Một trong những tượng đài trong thể loại Sci Fi chính là bộ tiểu thuyết kỳ vĩ Dune – Xứ Cát của Frank Herbert. Nếu như với thể loại Fantasy hiện đại thì chúng ta có Chúa tể những chiếc Nhẫn là trụ cột, thì với Sci Fi, Dune chính là một trong những trụ cột rất quan trọng. Ra đời năm 1965, cho đến nay, Dune đã trở thành một cái tên không thể không biết nếu là người yêu thích Sci Fi. Năm 2021 cũng đánh dấu việc ra mắt bộ phim chuyển thể Dune của Denis Villeneuve. Đây không phải lần đầu Dune được chuyển thể, nhưng có lẽ là lần đầu nó được đón nhận tốt đến như vậy. Chắc chắn nhiều người cũng sẽ hứng thú với bộ phim này, và muốn biết một chút về vũ trụ đồ sộ của Dune. Cho nên, bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản để giúp các bạn “nhập môn” vào vũ trụ Sci Fi kỳ vĩ này.

Về tác giả Frank Herbert

Dune, hay dịch ra tiếng Việt là “Xứ Cát”, có nguyên gốc là tác phẩm cùng tên của tác giả Frank Herbert. Frank Herbert, tên đầy đủ là Franklin Patrick Herbert Jr, sinh ngày 8/10/1920 và mất ngày 11/2/1986. Frank Herbert sinh ra trong một gia đình nghèo tại Tacoma, Washington. Vì gia cảnh khốn khó, ông phải rời nhà đến sống với một người dì và chú ở Salem, Oregon. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1939, ông khai man tuổi để xin được một chân làm báo tại tờ Glendale Star, và sau đó là sang làm cho tờ Oregon Statesman (nay là Statesman Journal) ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm cả vai trò nhiếp ảnh. Vì bấy giờ Thế Chiến II đang bùng nổ, Herbert phải đi phục vụ quân ngũ, và vào làm nhiếp ảnh gia cho hải quân. Nhưng mà 6 tháng sau thì vì có vấn đề về sức khỏe, ông được cho xuất ngũ, quay về với việc làm báo của mình, đồng thời cũng bắt đầu viết truyện phiêu lưu để bán cho các tạp chí. Sau khi chiến tranh kết thúc, Herbert theo học Đại học Washington, nhưng lại chỉ theo học những môn mình thấy thích, thế nên không đủ tín chỉ bắt buộc để lấy bằng, và rốt cuộc là trên giấy tờ thì bỏ học, về tiếp tục sự nghiệp viết báo và biên tập của mình.
Herbert đã đọc các tác phẩm khoa học viễn tưởng từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên 50 thì ông mới thực sự tham gia viết trong dòng này. Tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tay của Herbert là “Looking for Something” được xuất bản trên tạp chí Startling Stories vào năm 1952, và sau đó thỉnh thoảng ông lại viết một truyện ngắn để đăng báo. Tác phẩm truyện dài đầu tiên của ông ra đời năm 1955, lấy tên là Under Pressure. Truyện được xuất bản nhiều kỳ trên tạp chí Astounding Science Fiction, và sau đó được tổng hợp lại và phát hành dưới dạng sách, tên đổi thành The Dragon in the Sea. Truyện được giới phê bình khen ngợi, nhưng không mang về nhiều lợi nhuận cho lắm. Thế rồi sang cuối thập niên 50, Herbert thực hiện một trong những nhiệm vụ mang tính bước ngoặt đối với cuộc đời mình: đi ngắm cát. Hay đúng hơn là các đụn cát. Cụ thể là ông đến Florence, Oregon, mạn Bắc của Cồn cát Oregon để quan sát cách Bộ Nông nghiệp Mỹ dùng các loại cỏ dại để “ghì” các cồn cát lại nhằm viết một bài báo. Ấn tượng trước việc những đụn cát sẽ có thể nhấn chìm sông hồ và đường sá nếu bị để im, Herbert cắm đầu vào nghiên cứu sâu thêm về đề tài này. Càng đọc thì ông càng thấy hứng thú, và rốt cuộc đã tổng hợp được một lượng tài liệu khổng lồ. Nhận thấy cái chỗ này mà chỉ dừng lại trong phạm vi một bài báo thì quá phí, Herbert tính sẽ biến những thông tin ông thu thập được thành một cuốn tiểu thuyết.
Chính trên nền tảng ấy, Herbert cho ra mắt tác phẩm để đời của mình: Dune.
Dune là thành quả của sáu năm nghiên cứu và viết lách, với độ dài hơn nhiều hẳn so với các câu chuyện khoa học viễn tưởng đương thời. Truyện ban đầu được xuất bản theo kỳ trên tạp chí Analog, chạy từ năm 1963 đến năm 1965, và sau đó thì bắt đầu hành trình long đong tìm nhà xuất bản chịu in thành sách. Gần hai mươi nhà sách khác nhau đã từ chối bản thảo của Herbert. May mắn thay, cứu tinh xuất hiện dưới dạng một nhà sách chuyên xuất bản… cẩm nang sửa xe. Số là Sterling E. Lanier, biên tập nhà sách ấy, đã theo dõi Dune từ hồi nó còn là truyện dài kỳ, và đã thích mê tác phẩm này. Lanier đề nghị trả Herbert $7.500 để xuất bản Dune thành truyện bìa cứng. Herbert nhận lời, sửa sang lại câu chuyện cho gọn ghẽ hơn, và vào tháng 8 năm 1965, Dune bản sách ra mắt độc giả.
Dune được giới phê bình cũng như các tác giả đương thời đón nhận rất nhiệt liệt, và họ đặc biệt đề cao các chủ đề mà nó đưa ra cũng như cách xây dựng thế giới. Truyện đoạt được hàng loạt giải thưởng danh giá, và đã giúp tiếng tăm của Herbert trong giới xuất bản cũng như nghiên cứu sinh thái trở nên nổi như cồn. Mặc dù ban đầu không mang lại được nhiều doanh thu cho lắm, Dune vẫn dần dần hút được một lượng người đọc đông đảo, mở ra hẳn một loạt truyện với rất nhiều tác phẩm nối tiếp. Bản thân Herbert sau khi viết Dune đã lần lượt cho ra mắt thêm 5 cuốn hậu truyện nữa cho đến khi qua đời. Tính ra, Herbert đã viết tổng cộng 6 cuốn về vũ trụ của Dune, gồm: Dune (1965), Dune Messiah (1969), Children of Dune (1976), God Emperor of Dune (1981), Heretics of Dune (1984) và Chapterhouse: Dune (1985). Sau khi Herbert qua đời năm 1986, con của ông là Brian Herbert đã hợp tác với một tác giả khác là Kevin J.Anderson và tiếp tục cho ra mắt thêm gần 20 đầu sách nữa thuộc vũ trụ Dune. Có thể nói, di sản của Dune vẫn đang được tiếp diễn. Và tất cả những người hâm mộ Dune đều đồng ý rằng dù có đến gần 30 cuốn khác nhau, thì cuốn đầu tiên vẫn luôn là tác phẩm hay nhất và vĩ đại nhất, đưa tên tuổi của Herbert sánh ngang với các cây đại thụ như H.G.Wells, Arthur C.Clarke, Philip K.Dick hay Isaac Asimov.

Tóm lược về vũ trụ của Dune

Bối cảnh của Dune cũng nằm cùng trong vũ trụ của chúng ta, nhưng ở một thời điểm rất xa trong tương lai. Lúc này, nhân loại đã tỏa ra sinh sống ở rất nhiều nơi trong thiên hà, và tất cả những hành tinh có người sống đã tập hợp lại tạo thành một Đế chế Thiên hà, gọi là Imperium. Mỗi một hành tinh hoặc hệ hành tinh trong Đế chế sẽ được cai trị bởi một Gia tộc. Mỗi hành tinh ấy sẽ có chính quyền, quân đội, luật pháp và thể chế kinh tế riêng biệt. Đứng đầu tất cả các gia tộc và nắm giữ quyền lực cao nhất chính là Hoàng đế và Hoàng gia. Tước hiệu của người cai trị Đế chế là Hoàng đế Padishah. Ở thời điểm bắt đầu Dune, Hoàng gia là Gia tộc Corrino, đã cai trị Đế chế trong hơn 10000 năm. Hoàng đế ở thời điểm này là Shaddam Corrino Đệ Tứ.
Mặc dù về danh nghĩa thì Hoàng đế nắm quyền tối cao, nhưng thực chất thì không phải như thế. Hoàng gia cũng chỉ là một gia tộc lớn nhất mà thôi, điều đảm bảo quyền lực cho Hoàng đế là việc nắm giữ ưu thế về quân sự và kinh tế so với các gia tộc khác. Dưới quyền Hoàng đế là một lực lượng quân đội tinh nhuệ có tên là quân Sardaukar với chế độ luyện tập khắc nghiệt đến mức cứ 13 người được huấn luyện thì 6 chết trước khi lên 11 tuổi. Quân Sardaukar cực kỳ cuồng tín, tinh nhuệ và trung thành với Hoàng đế. Không một gia tộc đơn lẻ nào có thể chống lại sức mạnh của họ. Đó là về mặt quân sự, còn về kinh tế, Hoàng gia nắm số cổ phiếu lớn trong Tổng công ty thương mại toàn vũ trụ, hay viết tắt là CHOAM. Hoàng đế được quyền phân bổ lãnh địa, đứng ra phán xử mâu thuẫn giữa các Gia tộc, cũng như hưởng phần thuế trưng thu từ các hành tinh.
Tạo hình của lính Sardaukar trong phim Dune (2021)
Tạo hình của lính Sardaukar trong phim Dune (2021)
Để giới hạn quyền lực của Hoàng đế và bảo vệ quyền lợi cho bản thân, các gia tộc đã lập ra Hội đồng Landsraad. Thông qua Hội đồng này, các gia tộc có thể liên thủ với nhau và tạo ra áp lực lên Hoàng đế – vì dù quân lực của Hoàng đế có thể nghiền nát bất cứ gia tộc nào, nhưng cũng không thể đấu lại quân lực của mọi gia tộc liên thủ. Chính vì thế bất cứ quý tộc nào có khả năng tập hợp lực lượng của các gia tộc khác thì đều là một đối thủ đáng gờm của Hoàng gia. Gia tộc Atreides của nhân vật chính Paul trong phim Dune chính là một gia tộc như thế. Hội đồng Landsraad còn là nơi để các gia tộc bàn thảo các vấn đề trong đế chế, xây dựng liên minh, tuyên bố mâu thuẫn, hoặc kí kết hợp đồng buôn bán. Các phiếu trong Hội đồng Landsraad không có giá trị tương đương – phiếu của Đại gia tộc sẽ có giá trị cao hơn phiếu của Tiểu gia tộc, và phiếu của Hoàng gia là lá phiếu có giá trị cao nhất. Các tiểu gia tộc có thể leo lên vị trí đại gia tộc thông qua ảnh hưởng kinh tế, chính trị hoặc quân sự.
Như vậy, Hoàng đế và Hội đồng Landsraad là hai chân vạc trong cấu trúc quyền lực của Đế chế, còn chân vạc thứ ba chính Hiệp hội Không gian.
Có một điều thú vị trong vũ trụ của Dune là hoàn toàn không có sự xuất hiện của máy tính hay công nghệ điện tử phức tạp. Đây chính là điều khiến Dune đặc biệt hơn so với nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng khác. Lý do cho việc này là vì trong quá khứ, khi robot và máy tính trở nên quá thông minh và phát triển đã nổi dậy và nô dịch nhân loại. Chính vì thế, sau cuộc chiến tranh giành lại tự do và thắng lợi, nhân loại đã cấm hoàn toàn việc chế tạo các cỗ máy có khả năng tư duy. Vì thế nên công nghệ du hành vũ trụ trở nên cực kỳ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Người lái sẽ phải thực hiện nhảy xuyên không gian để du hành ở cự li hàng chục năm ánh sáng mà không có máy tính hỗ trợ. Mọi tính toán số liệu phải thực hiện thủ công hết. Chỉ có một thế lực duy nhất nắm trong tay công nghệ cần thiết để du hành vũ trụ, và đó là Hiệp hội Không gian.
Đại thương thuyền của Hiệp hội Không gian
Đại thương thuyền của Hiệp hội Không gian
Việc nắm giữ độc quyền về vận tải liên hành tinh khiến quyền lực của Hiệp hội có thể sánh ngang với Hoàng đế lẫn Hội đồng Landsraad, dù không có quân đội hay lãnh địa. Các Đại thương thuyền của Hiệp hội chính là thứ đảm bảo mạch sống cho đế chế khi nó là phương tiện vận tải chính trong vũ trụ. Thế nhưng tất nhiên quyền lực này của Hiệp hội không phải tuyệt đối, vì họ vẫn cần nguồn tài chính từ các khách hàng của mình, và đặc biệt là cần nguồn cung Hương dược từ hành tinh Arrakis.
Như vậy, ba thế lực đóng vai trò là các cán cân quyền lực trong Đế chế là Hoàng đế, Hội đồng Landsraad và Hiệp hội Không gian. Nhưng bên cạnh đó, còn một thế lực ẩn mình và chi phối nhiều thứ trong Đế chế, có quyền lực không hề kém cạnh các phe phái. Đó chính là một giáo phái có tên là Bene Gesserit. Giáo phái này chỉ gồm phụ nữ, có thể coi là các nữ tu, nhưng kiến thức của họ vượt xa hơn khía cạnh tôn giáo rất nhiều, bao trùm lêm cả khoa học hay chính trị. Mục tiêu tối thượng của Bene Gesserit là định hướng nhân loại tới Con đường Hoàng kim – một kỷ nguyên khai sáng hoàn mỹ theo lý tưởng của họ. Để đạt được mục tiêu này, hội Bene Gesserit đã vươn tay vô hình của mình để tác động lên toàn bộ đế chế thông qua ba con đường: di truyền, hôn nhân và tôn giáo.
Thực chất cả ba con đường này đều liên hệ chặt chẽ với nhau, vừa nhằm đảm bảo quyền lực ngầm cho hội kín, vừa để sắp xếp cho việc tạo ra một Kwisatz Haderach – một Kẻ được chọn để thống trị và dẫn dắt toàn bộ nhân loại theo Con đường Hoàng kim mà họ tôn thờ. Hội Bene Gesserit sẽ bố trí để các nữ tu này trở thành phu nhân trong các gia tộc, thậm chí cả hoàng gia. Qua đó, người nữ tu có thể bí mật tác động lên hệ thống quyền lực của Đế chế. Các quý tộc tất nhiên nhận thức rõ điều này, nhưng việc có một nữ tu Bene Gesserit với kiến thức sâu rộng, lại có lợi thế là đồng minh của Hội, nên họ sẵn sàng đánh đổi. Đi cùng hôn nhân chính là tác động về mặt di truyền, khi các nữ tu Bene Gesserit có thể sàng lọc những mẫu gen xuất chúng từ các gia tộc, sắp xếp hôn nhân để tạo ra những gen tốt hơn và cuối cùng sẽ có một người mang gen hoàn hảo, trở thành Đấng cứu thế của họ. Và cuối cùng, không kém phần quan trọng là tôn giáo. Họ đan dệt lên những truyền thuyết và gieo nó vào đầu những dân cư bản địa lạc hậu hơn, ươm mầm những tôn giáo tôn thờ một Đấng cứu thế mà họ đã tiên liệu, biến sự cuồng tín và mông muội thành vũ khí để sẵn sàng cho một cuộc thánh chiến có thể làm rung chuyển cả đế chế và thiết lập một trật tự mới.
Nhân vật chính Paul Atreides cùng Mẹ Chí Tôn Gaius Helen Mohiam - một nữ tu cao cấp của Bene Gesserit trong Dune (2021)
Nhân vật chính Paul Atreides cùng Mẹ Chí Tôn Gaius Helen Mohiam - một nữ tu cao cấp của Bene Gesserit trong Dune (2021)
Câu chuyện của Dune sẽ xoay quanh nhân vật chính là Paul Atreides, người thừa kế của Công tước Leto Atreides. Dune tập trung vào khắc họa mâu thuẫn giữa hai đại gia tộc là nhà Atreides và nhà Harkonnen. Ngoài ra, nó còn nói về âm mưu của Hoàng đế muốn lợi dụng nhà Harkonnen để hủy diệt nhà Atreides, cái gai trong mắt họ. Bối cảnh chính của Dune là hành tinh Arrakis, hay còn có tên khác là Xứ Cát, tức Dune. Arrakis là một hành tinh khô cằn, khắc nghiệt, nhưng lại nắm vai trò xương sống trong hệ thống quyền lực của Đế chế, vì đây là hành tinh duy nhất sản xuất ra được Hương dược. Theo chân Paul Atreides, chúng ta sẽ đồng hành với cậu thiếu niên 15 tuổi trong hành trình phục hưng gia tộc, trả thù nhà Harkonnen và đánh đổ quyền lực của Hoàng đế bằng bất cứ giá nào.

Một số khái niệm cần biết trong Dune

Trong vũ trụ của Dune có nhiều khái niệm đặc biệt, và đây là một số khái niệm quan trọng mà các bạn nên hiểu rõ:
- Hương dược, hay tên gốc là Spice Melange: Là một loại vật chất, tài nguyên chỉ có thể được tạo ra trên hành tinh Arrakis nhờ loài vật đặc thù của hành tinh này là Sâu Cát. Nó chính là xương sống trong hệ thống chính trị của Đế chế. Hương dược có khả năng kéo dài tuổi thọ, tăng cường thể chất, giúp người dùng có khả năng sử dụng não bộ đến mức cực hạn và hơn thế nữa. Những Người dẫn đường của Hiệp hội Không gian thường xuyên phải sử dụng Hương dược nhằm đẩy trí não lên cực hạn, giúp họ nhìn được tương lai cũng như mọi sự kiện diễn ra ở hiện tại. Chính nhờ thế họ mới có thể điều khiển các Đại thương thuyền an toàn trong vũ trụ, làm các tính toán phức tạp để thực hiện bước nhảy không gian thủ công. Hương dược có tính gây nghiện nhẹ, và nếu dùng nhiều sẽ gây ra nghiện nặng, biến đổi màu mắt thành xanh thẫm. Hoặc như trong trường hợp các Người dẫn đường của Hiệp hội thì vì dùng Hương dược liều cao và cường độ nhiều nên thân thể biến dạng nửa người nửa cá khá quái dị.
- Các nữ tu Bene Gesserit: Là những phụ nữ được huấn luyện đặc biệt để đạt đến một cảnh giới phi phàm về thể chất cũng như tinh thần. Họ được huấn luyện để có tư duy nhạy bén, khả năng cảm nhận, quan sát những thay đổi dù là nhỏ nhất của người đối diện. Các nữ tu Bene Gesserit có năng lực suy luận, phân tích đến khó tin khi họ có thể biết rõ các thành phần, cấu tạo của vật chất mà chỉ cần nếm qua. Những kiến thức mà họ tích lũy được qua quá trình huấn luyện cũng giúp họ đọc vị đối phương, nhìn thấu mưu kế, phân tích cục diện chính trị. Họ cũng được huấn luyện kỹ năng chiến đấu thượng thừa, có thể đánh ngang ngửa, thậm chí là hơn với các chiến binh tinh nhuệ. Khả năng đặc biệt nhất của một nữ tu Bene Gesserit chính là The Voice, tức là Giọng Nói. Đây là khả năng điều chỉnh tần số giọng nói để thôi miên và ra lệnh cho đối phương làm theo ý mình. Chỉ những người được luyện tập sử dụng Giọng Nói mới có thể kháng cự lại khả năng này. Các nữ tu Bene Gesserit cũng thường sử dụng Hương dược để kích thích cơ thể và tâm trí. Mẹ của nhân vật chính Paul Atreides – Lệnh bà Jessica cũng chính là một nữ tu Bene Gesserit.
- Kwisatz Haderach: Như đã nói ở trên, mục tiêu của hội Bene Gesserit chính là tạo ra một Kẻ được chọn là Kwisatz Haderach. Người này là một Bene Gesserit nam giới, có khả năng mạnh hơn bất kỳ một nữ tu nào, có thể nhìn thấy mọi thứ ở hiện tại, và tầm nhìn đến tương lai vượt xa hơn bất kỳ ai. Kwisatz Haderach có nghĩa là “Rút ngắn con đường”, ám chỉ đến sứ mệnh mà hội Bene Gesserit muốn người này thực hiện là dẫn dắt nhân loại tới Con đường Hoàng kim.
- Mentat: Trong vũ trụ của Dune, vì các máy tính phức tạp đều bị cấm chế tạo, nên có những người sẽ được huấn luyện đặc biệt để sử dụng trí não đến mức tối đa. Đó chính là các Mentat. Ngoài việc tính toán phức tạp, các Mentat còn được học về chính trị, quân sự và phân tích dữ liệu. Các Mentat thường được sử dụng làm cố vấn bởi các gia tộc, và họ cũng hay dùng Hương dược để kích thích cơ thể và tâm trí.
Với những thông tin như trên, hy vọng đã đủ để chuẩn bị cho các bạn bước chân vào một trong những vũ trụ Sci Fi kỳ vĩ nhất từng được tạo ra – Dune, Xứ Cát.