Đã được một thời gian khá dài (cụ thể là từ tháng 4 năm 2021) kể từ khi cái kết chính thức của bộ manga huyền thoại Attack on Titan được lên sóng. Bố trẻ Hajime Isayama đã khiến cả fandom thất điên bát đảo vì cái kết trên manga ấy. Một bên thì cho rằng đây là một cái kết đẹp và đầy ý nghĩa để kết thúc một bộ manga với quá nhiều sự đen tối, đau thương và chết chóc. Bên kia thì cho rằng cái kết đã phá hủy tất cả những gì Isayama xây dựng trong vòng 11 năm vừa qua, rằng nó là một cái kết nhảm nhí, lãng xẹt, hậu quả của việc đọc fanfic trên Wattpad quá nhiều, vân vân.
Dù bạn có hứng thú với cái kết của manga hay không, thì tôi cũng có tin vui (hoặc không) cho bạn đây: đã có những tin đồn và giả thuyết cho rằng cái kết trên anime sẽ là một cái kết HOÀN TOÀN KHÁC với cái kết của manga. Điều này không chỉ là phỏng đoán suông của những người không thích cái kết trong manga, mà là những giả thuyết được lắp ghép lại từ rất nhiều chi tiết do WIT cũng như MAPPA cài cắm trong anime, và cả sự "úp mở" của các diễn viên lồng tiếng, đội ngũ sản xuất, thậm chí là của chính Isayama nữa.
Isayama thậm chí còn từng thừa nhận, ông đã có một cái kết "gốc" ban đầu, nhưng đã có những sự thay đổi để chúng ta có một cái kết như ở trong manga. Vậy, liệu có khả năng cái kết gốc ấy sẽ được chuyển thể hay không, hay chúng ta lại phải #ReleasetheIsayamaCut?
Bài viết này sẽ bao gồm những phân tích về sự cài cắm khéo léo các chi tiết dự báo trước sự tồn tại của cái kết ấy, để vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về cái kết gốc của AOT (từ giờ sẽ gọi là anime ending, giả sử là nó thực sự được chuyển thể), cũng như so sánh và đối chiếu với cái kết của manga (từ giờ sẽ gọi là manga ending).

DISCLAIMER & WARNING

1, Tôi sẽ không so sánh cái kết nào hay hơn cái kết nào bởi cả 2 đều là ý tưởng của tác giả. Hơn nữa, tôi không muốn làm những người thích manga ending nổi giận, tôi biết có những người thực sự thích nó. Việc cái nào hay hơn hoặc dở hơn là do quan điểm từng người.
2, Nếu cái kết gốc không được chuyển thể, mà MAPPA quyết định trung thành với nguyên tác, mong các bạn đừng quay lại đây và nói rằng bài viết này thật nhảm c*t. Tôi đã mua sẵn mặt nạ chú hề và bộ tóc giả sặc sỡ rồi, đến lúc đó tôi sẽ tự động mặc vào, không cần ai phải nhắc đâu, hì hì.
3, Những phân tích này phần lớn KHÔNG PHẢI CỦA TÔI. Tôi chỉ tổng hợp lại và dịch lại. Nguồn tham khảo sẽ được để ở cuối bài.
4, Bài viết này rất dài. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian quý báu của mình ra để đọc nó. Tôi rất thích AOT và tôi rất cảm kích khi được chia sẻ những gì mình tìm hiểu được cho những người cùng chung sở thích với tôi. Còn nếu các bạn lười đọc thì ở cuối bài sẽ có mục "dài quá, ngại đọc". Yên tâm.
5, Bài viết không có tính kết luận chắc chắn về việc cái kết nào là canon còn cái kết nào thì không.

I, NGƯỢC VÀ XUÔI

Nếu bạn chịu khó để ý, bạn sẽ thấy rằng, có rất nhiều sự khác biệt giữa anime và manga của Attack on Titan. Có rất nhiều thứ bị lật ngược lại hoặc khác biệt so với manga khi được đưa lên anime, nhiều đến mức chỉ có thể là do cố tình.
Đầu tiên là cảnh Eren tỉnh giấc ở chap 1. Trong manga, Mikasa đã đánh thức Eren và Eren có một giấc ngủ sâu thoải mái. Nhưng trên anime, Eren tự tỉnh giấc với khuôn mặt thất thần, như thể cậu đã mơ thấy một cơn ác mộng. Ngoài ra, câu nói "Hẹn gặp lại sau, Eren" cũng không hề có ở trên anime. Liệu có phải nhà sản xuất đã quên? Chưa kể, khi ở trên anime, Mikasa đã quay sang trái để nhìn Eren, nhưng trong manga lại là quay sang phải. Hơn nữa, chiếc khăn của Mikasa khi lên anime thì có màu đỏ, nhưng ở nguyên tác thì chiếc khăn đó lại có màu đen chứ không phải đỏ. Có thể thấy điều đó ở bìa của các tập truyện. Isayama cũng tham gia vào quá trình sản xuất anime nên không thể có chuyện người ta bỏ sót việc chiếc khăn có màu khác manga được. Hãy ghi nhớ chi tiết chiếc khăn đen, bởi nó sẽ còn được nhắc lại ở bên dưới!
Từ trái sang phải: Eren tỉnh dậy trong manga và anime/Mikasa quay sang Eren từ 2 phía khác nhau/Khăn của Mikasa có màu khác nhau
Từ trái sang phải: Eren tỉnh dậy trong manga và anime/Mikasa quay sang Eren từ 2 phía khác nhau/Khăn của Mikasa có màu khác nhau
Chưa dừng lại ở đó, cũng có rất nhiều cảnh khác ở anime đối lập hoàn toàn so với manga về màu sắc hoặc góc nhìn. Chẳng hạn, ai cũng biết rằng biểu tượng của Eren chính là loài chim. Ở trong manga, tại trận đánh vây hãm thành Slava của quân đội Marley, chúng ta bắt gặp một con chim trắng bay từ biển vào. Nhưng khi lên anime thì đó lại là một con chim đen bay từ đất liền ra biển.
Hình ảnh chim màu đen xuất hiện rất nhiều trong anime AOT. Bạn có thể cho rằng chi tiết này không quan trọng, nhưng...
Cái này là từ insta chính thức của nhà phát hành anime. "Có cái gì đó khác biệt ở đây... Không thể nói được chính xác, nhưng CÓ CÁI GÌ ĐÓ khác biệt...". Nếu họ đã úp mở như thế thì chúng ta càng không thể làm ngơ được.
Cái này là từ insta chính thức của nhà phát hành anime. "Có cái gì đó khác biệt ở đây... Không thể nói được chính xác, nhưng CÓ CÁI GÌ ĐÓ khác biệt...". Nếu họ đã úp mở như thế thì chúng ta càng không thể làm ngơ được.
Không những thế, cánh chim màu đen và trắng còn xuất hiện ở bức ảnh từ 2015 này của ban nhạc Linked Horizon - những người phụ trách các ca khúc mở đầu và kết thúc của AOT:
Về mặt ý nghĩa hình ảnh biểu tượng, chim trắng thường được liên tưởng tới bồ câu - loài chim của hòa bình, còn nhắc tới chim đen thì người ta hay nghĩ tới quạ - loài chim chuyên xuất hiện ở các bãi chiến trường hoặc tha ma để ăn xác chết, đại diện cho mất mát tang thương. Linked Horizon đã làm việc cùng Isayama từ những ngày đầu của anime và đã được cho biết trước cách mà nó sẽ kết thúc. Có lẽ tôi đang quá high và các bạn sắp hỏi tôi rằng tôi mua đồ ở đâu mà ngon thế, nhưng tôi nghĩ rằng, cánh chim trắng chính là biểu tượng của cái kết trong manga - một cái kết yên bình êm ả nơi hầu hết mọi người đều sống, còn cánh chim đen đẫm máu là biểu tượng của cái kết trong anime - một cái kết đen tối và đau đớn hơn?
Khi Kiyomi Azumabito đến gặp chính quyền đảo Paradis để đệ trình lên kế hoạch của Zeke, trong đó có việc Historia phải kế thừa Titan Quái Thú và sinh con đẻ cái thật nhiều trong 13 năm nhiệm kì, Eren trong manga đã phản ứng lại một cách cực kì lạnh lùng điềm đạm như thế này:
Đọc từ phải sang trái nhé
Đọc từ phải sang trái nhé
Nhưng ở anime thì hoàn toàn khác: biểu cảm cận mặt của Eren được thể hiện rõ hơn rất nhiều so với manga, ánh mắt ngùn ngụt lửa giận, mặt nhăn nhiều hơn, răng nghiến lại, cộng với một giọng nói gần như là đe dọa và đầy căm phẫn:
Phải dành lời khen cho Yuki Kaji - seiyuu của Eren - cho màn thể hiện này
Chưa dừng lại ở đó, khoảnh khắc mà anh em nhà Yeager vào trong Tọa Độ, có cái gì đó rất khác với nguyên tác ở đây. Đầu tiên, các khung hình trên anime và các panel manga cũng bị lật ngược lại với nhau:
Ngoài ra, phản ứng của Eren khi vào Tọa Độ ở manga và anime rất khác nhau. Trong manga, Eren gần như cảm thấy bị choáng ngợp bởi không gian bên trong Tọa Độ, thậm chí còn không biết mình là ai, còn ở anime thì anh ta không hề biểu lộ cảm xúc ấy. Bạn có thể thấy ánh mắt của hai Eren rất khác nhau. Phải chăng, Eren anime đã biết trước về nơi này thông qua một cách nào đó?
Phải chăng, đây là ánh mắt của một người không biết mình đang ở đâu và sẽ làm gì, và ánh mắt của một người biết rõ nơi này là thế nào và mọi chuyện sắp diễn biến ra sao?
Phải chăng, đây là ánh mắt của một người không biết mình đang ở đâu và sẽ làm gì, và ánh mắt của một người biết rõ nơi này là thế nào và mọi chuyện sắp diễn biến ra sao?
Sau đó, khi được hỏi về cái "viễn cảnh" mà mình đã nhìn thấy ở tương lai, Eren ở manga và anime cũng có những biểu hiện khác nhau:
Ở manga, Eren đã nhìn thấy một thứ gì đó thật đẹp và đáng để hi sinh vì nó. Ở anime, Eren không nói gì và chỉ trưng ra ánh mắt sắc lạnh, chứng tỏ thứ mà Eren anime nhìn thấy ở tương lai là một chuyện không hề tốt đẹp, thậm chí là cực kì khủng khiếp.
Ở manga, Eren đã nhìn thấy một thứ gì đó thật đẹp và đáng để hi sinh vì nó. Ở anime, Eren không nói gì và chỉ trưng ra ánh mắt sắc lạnh, chứng tỏ thứ mà Eren anime nhìn thấy ở tương lai là một chuyện không hề tốt đẹp, thậm chí là cực kì khủng khiếp.
Ngoài ra, khung hình này cũng không hề xuất hiện trong manga. Khi Eren kích hoạt rung chấn, thứ cuối cùng mà chúng ta thấy trước khi chuyển sang khuôn mặt kinh dị của Titan Thủy Tổ, chính là...
Giờ là miếng ghép quan trọng nhất: khoảnh khắc sau khi kích hoạt rung chấn ở trong manga, ở chap sau đó, chúng ta đã có đoạn flashback của Mikasa, về chuyến hành trình thâm nhập đất liền của quân Trinh Sát đảo Paradis, nơi mà Eren đã hỏi cô câu hỏi này:
Nhưng, ở anime tập 80, cũng như ở tập 81, chúng ta không hề được chứng kiến ký ức của Mikasa, mặc dù đó là những gì xảy ra trong manga và đúng ra nó nên được lên hình ngay trong tập 81.
Vậy, tại sao? Tại sao những khung hình này lại bị lật ngược? Tại sao màu sắc lại không giống nhau? Tại sao biểu cảm nhân vật lại khác nhau? Tại sao lại có những thứ được thêm thắt vào? Chẳng lẽ WIT và MAPPA đều hoặc là vô cùng cẩu thả, hoặc là thiếu tôn trọng nguyên tác và tự làm theo ý mình? Hoặc họ chỉ làm thế cho nó khác nguyên tác một tí? Hay họ chỉ muốn thêm mắm muối thôi? Hãy nhớ là, Isayama theo dõi quá trình chuyển thể rất sát sao, do đó, nếu có thứ gì đó được đưa lên màn ảnh mà khác với bản manga, chắc chắn Isayama BIẾT điều đó. Bạn cũng có thể lập luận rằng tất cả chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng trùng hợp nhiều đến mức này thì chỉ có thể là cố tình mà thôi. Họ đang sắp đặt cho một điều gì đó RẤT LỚN.
Bạn sẽ nói với tôi rằng "Ừ, anh bạn, tôi hiểu, nhưng tất cả có ý nghĩa gì?". Được rồi, hãy bình tĩnh và ngồi (hoặc đứng, nằm gì cũng được) và nghe tôi nói tiếp. Ban nãy chúng ta có hình ảnh, bây giờ hãy nói về âm thanh, mà cụ thể là âm nhạc.

II, NHẠC ENDING

AKATSUKI NO REQUIEM - đó là tên của bài hát kết thúc anime season 3, part 1. Bài hát được sáng tác và trình bày bởi nhóm nhạc Linked Horizon, và Isayama đã có làm việc với họ cũng như đội ngũ sản xuất anime trong suốt quá trình anime lên sóng. Họ đã làm một MV cho ca khúc này với nhiều hình ảnh biểu tượng, nhiều người cho rằng những hình ảnh ấy chính là cái kết gốc của Isayama. Nghi ngờ là có cơ sở, bởi nhóm nhạc đã được Isayama chia sẻ về cái kết gốc từ nhiều năm trước. Thậm chí đã có những người viết cả một fanfic dựa trên MV này, nếu bạn thích thì hãy google "AOT no Requiem" và tìm đọc. Còn bây giờ, hãy xem hết MV này trước khi đọc tiếp, bởi nó rất quan trọng.
"Câu chuyện bắt đầu với một sinh vật trắng kì lạ, và một kẻ mặc áo đen luôn xuất hiện trước sinh vật trắng kia. Chúng tôi mong rằng khán giả sẽ khám phá ra được 'sự thật' khi nó dần được hé lộ trên tiến trình của câu chuyện" _Saori Watanabe - đạo diễn của MV Akatsuki no Requiem_
Xem đi rồi hẵng đọc tiếp.
Theo như MV này, thì các hình ảnh biểu tượng có ý nghĩa như sau, và anime ending sẽ diễn ra như sau:
Quả bóng lông chính là Eren lúc còn nhỏ, còn người mặc áo đen là Eren lúc trưởng thành. Ngôi mộ là ngôi mộ của Mikasa. Eren Lớn triệu hồi Eren Nhỏ thông qua Tọa Độ nhờ năng lực của Titan Thủy Tổ. Lúc này, Eren Lớn đã hoàn thành Rung Chấn, giết chết toàn bộ nhân loại bên ngoài đảo Paradis, trong đó có cả những người bạn lên đường ngăn cản anh ta (từ giờ sẽ gọi họ là Liên Minh đi cho gọn). Người dân Paradis rời đảo ra ngoài thế giới định cư, đạt được hòa bình cũng như sự phát triển thịnh vượng. Eren có một gia đình với Historia. Anh ta sống phần còn lại của cuộc đời trong đau khổ và dằn vặt tội lỗi. Eren Nhỏ nhìn thấy cảnh Eren Lớn tàn sát nhân loại, những cánh bướm trắng đại diện cho những sinh mạng đã mất. Những cánh bướm đậu lên mũi tên rồi rơi xuống là những người trong Liên Minh đã bị Eren Lớn sát hại. Eren Nhỏ phẫn nộ và muốn giết chính mình ở tương lai. Rồi sau đó chúng ta thấy Eren Lớn đang chống gậy (có lẽ lúc này đã già) đứng trước ngôi mộ. Eren Nhỏ nhận ra rằng đó là cách duy nhất để hòn đảo có được tự do. Cái lông vũ màu xanh trên Eren Nhỏ chính là ký ức về giấc mơ này của cậu, điều mà Eren lớn sẽ khiến cậu quên khi cậu tỉnh giấc. Eren Nhỏ tỉnh dậy dưới gốc cây, chúng ta quay trở về với tập 1 của anime.
Nếu bạn có nghi ngờ nào về chuyện này, hãy nhớ rằng MV của Akatsuki no Requiem được tạo ra vào năm 2018, còn Rung Chấn thì được lên manga từ năm 2019. Linked Horizon CHẮC CHẮN biết về Rung Chấn cũng như những gì xảy ra sau nó.
Giờ, chúng ta sẽ đối chiếu nó với manga ending, và chúng ta có thể thấy, ở 2 ending thì Eren đều triệu hồi một phiên bản "nhỏ tuổi" của ai đó tới nói chuyện với mình, đó là chính bản thân anh ta hoặc là Armin - bạn thân của anh ta:
Eren triệu hồi Eren Nhỏ/Armin Nhỏ vào Tọa Độ, và nói chuyện với Eren Nhỏ/Armin Nhỏ
Eren triệu hồi Eren Nhỏ/Armin Nhỏ vào Tọa Độ, và nói chuyện với Eren Nhỏ/Armin Nhỏ
Eren Nhỏ/Armin Nhỏ nhận ra Eren Lớn đã giết rất nhiều người
Eren Nhỏ/Armin Nhỏ nhận ra Eren Lớn đã giết rất nhiều người
Eren Nhỏ/Armin Nhỏ kinh hãi khi thấy Eren Lớn đã tàn sát nhân loại ra sao
Eren Nhỏ/Armin Nhỏ kinh hãi khi thấy Eren Lớn đã tàn sát nhân loại ra sao
Eren Nhỏ/Armin đi theo Eren Lớn để chứng kiến thế giới hậu Rung Chấn
Eren Nhỏ/Armin đi theo Eren Lớn để chứng kiến thế giới hậu Rung Chấn
Eren Nhỏ tức giận và muốn giết Eren Lớn/Armin cảm thông và biết ơn Eren Lớn
Eren Nhỏ tức giận và muốn giết Eren Lớn/Armin cảm thông và biết ơn Eren Lớn
Eren Nhỏ/Armin tỉnh dậy và quên mọi thứ
Eren Nhỏ/Armin tỉnh dậy và quên mọi thứ
Ngoài ra thì, chúng ta có thể thấy những sự tương phản khác, chẳng hạn như sau: - Eren tuân theo ý chí của riêng mình/Eren đi theo con đường do Ymir vạch sẵn. - Người được Ymir "lựa chọn" là Eren/Người được Ymir "lựa chọn" là Mikasa. - Liên Minh không ngăn được Eren và chết hết/Liên Minh ngăn được Eren và sống sót nguyên vẹn. - Người Eren yêu là Historia/Người Eren yêu là Mikasa. - Eren sống/Eren chết. - Eren thăm mộ Mikasa/Mikasa thăm mộ Eren. - Người cha là Eren/người cha là anh nông dân. - Eren có gia đình với Historia/Mikasa có gia đình với Jean (?). - Eren sống trong dằn vặt đau đớn vì đã giết bạn bè/Mikasa sống trong nuối tiếc vì người cô yêu đã chết để cô được sống. - Eren lúc đã già đến viếng mộ Mikasa/Mikasa lúc đã già đến viếng mộ Eren. - Eren chết vì tuổi già/Mikasa chết vì tuổi già. - Một con bướm đậu lên mộ Mikasa/Một con chim đến quàng khăn cho Mikasa ở mộ Eren. - Rung chấn 100%, bảo vệ Paradis thành công/Rung chấn 80%, bảo vệ Paradis thất bại. - Eldia được hòa bình và thịnh vượng, phát triển vượt bậc/Eldia không được hòa bình, chính quyền độc tài quân sự của phái Yeager lên nắm quyền và chuẩn bị cho chiến tranh, Paradis cuối cùng bị hủy diệt trong một cuộc chiến với thế giới. - Sức mạnh Titan được xóa bỏ (Eren sống đến già)/Sức mạnh Titan không được xóa bỏ, vòng lặp vẫn tiếp tục (cái cây nơi có mộ Eren lại trở thành nơi chứa sức mạnh Titan, chờ được thức tỉnh). Quá nhiều điểm tương phản, như thể chúng phản chiếu nhau qua gương vậy, phải không?
Chưa hết đâu, hình ảnh những con bướm lại một lần nữa xuất hiện tại CD cover của Akatsuki no Requiem:
Chỉ có Eren và Historia còn sống, còn tất cả những ai thuộc Liên Minh đều đã bỏ mạng?
Chỉ có Eren và Historia còn sống, còn tất cả những ai thuộc Liên Minh đều đã bỏ mạng?
Nếu những cánh bướm là đại diện cho Mikasa và/hoặc những người ở Liên Minh đã bỏ mạng, thì hình ảnh này ở opening season 4 part 2 lại có một ý nghĩa hoàn toàn mới:
Ca khúc thứ hai mà chúng ta mổ xẻ sẽ là ca khúc ending của season 4 part 2 đang phát sóng. Bởi nó bổ sung khá nhiều context cho Akatsuki no Requiem.
Nhiều người cho rằng, Akuma no Ko chứng tỏ rằng manga ending mới là cái kết đúng. Thực tế là, Akuma no Ko cho thấy điều ngược lại. Bạn có thấy điều gì tương tự với Akatsuki no Requiem không? Đúng thế, Eren Nhỏ đứng giữa một cánh đồng hoa trắng, cánh hoa bay khắp nơi, và đang cầm một thứ vũ khí.
Không những vậy, đoạn credit của season 3 part 1 (Akatsuki no Requiem) và credit của season 4 part 2 (Akuma no Ko) có rất nhiều điểm tương đồng, ví dụ:
Ở cảnh tiếp theo, khi chiếc khăn của Eren hóa thành chim bay đi, ai cũng nghĩ rằng điều này dự báo cho manga ending (nơi mà Eren hóa thành chim?). Đây là cái mà ai cũng hiểu lầm. Con chim bay đi đến khi đụng vào chiếc lồng ở bên trên, chỗ này thì giống với manga ending thật, đại diện cho việc Eren manga cố gắng chạy trốn khỏi số phận (con đường do Ymir vạch ra) nhưng thất bại. Chiếc lồng vẫn còn đó. Nhưng ngay sau đó, chiếc lồng và con chim đã biến mất, toàn bộ không gian bừng sáng. Eren đã thoát khỏi số phận và được tự do. Khát khao tự do của Eren đã chiến thắng tất cả và đập tan những chiếc lồng giam giữ anh ta. Khi không bị điều gì ràng buộc nữa (số phận, tình bạn, tình yêu, nhân tính...), Eren có thể bật full mode hủy diệt và giẫm nát 100% nhân loại.
Tiếp theo đó là những hình ảnh này. Nhiều người nghĩ rằng, Eren đang bất ngờ và hạnh phúc khi nhìn thấy một thế giới đổ nát, tức là Eren đang nhìn thấy một thế giới hậu Rung Chấn. Nhưng nếu để ý kỹ, thì cảnh vật ở đây và ở thế giới bên ngoài trông rất khác nhau, cảnh vật và kiến trúc ở đây trông có vẻ "cổ lỗ sĩ" hơn thế giới bên ngoài nhiều. Hơn nữa, nếu bị Titan Đại Hình giẫm đạp thì tại sao vẫn còn cây cối, và những ngôi nhà trông vẫn còn kết cấu vậy? Đúng ra tất cả phải bị Titan giẫm bẹp dí rồi chứ?
Ngoài ra, hãy nhìn vào ảnh ở góc trái dưới. Trông rất quen phải không? Bởi vì, đó chính là Hoàng Cung của Paradis!
Đây không phải một Paradis bị phá hủy bởi bom đạn, mà là một Paradis bị bỏ hoang. Chứng tỏ rằng người dân ở đây đều đã tới một nơi khác sinh sống, mà khả năng cao chính là thế giới bên ngoài. Điều này phù hợp với giả thuyết về việc người Eldia rời đảo ra thế giới định cư, và cũng lí giải tại sao Eren Nhỏ lại trông hạnh phúc và hào hứng khi nhìn thấy một Paradis bị bỏ hoang: các bức tường đã sụp đổ và mọi người có thể ra ngoài khám phá thế giới, không phải sống như lũ gia súc nữa, đúng như những gì cậu ta muốn.
Còn rất nhiều sự cài cắm khác ở các bài hát khác, thậm chí là từ season 1, gợi ý về một cái kết khác với manga, một cái kết đẫm máu như những gì Akatsuki no Requiem mô tả, nhưng tôi sẽ chỉ dừng ở đây vì bài viết sẽ quá dài mất.
Nói tóm lại, có QUÁ NHIỀU SỰ TRÙNG HỢP. Trùng hợp đến mức chúng chỉ có thể được nghĩ ra bởi cùng một người. Bạn không thể nói rằng việc ca khúc ending và cái kết manga có quá nhiều điểm song song chỉ là ăn may, phải có một ai đó cùng lên ý tưởng cho cả hai. Do đó có thể nói rằng, hai cái kết này không loại trừ nhau mà chúng bổ sung cho nhau, là những phiên bản song song của nhau. Thậm chí bạn có thể nói rằng manga và anime là hai dòng thời gian độc lập với hai cái kết khác nhau cũng được. Ủa, chúng ta đang nói về ĐA VŨ TRỤ ư?????

III, ĐA VŨ TRỤ AOT??

Đến đây thì chắc nhiều người muốn tắt Spiderum đi rồi, vì tự dưng lại vào đọc bài viết của một thằng dở hơi, nhưng gượm đã. Hãy nghĩ về việc anime và manga là hai dòng thời gian tách biệt nhau và bạn sẽ thấy mọi chuyện bỗng nhiên lại có lý: từ sự lật ngược các khung hình, sự thay đổi màu sắc của một số chi tiết, thay đổi ở chính Eren, hai cái kết khác nhau... tất cả trở nên ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều người có thể cho rằng tất cả chỉ là phỏng đoán. Chỉ với mấy khung hình lật ngược và một cái MV thì không đủ để chứng minh cho sự tồn tại của một "đa vũ trụ AOT" được.
Ấy là cho đến khi tập 78 lên sóng.
Chính là khoảnh khắc này
Khi Gabi bắn bay đầu Eren ở tập 78 của anime, Zeke đã bắt được cái đầu của Eren. Cả hai anh em được đưa vào Tọa Độ, nhưng trước đó chúng ta được lướt qua một loạt những hình ảnh từ ký ức của Eren. Nhưng, có phải thực sự tất cả đều là những ký ức không? Bởi vì trong đó có những hình ảnh rất lạ.
Đầu tiên là hai hình ảnh này.
Ở bên trái là hình ảnh rất nhiều anh chàng lực lưỡng, với người ở giữa trông khá giống Reiner, đang ngồi trong một phòng xông hơi. Ở bên phải là một Mikasa với phong cách goth và một Armin nerd đeo kính cận. Hai hình ảnh này 100% không thuộc về dòng thời gian chính trong anime, do thực sự là không phù hợp chút nào với thế giới quan của AOT.
Ảnh bên trái là một alternative cover của tập 31 manga, một thế giới khác nơi những người đàn ông của AOT cùng tụ tập đi tắm xông hơi.
Ladies, scroll down please ;)
Ladies, scroll down please ;)
Hình bên phải là từ fake preview của manga AOT, nơi mà Isayama vẽ các bản preview giả (preview: một hoặc hai trang truyện cho biết sơ lược nội dung tập tiếp theo) với chủ đề trường học: khi các nhân vật AOT là những nhân vật học sinh điển hình tại một trường trung học điển hình ở Mỹ.
Trong đó: Eren là một "người bình thường" không có gì nổi bật, Mikasa là một cô nàng goth, còn Armin là một thằng nerd otaku.
Trong đó: Eren là một "người bình thường" không có gì nổi bật, Mikasa là một cô nàng goth, còn Armin là một thằng nerd otaku.
Nếu như hai hình ảnh đó thực sự không liên quan tới dòng thời gian chính, tại sao nó lại xuất hiện ở đó? Bạn có thể gọi nó là các easster egg, nhưng chúng không phải. Easter egg trong game, phim và truyện thường sẽ bé nhỏ, rất khó nhận ra, đóng vai trò như là những phần thưởng nhỏ của tác giả dành cho những khán giả nhanh tay tinh mắt và chịu khó tìm hiểu sâu về cốt truyện cũng như những thứ liên quan. Còn ở đây, hai hình ảnh trên đều chiếm trọn một khung hình, không hề bé nhỏ hay khó nhận ra chút nào, cũng chẳng cần phải là wibu chúa ngồi cày anime và hoạt động trên mấy subreddit anime 14 tiếng 1 ngày thì mới nhận ra chúng trông thật lạc quẻ.
Hãy nhớ rằng, anime này được sản xuất ra bởi một công ty, từng giây một trên mỗi tập phim mà bạn xem đều được đầu tư tiền của và công sức vào trong đó. Trừ khi hãng phim là một lũ khờ, tất cả những gì mà họ đưa lên màn ảnh đều phải có một ý nghĩa nào đó và đều phải phục vụ cốt truyện theo cách này hay cách khác, không thì phí tiền vào đấy làm gì. Vậy, việc đưa hai hình ảnh kia vào đoạn flashback của Eren có ý nghĩa ra sao?
Bạn gọi cái này là easter egg còn được. Chứ trọn một khung hình như trên ư?
Bạn gọi cái này là easter egg còn được. Chứ trọn một khung hình như trên ư?
Hãy nhìn tiếp ở đây. Hình ảnh đầu tiên lướt qua trí óc Eren sau khi cái đầu của anh ta được Zeke đỡ, nhưng khoan, có cái gì đó không đúng:
Còn nhớ tôi nói gì về việc Mikasa ở tập 1 anime đã quay sang TRÁI để nhìn Eren không? Nhưng rõ ràng ở đây, cô bé đang quay sang PHẢI. Chưa hết, hãy nhìn chiếc khăn Mikasa đang đeo. Bạn thấy điều gì đặc biệt chưa? Đúng vậy, nó màu ĐEN chứ không phải ĐỎ. Bạn có thể cho rằng filter và hiệu ứng làm sắc đỏ của nó yếu đi, nhưng như thế thì áo hồng mà Mikasa mặc cũng như khuôn mặt của cô trông cũng phải nhợt nhạt đi theo. Hơn nữa, nếu MAPPA muốn, họ có thể dựng lại cảnh của WIT từ mùa 1 để tạo ra một cảnh flashback đúng với dòng thời gian trên anime, việc gì phải lên ý tưởng lại từ đầu để rồi lại sai những cái cơ bản không đáng để sai như vậy? Và, như đã nói ở trên, từng khung hình mà bạn thấy đều được đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền của vào, do đó chúng đều phải có một mục đích gì đó thì mới được cho lên hình.
Hãy so sánh dáng đứng của Mikasa trong "flashback" với Mikasa trong manga và Mikasa ở tập 1 anime. Ngoài ra, hãy đối chiếu màu của chiếc khăn với anime và với ảnh bìa tập 27.
Hãy so sánh dáng đứng của Mikasa trong "flashback" với Mikasa trong manga và Mikasa ở tập 1 anime. Ngoài ra, hãy đối chiếu màu của chiếc khăn với anime và với ảnh bìa tập 27.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả nằm trong tính toán của Isayama và đội ngũ sản xuất: đây không phải là Mikasa của dòng thời gian trong anime, ĐÂY LÀ MIKASA CỦA DÒNG THỜI GIAN TRONG MANGA. Và do đó, tôi có thể dám đánh cược cả hai "hòn" của mình mà nói với bạn rằng: nhà đài muốn gửi gắm tới người xem thông điệp về sự tồn tại của các dòng thời gian chạy song song, nói cách khác, ĐA VŨ TRỤ!
Nếu sự tồn tại của đa vũ trụ là có thật, thì việc anime và manga có những điểm khác biệt then chốt như đã nói ở trên chính là điều dễ hiểu. Và, việc anime có một cái kết khác với cái kết manga cũng có thể được giải thích bằng việc anime và manga là hai dòng thời gian chạy song song! Với những chi tiết được cài cắm như ở trên, nhà sản xuất đã cho chúng ta thấy rằng, giả thuyết về các dòng thời gian song song/đa vũ trụ là có thật, và một cái kết khác với cái kết manga là hoàn toàn khả thi, nếu không muốn nói là CHẮC CHẮN.

IV, NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?

Đây mới là bằng chứng lớn nhất để cái kết gốc được lên sóng anime, đội ngũ sản xuất đã nói về nó! Có thể sound editor (Mima-san) đã sơ suất tiết lộ nó và rồi Yuki Kaji đã chữa cháy theo kiểu Andrew Garfield và Spiderman: No Way Home, nhưng họ đã gián tiếp xác nhận nó.
Bruh
Bruh
Phải, tôi đã bị lừa 1 lần và tôi không dễ bị lừa lần 2 đâu. Hơn nữa, nếu thực sự không hề có một cái kết khác manga, thì tại sao Mima-san lại vô tình nói về nó như thế? Và Yuki Kaji phải chữa cháy một cách gượng gạo như vậy?
Ngoài ra, Isayama đã từng thừa nhận rằng mình thích trò chơi điện tử "Muv Luv" và nói rằng đã lấy ý tưởng từ trò chơi này rất nhiều. Trong Muv Luv, một thảm họa xâm lăng của những sinh vật ngoài hành tinh xảy ra, nhân vật chính thất bại trong việc tiêu diệt bọn ngoài hành tinh và phần lớn nhân loại đã diệt vong. Nhiều fan không thích cái kết này chút nào. Nhưng rồi sau một thời gian, nhà phát hành game tung ra một trò chơi mới với tên gọi Muv Luv Alternative. Hóa ra, nhân vật chính đã ở trong một vòng lặp và mọi thứ lại bắt đầu lại, và cái kết ở Muv Luv Alternative được coi như là cái kết "thực sự" của trò chơi. Trước đó, tất cả những gì người chơi được biết về Muv Luv Alternative là thông qua các manh mối vụn va Những người ở cộng đồng fan AOT đã từng chơi Muv Luv cũng xác nhận điều này, và việc Isayama cũng là một fan của Muv Luv là đủ để khiến người ta nghi ngờ xem liệu ông có học theo cách kể chuyện của Muv Luv hay không.

V, Ý NGHĨA

Vậy, nếu như anime có một dòng thời gian khác manga, và cái kết của cả hai không giống nhau, điều này có ý nghĩa gì?
Đầu tiên, chúng ta phải quỳ xuống trước Isayama. Nếu ông thực sự đã tính đến tất cả những điều này từ ngày đầu tiên, thì không phải bàn cãi gì nữa, ông chính là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất còn đang sống. Thậm chí coi ông là một Christopher Nolan của anime và manga cũng được, ông quá xứng đáng với danh hiệu ấy. Tôi chắc chắn trong rất nhiều năm nữa, chúng ta sẽ khó mà gặp được một người khác cũng như ông ấy. ALL HAIL LORD ISAYAMA!
Tiếp đó, tại sao lại là hai cái kết? Tôi có thể nghĩ tới một vài lí do. Thứ nhất, Isayama không muốn những người đọc trước manga có thể spoil trước cái kết thật cho những người chỉ xem anime, và ông muốn cả hai nhóm đều có một trải nghiệm như nhau khi anime lên sóng. Thứ hai, Isayama muốn cho người xem thấy hai cái kết khác nhau như là hai hệ quả của những lựa chọn khác nhau của các nhân vật - một điều rất thú vị và chiều lòng người hâm mộ của tác giả.
Quan trọng hơn nữa, điều này sẽ cách mạng hóa mối quan hệ giữa nguyên tác manga và chuyển thể anime từ nay về sau, khi mà anime không nhất thiết phải trung thành với bản gốc 100% mà các tác giả có thể tạo ra hai cái kết ở manga và anime, để người xem được thưởng thức thật trọn vẹn.

VI, PHẢN BIỆN

1, "Tất cả chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên"

KHÔNG. KHÔNG. VÀ KHÔNG. Trùng hợp ngẫu nhiên có thể xảy ra ở một hoặc một vài điểm. Nhưng với quá nhiều điểm trùng hợp như vậy thì chỉ có thể là do cố tình mà thôi, không thể nào có chuyện trùng hợp. Kể cả khi bạn có từ chối tin vào một cái kết khác, bạn cũng phải thừa nhận rằng đã có những chi tiết cài cắm như vậy để thể hiện rằng giả thuyết nhiều timeline là có thật, và đang được triển khai. Hãy nhớ, tất cả những gì lên hình được đều là có lí do của nó.

2, "Cái kết manga mới là cái kết đúng bởi vì nó có trước"

Cái này thì tùy bạn. Theo quan điểm của tôi, do đây là hai dòng thời gian chạy song song nên sẽ chẳng có cái nào là đúng hay không đúng cả. Có thể bạn cho rằng cái kết manga là cái kết canon, nhưng cũng có người cho rằng anime mới là canon. Nếu tôi xuất phát từ dòng thời gian khác với dòng thời gian của bạn, nơi mặt trời mọc ở phía Tây và kem đánh răng được 10/10 nha sĩ khuyên dùng, tôi sẽ nói timeline của tôi mới là chính còn của bạn chỉ là phụ. Nói tóm lại, nó tùy vào góc nhìn. Bạn thích cái kết nào thì hãy coi nó là cái kết chính.

3, "Cái kết mới phá hỏng cái kết manga"

Có thể. Nhưng theo tôi, cái kết mới đã tạo thêm chiều sâu cho cái kết manga. Cũng như cái kết manga tạo thêm chiều sâu cho cái kết mới. Chúng ta có thể thấy chúng tương phản nhau như thể chúng là những hình ảnh phản chiếu qua gương của nhau vậy. Sự có mặt của hai cái kết khiến cho câu chuyện trở nên sâu sắc và đồ sộ hơn rất nhiều.

4, "Đừng có đục thuyền EreMika nữa, fan EreHisu cay cú à?"

Tôi đọc truyện không phải vì ship siếc gì đâu nên đừng có chụp mũ thế nhé. Đối với tôi thì thứ làm AOT hay là ở thế giới, xây dựng nhân vật, và sự liên hệ đến thế giới thực của chúng ta chứ không phải những câu chuyện tình cảm bên lề. Nếu bạn thưởng thức một câu chuyện nhiều chiều sâu như AOT mà thứ duy nhất bạn quan tâm là ai chén được ai thì tốt nhất bạn nên mở tenhai lên đọc, hì hì. Như đã nói ở trên, bạn thích cái kết nào thì hãy cứ coi nó là cái kết chính, người khác nói gì thì cứ kệ họ.

5, "Thằng này chắc chơi đồ nên mới nghĩ mấy cái như thế"

Well, thế nên người ta mới có từ "hopium" đó bạn. (Hopium = hope + opium, hi vọng + thuốc phiện).

VII, TỔNG KẾT

DÀI QUÁ, NGẠI ĐỌC: Nhà sản xuất đã lồng ghép vào anime những chi tiết chứng minh cho giả thuyết về đa vũ trụ, trong đó anime và manga là hai dòng thời gian khác nhau. Cái kết của anime sẽ khác cái kết của manga. Ở cái kết anime, Eren sẽ hủy diệt cả thế giới thành công. Mikasa, Armin, Levi, Reiner... đều sẽ bỏ mạng dưới tay Eren. Eren là chủ nhân của cái thai trong bụng Historia. Paradis được tự do và hòa bình. Eren sống phần còn lại của cuộc đời trong tội lỗi vì đã xuống tay với bạn bè mình.
Tất nhiên, toàn bộ những suy đoán ở trên chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết. Tôi có thể nói đúng hoặc nói sai. Season 4 part 2 đang được phát hành và chúng ta vẫn đang liên tục nhận được thêm những gợi ý của nhà sản xuất. Tôi khá chắc rằng xác suất tồn tại một cái kết khác cho anime lúc này lên tới khoảng 70% rồi. Nếu Isayama thực sự quyết định bỏ hết tất cả những thứ này, thì ông ta là một kẻ ngốc. Nhưng Isayama mà tôi biết thích chơi đùa với trái tim của khán giả lắm, hãy cùng ngồi chờ xem sao.
Nhưng đây chưa phải là khoảnh khắc quyết định. Khoảnh khắc đó sẽ nằm ở tập cuối của season 4 part 2 (chưa phải kết thúc), tức là ở khoảng chapter 130 - 131. Khả năng cao sẽ có một gợi ý to đùng về việc cái kết sẽ khác đi được tung ra. Những gì chúng ta nên làm lúc này là chờ đợi và hi vọng.

Nguồn tham khảo: