Les Choristes (2004) và câu chuyện giáo dục bằng bạo lực
Mấy ngày nay, câu chuyện em bé mãi nằm ngủ do bị bạo hành là câu chuyện đem lại quá nhiều nước mắt cho độc giả, đặc biệt là đối với...
Mấy ngày nay, câu chuyện em bé mãi nằm ngủ do bị bạo hành là câu chuyện đem lại quá nhiều nước mắt cho độc giả, đặc biệt là đối với những người cha, người mẹ, những người thầy, trong đó có mình.
Từ khi tự cho mình quyền gọi bản thân là giáo viên, mục tiêu đề cao của mình đó luôn là tạo cho học sinh yêu lấy việc học, và con chữ chỉ là một phần rất nhỏ trong việc giáo dục. Để tạo cho học sinh tình yêu với việc học, việc mình cương quyết không làm, đó chính là mắng mỏ và đòn roi. Mình cũng đã từng là một học sinh, mình đã từng là một đứa con, mình cũng đã từng bị cha mẹ, thậm chí thầy cô sử dụng bạo lực, bằng cách này hay cách khác, dù nhẹ hay đau đớn, đó cũng là những ký ức mình không thể quên. Năm tháng trôi đi nhưng thi thoảng những vết hằn đôi khi vẫn ở đó, còn nguyên.
Mình còn nhớ những lần cô dùng thước đánh vào tay, hay người thân ném một chiếc ghế thẳng vào đầu mình. Dù nỗi đau thể xác không lớn, nhưng hiển nhiên rằng, tình cảm mình dành cho họ không thể còn nguyên vẹn. Bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết, và sẽ không bao giờ là cách giải quyết.
Hôm qua, mình xem lại bộ phim chủ đề giáo dục yêu thích của mình - ‘’Les Choristes’’ (tên tiếng Anh là The Chorus) – Dàn đồng ca. Bộ phim nói về việc một thầy giáo đã vỗ về những tâm hồn rỉ máu vì bạo lực tinh thần và thể xác ra sao. Thầy đã dồn hết tình yêu thương, sự thấu cảm, sự nhẫn nại và mạnh mẽ của mình để hàn gắn những vết thương của các em, để các em có thể khai phá ra những tiềm năng rất mới trong con người mình, và để gieo vào các em những hạt giống niềm tin và hy vọng vào tương lai, hướng các em đến những giá trị tích cực trong vô vàn những vũng bùn của sự tiêu cực.
Bộ phim mở đầu với ngôi trường Le Fond de L’etang (Bottom of the Pond) với các em học sinh mồ côi, các em có hoàn cảnh khó khăn. Các em đều được coi là những học sinh ương bướng, ngỗ nghịch và không thể dạy dỗ được. Thầy hiệu trưởng Rachin là một người lạnh lùng và không yêu lấy việc học. Ông thường mắng nhiếc, đánh đập học trò, với phương châm Action – Reaction – Nếu học trò ngỗ ngược, hãy xử phạt chúng bằng bất kể hình thức nào. Ông chán ghét việc dạy học và chỉ quan tâm đến danh tiếng, thành tích. Ông khinh rẻ lũ học trò và coi chúng là đám vô dụng, ông áp dụng những hình phạt nhóm, liên tục bắt các em dọn vệ sinh, thậm chí ông đã bắt một học sinh phải tù tội chỉ vì nghi oan lấy cắp tiền. Tất cả những gì xấu xa nhất đều nằm trong Rachin, và không thể tin nổi, ông ta là Hiệu trưởng của trường. Và rồi Action – Reaction cũng xảy ra với Rachin, khi cậu học trò bị ông ta bỏ tù oan quay lại đốt chính ngôi trường mà ông ta vẫn quản lý dưới trướng.

Việc thầy Clement Mathieu xuất hiện là một cuộc cách mạng với Fond de L’etang. Thầy che chở các em khỏi những hình phạt đòn roi. Thầy áp dụng hình phạt một cách đầy nhân văn, và khiến các em thực sự hiểu giá trị của những lời xin lỗi. Thầy mang âm nhạc đến và kiềm chế những con thú bên trong các em. Thầy tôn trọng giá trị của từng cá thể, thầy phát hiện ra khả năng của từng em và khiến các em tận dụng được khả năng ấy của mình trong mọi hoàn cảnh. Thầy dám đứng lên đòi công lý và lẽ phải cho lũ học trò của mình, những đứa trẻ mà thầy coi như con của mình. Thầy kiên định với những điều mình làm. Thầy nhạy cảm và ứng biến tinh tế với các tình huống khó xử. Clement Mathieu đã đem đến một làn gió mới cho ngôi trường vốn khô cằn như chiếc giếng không có nước, như cánh đồng cháy rực thiếu hạt mưa. Vào những giờ phút cuối, khi công lý của thầy bị đánh bại bởi sự lãnh đạo tiêu cực, thầy vẫn nhìn thấy niềm hy vọng lóe lên trong trái tim lũ học trò. Những đứa trẻ ngỗ ngược ấy đã cất tiếng hát những thanh âm trong trẻo trong ngôi trường địa ngục. Thầy đã mất việc, mất đi những đứa con của mình, nhưng thầy đã để lại những tiếng ca cho đời. Hay chăng, như vậy là đủ với một người thầy?

Xem xong phim, mình lại ngẫm lại hiện thực đau đớn, khi bạo lực đang hàng ngày lên ngôi. Thậm chí vài ngày trước, mình đã thấy quảng cáo đường dây nóng khai báo bạo lực gia đình. Nhưng quảng cáo này chìm trong hằng hà sa số những quảng cáo mì ăn liền, dược phẩm, xe cộ,….Vậy nhận thức về sự nghiêm trọng của vấn đề là đến đâu khi việc tuyên truyền không thực sự được coi trọng? Dù là bạo lực gia đình, hay bạo lực học đường, bạo lực thể xác hay tinh thần….tất cả đều tệ như nhau. Một cái cây còn không thể lớn nếu hàng ngày phải hứng chịu những lời mắng nhiếc. Một con vật cũng chẳng thể chịu đòn roi suốt cả đời mà không gục ngã. Huống chi con người lại đối xử với những em bé chẳng khác nào những mầm cây một cách như vậy. Từ bao giờ việc bạo lực lại là một cách giáo dục, là một cách dạy con, một cách dạy học sinh mà không ai có quyền lên tiếng, bảo vệ?
Bài hát chủ đề của phim – Vois sur ton chemin (Glance on your pathwary) vẫn vang lên hàng ngàn lời nhắc dành cho người lớn – những người đã từng là trẻ em, rằng họ hãy nhìn về con đường của mình, nhìn lại những đứa trẻ đang lạc lối hay bị lãng quên, rằng xin họ hãy đưa cho các em một bàn tay, một bờ vai để các em nương tựa vào, và dẫn các em đến những ngã rẽ tươi đẹp hơn.
Vois sur ton chemin
Glance upon your path
Gamins oubliés égarés
Children forgotten and lost
Donne-leur la main
Take them by the hand
Pour les mener
Vers d'autres lendemains
To lead them toward more tomorrows

Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Guhn Gaonh Gand
Tôi(t) ko phải là người thích bạo lực, hầu hết những người gặp t ngoài đời cũng ko nghĩ t là người bạo lực. Tuy nhiên thì cách nghĩ "...Bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết, và sẽ không bao giờ là cách giải quyết..." nó mang màu sắc lý tưởng hơn là thực tế. Có một vài lý do:
1. Một số người sinh ra với tính cách bạo lực và thực sự khó để thay đổi. T có 1 phần nhắc đến trong bài viết này https://spiderum.com/bai-dang/Thien-va-ac-o-tre-em-bge9AX5mOqNH, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn bạn có thể tìm đọc sách của giáo sư Richard Tremblay
2. Bạo lực thực ra là giải pháp mặc định. Cái truyền thống cha mẹ đánh con để giáo dục nó là mặc định. Chả thế mà roi mây là sản phẩm bán chạy bậc nhất Shopee (https://soha.vn/roi-may-di-ghe-danh-be-gai-o-sai-gon-ban-tran-lan-tren-tiki-shopee-voi-quang-cao-kho-ngo-20211228170411859.htm - tiếc là họ đã gỡ sp này xuống). Ngoài ra thì câu tục ngữ "Yêu cho roi cho vọt" cũng thực sự là câu nói các bậc phụ huynh VN dùng nhiều trước ngày 22/12/2021. Cái này t ko có số liệu thống kê hay bằng chứng nhưng nếu bạn biết câu nói này chứng tỏ nó phải cực phổ biến.
T nghĩ lý do bạo lực phổ biến trong cách dạy truyền thống vì cha mẹ nghèo và lao động vất vả để sinh tồn nên ko có thời gian để kiên nhẫn với lũ trẻ. Tuy nhiên trong trường hợp bé 8 tuổi thì 2 người này ko hề nghèo. Chỉ có thể nói đây là 1 mẹ ghẻ điển hình và một người cha thờ ơ.
T từng dạy trẻ em từ 6-10 tuổi TA trong 3 năm. Trải nghiệm cá nhân cho t thấy rằng rất hiếm khi gặp phải 1 bé cực ương bướng ngỗ nghịch. Nhưng nếu có gặp phải thì bé sẽ bị loại khỏi lớp do kinh nghiệm của chủ Trung tâm biết rằng 1 đứa là đủ để lớp bị hỏng. T cũng thấy đc 1 chuyện khác là "tình yêu thương, sự thấu cảm, sự nhẫn nại" thực sự giáo dục được lũ nhỏ trong hầu hết trường hợp. Đứng phạt và khen thường khá đủ để tạo ra kỷ luật. Tuy vậy cách tiếp cận này tạo ra áp lực nặng nề lên thầy, cô giáo. Ko đủ sức nên t đã nghỉ dạy và theo con đường khác.
- Báo cáo

Ly Duong
Cảm ơn chia sẻ của bạn. Mình cũng tin nó là giải pháp truyền thống hay "mặc định" như bạn nói. Thế nhưng mình nói nó chưa bao giờ là giải pháp đương nhiên mang tính lý tưởng, vì không phải ai cũng giống nhau, có những người ưa bạo lực hơn người khác. Tuy nhiên vì là lý tưởng tốt nên mình cần hướng đến. Phải công nhận đây là giải pháp tạm thời, k giải quyết được gốc gác vấn đề. Trẻ con sẽ chỉ sợ đòn roi để tuân thủ, thay vì thực sự hiểu vì sao mình k nên làm như thế. Còn hội teen, khi tâm lý nhiều biến chuyển, nếu đánh thậm chí chúng còn nhờn đòn roi. Thậm chí có những học sinh của mình còn thích cảm giác bị phạt và vẫn lặp lại những lỗi của mình những lần sau đó. Bởi vậy mới có sự khác nhau giữa sợ và thực sự nể.
Mình nghĩ cái gì truyền thống tốt thì nên giữ, còn không tốt thì nên nhìn nhận 1 cách đúng đắn. Mình nghĩ "Yêu cho roi cho vọt" ở thời điểm này nên hiểu là nếu yêu thương ai đó thì cần dạy dỗ 1 cách đủ nghiêm khắc, thay vì quá nuông chiều, cần áp dụng hình phạt phù hợp, nhu cần nhu, cương cần cương, khi nào cần lý lẽ, lý luận thay vì chỉ áp dụng nghĩa đen cứ hư là roi vọt.
Mình cũng đang dạy các bạn nhỏ, và mình thấy hoàn toàn hiểu những khó khăn, áp lực mà giáo viên phải gặp, do lứa tuổi này chưa thể hiểu nhiều lý lẽ. Phần lớn tính cách của học sinh đến từ phía gia đình. Với các trường hợp gia đình quá nuông chiều, quá nghiêm khắc, không bày tỏ hợp tác thì đúng là với tư cách giáo viên cũng không thể giải quyết được. Mình cũng đã yêu cầu các học sinh này nghỉ vì không nhận đc sự hợp tác từ gia đình.
Về việc hình thành tâm lý của trẻ, việc giáo dục chỉ chiếm 1/3 những môi trường chủ đạo tác động lên sự phát triển của trẻ, vì vậy mình nghĩ nếu không thể thay đổi chúng, cũng không cần quá áp lực vì dĩ nhiên bạn không thể, nếu không có sự đồng điệu từ các môi trường khác. Tuy nhiên nếu có thể mang những tác động tích cực, dù rất nhỏ, mình vẫn mong có thể cho chúng cơ hội.
Xem về hệ sinh thái phát triển của trẻ ở đây: https://www.researchgate.net/figure/Ecological-contexts-shaping-child-development_fig1_289788871
- Báo cáo

Duy Bùi
Bài viết rất hay!
- Báo cáo

Ly Duong
Cảm ơn bạn nhiều nhé 😀
- Báo cáo