Parasite - con ký sinh trùng của sự “thất niệm”
*** Đừng đọc nếu bạn chưa xem phim. Melbourne - 13/02/2020 | Duc Giá như tâm luôn chánh niệm, cuộc đời sẽ chẳng cần đến hai chữ...
*** Đừng đọc nếu bạn chưa xem phim.
Melbourne - 13/02/2020 | Duc
Giá như tâm luôn chánh niệm, cuộc đời sẽ chẳng cần đến hai chữ "giá như..."
Đạo diễn Bong Joon-ho khi được phỏng vấn có nói rằng không ai muốn bị gọi là ký sinh trùng cả, nhưng từ một góc độ nào đó, ai cũng có thể là một dạng sống ký sinh, dù giàu hay nghèo. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi suốt sau khi xem hết bộ phim Parasite rằng liệu mình có lúc nào là một loài sống ký sinh không, hay mình có phải đang sống bám dựa dẫm vào một ai đó không!? Tự vấn bản thân, ngẫm nghĩ về cuộc sống quả thực là điều nên làm sau khi tiếp nhận những thông điệp của đạo diễn Bong thông qua chuỗi bi kịch xảy ra cho cả ba gia đình trong phim. Và rồi tôi đã nhận ra một điều rằng: không chỉ trong phim mà còn trong cả thể giới thực, bi kịch xảy đến với chúng ta đều là kết cục từ sự đeo bám của những con ký sinh trùng mà chúng được tạo ra bởi sự "thất niệm" của chính chúng ta.
Vậy thì bạn mới hỏi tôi: "thế thất niệm nghĩa là gì?" Thất niệm (forgetfulness) ở đây là sự trái ngược với chánh niệm (mindfulness). Trong khi chánh niệm được biết đến với sự hiện diện đầy đủ của tâm trí ở thực tại và thấu hiểu nó, thì ta có thể hiểu thất niệm chính là khi tâm trí bị che mờ bởi những ảo ảnh của quá khứ hoặc tương lai, để rồi những cơn ảo mộng đó cứ đưa ta đến những nốt trầm của cuộc đời. Sự thất niệm tôi muốn đề cập đến ở trong phim chính là sự thiếu vắng đi sự thấu hiểu, về bản thân mỗi con người, về hoàn cảnh sống của chính họ, cũng như sự đồng cảm với những người khác. Để rồi từ đó, lợi ích của bản thân được đặt lên vị trí tối thượng, và cùng với đó là sự bàng quan về cuộc sống của người khác.
Những nhân vật trong phim Parasite đều cho thấy những biểu hiện của sự thất niệm, bằng cách này hay cách khác, và rồi kết cục đau buồn là điều không tránh khỏi. Hơn thế, phim của đạo diễn Bong đem đến hình ảnh ẩn dụ của con người chúng ta nói chung, bị u mê trong những cơn vọng tưởng để rồi chuốc lấy đắng cay không chỉ cho riêng bản thân mình mà còn liên luỵ đến những người thân yêu.
Ngoại trừ hai cô cậu con trai và con gái giám đốc Park có thể xem là nạn nhân của "tấn trò đời", tất cả những nhân vật còn lại đều phải gánh chịu hậu quả gây ra bởi những sự u mê của họ. Trước tiên, nói về căp vợ chồng bà quản gia nọ, vì làm ăn thất bại, vì nợ nần, vì sợ hãi đối mặt với những người chủ nợ, người chồng cam tâm sống cuộc đời nơi tăm tối, chỉ chờ chực để có được những bữa ăn qua ngày bên dưới tầng hầm bí mật. Khi mà bà quản gia rất được sự tin tưởng của chủ nhà, được trả lương hậu hĩnh, thì họ vẫn không dám đối mặt với sự thật của cuộc đời họ, mà vẫn chọn lấy cách sống bám từ sức lao động của người khác. Sự thật dù trần trụi đến mấy cũng là sự thật, rồi cũng sẽ đến một ngày cái kim trong bọc cũng lòi ra. Cái chết của bà quản gia và lòng hận thù của người chồng chỉ là chuỗi hệ quả tất yếu khi mà sự thật đã bị vạch trần theo một cách không thể cưỡng lại được.
Ở một bối cảnh khác, gia đình bốn người nhà ông Kim Ki-taek dù nơi ở vẫn còn được thấy ánh nắng mặt trời, nhưng vẫn là tầng đáy của xã hội; do đó, giấc mộng giàu sang đổi đời của gia đình ông là điều hiển nhiên. Có điều, việc kiếm tiền và đổi đời nhanh chóng là hai thứ không nên nhầm lẫn. Đáng buồn thay, cái ảo ảnh của vật chất đã che mờ tâm trí con người khi mà họ đang phải chống chọi trong thế khốn cùng. Là người cha, người chồng, người trụ cột của gia đình, đáng ra ông phải giang đôi vai vai che chở vợ con thay vì cổ xuý con thực hiện những hành vi lừa gạt, giả mạo, và tài năng của hai người con có thể đã được sử dụng đúng mục đích. Rồi từ đó, gia đình ông sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn, cướp lấy miếng ăn của người khác để trục lợi cho bản thân.
Sự giàu sang đã che mờ mắt ông Ki-taek như thế đó, ấy nhưng đỉnh điểm của chuỗi bi kịch nối tiếp bi kịch chính là nhát dao đâm gục giám đôc Park - người đem đến tiền tài vật chất cho gia đình ông. Người ta nói hành động bộc phát này của ông Ki-taek là bởi sự tích tụ cảm xúc, sự bất mãn, và lòng tự trọng. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân là bởi ông thất niệm. Rõ ràng, ông cảm thấy có phần tự ái khi nghe người ta ví mùi cơ thể của ông như mùi củ cải thúi hay mùi giẻ lau, mà có thể người ông phát ra cái mùi giống vậy thật! Mà nào có phải gia đình họ Park tỏ thái độ ấy trước mặt ông đâu cơ chứ, ông chỉ chú ý quan sát thái độ của họ sau khi ông vô tình nghe được cuộc tâm sự của hai vợ chồng ông Park mà thôi. Nói cách khác, ông Ki-taek tự ti, tự ái, và tức giận bởi vì ông không chấp nhận được thực tại là ông nghèo, ông trắng tay sau cơn mưa lũ, trong khi có những thế giới ông nghĩ là sung sướng của người giàu mà ông không thể nào với tay tới được. Thực vậy, cuộc sống cũng như quan điểm của người nghèo và người giàu là rất rất khác nhau. Ví dụ điển hình là quan điểm về tình yêu mà tôi cho rằng ông Ki-taek sẽ không bao giờ hiểu được rằng ông Park có yêu vợ ông không.
Một điều quan trọng mà ông Ki-taek không nhìn ra đó là: nhà ông có nghèo, có hôi thì vẫn có thể có những phút giây quây quần ấm cúng và hạnh phúc bên gia đình. Ở góc độ này, tôi phải nói giám đốc Park nên cảm thấy ganh tị với ông thì đúng hơn. Thêm nữa, ông Ki-taek có nhìn thấy được khung cảnh mà ở đó đứa con gái nghèo khó của ông có thể dạy dỗ một đứa trẻ con nhà giàu cư xử đầy phép tắc hay không. Ông rõ ràng chưa nhận ra được điều gì là quý giá đối với mình. Để rồi ông đắm mình trong trò chơi ảo mộng ông tạo ra, và giật mình tỉnh giấc ở nơi chẳng còn có thể thấy được ánh mặt trời.
Mặt khác, những đứa con của Kim Ki-taek liệu có tỉnh táo hơn cha của chúng chăng? Nếu có thì cũng đã là quá muộn màng. Cả nhà ông Kim đều mang trong mình những vọng tưởng không có thật về những thứ không thuộc về họ, về tương lai rạng rỡ mà họ có thể đạt được mà lại quên mất rằng mình là ai, ở đâu trong cái xã hội cách biệt giai cấp đến như vậy. Để rồi trong cái đêm mưa gió nghiệt ngã ấy, họ đã bước từng bước đi xuống con dốc cuộc đời, trở về nơi họ đã bắt đầu. Cay đắng hơn, mọi thứ ở cái tầng đáy ấy, cũng đã bị cuốn trôi đi theo dòng nước lũ.
Sau cái đêm ấy, tôi cho rằng cậu con trai Ki-woo cũng đã khởi phát được chút tuệ giác. Đó là khi cậu đứng từ trên lầu nhìn xuống sân và phát giác ra rằng có lẽ đây không phải là nơi cậu thuộc về.
Dù rất nhiều bài bình phim cho rằng tiếp theo đó, Ki-woo có ý định sử dụng hòn đá để thủ tiêu vợ chồng bà quản gia, tôi vẫn có cảm giác rằng cậu muốn mang hòn đá tài lộc ấy trao cho họ như một món quà may mắn, bởi vì cậu đã có ý định chấm dứt cơn ảo mộng này. Nhưng mọi thứ đã vượt quá giới hạn như cái mùi của cha cậu vậy, ngay từ phút ban đầu. Đoạn cuối phim, Ki-woo đã nhận ra được vấn đề và mang hòn đá đặt xuống suối. Cậu đã có kế hoạch của mình, nhưng cuộc sống có dễ dàng tuân theo những kế hoạch!? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân cậu cả, dù muộn còn hơn không.
Cuối cùng, con ký sinh trùng của sự thất niệm đeo bám tất cả mọi tầng lớp, dù có giàu sang đến mấy. Gia đình giám đốc Park cũng không ngoại lệ. Bà phu nhân ngây thơ đơn giản một cách kỳ lạ, luôn cho rằng những lời giới thiệu từ những người quen đều rất đáng tin tưởng. Bà thương con trai út của mình nhưng lại cho rằng con mình là thiên tài hội hoạ mà bỏ qua những nỗi sợ hãi của cậu bé trong chính căn nhà của mình. Bà có rất nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào người khác như chồng hay người giúp việc. Trong khi đó, ông Park dường như chỉ quan tâm nhiều đến công việc và con trai của ông, còn những việc khác ông có vẻ ít bận tâm cho lắm. Đối với người giàu có như ông bà Park, việc chi tiền là đều đặn như một thói quen. Đến nỗi mọi khúc mắc trong đời sống, họ cho là tất cả đều có thể giải quyết bằng tiền. Vậy thì họ vẫn chỉ là hiểu một mặt vấn đề, khi mà con người chúng ta bất kể giàu nghèo, đều có nhu cầu được tôn trọng. Sự bàng quan, thờ ơ với cảm xúc của người khác và lối sống vương giả phần nào là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của gia đình ông Park.
Có một chi tiết mà nó cứ in sâu trong tâm trí tôi đó chính là cảnh ông Park bước đi trong căn nhà mình, và từng cái bóng đèn tự động được bật lên theo kiểu cảm ứng chuyển động. Vậy mà ông Park - giám đốc một công ty công nghệ tiên tiến - lại không hề mảy may biết đến những tác động của người đàn ông dưới căn hầm bí mật.
Tôi cho rằng đây là một chi tiết ẩn dụ rất hay mà đạo diễn Bong gửi gắm qua bộ phim. Để làm ra được những sản phẩm cao cấp và tinh tuý, ở đâu đó tận cùng của chuỗi cung ứng đều có dấu ấn của những mảnh đời khốn khổ. Đến đây chắc các bạn sẽ nhớ tới phim Kim Cương Máu (2006). Ừ thì cứ cho có được mấy người xài kim cương đâu cơ chứ! Vậy smartphone thì sao? bạn cứ tìm hiểu về coltan - conflict minerals in Congo thì sẽ rõ. Rồi những cái bóng đèn cảm ứng như trong phim cũng vậy, bạn có bao giờ nghĩ những người làm ra nó là ai, cuộc sống của họ như thế nào không? Hầu như chúng ta đều không mấy quan tâm, và dĩ nhiên các doanh nghiệp cũng vậy. Chúng ta chỉ việc sử dụng, doanh nghiệp chỉ tập trung doanh thu. Chúng ta nào biết đến những lao động vị thành niên, nô lệ, hay những điều kiện làm việc tồi tệ ở nhà máy xí nghiệp sản xuất. Có thể nói rằng đây là một biểu hiện của sự thất niệm của ông Park nói riêng, của các doanh nghiệp nói chung, và của cả chính chúng ta - những người-tiêu-dùng-cứ-tưởng-mình-thông-thái. Sự thất niệm này đã vô hình trung sinh ra những con ký sinh trùng sống bám trong tư duy của mọi tầng lớp người trong xã hội.
Ở đâu đó trong phim vẫn vang lên hai chữ "giá như...!" Thực vậy, kết cục có thể sẽ rất khác giá như anh A chị B hành động khác. Nhưng trên tất cả, giá như tâm luôn chánh niệm, cuộc đời này sẽ chẳng cần đến hai chữ "giá như..." Trong cái xã hội này, dù giàu dù nghèo, ai cũng có nỗi lo của riêng họ. Điều cần nên nhớ chính là ta phải chấp nhận bản thân ta, thấu hiểu cuộc sống của ta và của người khác để có được tuệ giác từ sự chánh niệm mang lại. Để rồi từ đó, những con ký sinh trùng của sự thất niệm sẽ tự tiêu tan, con người chúng ta sẽ sống có trách nhiệm hơn, yêu thương nhau hơn, và hạnh phúc hơn.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất