Từ Marx đến Bong, từ Tư bản luận đến Ký sinh trùng.

Ký sinh trùng là cảnh huống gặp gỡ của 2 gia đình không thể khác biệt hơn. Gia đình đầu tiên là nhà Kim: chồng Kim Ki-Taek và vợ Chung-sook đều thất nghiệp, con trai Ki-Woo 4 lần thi trượt đại học, con gái Ki-Jung nghỉ học giữa chừng, 4 người chui rúc trong một căn hộ bán hầm bẩn thỉu. Gia đình kia là nhà Park: ông Park giám đốc một công ty công nghệ, người vợ trẻ Yeon-Kyo nội trợ, cô bé Da-Hye đang ôn thi đại học, và cậu nhóc Da-Song hiếu động, tất cả sống trong một biệt thự sang trọng. Bằng một sự tình cờ lẫn mưu mẹo, cậu thanh niên Ki-Woo được nhà Park thuê làm gia sư cho cô bé Da-Hye. Từ đây, gia đình Kim lập kế hoạch để nối nhau vào làm cho nhà Park, nhưng vờ như họ không thân thích. Nhà Park không mảy may nghi ngờ kế hoạch chu đáo này. Cậu bé Da-Song chỉ thắc mắc một chuyện kỳ lạ: Sao những người mới đến này đều có mùi giống nhau?
Disclaimer: Các thông điệp phim không nhất thiết phản ánh quan điểm tác giả. Mọi đoạn từ đây hãy coi như dịch từ lời đạo diễn. Ngoài ra, bài này có spoiler d:
Xung đột giàu nghèo là chủ đề xuyên suốt nhiều tác phẩm của Bong Joon Ho, kể từ bom tấn đầu tiên đem danh tiếng ông vươn xa như Vật chủ (The Host) đến các tác phẩm nhắm vào thị trường quốc tế sau này như Snowpiercer và Ojka.
Ký sinh trùng, xuất phẩm mới nhất của Bong, không chỉ là phim Hàn Quốc đầu tiên đạt Cành cọ vàng, còn là phim hài đầu tiên giành giải thưởng quốc tế này sau 25 năm. Có thể vì Ký sinh trùng sẽ đem lại những tiếng cười gây trăn trở, và tuy mang bối cảnh Hàn Quốc, những trăn trở ấy lại phổ quát với con người mọi quốc gia.
Dù cùng chủ đề, song lần này Bong đã chọn một cách tiếp cận khác, ông không tiếp tục dòng phim viễn tưởng mà dựa trên một kịch bản thực tế, mới trông tưởng trực diện hơn và tràn đầy giận dữ, nhìn kỹ lại không kém ẩn ý lẫn sự nhạy cảm.

1. The Haves vs. the Have Nots.


Kiến trúc là từ khoá quan trọng với mọi phân cấp trong xã hội.
Và kiến trúc trong Ký sinh trùng chính xác là sự phân cấp xã hội đang ánh xạ lên màn ảnh.
Cụ thể hơn, nhà Kim ở tầng bán hầm vùng đất trũng, ngoài cửa sổ là mặt đường ngang tầm mắt, nhà Park thì biệt thự nhiều tầng xây trên đồi, từ nhà Park đến nhà Kim phải chạy xuống không biết bao nhiêu bậc thang. So với hai nhà Park và Kim, ông chồng Geun-se của bà quản gia cũ lại còn ở vị trí thấp kém hơn, khi trốn trong một căn boong-ke ngầm trong lòng đất, dưới cả chân tầng hầm.
Thực ra các ẩn dụ trên khá đơn sơ và dễ thấy, đến độ tôi không nghĩ Bong chủ ý coi chúng như biểu tượng gì sâu xa, mà như các chi tiết setup rất bài ngửa về thân phận các nhân vật.
Song bên cạnh các sắp xếp lộ liễu này, Bong còn trình diễn ngôn ngữ không gian theo nhiều cách khác nữa:
Có lúc là ở quy mô hẹp, như nhà Park thì nằm trên sofa, còn nhà Kim nấp bên dưới.
Có lúc thông qua cả tiểu tiết đồ đạc, như cái tủ trưng đồ sứ có nhiều tầng, luôn căn ở trung tâm khung hình và xuất hiện lặp đi lặp lại trong nhiều cảnh.

Có lúc Bong xoay sang luôn một chiều khác, như lúc là bà quản gia cũ và cậu bé Ki-Won đều nằm ngang, chân chống tường, tay chống tủ, mắm môi mắm lợi cong lưng đẩy để mở ra cánh cửa giấu kín phía sau. Dáng vẻ của họ khi ấy vừa khốn khổ vừa quái đản kỳ lạ, y như tranh minh hoạ điển hình về các giai cấp ở dưới đang giơ tay chống chịu các tầng lớp khác phía trên.
Hai chiều cao và ngang trên vẫn còn khá dễ nhận, ẩn dụ chỉ thật sự kín đáo khi sự phân tầng mở theo chiều sâu. Kiến trúc toà nhà dùng nhiều kính, có thể nhìn xuyên qua và cảm giác được không gian chia thành nhiều lớp. Ngoài ra, có nhiều phân đoạn mà trong khung hình ta thấy hậu cảnh là vài nhân vật đang nói chuyện, tiền cảnh là một hay vài nhân vật đang nép vào tường nghe lén. Người nghe thì biết có người nói dù không thấy, còn người nói thì không hề biết có người đang nghe.


Nếu không có kiểu phân tầng cuối này, tôi sẽ không nhận ra nghĩa ẩn dụ thứ hai của mọi loại phân tầng:
Những người ở trên và ở xa đã không hề biết đến sự tồn tại của những người ở gần hay ở dưới. Y như các giai cấp trên cao không ý thức gì về các vấn đề của giai cấp dưới thấp. Điều này cũng giải thích cho sự vô tâm lẫn ngây ngô của nhà Park. Khi giữ cho mình ở một không gian trên cao tách xa mọi hỗn loạn của cuộc đời, họ dần out of touch và chả thể lường nổi cái lưu manh trí trá của những người thấp hơn, y như cách cậu công tử Min vô tình giao trứng cho ác khi nhờ Ki-Woo gia sư cho cô nhóc xinh xắn cậu thầm để ý.
Điều đáng nói nữa là các sắp xếp không gian của Ký Sinh Trùng không hẳn chỉ là ý tưởng sáng tạo của đội thiết kế, còn là đòi hỏi tự nhiên với một nhà giàu. Nhà giàu hẳn nhiên sẽ ở rộng rãi, hẳn sẽ không cần nhồi nhét trong không gian, hẳn sẽ có nhiều sự phân chia phòng ốc, và tự nhiên rồi sẽ nhiều ngóc ngách phân tầng và ẩn nấp.
Từ các ý trên, bộ phim có thể ẩn dụ cho luận điểm: Chính tình trạng sung sướng đã làm yếu đi vật chủ, lẫn mời gọi những ký sinh trùng vào làm ổ. Hay chính sự thừa thãi tư bản là nguyên nhân gián tiếp gây ra sự thoái hoá ở cả hai tầng lớp.
Nhưng vượt xa các bộ phim trước cùng chủ đề, với Ký sinh trùng, Bong không chỉ nhắm vào mâu thuẫn giàu nghèo mà còn cả sự phân hoá giữa chính những người cùng khổ.

2. The Have Nots vs. the Have Nots


Hãy nhớ Geun-se, chồng bà quản gia cũ Moon-gwang. Geun-se, chiểu theo ẩn dụ phim, hẳn còn đứng thấp hơn cả nhà Kim, song dù nhà Kim có thắc mắc “làm sao ông có thể sống thế này”, không phải khán giả cũng từng thắc mắc“ sao nhà Kim có thể sống thế này” hay sao? Xét mức độ bần cùng, thực ra nhà Kim và nhà Geun-se cũng chỉ như 1 cái túi rách hay 2 cái túi rách, không thay đổi lớn lao mấy về tầng lớp.
Mâu thuẫn lớn nhất giữa hai tuyến nhân vật này do đó không phải địa vị, thậm chí cũng không phải quyền lợi, mà thực ra, là sự khác biệt trong thái độ của họ với cái địa vị đang nắm.
Ở dưới boong-ke, Geun-se tâm sự “ tôi đã quen ở dưới này rồi, tôi thấy hạnh phúc khi ở đây”. Ông ta ngưỡng mộ người sống trên đầu mình theo nghĩa đen lẫn bóng là ông chủ Park, Geun-se còn coi Park là ân nhân. Dù sự biết ơn là một tính tốt, nhưng cái cách Geun-se đờ đẫn đập đầu vào công tắc đèn để thành mã Morse gửi lời cảm tạ đến ngài Park và đứa con trai, lại khiến người ta muốn quay mặt đi. Khi ông ta uống sữa hay nuốt trọn một quả chuối còn ghê rợn hơn. Cảnh ấy còn không đáng gọi là phàm tục, bởi không toả ra một ly nào cái phóng khoáng thoả thuê của sự hốc nốc phàm tục. Dù mang ấn tượng như của động vật, nó cũng không giống của một con vật biết cắn xé và tận hưởng khoái cảm cắn xé, mà là của một con côn trùng, một con sâu, đang nhẫn nại, im lìm, chầm chậm nuốt thức ăn.
Chỉ dừng ở đây, người ta dễ nghĩ về Geun-se như một kẻ vô tri ngu muội. Nhưng sự thảm hại của Geun-se lại triệt để nhất khi ông ta không hề ngu. Dưới căn boongke có một cái giá trưng bày đủ các loại sách báo, tranh ảnh đĩa hát, cả ông ta và vợ đều mê nghe nhạc hàn lâm, cùng lúc khinh miệt gia đình nhà Kim với những thú vui nhậu nhẹt tầm thường. Ông ta nhớ lại lúc được lên ngồi trên lầu, đủng đỉnh nhấp từng ngụm trà và thưởng thức tiếng nhạc cổ điển trong một khung cảnh sang trọng, vợ chồng Geun-se có cảm giác như xoá bỏ được gốc gác và phần nào chạm tới giá trị của tầng lớp trên cao. Đây cũng là dịp cả hai xuýt xoa tưởng nhớ công ơn của ông chủ đầu tiên, nhà kiến trúc sư tài ba vĩ đại đã xây nên tuyệt tác biệt thự này. Thực ra niềm yêu mến ấy cũng phần nào thể hiện cả khao khát muốn được đối phương chấp nhận và đồng hoá. Nói cách khác, vị thế của Geun-se không chỉ do hoàn cảnh mà còn là sự lựa chọn, tại đây ông ta tình nguyện quy phục và tôn thờ, về cả thể xác lẫn tinh thần, về cả kinh tế lẫn văn hoá, cái trật tự của nền văn minh tư bản mà tại đó ông ta hiện lên lố bịch đến thua cả đàn chó cảnh của nhà Park. Tự Geun-se đã chối bỏ phẩm giá người của mình, và chọn sống như một ký sinh trùng.
[disclaimer disclaimer]

Trong khi đó, gia đình Kim tham gia kế hoạch lừa đảo khi không thấy có gì đáng xấu hổ. Khi Chung-sook – người thực tế nhất nhà, đủng đỉnh dội nước rằng thật ra họ cũng nào khác đàn gián ăn vụng, có đèn chiếu là chui lủi, thì Ki-Taek nổi trận lôi đình, nhưng hoá ra cơn giận đó chỉ là đùa. Bởi cho đến thời điểm đó, Kim chưa bao giờ tin mình chỉ là một con gián. Rồi khi Ki-Woo nhắc đến cậu muốn tỏ tình với Da-Hye sau này, cả gia đình họ bàn về chuyện cô bé sẽ làm con dâu nhà Kim, Chung-sook nhận xét về cô bé y như một bà mẹ vẫn nhận xét về con dâu tương lai, không chút ngần ngại. Không ai nhận ra ý tưởng ấy điên rồ thế nào. Bởi cái trật tự xã hội kia tuy hiện hữu, song những quy ước ngầm của nó lại vô hình với 4 con người này. Thực ra chính họ chứ không phải nhà Park mới là những người ngây thơ. Song chính sự ngây thơ đã che chắn nhà Kim khỏi các tổn thương. Họ vẫn tin rằng vì họ lao động tốt, họ hẳn được đối phương hân thưởng, những gì căn cốt của tự tôn cá nhân vẫn nguyên vẹn …. nghĩa là cho đến trước cái đêm định mệnh, khi họ vô tình nghe được ông Park nói về “cái mùi của ông Min, của những người đi tàu điện ngầm, mùi của củ cải thối” và niềm ngây thơ kia tan tành. Chỉ sau cảnh đó, chúng ta mới có cảnh ông Kim trườn người lết ra ngoài. Hệt như một con gián.

Song bĩ cực cũng là cơ hội làm nổi lên phẩm chất. Chính cái đêm nhục nhã ấy giúp làm rõ khác biệt cơ bản giữa Kim và Geun-se. Dù tất cả logic thông thường của xã hội đòi Kim phải cúi đầu xuống và hổ thẹn, và quả lúc đầu ông cũng hổ thẹn thực, nhưng vẫn có một phần nào đó trong Kim chống lại và kiên quyết không tuân phục sắp đặt ấy. Kim không ý thức một cách rõ ràng, nhưng cơn giận dữ dần dồn nén dẫn ra hành động gây bàng hoàng cuối phim là bằng chứng không thể chối cãi của sự giãy dụa vô thức đó. Trong cái khoảnh khắc về sau nhớ lại “giống như một giấc mơ”, Kim nhận ra không phải Geun-se, kẻ vừa giết con ông và là hiểm hoạ duy nhất với sinh kế của nhà ông, mà chính Park mới là người, dù cho vô tình, cũng đã khiến gia đình ông bế tắc, mất mát và tổn thương nhiều nhất. Kim thấy hành động nhăn mũi của Park trên xác chết nóng hổi của Geun-se đáng phẫn nộ, chính bởi ông tin rằng con người, tất thảy mọi con người, đều phải được quyền có phẩm giá, dù họ có bốc mùi cải thối.
Như vậy, tuy đầu phim nhà Kim hiện ra như những kẻ làm điều sai trái, nhưng phim dần mở ra là, họ chưa bao giờ chấp nhận coi mình, và kể cả Geun-se, như các ký sinh trùng.

3. Rich vs. Poor or What? Corrupted People or What?

Có một số review chê phim này Bong làm an toàn, không bạo liệt như nhiều film trước. Nhưng tôi không nghĩ thế. Kịch bản phim kiểu này vốn bắt buộc nó sẽ phải tươi sáng hơn các phim trước. Tôi cũng không nghĩ đặc trưng của Bong là quằn quại ám ảnh dù vài phim của ông cũng có tý ám ảnh quằn quại. Tôi thấy Bong không phải Kim Ki Duk, và cũng không nên là.
Nhớ lại phim đầu tiên gây chấn động Hàn Quốc của Bong là Memories of a Murder, chỉ với một tiết lộ rất mỏng manh -- kẻ tình nghi là người đến từ Gwangju -- thế mà đã đảo lộn mọi thứ. Đột nhiên các diễn biến tưởng vô tình trước đó như cậu bé lặp lại lời cảnh sát, nhân vật thằng khùng, và ngay cả tên phim, bỗng mang lớp nghĩa khác. Từ một phim hình sự phá án với thông điệp cao nhất là cách thức thực thi công lý, câu truyện bỗng trở thành ẩn dụ về ký ức đau thương của một dân tộc và nỗi mất mát ngây thơ của một thế hệ. Theo tôi những cú U-turn ngoạn mục kiểu ấy mới là signature đáng nói của Bong.
Với Parasite ta cũng sẽ thấy signature ấy. Xuất hiện một vài chi tiết nhỏ bé, cực kỳ nhỏ bé, nhưng chúng làm biến đổi hẳn câu chuyện. Tuy không đến mức trái ngược, nhưng chúng đã dịch trung tâm tranh luận từ nhà Kim, nhà Park hay nhà Geun-se về một hướng khác, và bạn bỗng cảm thấy nãy giờ ta bận bịu chọn phe thì như là đã bị chơi lỡm bởi đạo diễn vậy.

Ta nhớ rằng, thái độ của Bong dành cho nhà Park tuỳ có chút cười cợt, nhưng nhẹ hơn rất nhiều so với mức độ cần có nếu thực sự muốn đả kích. Hơn nữa chính ông Kim chưa bao giờ coi Park là kẻ thù. Kim thấy hối hận về hành động bột phát, ông còn khóc và xin lỗi trước bức hình ông Park. Vậy vấn đề là ở đâu?
Có một chi tiết bạn có thể không để ý là, ông Kim mất việc sau khi tiệm bánh Đài Loan phá sản. Sau này, khi ở dưới hầm, Geun-se bần thần kể lại ông ta dạo xưa là chủ tiệm bánh Đài Loan, vì trốn tránh bọn siết nợ tín dụng đen nên phải xuống đây. Cả 2 chi tiết trên đều không hiện ra như một diễn biến đáng nhớ hay một đoạn thoại kịch tính, mà chỉ là lời nói vu vơ của cả 2 nhân vật lướt qua trong 1 giây, nên kể có nghe nhiều người vẫn có thể quên. Song sự tình cờ này lại cực kỳ quan trọng, hẳn nhiên cũng không phải tình cờ. Chi tiết này ngụ ý rằng: Sự bần cùng hoá của nhà Kim và Geun-se là có tính quy luật. Rằng đây là hệ quả tan vỡ dây chuyền từ một hệ thống bị hỏng, chứ không phải sai lầm đơn lẻ của vài cá nhân. Đồng thời, nó là ẩn dụ nói lên Kim và Geun-se có liên kết định mệnh với nhau.
Giờ thì tôi sẽ tua lại những gì học thời đại học. Đến đây ta có, nhà Park chính là là đại diện cho tư sản, còn cả nhà Kim và nhà Geun-se đều cùng là những người đồng chí vô sản. Nhưng Geun-se là vô sản chưa giác ngộ, vẫn thần phục và xả thân bảo vệ giai cấp ở trên. Còn nhà Kim thì không như vậy, đòi hỏi về phẩm giá là biểu hiện đầu tiên của đòi quyền bình đẳng với giai cấp thống trị. Mặc dù ban đầu chính nhà Kim cũng không biết điều này, họ còn cao giọng dùng cái đạo đức tư sản để cật vấn và định tố giác nhà Geun-se. Chỉ đến hành động cuối phim, Kim mới nhận rõ Geun-se cũng là một nạn nhân như ông.
Song kể diễn dịch được như trên, kẻ thù của gia đình Kim và Geun-se vẫn không phải nhà Park, mà chính là một trật tự tư bản kim tiền vốn đặt lợi nhuận trên tất thảy, và đã nghiền nát cơ hội cho con người được sống dưới ánh mặt trời, được lao động đường hoàng không cần gian dối, và được tôn trọng phẩm giá.

Ta nhớ, nhà Kim không gian ngoan trong bản chất. Đừng quên rằng việc làm giả bằng cấp, cái mắt xích đầu tiên kéo ra chuỗi lừa đảo, thực ra là sáng kiến của một người ngoài -- anh chàng Min, cũng chính là một thành viên của tầng lớp trên. Cũng chính anh này đã khẳng định chuyện đó là rất bình thường, bởi Kim-Woo hoàn toàn đủ năng lực. Và tất cả các thành viên trong gia đình Kim cũng đều đủ năng lực làm gia đình Park hài lòng. Cậu bé Da-Song đi vào khuôn phép, ông Park ca ngợi tài lái của ông Kim, bà Chung-sook nấu ăn dọn dẹp đúng ý chủ. Nói cách khác, nhãn hiệu có thể giả mạo, song khả năng thì không.
Vậy vì sao phải giả mạo nhãn hiệu?
Bởi vì với tất cả khả năng kia, xã hội của bộ phim vẫn không cho họ cơ hội nào để thoát kiếp khốn khổ khốn nạn. Khi mà “một chân gác cổng cũng có 500 sinh viên tốt nghiệp tranh nhau”, có năng lực như Ki-woo cũng không ý nghĩa gì nếu không có bằng cấp, có bằng cấp thì càng chẳng quan trọng bằng có quan hệ, rồi thì không phải chính nhờ giới thiệu móc nối mà cả nhà Kim mới vào làm trong nhà Park như bà vợ ông này nói thẳng ra đó sao “tôi chỉ tin tưởng dùng người quen thôi, như là chuỗi tín dụng vậy đó” – một tham chiếu kín đáo nữa đến các thực hành tài chính tư bản. Nói cách khác, nhà Kim trở thành vô đạo đức không phải khi đang phá bỏ một luật lệ rường cột của xã hội, mà chính khi tuân thủ luật lệ ấy. Đến một người thuộc về tầng lớp trên như Min cũng hiểu rằng các nhãn hiệu chỉ là thủ tục, thế nhưng xã hội vẫn luôn đòi phô ra những nhãn hiệu dù thực tế nó lại vận hành theo một luật hoàn toàn khác. Không phải con người giả tạo, mà chính luật lệ đã giả tạo. Không phải con người gian dối, mà một trật tự đạo đức giả đã phản bội con người và ép họ gian dối.
[disclaimer d: ]

4. Verdict

Thông điệp cuối trên cũng giúp ta hiểu được đoạn tự thoại cuối cùng của Ki-Woo khi cậu tỉnh dậy sau khi mổ não:
“ Chẳng hiểu sao tôi cứ cười, cười mãi. Tôi nhìn thấy một bác sĩ mà trông không giống một bác sĩ. Một nhân viên điều tra mà trông chẳng giống nhân viên điều tra. Khi họ nói cho tôi về luật im lặng Miranda, tôi cũng cười. Cả khi trước toà họ kết tội chúng tôi là lừa đảo, là làm giả giấy tờ, …, tôi vẫn cứ cười mãi.”
Nhưng rồi Ki-Woo cũng biết làm gì đây? Là cá nhân đơn độc, cậu rồi vẫn chọn phải chiều theo hệ thống, hy vọng trở thành một tay chơi giỏi trong cái zero sum game của chủ nghĩa tư bản này để có ngày cứu cha, dẫu hy vọng mong manh như thế nào.
  [thẽ thọt, dù ý Bong chắc chắn là không làm được đâu, dưng đến đây tôi lên cơn lười rồi nên dừng]
Phim của Bong thường hay kết thúc kiểu đầu cuối tương hợp. Các cảnh giống nhau, các tình trạng giống nhau. Mong ước của Kim-woo chỉ càng chứng minh là status quo có bị thách thức nhưng chưa thay đổi. Trật tự kia vẫn sừng sững ở đấy. Chỉ có vài cú nhói tim nào đó đọng lại trong lòng khán giả mà thôi.
Nhưng đó cũng đã là một thành công rồi.
Nhà Park có thể nằm trên sofa mà mãi mãi không biết rằng nhà Kim đang nằm ở bên dưới.
Nhưng Bong thì đã kéo ta ra khỏi cái sofa êm ấm ấy, nhúng chân ta vào cái bãi nước lụt mênh mông đầy khổ đau và rác rến của cuộc đời, và từ thời khắc đó trở đi, muốn hay không muốn thì, xã hội cũng không còn cho mình quyền bịt mũi quay đi trước hiện thực đặc quánh mùi cải thối này được nữa.