy biện công kích cá nhân: "Tôi thấy cái luận cứ dí dỏm của anh nó chả liên quan gì đến quan điểm của anh, mà nó ở một phạm trù so sánh rất khác. Anh đúng là một kẻ ngụy biện quá mức". Aha, giải ngụy biện kết hợp ngụy biện. Một cú combo gậy ông đập lưng ông thần sầu khiến cho người đưa ra quan điểm lúng túng không biết có nên tạm dưng đề tài để tranh luận lại với "kẻ học không đến nơi đến chốn" kia không.
_Ngụy biện đánh lạc hướng dư luận: Cũng chính cái câu nói trên, người-giải-ngụy-biện-siêu-phàm của chúng ta đang khiến mọi ánh mắt đổ dồn vào cái luận cứ ngụy biện mà người thuyết trình vô ý mắc phải, để rồi sau đó có thể sẽ tiếp tục "Jump to conclusion" rằng cả quan điểm của anh là sai.

Đây chính là những kẻ giải-ngụy-biện-siêu-phàm-thế-hệ-mới với combo giải ngụy biện x ngụy biện. Bravo!

3. Giải ngụy biện trong một môi trường học thuật hài hòa, với tính chất góp ý xây dựng hoàn toàn không phải là làm rác.

Cũng chính ngay tại diễn đàn này, trong bài viết "Ngôn tình Trung Quốc - Cái chết cho tư duy và văn hóa đọc của người Việt trẻ" của tác giả Rc09, tôi đã comment ở cuối:

Điều đầu tiên, tôi tôn trọng chính quan điểm của tác giả, và đồng ý với bài viết, tuy nhiên tôi nhận thấy những luận cứ không xác đáng, và những lỗi ngụy biện nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả bài viết, vậy nên tôi đưa ra góp ý nhẹ nhàng và cảm ơn về bài viết. Liệu rằng việc của tôi là sai trái, khi cố gắng đưa ra ý kiến xác thực để đóng góp xây dựng cho cả một cộng đồng tranh luận? Tôi sẽ để các độc giả trả lời câu hỏi này. 
Liệu quá khó tính và khắt khe với những lỗi nhỏ sẽ hại chính bản thân ta?

4. Trong môi trường học thuật và tranh luận tại Việt Nam hiện nay, cú hích mang tên "giải ngụy biện" là một điều tuyệt vời.

Những ngày ngồi trên ghế giảng đường, tôi và không ít các bạn sinh viên Việt Nam hiện tại cảm thấy ngao ngán với những mớ lý thuyết suông, những thứ quá mức "tẻ nhạt" và chỉ được nhồi nhét vào đầu để vượt qua kỳ thi. Sau kỳ thi, của thiên trả lại cho địa. Chỉ khi tôi tham gia vào hoạt động Nghiên Cứu Khoa Học (Một hoạt động không bắt buộc tại các trường Đại Học), giảng viên hướng dẫn lắc đầu ngao ngán và thiếu chút nữa là đập nguyên quyển sách "Phương pháp luận nghiên cứu khoa học" vào mặt tôi, tôi mới nhận ra rằng mình thực sự cần nó. 
Chính vì vậy, ngay từ lúc loạt bài của Gs. Nguyễn Văn Tuấn và kéo theo sau đó là "phong trào" giải ngụy biện, tôi cảm thấy đây có lẽ là một cơ hội tuyệt vời. Bởi vì chúng ta có cơ hội nhận thức điều đó lại từ đầu, đúng với quy trình nhận thức 3 bước:
1. Nhận thức cảm tính: Giai đoạn nhận thức sự vật, sự việc, hiện tượng bằng các giác quan. Chúng ta thấy "Ngụy biện", chúng ta nghe về "Ngụy biện". 
2. Nhận thức lý tính: Giai đoạn tư duy trừu tượng. Chúng ta liên tưởng đến các trường hợp của "Ngụy biện", chúng ta luận đến tính đúng sai của "Ngụy biện".
3. Nhận thức trở về thực tiễn: Giai đoạn mà nhận thức được khái quát hóa với thực tiễn là cơ sở minh chứng. Chúng ta tránh "Ngụy biện" trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chống lại "Ngụy biện" trong các cuộc tranh luận. 
Để rồi lại một lần nữa, chúng ta lại đặt các câu hỏi "What - Why - How?"
_Ngụy biện là gì?
_Tại sao người ta ngụy biện? Tại sao ngụy biện là sai?
_Làm thế nào để chống lại lỗi ngụy biện? Làm thế nào để chúng ta tránh phạm vào lỗi "Ngụy biện"?
Đấy, thưa các bạn, chính cái câu hỏi Làm thế nào để chúng ta tránh phạm vào lỗi "Ngụy biện"? sẽ dẫn dắt chúng ta tìm về với 4 quy tắc về logic cơ bản mà hoặc là ta đã học để rồi lãng quên, hoặc là ta chưa bao giờ có điều kiện để được học. 
Đường mòn dù xa, nhưng chúng ta vẫn sẽ đến đích.
Ai trong chúng ta cũng đều biết, rằng môi trường học thuật tranh luận tại Việt Nam còn nhiều khuất tất. Đã có những dấu hiệu đáng mừng trong khoảng thời gian gần đây, nhưng bạn biết đấy, tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hãy cứ lạc quan hy vọng rằng đó chỉ là một giai đoạn "Quá độ" để chúng ta tìm về với chân lý, tìm về với logic thật sự, chứ không phải để trở thành một người-giải-ngụy-biện-siêu-phàm.

Xin cảm ơn tác giả Tornad với quan điểm của anh/chị. Chúng ta đã có một cuộc tranh luận tuyệt vời!