Ảnh: tienphong.vn
Ảnh: tienphong.vn

Theo Dòng

Do hay lang thang nghịch ngợm trên mạng, từ hôm qua đến nay, tôi cũng biết được bộ phim “Bố Già” (Dad, I’m sorry) được chê bai thậm tệ và bị đánh giá 29% "tươi" trên chuyên trang về phim là Rottentomatoes. Không chỉ các nhà phê bình ngoại quốc chê bai, mà cộng đồng mạng cũng bỉ bôi không thương tiếc. Cộng thêm với việc hơn một tháng trước, phim được đại diện Việt Nam gửi đi tranh giải Oscar - có lẽ vấn đề đã quá nóng hổi để chúng ta phải quan tâm. Là người thích phim ảnh và hay hóng hớt thì tôi cũng mạnh dạn đưa ra suy nghĩ của bản thân về bộ phim và những quan điểm về phim ảnh nói chung. 
Thế là tôi lục lại “Bố Già” (Full) trên Youtube để xem thử (từ hồi ra mắt năm ngoái tôi đã hơi ngại do cái danh nghệ sĩ hài đạo diễn, nhưng nay lại xem để người ta không nói mình không xem đã phán), thì tôi không nghi ngờ gì về những bình luận chê bai của người đời nữa. 

Thực ra thì...

1. “Bố Già” dung tục, nhạt nhẽo, dễ đoán.

Nếu bạn đã xem phim, cầu cho cốt truyện nhạt nhẽo chưa biến mất khỏi tâm trí bạn, nếu chưa xem, hãy thấy may mắn vì không phải bỏ ra 128 phút cuộc đời để xem một bộ phim đáng thất vọng như vậy. 
Về nội dung, “Bố Già” xoay quanh gia đình lao động trong một xóm nghèo Sài Gòn. Phim khai thác chủ đề gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình người khá chân thực và cập nhật thời đại. Nhưng motif người cha già lam lũ với những người con tuổi mới lớn cùng cuộc sống thành thị đã quá quen thuộc với bất kì người Việt Nam nào, nếu không muốn nói là quá nhàm chán. 
Nếu chủ đề quen thuộc bù đắp bằng kĩ thuật làm phim tốt thì đã không nói làm chi, đằng này kĩ thuật cũng chẳng có gì đặc sắc. 
Tình tiết trong phim dễ đoán, cao trào không tới, chi tiết tản mạn, không thực sự cuốn hút, thực sự thiếu chiều sâu.
Âm thanh được sắp đặt tùy tiện, vô duyên, rất thừa thãi. 
Dàn diễn viên khá nổi tiếng, nhưng chưa có ai đáng được coi là “diễn viên điện ảnh” đúng nghĩa. Duy có NSND Ngọc Giàu là một nghệ sĩ gạo cội, tuy nhiên, cụ Ngọc Giàu được biết đến nhiều hơn với vai trò một nghệ sĩ cải lương, một diễn viên hài. Dàn diễn viên còn lại không khác gì một e-kíp người thân - anh, chị, em, bạn dì của Trấn Thành. Trấn Thành đem vợ, em gái, bạn thân trong showbiz, rồi cả những hiện tượng mạng vào diễn những vai mờ nhạt, chán chường và thảm hại. 
Thảm hại cũng đúng thôi, vì chính đạo diễn phim cũng chưa có kinh nghiệm làm phim điện ảnh bao giờ. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nổi lên nhờ những bộ phim truyền hình dài tập ăn khách: Những cô gái chân dài, Bỗng dưng muốn khóc, Đẹp từng centimet,... Trấn Thành thì xưa nay chỉ đóng vai trò một diễn viên hài, dẫn chương trình truyền hình. Trấn Thành quá tham lam, anh vừa làm đạo diễn, vừa biên kịch, vừa đóng chính. Anh muốn anh trở thành tâm điểm của tất cả, cố gắng nhồi nhét mọi thứ mà anh cho là hay vào một bộ phim nên mọi thứ tưởng chừng như bội thực: Bội thực ngôn ngữ (diễn viên nói quá nhiều, rất giả trân và kịch nghệ), bội thực cảnh quay (đổi cảnh liên tục, nhanh chóng, quá nhiều sự kiện, thiếu chiều sâu), bội thực quảng cáo (hết Fami, Lifebuoy, nước hoa, rồi xe ôm công nghệ,...). Đúng hơn “Bố Già” phải là nhiều vở kịch ngắn có liên quan ghép lại thành một video clip dài. Tất cả đọng lại chẳng gì hơn bộ râu giả trân dán vội của anh cùng mấy hiệu ứng âm thanh rỗng tuếch và vô duyên. 
Tuy thế, có rất nhiều ý kiến khen ngợi bộ phim. Kể từ khi mới công chiếu đến hiện tại, không ít những bình luận trên mạng cho rằng, phim “lấy đi nước mắt của người xem”, rồi thì “chân thực”, “cảm động”,...Không ít báo chí ngợi ca, và doanh thu phòng vé đạt ngưỡng 500 tỷ cũng minh chứng cho độ phủ sóng của bộ phim này rồi. Thế nhưng, chẳng nói cũng biết bộ phim nổi tiếng nhờ đâu. Qua một thời gian ảm đạm của điện ảnh, người ta nô nức ra rạp để xem một bộ phim Việt. Trấn Thành là một cái tên quá nổi tiếng đi, người ta có cớ để tò mò. Đội ngũ truyền thông hùng hậu cũng dàn “fan” khí thế của anh cũng đủ sức kéo người người ra rạp, hay ít nhất thì người không ra rạp cũng bàn tán về bộ phim của anh ta (như chính tôi đây). Nhưng điều này không thể minh chứng cho việc “Bố Già” là một bộ phim hay. 
Nhiều người nói, “Bố Già” là phim Việt, lấy được nước mắt người xem là được rồi, giải trí được rồi. Xin lỗi, đến giải trí tôi cũng không chọn “Bố Già” để xem. Đằng này, “Bố Già” được gửi đi tranh giải Oscar - Giải thưởng do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh tổ chức nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất, thì khỏi phải nói tham vọng của anh Trấn Thành và đoàn làm phim lớn đến đâu. 

2. Phim ảnh cũng phân chia “đẳng cấp”

Phim ảnh là một môn nghệ thuật và cũng là một ngành công nghiệp béo bở. Trong đó, không có vế nào là không phân chia đẳng cấp. 
2.1. Nghệ thuật “đẳng cấp”
Nghệ thuật dành cho tất cả mọi người do cơ hội tiếp cận nghệ thuật hiện nay là rất rộng mở. Tuy thế, có những tác phẩm nghệ thuật không phải ai cũng hiểu, cũng thấy được cái hay. Do đó, nghệ thuật cũng rất kén chọn do không phải ai cũng có khả năng cảm thụ nghệ thuật. Chẳng ngẫu nhiên mà nghệ thuật cổ điển trước hết chỉ dành cho giới quý tộc, thượng lưu. Điều đó là vì chỉ có giới quý tộc (thường là giàu có và hiểu biết) mới có thể chi trả cho những xa hoa mà nghệ thuật đòi hỏi (ai học nghệ thuật cũng đều biết ngành học của mình tốn kém thế nào), và có chăng, chỉ có họ mới có thể hiểu được nghệ thuật. 
Phim ảnh nếu được xem là một lĩnh vực nghệ thuật thì tính nghệ thuật của nó phải đặt hàng đầu. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể nói, tính nghệ thuật của phim ảnh nằm ở giá trị nhân văn, nhân đạo được trình bày bằng kĩ thuật làm phim phù hợp, hiệu quả, đặc sắc. Đương nhiên, tính nghệ thuật không ngoại trừ tính giải trí, nhưng nếu chỉ có giải trí không thôi thì chưa đủ. Vậy nên, lập luận “xem cho vui tranh cãi làm gì” của một bộ phận người bình luận trên mạng là rất nông cạn. Xét đến việc “Bố Già” là một bộ phim điện ảnh, tính nghệ thuật của nó là phải có (nhưng không có mấy). Vì có tính nhân văn nên phim ảnh có “nhân loại tính”, tức nó không thể cục bộ, nó phải khơi gợi những mĩ cảm đến rộng rãi người xem, không phân biệt lãnh thổ, vùng miền. Nếu “Bố Già” chỉ hay với một bộ phận người, trong một không gian, thời gian nhất định thì nhân loại tính của nó ở đâu? Nhiều người cho rằng không nên gay gắt với bộ phim, “Bố Già” có những trò đùa chỉ miền Nam Việt Nam (cá nhân tôi miền Bắc cũng không thấy hay) mới hiểu, mới thấy hay. Việc đó chẳng khác nào bảo đoàn làm phim chiếu cho đồng bào miền Nam xem rồi tự cười, tự khen lẫn nhau (chưa chắc đã có nhiều người miền Nam cười và khen). Nhưng “Bố Già” đã được chiếu khắp nơi trong và ngoài nước, được đại diện đi tranh giải thưởng hàn lâm thì cái mà anh Trấn Thành và đoàn làm phim mong muốn không chỉ nằm ở vài cái cười và cái khen của một bộ phận nhỏ như vậy. 
Lại có người cho rằng, “Bố Già” là phim Việt, nên “chỉ thế thôi”, chỉ người Việt khen là được rồi, thì tôi xin lấy dẫn chứng bộ phim duy nhất của Việt Nam lọt đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất - Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Ai từng xem (nếu chưa xem thì tôi rất khuyến khích bạn xem) cũng biết rằng, toàn bộ diễn viên trong phim đều là người Việt, phim dù được thực hiện ở Pháp nhưng lấy bối cảnh ở Việt Nam. Một bộ phim đậm chất Việt như thế được đánh giá cao bởi nó có nhân loại tính, nó khơi gợi nên những xúc cảm rất nhân văn, gần gũi tới người xem. Ngược lại, cũng có rất nhiều phim hay trên thế giới mà người Việt vẫn xem, vẫn thấy hay đó thôi? Đương nhiên tôi cũng không đồng tình khi có người cho rằng phim có nhiều người xem, nhiều người thấy hay là “phim hay”. “Phim hay” với tôi là phim có tính nghệ thuật, lại trở về câu chuyện về tính nghệ thuật tôi đã nói ở trên.
Một số thì cho rằng, không nên tin mấy bình luận trên Rottentomatoes và mấy người phê bình phim trên đó. Có lí do để một số nghi ngờ vào đánh giá trên Rottentomatoes, vì nghệ thuật thì đúng là rất cá nhân, rất không một chiều. Trong bảy đánh giá của chuyên gia thì vẫn có hai người gửi “cà chua tươi” cho “Bố Già”, nhưng năm “cà chua thối” (trong số đó có hai “Top Critic” (nhà phê bình hàng đầu)) thì hẳn là không ngon lành gì với phim cho lắm. 
“Top Critic” tên Todd McCarthy, một thành viên của Hiệp hội phê bình phim quốc gia Hoa Kì, đã từng có bài đăng trên Variety, Hollywood Reporter,, Film Comment Magazine, Deadline Hollywood Daily,... có lẽ lại không uy tín hơn mấy thanh niên cào phím trên mạng sao? 
2.2. Ngành công nghiệp “đẳng cấp”
Do phim ảnh là một ngành công nghiệp nên thứ nó quan tâm cũng là lợi nhuận. Lợi nhuận nuôi sống đoàn làm phim. Rất khó để nói về nghệ thuật nếu bụng nghệ sĩ còn đang cồn cào đòi ăn. Và kể cả khi nghệ sĩ nhịn đói để làm nghệ thuật thì tác phẩm của anh ta cũng rất khó được công nhận, khiến anh ta nghèo một nghèo hơn. Cái đói dần dần bẻ gãy đam mê nghệ thuật của anh ta. Chẳng thế mà những quốc gia có nền kinh tế phát triển cũng là những nơi nghệ thuật đơn hoa kết trái. Đương cử như việc tôi muốn mua một chiếc bút chì để vẽ theo những clip hướng dẫn trên mạng cũng rất khó khăn, vì có những sản phẩm chỉ bán ở những thị trường phát triển, nơi nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để chi trả. Và tôi khi biết về giá cả của những họa cụ “xịn” đó cũng phải suy nghĩ lại đôi chút. Cay đắng khi phải nói rằng, giàu thì mới ham mê và giỏi nghệ thuật. 
Đương nhiên tôi cũng không khẳng định phim càng hay là càng tốn nhiều tiền để làm. Nhưng quả thật dù có cố chấp đến đâu cũng không thể phủ nhận kinh phí ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phim. Kể cả một bộ phim hài tình cảm thông thường, kinh phí cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi nó định lượng cho công sức và trình độ của cả đoàn làm phim. 
Thế nên, “Bố Già” cũng chỉ là “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi. Kinh phí một triệu đô của “Bố Già” có chăng cũng còn quá khiêm tốn nên thứ nó nhận lại cũng không thể khả quan hơn. Chua ngoa hơn là, nếu phim có đầu tư hơn thì bộ râu của Trấn Thành cũng không dán một cách vụng về như thế. Doanh thu 500 tỷ là có thể là to so với thị trường Việt Nam và lời to so với kinh phí phải bỏ ra, nhưng thực tế là ở Mỹ, doanh thu đến thời điểm hiện tại của “Bố Già” là 23 tỷ, quá ít so với một thị trường đông gấp ba lần Việt Nam và người dân cũng sẵn tay chi tiền ra rạp hơn người Việt. 

Lời kết

Dần dà, sự công nghiệp hóa nghệ thuật cùng việc đại chúng hóa trong đào tạo con người, nghệ thuật đến gần với tất cả mọi người. Chưa bao giờ mà chúng ta tiếp cận nghệ thuật một cách dễ dàng đến thế. Và chưa bao giờ, quần chúng có được vinh dự thưởng thức nghệ thuật điện ảnh chỉ bằng vài chục đến vài trăm ngàn đồng như bây giờ. Nhưng nếu tinh ý, mỗi phim sẽ chỉ thu hút một lượng khán giả thuộc một hoặc một số thành phần cụ thể trong xã hội. Dựa vào mức độ nhận thức, năng lực tư duy, sự nhạy cảm nghệ thuật có thể phân chia đẳng cấp giữa những người xem phim. 
Nói như vậy không có nghĩa là “Bố Già” là đồ bỏ, phim trước hết tạo nên giá trị công nghiệp. Về ý này thì “Bố Già” làm khá tốt. Phim thu hút sự chú ý rất lớn từ công chúng. Đấy cũng là một tín hiệu mừng, lâu lắm rồi phim Việt chiếu rạp mới có kỉ lục ấy, nhất là thời kì dịch bệnh căng thẳng, thị trường ảm đạm như hiện nay. Theo một số người, phim “lấy đi nước mắt”, cũng có thể có giá trị giáo dục, nhân văn; “đem lại tiếng cười” thì cũng có giải trí, tiêu khiển đôi chút. Nhưng, khoảng cách giữa “Bố Già” và phim điện ảnh, phim “hay”, thực sự là quá lớn.
Mikodmi.